BÀI PHÁT BIỂU CỦA UBMTTQVN TỈNH BẠC LIÊU
* Nguyễn Hiền Lương
PCT.UBMT tỉnh đại diện phát biểu
Với niềm hân hoan của Chư Tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử tỉnh nhà đón mừng ngày Đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hôm nay, tôi rất phấn khởi và vui mừng được đến dự buổi lễ Phật đản năm 2009, Phật lịch 2553, do Ban trị sự Phật giáo tỉnh tổ chức tại Chùa Long Phước, phường 5 thị xã Bạc Liêu. Trong khung cảnh trang nghiêm, đầm ấm của những người con Phật, đang hướng về ngày Đản sinh của Đức Từ phụ, với niềm kính tin và an lạc. Thay mặt Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, tôi trân trọng kính gởi đến quí Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, quí vị Đại đức Tăng Ni và toàn thể đồng bào Phật tử hiện diện lời chào nồng nhiệt và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Sự xuất hiện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là nhằm mục đích cao cả vì lợi ích và hạnh phúc của chúng sinh, chỉ ra con đường thoát khổ, đi đến chổ an vui tuyệt đối. Cuộc đời và sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của Ngài từ lúc Đản sinh cho đến khi nhập diệt là một tấm gương sáng vô cùng đẹp đẽ và đầy ý nghĩa cho nhân loại soi chung.
Theo sử sách ghi lại, cách đây trên 25 thế kỷ, vào ngày trăng tròn tháng Vesksa theo lịch Ấn Độ, một bậc đại vĩ nhân đã xuất hiện nơi đời, tại hoàng thành Ca tỳ la vệ, nay thuộc nước Nê – pal và phía Bắc Ấn Độ, đó là Thái tử Sĩ Đạt Ta, con của Tịnh Phạn vương và Hoàng hậu Ma Da. Trước khi thành Phật thì Ngài cũng là một con người bình thường như những con người khác. Thái tử cũng có vợ đẹp là công chúa Da Du Đà La, có con trai ngoan là Hoàng tôn La Hầu la, và được hấp thụ một nền giáo dục hoàn chỉnh của văn hóa Ấn Độ thời ấy, về luân lý, đạo đức, khoa học kỷ thuật và nghề văn, nghiệp võ điều xuất chúng. Có những điều kiện thuận lợi nhất để hưởng thụ vật dục, lợi danh. Là Đông cung Thái tử sẽ kế nghiệp vua cha, ngự trị ngai vàng, an dân trị nước. Nhưng, trước những nỗi khổ đau, tủi nhục của chúng sinh, đặt biệt là kiếp con người mà Ngài được chứng kiến, Ngài đã quyết tâm từ bỏ tất cả, vượt qua mọi thứ cám dỗ của vật chất thường tình, để vào rừng sâu cố công tu tập. Qua 6 năm khổ hạnh chốn rừng già, 49 ngày đêm tinh nghiêm thiền tọa thực nghiệm tâm linh, cuối cùng Ngài đã chiến thắng ma vương, tìm ra được nguyên nhân của sự khổ và chỉ ra con đường thoát khổ cho muôn loài chúng sinh. Từ ấy, một con người bình thường đã trở thành bậc phi thường, thành một bậc đại giác ngộ, xứng đáng với mười danh hiệu cao quí đó là: “Như lai , Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu,Thiên nhân sư, Phật thế tôn.
Sau khi thành đạo, trong suốt 49 năm ròng rã, với chân đất đầu trần Ngài đã đi đến bất cứ nơi nào có chúng sinh đau khổ để làm cho họ được an vui. Ngài không ngừng sách tấn các đệ tử phải cẩn mật tu trì, sự đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác với đầy đủ đức tính kiên cường, nghị lực và quả cảm. Đức Phật chỉ rõ cho đệ tử con đường đi đến chỗ giác ngộ, giải thoát an vui hoàn toàn, nhưng Ngài khuyến cáo các đệ tử không được ỷ lại, mà phải tự thân mình nổ lực hành trì thực nghiệm đúng theo lời dạy của Ngài để được kết quả tốt đẹp như Ngài. Là một bậc “Chánh biến tri, Minh hạnh túc…” nhưng ngài không cho phép các đệ tử sử dụng phép thần thông, rao giảng những điều kỳ bí huyền hoặc để lôi kéo tín đồ mà phải giáo hóa bằng chính đức độ, tài năng, trí tuệ phát ra từ công năng tu tập của mình qua những lời nói và việc làm đúng chính pháp. Theo kinh sách ghi lại; Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế, trên đường hoằng pháp của Ngài, dân chúng chỉ cần nhìn thấy dáng điệu, cử chỉ của Ngài bước đi từng bước chân an lạc, uy nghi và trầm tỉnh cũng đủ khiến cho dân chúng kể cả loài cầm thú cũng phải sinh tâm hoan hỷ kính ngưỡng. Ngày nay, đã trãi qua hơn 2500 năm, nhưng những lời dạy và việc làm xuất phát từ những đức tính từ bi, hỉ xả, hùng lực và trí tuệ siêu việt của Ngài vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc đối với nhiều triệu con người trên thế giới.
Năm nay, ngày Đản sinh đã trở về với Phật tử Việt Nam trong không khí vui tươi và phấn khởi chung của cả nước về những thành tựu đã đạt được trong công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới. Đồng thời, bước đầu chúng ta cũng đã hạn chế được sự suy giảm về kinh tế, ổn định về an sinh xã hội. Cả nước cũng đang hướng về ngày 19 tháng 5 để kỷ niệm 119 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc, vị lãnh tụ kiệt xuất nhất của đất nước, nhà văn hóa lớn của nhân loại. Cùng với thành tựu chung của cả nước, tình hình kinh tế – xã hội an ninh quốc phòng ở tỉnh nhà cũng tiếp tục ổn định và phát triển đáng mừng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt trên 11%, thu nhập bình quân đầu người tăng 12,6% (14,3 triệu đồng), chính sách an sinh xã hội cũng được quan tâm đúng mức, đời sống của nhân dân trong tỉnh được nâng lên một bước, hộ nghèo giảm dần, bộ mặt đô thị nông thôn tiếp tục được đổi mới. Những thành tựu đó là có sự đóng góp tích cực của quí vị Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, quí vị đại đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử tỉnh nhà. Thay mặt Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, chúng tôi xin ghi nhận và hoan nghênh tinh thần đoàn kết, hòa hợp, vì đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội của quí vị.
Cũng trong những ngày gần đây, tại tỉnh Bạc Liêu chúng ta, một sự kiện đau buồn rất lớn đối với Phật giáo đồ tỉnh nhà, đó là sự viên tịch đột ngột của Hòa thượng Thích Huệ Hà, Ủy viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu, trụ trì Chùa Long Phước. Giáo hội và đồng bào Phật tử tỉnh nhà mất đi một vị lãnh đạo, một bậc thạc đức cao Tăng, bậc tôn sư khả kính. Hội đồng nhân dân và Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh mất đi một đại biểu, một thành viên tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong ỉnh. Lúc sinh tiền Ngài đã hết lòng, hết sức phụng sự cho đạo pháp và dân tộc. Trước sự mất mát đau thương này, và nhân ngày lễ trọng đại hôm nay, một lần nữa chúng tôi xin thắp nén hương thành kính tưởng niệm cố Hòa thượng, nguyện cầu giác linh cố Hòa thượng sớm cao đăng Phật quốc. Xin gởi lời chia buồn sâu sắc đến toàn thể Phật giáo đồ trong tỉnh. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng: với tinh thần trí tuệ và hùng lực của đạo Phật, toàn thể Tăng Ni Phật tử tỉnh nhà sẽ sớm vơi qua nỗi ưu bi khổ não, để cùng nhau tiếp tục sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, mà suốt đời cố Hòa thượng đã không ngại gian lao, dầy công xây đắp để thực hiện hạnh nguyện bồ tát này.
Từ khi đạo Phật truyền sang đất nước Việt Nam gần 2000 năm lịch sử, Phật giáo Việt Nam đã luôn gắn bó với dân tộc trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, hòa nhập sâu sắc về nhiều mặt với truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và trong các thời kỳ kháng chiến, Phật giáo Việt Nam là một lực lượng quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đã có những cống hiến to lớn và hy sinh rất vẽ vang. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đồng bào Phật giáo cả nước từ Bắc chí Nam đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là, Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha…” Nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng đã từng sống, chiến đấu và hoạt động trong sự đùm bọc, nuôi dưỡng, ủng hộ tận tình của nhiều chùa, nhiều Tăng Ni, Phật tử và của phong trào Phật giáo yêu nước. Đúng như lời của Thiền sư Mãn Giác: “mái chùa che chở hồn dan tộc, nếp sống muôn đời của tổ tiên”.
Đối với Bạc Liêu, giới Phật giáo tỉnh nhà luôn phát huy truyền thống đoàn kết yêu nước, mà chư vị tổ sư truyền bối đã để lại. Nhất là từ khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh, hệ thống tổ chức và sinh hoạt giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật nhà nước. Ban trị sự Phật giáo tỉnh đã tổ chức nhiều khóa an cư, kiết hạ, tổ chức các khóa bồi dưỡng trụ trì, mở trường Trung cấp và Cao đẳng Phật học, xét duyệt và đề bạt tấn phong giáo phẩm cho nhiều vị Tăng Ni ưu tú về phẩm hạnh. Đồng thời, với tinh thần “Đạo pháp – Dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, giới Phật giáo tỉnh nhà đã tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động cách mạng “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, công tác từ thiện xã hội, nuôi dưỡng người già neo đơn và trẻ mồ côi …Những việc làm thiết thực trên, đã thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật, tinh thần “lục hòa cộng trụ, vô ngã vị tha”, xứng đáng là một tổ chức thành viên tiêu biểu trong khối Đại đoàn kết của tỉnh nhà.
Chúng ta càng tự hào về truyền thống yêu nước, với những thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua cả đạo lẫn đời, đặc biệt là với nỗi niềm đau, thương tiết vô hạn đối với cố Hòa thượng Thích Huệ Hà, Trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh nhà, thì chúng ta cần phải nêu cao tinh thần “lục hòa cộng trụ”, cùng nhau sống trong đoàn kết, hòa hợp, để trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội, cùng nhau thống nhất ý chí và hành động, thực hiện tốt hơn nữa phương châm “Đạo pháp Dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, góp phần thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh”. Bằng trí tuệ và phẩm hạnh của mình, các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, các vị Đại đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử sẽ thể hiện đầy đủ như lời Đức Phật đã dạy: “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”, và như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật là nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”.
Hòa cùng niềm hân hoan của Chư tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử đón mừng ngày Đản sinh của Đức Phật, thay mặt Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, tôi xin kính chúng chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, quí vị Đại đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử tỉnh nhà một mùa Phật Đản phước trí nhị nghiêm, đạo tâm thắng tấn, thân tâm thường lạc. Chúc buổi lễ của chúng ta thành công tốt đẹp./.
(Bài Phát biểu của Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu nhân dịp Đại lễ Phật Đản năm 2009, Phật lịch 2553, do Ban trị sự Phật giáo tỉnh tổ chức tại Chùa Long Phước, Phường 5 thị xã Bạc Liêu – tỉnh Bạc Liêu này 09/05/2009 nhằm Rằm tháng 4 năm Kỷ Sửu)
Cập nhật ( 20/05/2009 )