Hội thảo Quốc tế “1000 năm Thăng Long – Hà Nội: Những dấu ấn kiến trúc qua năm tháng”
* Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam
Với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, những chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc – quy hoạch, văn hóa, lịch sử có uy tín trong nước và quốc tế, thông qua hội thảo, Hội KTS Việt Nam mong muốn những vấn đề về kiến trúc – quy hoạch Thủ đô sẽ được nêu lên và làm sáng tỏ, từ đó, cung cấp cái nhìn toàn diện hơn, thực tế hơn về bảo tồn và phát triển kiến trúc đương đại Thủ đô. Đó cũng chính là tình cảm, khát vọng và trách nhiệm của giới Kiến trúc sư với sự nghiệp xây dựng và phát triển kiến trúc Thủ đô hiện đại, văn minh, bền vững và giàu bản sắc. 25 bài tham luận của các KTS, chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung vào những vấn đề sau:
– Nhìn nhận, đánh giá kiến trúc đương đại Hà Nội hai mươi năm qua.
– Giới thiệu và tôn vinh những công trình mới, góp phần tạo dựng diện mạo Thủ đô.
– Thách thức giữa bảo tồn và phát triển kiến trúc đương đại
– Kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng đô thị hiện đại và có bản sắc.
– Đóng góp của KTS và các tổ chức tư vấn kiến trúc nước ngoài trong việc xây dựng, phát triển kiến trúc Hà Nội
– Vai trò của Hội KTS Việt Nam và các Hội chuyên ngành trong công tác quản lý đô thị và phát triển kiến trúc Thủ đô.
– Định hướng phát triển kiến trúc Hà Nội thế kỷ XXI.
Hội thảo quốc tế “1000 năm Thăng Long – Hà Nội: Những dấu ấn kiến trúc qua năm tháng”.
Thời gian: 8g sáng đến 13g ngày 02-10-2010
Địa điểm: Trung tâm Triển lãm Vân Hồ – số 2 Hoa Lư, HBT, Hà Nội
TẠP CHÍ KIẾN TRÚC – HỘI KTS VIỆT NAM
TÓM TẮT NỘI DUNG THAM LUẬN HỘI THẢO QUỐC TẾ:
“1000 năm Thăng Long – Hà Nội” Những dấu ấn kiến trúc qua năm tháng”
1. Phát biểu khai mạc hội thảo
KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
2. Tham luận tổng quan “Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội: Những dấu ấn kiến trúc qua năm tháng”
GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc
Qua mười thế kỷ dựng xây, phát triển, lúc thăng, lúc trầm, kiến trúc – quy hoạch Hà Nội ngày càng mang những nét đặc trưng riêng: kiến trúc gắn bó hữu cơ với mạng lưới sông hồ, cây xanh; quy hoạch – kiến trúc mang dấu ấn rõ nét của chiều tiếp biến lịch sử, xét về tổng thể cơ bản là hài hòa, tương hỗ nhau; quá trình đô thị hóa diễn ra rất mạnh, xóa nhòa ranh giới nội đô với vùng nông thôn lân cận. Trước xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế và sự phát triển mọi mặt, kiến trúc đô thị Hà Nội đang đứng trước những thời cơ mới, những thách thức mới. Hàng loạt các vấn đề tồn tại thành những cặp phạm trù rất khó giải quyết: Bảo tồn và phát triển, cải tạo và phát triển, cân bằng và sinh thái, hiện đại và bản sắc…
3. “Thành phố Hà Nội – một cái nhìn lịch sử”
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay
Thành phố Hà Nội thì mới có 122 năm tuổi kể từ năm 1888 khi Vua Đồng Khánh ra chỉ dụ trao cái lõi của tỉnh Hà Nội (ứng với không gian của cố đô Thăng Long trước khi “bị” vua Minh Mạng mở rộng để thành lập tỉnh Hà Nội vào năm 1831) cho thực dân Pháp làm “nhượng địa” (cùng lúc với Đà Nẵng và Hải Phòng). Để rồi Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập “Thành phố Hà Nội”, lấy đó làm thủ phủ phía Bắc của Đông Dương nơi đang là “đất bảo hộ” (cùng với Sài Gòn đã hưởng chế độ thuộc địa) của Pháp. Tiền đề cho mọi sự thay đổi sau này của Hà Nội, đó là sự thay thế bằng một phương thức quản lý mới, quản lý đô thị theo kiểu đô thị hiện đại (của Pháp) đựoc thành lập ngay sau khi Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập “thành phố Hà Nội”. Ngay vào thời điểm đó, Hà Nội đã trở thành thủ phủ của miền Bắc Đông Dương với sự hiện diện của viên Tổng trú sứ dân sự đầu tiên (sau gọi là Toàn quyền)….
Hà Nội hôm nay là di sản của một đô thị thuộc địa. Dấu ấn của 1000 năm Thăng Long chỉ còn lại chủ yếu trên những giá trị phi vật thể. Câu chuyện nghìn năm là một hiện thực được chứng minh bằng sử sách và còn mang tính biểu tượng. ..
4. “Các điểm nhấn của Hà Nội trong năm thiên niên kỷ”
KTS Nguyễn Chí Tam , Công ty Kiến trúc Highend (Pháp)
… Định hướng kiến trúc Hà Nội trong thế kỷ XXI
Trong năm thiên niên kỷ này, tôi mơ về một thành phố hiện đại và là sự tiếp nối giấc mơ của Vua Lý Thái Tổ khi ông nhìn thấy Rồng bay, đánh dấu sự phát triển của văn hóa Việt Nam. Tôi mơ về sự rộng mở dựa trên sự lắng nghe ý kiến của người Hà Nội và gìn giữ bản sắc Hà Nội sâu đậm hơn. Tôi mơ rằng sự mở rộng sẽ nâng cao hơn văn hóa và kiến trúc Việt Nam bằng cách tạo ra một thành phố đẹp hơn và một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.
Để thực hiện các mục tiêu này, tôi đề xuất chúng ta nên tập trung vào các điểm sau: Xây dựng Hà Nôi trên nền tảng Hà Nội; xây dựng một thành phố hiện đại trên chữ “hơn” => thân thiện hơn, xanh hơn, chào đón hơn, bền vững hơn, mang tính xã hội hơn, khát vọng hơn, trách nhiệm hơn, thịnh vượng hơn, đẹp hơn, hiệu quả hơn…; xây dựng kiến trúc Hà Nội theo quy mô dân số; khuyến khích các kiến trúc sư Việt Nam xây dựng thành phố của mình; dựa vào kiến trúc hiện đại để tạo ra các điểm nhấn lớn; thúc đẩy chất lượng kiến trúc mọi nơi; con người là trên hết…
5. “Kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề bảo tồn và phát triển đô thị Hà Nội”
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về Quy hoạch đô thị
Qua việc nghiên cứu ba trường hợp điển hình ở Trung tâm Lịch sử và Trung tâm Mới La Défense của TP Paris (Pháp), Trung tâm Lịch Sử và trung tâm mới của TP Montréal (Gia Nã Đại), Hệ thống Hồ nước, Công Viên Cây Xanh, và các Đại lộ Xanh Liên hoàn ở TP Seattle, các nhà quản lý có thể nghiên cứu sâu hơn, rút kinh nghiệm thực tiễn cho bài toán ứng xử với cặp phạm trù Bảo tồn và Phát Triển Thủ đô Hà Nội.
Cụ thể, nên: khoanh vùng khu vực trung tâm lịch sử Hà Nội với các quy định hướng dẫn chi tiết về luật pháp và giải pháp quy hoạch kiến trúc cho nhu cầu cải tạo, nâng cấp và xây mới; tham khảo giải pháp thiết kế của Olmsted trong việc kết nối hệ thống sông rạch và hồ nước, cây xanh của Hà Nội thành một thể thống nhất và liên tục, kết nối người đi bộ và đi xe đạp, giúp tạo ra những khu vực cảnh quan xanh hấp dẫn, tạo khu đệm xanh hiệu quả giữa các khu vực bảo tồn và các khu vực xây dựng hiện đại; khoanh vùng các khu vực tập trung xây dựng nhà cao tầng để không làm phá hỏng cảnh quan, giúp tạo nên hình dáng tổng thể đô thị (Urban skyline) hài hoà, và gắn bó chặt chẽ với hệ thống métro và xe buýt để đảm bảo thu hút người dân từ bỏ xe máy và sử dụng phương tiện giao thông công cộng. …
6. “Đặc điểm văn hóa đô thị mới ở Hà Nội”
PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
Ngày nay Hà Nội là một trong những thủ đô lớn nhất thế giới về mặt diện tích và thành phố đang chạy đua với những thành phố khác của khu vực trong xây dựng những toà nhà cao tầng để nhanh chóng mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, thành phố đang bắt đầu với đặc điểm về khoảng cách lớn giữa giàu và nghèo, giữa văn hóa đô thị mới và văn hóa truyền thống.
Về không gian đô thị, không khuyến khích hình thái khu đô thị mới khép kín, độc lập và được xây dựng rải rác trong thành phố như trong thời gian qua – chẳng những không tạo bộ mặt kiến trúc đô thị thống nhất mà còn tạo điều kiện phát triển những mặt tiêu cực của văn hóa đô thị mới.
Để phát huy những bản sắc riêng của Hà Nội trong phát triển hiện đại, các nhà hoạch định chính sách, người quyết định và nhà đầu tư cần lắng nghe tiếng nói của người dân, của các chuyên gia, cùng nhau tạo ra một thành phố đáng để sống hơn, nơi mà người dân cảm thấy sự liên hệ gắn bó với nhau nhiều hơn, cảm thấy thành phố là của họ và họ luôn tự hào là người dân của thủ đô.
7. “Kiến trúc trường học Hà Nội – Mười năm đầu thiên niên kỷ”
TS.KTS Trần Thanh Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc Trường học
Nhìn lại giai đoạn phát triển mạnh của Hà Nội 20 năm qua với tốc độ đô thị hóa một cách chóng mặt, bên cạnh các công trình công cộng, nhà ở đều có những bước đột phá, thì kiến trúc trường học Hà Nội dường như còn khá khiêm tốn, mặc dù lượng mức đầu tư không nhỏ.
Cho đến nay, kiến trúc trường học đương đại vẫn là một bài toán khó đối với giới nghề, một mặt do vốn được coi là loại hình công trình đơn điệu, khó làm đẹp; một mặt chịu tác động từ các yếu tố bó hẹp về đất đai, nguồn lực, tư duy… quy hoạch – thiết kế trường học vẫn đang cố gắng thoát ra khỏi cái bóng của kiến trúc đại trà – điển hình. Tuy nhiên, các yếu tố thuận lợi như hội nhập, đa sở hữu, sự thay đổi về nội dung công nghệ Dạy – học … quy hoạch – thiết kế trường học đã từng bước tiếp cận với các xu hướng tiên tiến trên thế giới. Cùng với việc mở rộng Thủ đô, quỹ đất dành cho trường học, nhất là các trường đại học, được dãn ra từ Trung tâm TP sẽ thúc đẩy những giải pháp thực tiễn trên nền tảng lý thuyết đã có. Hy vọng một ngày không xa, nhiều khu trường mới sẽ đóng vai trò đột phá, tạo dấu ấn mới trong kiến trúc – quy hoạch TP Hà Nội.
8. “Nhìn lại kiến trúc Hà Nội 20 năm qua”
KTS Tôn Đại
Vấn đề quan trọng nhất của Hà Nội bây giờ là quy hoạch một Thủ đô mở rộng. Chúng ta nên nhanh chóng đi theo con đường kiến trúc sinh thái, kiến trúc xanh và phát triển bền vững.
Vấn đề đặc biệt đáng chú ý của kiến trúc Hà Nội trong thế kỷ XXI là bản sắc. Qua một thời gian vài thập kỷ bị “hội chứng kiến trúc Pháp” làm sai lạc bản sắc Hà Nội, chúng ta còn phải làm nổi bật tính chất Hà Nội trong nghệ thuật kiến trúc – đó là sự thanh lịch, là cái hồn của Hà Nội. Những nhân tố tích cực đang xuất hiện, nhìn lại quá khứ để rút kinh nghiệm và xác định bước đường đi tới một cách đúng đắn – chúng ta tin tưởng và vững bước xây dựng Thủ đô Hà Nội thành một TP hiện đại, đậm đà bản sắc.
9. “Đôi điều suy nghĩ về nhà ở cao tầng tại Thủ đô Hà Nội”
PGS.TS.KTS Nguyễn Văn Đỉnh, Trường Đại học Xây dựng
Quá trình đô thị hoá và sự phát triển một cách nhanh chóng của tất cả các thành phố trên đất nước ta là động lực thúc đẩy và làm thay đổi chất lượng hình ảnh và không gian kiến trúc đô thị. Đặc trưng chất lượng nhà ở cần được xem xét một cách toàn diện môi trường ở về các mặt quy hoạch, kiến trúc, xã hội, sinh thái, nghệ thuật và các yếu tố khác nữa. Điều đáng tiếc là những khu chung cư đã và đang được xây dựng trong các đô thị của nước ta, trong đó có Thủ đô Hà Nội, chưa có được cách nhìn nhận này. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia những khu chung cư loại này phá vỡ cấu trúc môi trường ở. Chúng chỉ là “nơi để ở” không hơn không kém: thiếu tiện nghi, các đều kiện sinh thái và các yếu tố khác như nghệ thuật cũng như xã hội,…cũng ít được quan tâm đến!
Những loại nhà ở cao tầng có thể được phát triển ở các đô thị lớn như Hà Nội nhưng cần phải hoàn thiện hình khối, hình thái cấu trúc không gian và chức năng kiến trúc; kết hợp giữa các loại nhà với các chiều cao khác nhau trong một khu đô thị… Tuỳ theo các điều kiện cụ thể mà có thể lựa chọn cách giải quyết sao cho phù hợp với các đặc thù của từng khu vực trong đô thị Hà Nội. Nhưng trong bất kỳ một trường hợp nào thì vấn đề tiện nghi ở tại bất kỳ độ cao nào cũng cần đặt lên hàng đầu (nhu cầu về tiện nghi ở không chỉ trong từng căn hộ mà còn phải tính đến cả môi trường xung quanh và các thành phần tiện nghi ngoài căn hộ và tiện nghi đô thị).
10. “Khúc biến tấu của kiến trúc Hà Nội”
KTS Phạm Thanh Tùng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc
Bây giờ, Hà Nội đã vươn về phía Tây, rộng gấp hơn ba lần Hà Nội cũ, ôm trọn tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh và bốn xã của huyện miền núi Lương Sơn – Hòa Bình để trở thành một đại đô thị, mang diện mạo mới, vóc dáng mới, vị thế mới xứng tầm Thủ đô. Trong khi chính quyền thành phố đang bận rộn với những chính sách quản lý đại đô thị Hà Nội mới và thực hiện các kế hoạch cho Đại lễ nghìn năm đang đến gần, khi mà bản giao hưởng kiến trúc Hà Nội vẫn mải miết tấu lên với đủ loại thanh âm sai cung, lỗi nhịp, bởi thiếu vắng cây gậy chỉ huy của một nhạc trưởng tài hoa và dũng cảm, thì không gian đô thị đầy bản sắc thấm đẫm lịch sử ông cha của thành phố ngàn năm tuổi này vẫn đang bị cái gọi là “phát triển” ngày càng phá vỡ. Để rồi, nếu chẳng có các biện pháp hữu hiệu nào hơn, thì không lâu nữa, tất cả những gì mà chúng ta đã có hàng trăm năm, sẽ mãi mãi chỉ còn là hoài niệm…
11. “Chuyển hóa không gian kiến trúc Hà Nội qua các thời kỳ”
TS.KTS Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Kiến trúc – quy hoạch đô thị và nông thôn
HN trải qua 1000 năm lịch sử quá trình đô thị hoá, chiến tranh & xây dựng qua các thời kỳ phong kiến, Pháp thuộc, xây dựng XHCN, kho tàng kiến trúc đô thị ngày nay là kết quả quá trình phát triển & kế thừa.
– Kiến trúc truyền thống thời kỳ phong kiến, nhà ở & công trình công cộng thời kỳ Pháp thuộc giai đoạn 1888-1945, kiến trúc công cộng thời kỳ sau cách mạng giai đoạn 1954-1985, kiến trúc khu vực 36 phố phường với các giá trị nghệ thuật được khẳng định là những nhân tố chính tạo nên một bản sắc kiến trúc cho Hà Nội.
– Thời kỳ đổi mới, kiến trúc phát triển không ổn định, phá vỡ trật tự xây dựng trở thành bài học cần khắc phục, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng với mục tiêu xây dựng bộ mặt kiến trúc thủ đô hiện đại & giàu bản sắc.
12. “Phát triển kiến trúc đương đại Hà Nội với bảo tồn và giữ gìn bản sắc”
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên GĐ Sở QH-KT Hà Nội
Kiến trúc đô thị Hà Nội luôn là sự kết nối quá khứ với hiện tại, là nơi giao lưu của nhiều dòng văn hóa, song biết kế thừa có chọn lọc và cần khẳng định rằng đã tạo lập được bản sắc riêng, quỹ di sản kiến trúc phong phú tồn tại đến ngày nay
Kiến trúc Hà Nội đã hình thành từng khu vực mang tính đặc trưng của các thời kỳ: phong kiến, Pháp thuộc, thời kỳ kinh tế tập trung, thời kỳ kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mỗi khu vực có chủ thể riêng nhưng còn thiếu sự kết nối về không gian kiến trúc, chưa tạo được các tuyến, mảng công trình mang hình ảnh đặc trưng của Hà Nội.
Các công trình xây dựng đa dạng về loại hình, về phong cách kiến trúc. Kiến trúc cao tầng phát triển nhanh nhưng chưa tạo được sự hài hòa giữa hiện đại và truyền thống. Bảo tồn di sản kiến trúc và cảnh quan đô thị đã được đề xuất trong định hướng nhưng chưa được triển khai và quản lý chặt chẽ….
13. “Thách thức và giữa bảo tồn và phát triển kiến trúc đương đại”
TS. KTS Trương Văn Quảng, Viện phó Viện Kiến trúc – Quy hoạch Đô thị và Nông thôn
Hà Nội cần biết lắng nghe, cần chọn cho mình một hướng đi riêng với nhận thức, tư duy mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân, xứng tầm với vị thế, vai trò của một Thủ đô ngàn năm văn hiến. Và trước hết, Hà Nội phải trở thành “đô thị kiểu mẫu” trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị, phát triển kiến trúc, bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị và các vấn đề khác có liên quan để làm gương cho các đô thị khác noi theo…. Theo đó, cần phải nhận thức đầy đủ rằng, kiến trúc đương đại của Hà Nội phải nằm trong Chiến lược phát triển kiến trúc của Thủ đô theo định hướng quy hoạch chung, đồng thời nó cũng không thể tách rời khỏi Chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị – với quan điểm “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”, trên cơ sở văn hóa phải được coi là nguồn nội lực có tiềm năng kích thích sự phát triển.
14. “Kiến trúc thương mại hay kiến trúc bền vững cho Hà Nội”
PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục
Hệ quả của “sự bơ vơ” về sáng tác của kiến trúc hiện nay thể hiện sự hẫng hụt trong học thuật và lý luận đô thị, kiến trúc. Kiến trúc thời bao cấp không còn đáp ứng được xã hội. Kiến trúc mới chưa kịp ổn định thì gặp phải làn sóng dự án đầu tư vì mục đích thương mại, vùi lấp các khoảng sáng để lại nhiều khoảng trống và miền tối trong sáng tác. Cũng có thể bứt phá để sáng tạo ngôn ngữ kiến trúc mới phù hợp thời đại trong hoàn cảnh này; Cũng có thể dễ dãi ăn theo thị trường bất động sản, cần dùng món nào thì ta xào món đó để cho “Kiến trúc thương mại” sẽ ghi dấu ấn đặc thù Hà nội hôm nay, và tệ hơn là phá hỏng Hà nội cổ kính xưa. Sẽ là quá muộn nếu chúng ta không có những quyết sách đúng đắn về đô thị hoá ở Việt Nam.
15. “Hãy giữ bản sắc kiến trúc và hồn đô thị cho Hà Nội”
KTS Nguyễn Hữu Thái
Trong những năm qua, vấn đề di sản trở thành trung tâm lo toan của Hà Nội. Đó là cơ cấu của một hệ thống hình tượng kiến trúc, văn hóa và đô thị, trở thành bệ đỡ đặc trưng của bản sắc Việt Nam.
Về mặt chính trị người ta đã nhìn thấy cần phải đề cao di sản vật thể để bảo vệ văn hóa dân tộc đã bị lung lay mạnh do sự quốc tế hóa lối sống và sự ngoại nhập những tác nhân kinh tế.
Về mặt xã hội, thông qua vai trò của truyền thông đã xuất hiện một làn sóng công luận đòi hỏi phải làm sống lại một tinh thần Hà Nội, bao gồm việc xử lý không gian và văn hóa gắn bó với những khu vực đặc biệt và thường nổi lên chống lại những dự án gây nhiều nguy hại nhất.
Đã có sự nhìn nhận lại của bản thân người Hà Nội đối với “cuốn sử đá” lớn lao là trung tâm lịch sử – khu khai quật Hoàng thành Thăng Long, khu phố thị cổ và kiến trúc thuộc địa Pháp.
Như vậy, quá trình phát triển gần đây không phải là biểu hiện của việc mất lòng tin, mà là bằng chứng của sự quay trở về sáng tạo, một sự trở về riêng biệt và hiện đại của Hà Nội hướng về lịch sử và di sản đô thị. Vượt qua những thăng trầm của lịch sử, rõ ràng là những con người đã cư trú và điều hành thành phố, cuối cùng đã xây dựng lại và thường xuyên cải tạo, làm lại thành phố trở về với chính nó, ngày một đổi mới tuy vẫn đồng dạng.
16. “Đi tìm bản sắc kiến trúc Thủ đô”
KTS Ngô Huy Giao, Hội KTS Hà Nội
Đi tìm bản sắc kiến trúc thủ đô – vấn đề đặt ra có thể coi là mới vì lâu nay ta thường chỉ nói bản sắc kiến trúc dân tộc hoặc vùng, miền. Không phải là một chuyên gia về lí luận, chỉ dựa theo cảm quan, nhận thức qua công việc hằng ngày, tôi thử đề ra vài ý kiến: trước hết phải tìm những nét độc đáo của thủ đô, từ đó tìm ra những nét tạo dựng thành bản sắc. Thủ đô Hà Nội rất nhiều kiến trúc di sản, nhất là sau khi mở rộng. Nên chăng xếp hạng khu hồ Gươm là không gian kiến trúc đặc biệt của Thủ đô được pháp luật bảo vệ. Trong một quần thể kiến trúc, nhất là kiến trúc truyền thống người ta cũng vạch ra một đường trục chính, các công trình quy hoạch đối xứng qua trục đó. Một vườn cây chạy dài nối đường Đinh Tiên Hoàng quanh hồ với ngân hàng Quốc gia. Hai bên là đường Lê Thạch và Lê Lai, chỉ là giao thông nhỏ. Trục cây xanh này đã tôn tạo cả quần thể kiến trúc tháp Rùa và hồ Gươm lên nhiều lần để tháp Rùa trở thành biểu tượng của Thủ đô
Cho nên mạnh dạn tôn trọng quy hoạch trục Thăng Long nối lõi đô thị cũ với huyện Ba Vì.Những đề nghị trên chúng tôi cho rằng là cơ sở để tạo dựng nét riêng biệt thủ đô, phù hợp với mục tiêu quy hoạch đề ra: “Tầm nhìn 2050”.
17. “Quy hoạch Hà Nội – thách thức giữa bảo tồn và phát triển”
PGS.KTS Trần Hùng
Quan sát đề án “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” thấy có niềm vui vì hiện lên một viễn cảnh phát triển đô thị rất hoành tráng, nhưng cũng không tránh khỏi mối lo về một tâm lý “hoành tráng quá mức”, phản ánh một tư duy đô thị có màu sắc “duy ý chí”. Điều này dẫn tới mối lo của Hội Kiến trúc sư Việt Nam về chuyện “vượt ngưỡng cân bằng sinh thái, biến Thủ đô thành siêu thành phố với “bệnh đầu to” do chất tải quá lớn vào đô thị trung tâm…”.
Cũng do tư duy phát triển lệch tâm đã dẫn tới sự nhìn nhận không chuẩn xác về vai trò của những thị trấn trong vùng, những tiềm năng hỗ trợ cho đô thị trung tâm mà đề án đã gọi tên là đô thị vệ tinh. Phú Xuyên là thị trấn nông nghiệp rất ít tiềm năng phát triển, xa đô thị trung tâm lại được coi là vệ tinh trong khi vùng xung quanh Từ Sơn (Bắc Ninh) gần trung tâm và nhiều tiềm năng phát triển lại không được mang danh hiệu này.
Mong muốn Hà Nội có một định hướng phát triển phù hợp tạo điều kiện cho một giai đoạn mới về phát triển kiến trúc có bản sắc đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa của quá khứ vẫn đang có những thách thức lớn. Mong sao một giải pháp quy hoạch đô thị thích hợp sẽ tạo khả năng vượt qua những thách thức này, kiến trúc đương đại Hà Nội sẽ có bước phát triển mới, tiên tiến và có bản sắc.
18. “Một ý tưởng cho khu phố cổ Hà Nội”
KTS Marco Ferrera – Tổng giám đốc , Công ty Kiến trúc Xây dựng ACCADEMIA ITALIA
Một trong những việc cần thiết để làm đẹp cho Hà Nội, đó chính là bảo tồn khu phố cổ Hà Nội, đặc biệt là khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Tôi xin đề xuất một phương hướng cho việc tôn tạo giá trị của nó dựa trên 4 yếu tố cơ bản: bản sắc, hình thái học, giá trị, công năng. Cụ thể: Giải tỏa áp lực giao thông quanh hồ và kết nối với mạng lưới đô thị xung quanh; Mở rộng khoảng xanh hai bên bờ Đông – Tây, giảm lượng giao thông quanh hồ và chuyển hướng ra phía ngoài khu vực, lát lại nền đường để có thể trở thành đường đi bộ trong những ngày lễ lớn; Hình thành một quảng trường đi bộ ở bờ Bắc; Kết nối quần thể di tích đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu; Hình thành một quảng trường nhỏ kết nối phố Tràng Tiền và Hàng Bài; chỉnh trang lại mặt ngoài phố cổ; thiết kế trang trí đô thị…
Những yếu tố này đã được nêu ra trong phương án thiết kế quy hoạch Hồ Gươm và khu vực phụ cận – phương án giành giải thưởng cao nhất của Công ty Kiến trúc Xây dựng ACCADEMIA ITALIA trong cuộc thi cùng tên. Các công việc kể trên có tính khả thi cao, ít tốn kém nhưng sẽ tạo điều kiện cho việc cảm thụ giá trị khu phố cổ, từ đó nâng cao giá trị của nó, xứng danh với lịch sử 1000 năm Thăng Long.
19. “Tầm nhìn tương lai về TP và kiến trúc của Hà Nội”
KTS Jin Watanabe và cộng sự (AWAAS), Tokyo, Nhật Bản, Hợp tác với Công ty Liên doanh SACIDELTA tại Việt Nam
…Khi tôi thấy TP Hà Nội hiện tại, tôi có thể thấy rất nhiều các công trường xây dựng và các công trình xây dựng và các tòa nhà mới xây. Hầu hết trong số đó có chung một đặc điểm là có mặt tiền bằng kính? Chúng ta đang ở nơi có ánh nắng chói chang, nhiệt độ và độ ẩm cao. Điều này không thân thiện chút nào với môi trường. Đâu là tinh hoa địa phương mà chúng ta có thể chuyển vào thiết kế mới? Có phải chính là vật liệu hoặc hình thức xây dựng? Đã đến lúc chúng ta xem xét về vấn đề này trước khi quá muộn. Sự cân bằng có tính quyết định. Có thể kết hợp giữa cổ điển và hiện đại.
… Việt Nam và Hà Nội có cơ hội lớn để sử dụng tất cả các phần cứng và bí quyết hiện có trên thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải kết hợp phần cứng và phần mềm với sự cân bằng để phát triển thành phố tốt hơn… Các KTS và các nhà hoạch định đô thị có trách nhiệm xã hội vô cùng quan trọng để thực hiện điều này. Chúng ta cần cùng nhau cố gắng để tạo ra “môi trường tốt hơn, cuộc sống tốt hơn” cho thế hệ tiếp theo.
20. “Kinh nghiệm nước ngoài trong việc xây dựng đô thị hiện đại, có bản sắc – Định hướng kiến trúc Hà Nội trong thế kỷ XXI”
KTS Lawrie Wilson
Tôi cho rằng một điều rất cần thiết là việc quản lý kiến trúc Hà Nội của chính quyền thành phố phải được định hướng để đảm bảo thành phố vẫn gìn giữ và phát huy được nét đặc trưng đô thị của mình. Diện mạo kiến trúc của mọi thành phố đều không chỉ thể hiện qua hình thức và phong cách của các công trình riêng lẻ, hay thậm chí là của đặc điểm chung hay vẻ ngoài của một khu đô thị hay thậm chí là của cả một thành phố. Đó còn thể hiện qua cách thức mà các công trình này có thể kết hợp hài hòa về vẻ ngoài, tính chất và chức năng với các khu vực xung quanh, và đặc biệt là kết hợp với nhau trên mặt phố. Đó chính là kiến trúc của không gian công cộng
21. “Kiến trúc đương đại Hà Nội, con đường để đi tìm một hình tượng mới cho Hà Nội”
KTS Nguyễn Thế Phương (Finko)
Hà Nội là một thành phố gồm nhiều thành phần đô thị ghép lại với nhau. Mỗi một thành phần đều mang dấu ấn vật chất và văn hóa của một giai đoạn phát triển đô thị và trở thành bản sắc văn hóa. Kiến trúc đương đại Hà Nội cũng đang mang trên mình những dấu ấn vật chất của thời kỳ đô thị hóa đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta, nhưng để có thể trở thành những hình tượng mới cho Hà Nội như Khu phố cổ, Khu Pháp thuộc… thì quả thật còn là một chặng đường rất dài, không chỉ của các nhà chuyên môn, các Kiến trúc sư, mà còn là của mỗi một người dân Hà Nội bởi vì bản sắc văn hóa trước hết phải được xác định trong tiềm thức.
22. “Một số chiến lược thiết kế mới có thể áp dụng cho thiết kế kiến trúc hiện đại của Hà Nội”
KTS Manuel Der Hagopian, Tổng giám đốc Cty TNHH Group8asia
Bài viết trích từ công trình nghiên cứu của TS.KTS Adrien Besson, sáng lập viên Công ty Group8 tại Thụy Sĩ – phân tích các chiến lược thiết kế mới của kiến trúc đương đại. KTS KTS Manuel Der Hagopian, Tổng giám đốc Cty TNHH Group8asia đã phân tích và đối chiếu các chiến lược thiết kế mới này vào hoàn cảnh cụ thể của TP Hà Nội.
Hà Nội, TP luôn vận động với các giá trị cần được gìn giữ, không cho phép các KTS được tự do sáng tạo như trước kia. Người KTS phải ý thức rằng một giải pháp thiết kế công trình có thể được đánh giá cao ở hiện tại nhưng trong tương lai sẽ không còn phù hợp. Như vậy, người KTS phải có tầm nhìn xa và đặt công trình của mình vào quá trình phát triển và biến đổi không ngừng của TP. Một đặc điểm nổi bật của Hà Nội là mật độ xây dựng rất cao, điều này buộc các KTS và các nhà hoạch định chính sách đô thị phải luôn tự xem xét và đổi mới mình để giữ các nét riêng của từng phân khu trong thành phố, tránh hiện tượng bão hòa và đại trà hóa công trình.
Để làm được điều này, các KTS phải tự trang bị các vũ khí để chiến thắng các thách thức hiện tại. Các phương pháp thiết kế mới đã trích dẫn có thể lý giải được đa phần các vấn đề hiện tại của Thủ đô nghìn năm tuổi: mật độ xây dựng cao dẫn đến quỹ đất ngày càng hẹp, sự vận động không ngừng của các công trình trong TP… Phương pháp thiết kế mới khác biệt với quá trình sáng tạo trước kia ở chỗ: nó đề cập và nêu rõ những khía cạnh mà KTS có thể khai thác và sáng tạo một cách vô tận mà không bị rơi vào tình trạng thái quá
Để hòa nhập với sự phát triển chung của TP, các KTS của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ áp dụng các phương pháp sáng tạo mới hay vẫn đi theo các phương pháp truyền thống? – Câu trả lời nằm ở chính các bạn, các KTS Việt Nam.
23. “Kiến trúc của tính kết nối – Nối liền khoảng cách”
KTS, Nhà quy hoạch đô thị Han Ulrich Fuhrke
Tình trạng cấu trúc đô thị đang mọc lên với tốc độ nhanh tại Hà Nội cũng như trong cả nước vẫn được thiết kế như các đơn vị đơn lẻ. Một số kết cấu chính là những kiệt tác về mặt thẩm mỹ nhưng không phải là một phần trong toàn bộ bối cảnh chung. Các KTS Việt Nam cần phải khai thác và phân tích sâu sắc hơn để đạt được bức tranh tổng thể về công trình và môi trường tự nhiên xung quanh. Áp dụng và điều chỉnh các yếu tố này sẽ tạo ra các kết nối kiến trúc, tạo ra ngôn ngữ chung của tính đồng nhất khu vực.
Những gì Hà Nội cần là 3 chữ D sau: Diversity, Density và Design (Đa dạng, mật độ và thiết kế) cùng với một chữ D nữa là Development (phát triển) theo hướng chuyển đổi. Cho tới bây giờ, TP đã mở rộng theo mặt nằm ngang, các kết cấu đơn đã nở rộ, tách biệt với nơi này hoặc nơi kia, nhưng hình chiếu của chúng thì giống như những chiếc lược đã mòn răng. Các KTS phải thuyết phục khách hàng của họ về tầm quan trọng và lợi ích của việc tuân theo sự phức hợp thống nhất của toàn bộ khu vực, điều chỉnh các kích thước, tỷ lệ, kết cấu và hình dáng kiến trúc thay vì phô bày chủ nghĩa cá nhân hay khuynh hướng hoành tráng trong kiến trúc.
24. “Kiến trúc đương đại Hà Nội – Định hướng phát triển Thế kỷ XXI”
KTS Olivier Souquet, Giám đốc Công ty Deso
Tháng 10-2010, Thủ đô Hà Nội sẽ kỷ niệm 1000 năm lịch sử. Hôm nay là dịp suy ngẫm về vận mệnh tương lai của Thủ đô quyến rũ và đầy biến động này: một vận mệnh tương lai bí ẩn và kiên cường, được kết tinh từ đạo lý Khổng Tử và Phật giáo. Thế nhưng, Hà Nội vẫn mang đậm chất Việt Nam dù trải qua nghìn năm văn minh Bắc thuộc và gần một thế kỷ Pháp thuộc. Chính vì vậy cần phải dung hòa với ký ức, sự phong phú và di sản này. Đó chính là vẻ duyên dáng lạ thường và huyền bí của Hà Nội. Và đó là nơi tương lại phải được định hình.
25. “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị Khu phố Pháp của thành phố Hà Nội”
Laurent Pandolfi, Dự án đào tạo chuyên ngành Đô thị (IMV)
Nghiên cứu được triển khai trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa UBND TP Hà Nội và vùng Ile-de-France (vùng Thủ đô Paris). Dự án IMV (cơ quan hợp tác của Vùng Ile-de-France tại Hà Nội) và Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã phối hợp với Công ty tư vấn Quy hoạch đô thị và cảnh quan Interscène (Paris) để thực hiện nghiên cứu này. Qua việc nghiên cứu khu phố Pháp, xác định đây là một di sản cần bảo tồn phù hợp với đặc thù của đô thị. Cải cách kiến trúc đô thị khu vực này phải bao gồm xung quanh một không khí cảnh quan ấn tượng, thừa hưởng từ quá khứ lịch sử của nó. Hiển nhiên, vấn đề ở đây không phải là tái lập lại “thành phố vườn” của thế kỷ XIX mà là tái hiện lại qua những phong cách kiến trúc và đô thị đương thời.
Hơn hết, bảo vệ di sản là một công việc cần có sự thảo luận và thống nhất của cộng đồng, Chính phủ và các cơ quan chức năng tham gia phối hợp. Xét từ một quan điểm về phương pháp luận, các biện pháp bảo vệ di sản được thông qua phải xuất phát chủ yếu từ ba nguồn sau: người dân, các cơ quan có thẩm quyền của Thành phố, các chuyên gia…
Cập nhật ( 15/10/2010 )