Phường cổ Yên Thái và nghề làm giấy dó * Tuyết Lê Phường cổ Yên Thái (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) vốn đã nổi tiếng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ nhiều di tích văn hoá lớn của đất kinh kỳ như đền Đồng Cổ với hội thề Trung Hiếu. Đây cũng là nơi được nhắc đến nhiều với làng nghề cổ truyền là làm giấy. Mặc dù theo thời gian, những dấu tích xưa đã bị mai một đi rất nhiều, nhưng những giá trị văn hoá lịch sử vẫn còn đọng lại nơi đây. Phường cổ Yên Thái vốn từ thời Lý có tên gọi là phường Tích Ma, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Từ đời Minh Mệnh, phường Tích Ma được đổi thành một đơn vị hành chính mới gọi là xã Yên Thái với ba thôn là An Đông, An Thọ và Yên Thái. Ba thôn, nay là ba khối cụm dân cư thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Yên Thái xưa nằm cạnh ngã ba hai con sông. Một là sông Tô Lịch chảy từ Giang Khẩu (phố Hàng Buồm) chạy lên phía Bắc. Hai là sông Thiên Phù chảy từ bến Lâm Ấp (nay là phường Phú Thượng) chảy qua Bái Ân đến Nghĩa Đô thì hoà nước vào với nhau tạo thành một bến nước có chợ họp đông vui gọi là bến Hồng Tân, chợ Hồng Tân (nay gọi là chợ Bưởi). Trên ngã ba sông này từ thời Lý đã có một ngôi miếu cổ, dân gian gọi là miếu thờ Vua. Theo sử sách ghi chép thì đó là ngôi miếu thờ hai ông bà bán hàng dầu rong có tên là Vũ Phục. Vì nghĩa lớn, ông bà đã tự nguyện hiến thân làm vật phẩm cúng thần sông Tô Lịch, cầu mong cho góc thành Tây của thành Thăng Long khỏi bị thần sông làm xói lở và cũng là cầu mong cho nhà vua khỏi bệnh đau mắt. Để tri ân ông bà Vũ Phục, vua Lý Thần Tông (1128 – 1138) đã cho lập miếu này để thờ phụng, đặng gia phong cho ông là Chiêu Ứng Phù Vận Đại Vương phúc thần và bà là Thuận Chính Phương Dung công chúa phúc thần. Làng Yên Thái nay có 13 dòng họ chung sống, nhưng nòng cốt chính là dòng họ Vũ vốn là dòng họ của Đức thành hoàng làng Vũ Phục Đại Vương. Sau khi lập miếu thờ, nhà vua đã cho tìm con cháu từ Bạch Hạc ( Việt Trì) về đây để trông nom hương khói phụng thờ. Ngoài ra, làng còn con cháu hậu duệ của bốn dòng tộc: Cao, Hoàng, Nguyễn, Đặng vốn là bốn dòng tộc ngay từ khi nhà vua cho lập miếu thờ ông bà hàng dầu đã vinh dự được nhà vua tiến cử về phường để túc trực linh cữu ông bà. Ngoài sự cổ kính của làng xóm, những di tích lưu giữ nét văn hoá xa xưa của đất kinh kỳ, Yên Thái còn nổi tiếng với nghề giấy dó. Nghề làm giấy ở đây bắt đầu từ thế kỷ XV. Trong sách “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi viết: Phường Yên Thái ở Thăng Long đương thời gồm nhiều làng: Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ, Yên Thái, Nghĩa Đô chuyên làm ra nhiều loại giấy: giấy sắc (để viết sắc của vua ban), giấy lệnh (để viết các lệnh chỉ của vua), giấy bản (phục vụ dân dụng), giấy quỳ …. Nơi đây, vốn luôn vang lên tiếng chày giã vỏ dó làm giấy. Âm thanh ấy đã đi vào ca dao, dân ca, gợi cảm hứng cho những tâm hồn thi nhân nghệ sĩ qua nhiều thế kỷ. Nghề làm giấy cổ truyền ở Yên Thái cũng như một vài nơi khác được chuyên môn hoá từ khá sớm. Nghề giấy phải qua nhiều công đoạn sản xuất, với kỹ thuật khá phức tạp. Nó đòi hỏi từng loại thợ ở từng công việc cụ thể phải có kinh nghiệm và giỏi nghề. Ở tất cả các công đoạn sản xuất – từ bóc vỏ dó, ngâm và giặt dó, giã dó, nấu dó, lọc dó, xeo giấy, đến đóng gói kiện giấy và vận chuyển đi bán – đều hết sức vất vả. Xưa kia, ở làng Yên Thái, người ta đã chọn ven bờ sông Tô Lịch để làm nơi sản xuất: ngâm, đãi, nấu dó. Những cái vạc lớn nấu bột dó đặt trên các lò đắp đất trên bờ sông. Cạnh đấy là bãi sông – nơi ngâm, giậm và đãi vỏ dó. Trên bờ sông ấy có giếng nước rất sâu, trong mát, đã nổi tiếng một thời ở Thăng Long xưa. Bố trí và tổ chức nơi sản xuất giấy của làng nghề này vừa thuận tiện, vừa hợp lý. Người làng cũng kể lại rằng "Trước kia, vào các buổi sáng sớm, cả tổng Bưởi vang nhịp thình thịch của tiếng chày giã giấy xen lẫn tiếng gọi nhau í ới trong các lò giấy. Những ngày phiên chợ mồng 4, mồng 9 hàng tháng, cả làng ra bán giấy tại chợ Cầu, kẻ bán người mua chen chúc, tấp nập. Cả làng trắng xoá giấy phơi." Giấy dó Yên Thái đã từng là mặt hàng triều cống cho triều đình nhà Tống của đời vua Lý Cao Tông (1176- 1210). Việc sản xuất duy trì đến năm 1991, hợp tác xã sản xuất giấy dó ở vùng Bưởi giải tán do thiếu nguyên liệu, do không tiêu thụ được sản phẩm, kể từ đó, nghề làm giấy dó đã không còn trên đất Thăng Long – Hà Nội. Nay làng Yên Thái cổ kính vẫn còn đó. Nhưng nghề làm giấy dó cổ truyền của Yên Thái bây giờ không còn nhộn nhịp nữa. Người Yên Thái cũng đang nung nấu quyết tâm phục hồi nghề giấy, làm ra những sản phẩm độc đáo, quý và đẹp cho đời. Gia đình ông Nguyễn Thế Đoán ở sâu trong ngõ của làng Đông Xã cũ, ông là hậu duệ của dòng họ Nguyễn Thế, nhiều đời giữ bí quyết tạo ra giấy dó lụa. Những năm qua, ông đã mày mò khắp nơi để làm lại bộ đồ nghề cho việc làm giấy dó. Cho dù diện tích sân không rộng, ông cho xây một chiếc bể seo giấy choán hết một phần ba sân nhà. Cạnh đó là chiếc cối giã dó cũ, ông tìm lại được dù nhiều năm không còn gắn bó với nghề. Thường gọi là giấy dó, nhưng nguyên liệu là nhiều loại vỏ cây khác nhau, gia đình ông Nguyễn Thế Đoán dùng vỏ cây cãnh. Với những đặc tính ấy, dó lụa xưa được triều đình dùng trong nhiều loại văn bản. Ngoài triều đình, các quan lại, nho sĩ… dùng giấy dó lụa để chép kinh sách. Được gia đình truyền nghề, tham gia hợp tác xã sản xuất giấy dó ở vùng đất này, sau đó công tác tại Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ nên ông Nguyễn Thế Đoán là người nắm rõ kỹ thuật giấy dó cũng như kỹ thuật làm giấy hiện đại. Mẻ giấy dó đầu tiên, ông Đoán chỉ để biếu và tặng. Cái ông băn khoăn nhất chính là để nghề làm giấy dó, nhất là giấy dó lụa tồn tại được, cần phải có đầu ra. Với tình hình hiện nay, nghề làm giấy dó với gia đình ông Đoán, chỉ là vì tình yêu, chỉ là trách nhiệm với tổ tông. Còn để hồi sinh nghề làm giấy dó truyền thống ở vùng Yên Thái thì vẫn là một câu chuyện dài không dễ. |
Cập nhật ( 15/10/2010 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com