23/06/2008 |
TỪ BI HỶ XÃ Sùng đạo là một yếu tố rất tốt, nhưng sùng đạo mà không hiểu đạo rất dễ lầm đường lạc lối, nhưng muốn hiểu biết rốt ráo giáo lý của một tôn giáo thì rất khó, nhất là đối với Phật giáo, một tôn giáo có nhiều tông, mỗi tông lại có đường lối tu tập khác nhau, hình thức truyền đạo cũng khác nhau, đôi lúc còn trái với nhau, vì vậy rất dễ làm cho người ta hiểu lầm.
Thật ra các tông của Phật giáo bề ngoài tuy có sự khác nhau nhưng đều có sự đồng nhất : Giáo lý của đạo Phật rộng như biển, kinh sách của Phật và các Tổ để lại nhiều vô số, nhưng ý nghĩa không ngoài hai chữ giải thoát, phương pháp tu hành tuy đa dạng, mỗi tông mỗi phái tuy có pháp môn tu tập khác nhau nhưng cũng không ngoài bốn chữ Từ – Bi – Hỷ – Xã. Cho nên bất kỳ lời dạy bảo nào đi ngược lại mục đích giải thoát và ngược lại tôn chỉ từ bi hỷ xã tức là không đúng theo lời Phật dạy. Ý nghĩa của hai chữ giải thoát rất cao sâu, trong một vài trang giấy khó co thể trình bày tường tận, hôm nay ta chỉ bàn về ý nghĩa của từ bi hỷ xã – những việc cần phải làm của một Phật tử tại gia và đó cũng là cách để làm cho ta tìm được sự an vui thực sự trong đời sống. Từ Bi để dùng cho mọi người chung quanh ta, còn Hỷ Xã để cho chính bản thân mình tu tập. Từ là mang niềm vui, mang hạnh phúc đến cho mọi người mọi loài chúng sinh; Từ và Ái cũng đều là thương yêu, nhưng Từ là loại tình thương không cần một điều kiện nào cả, dù cho người ta thương mình hay ghét mình thậm chí thù hận mình, mình vẫn mang niềm vui đến cho người ta, còn Ái là loại tình thương có điều kiện, thí dụ như anh em hoặc chồng vợ cùng thuơng yêu nhau thì không có chuyện gì xãy ra, nhưng nếu một trong hai nguời không thương yêu lại thì chắc chắn tình thương không còn nữa cũng có khi trỡ thành hận thù. Vì vậy nhà Phật đã xếp Từ vào tứ vô lượng tâm, còn Ái lại là một phần trong thất tình lục dục. Bi là cứu khổ, là chia buồn, là tạo điều kiện để giúp sinh linh thoát qua vòng khổ nạn, có thể cứu giúp bằng tiền bạc vật chất, bằng sự cổ vũ tinh thần, bằng phương pháp… như thế nào đó để giúp đỡ mọi người, mọi loài vượt qua những điều không may mắn; điểm quan trọng nhất của Bi cũng như Từ là không có một điều kiện nào. Thí dụ như ta cứu trợ bão lụt thiên tai mà không lưu lại một chút dấu vết nào về tên tuổi hoặc công lao, thậm chí việc làm ấy ta cũng không cần nhớ, đó gọi là Bi; còn cứu trợ để được ghi vào sổ vàng, để được tuyên dương thì chỉ là những hình thức trao đổi thông thường, cố lắm cũng chỉ là việc tốt nhỏ mà thôi. Là Phật tử , chúng ta không vì mình mà phải vì người, luôn cầu Phật ban vui và cứu khổ cho mọi người mọi loài. Riêng bản thân ta muốn an vui hạnh phúc thì phải chăm chỉ thưc hiện Hỷ và Xã. Hỷ nghĩa là vui nhưng không phải là cái vui thông thuờng của dục vọng, mà là sự an lạc tự nhiên sau khi nhận thức thế gian vô thường, các pháp đều không có thật tánh, mọi hiện tượng và sự vật đều không tồn tại lâu bền; ta luôn nhìn đời, nhìn sự chuyển biến của nội tâm như một vở tuồng trên sân khấu; ta luôn thản nhiên an lạc trước mọi hoàn cảnh, mọi biến chuyển của dòng đời. Nói vậy không có nghĩa là ngồi không chờ sung rụng, mà phải làm việc theo khả năng của mình để phục vụ xã hội nhân sinh, đem lại an vui cho mọi người; lấy cái vui của người làm cái vui của mình, đó mới là Hỷ chân chính. Xã (relaxation) là chữ cuối cùng trong tứ vô lượng tâm, có nghĩa là buông bỏ, sự buông bỏ hoàn bị thì cái tâm sẽ trong suốt, sẽ chứng đạo. Ở đây chúng ta chỉ bàn về buông bỏ những những ý nghĩ xấu, những việc làm không tốt mà thôi. Cái thông thường nhất để gây ra đau khổ, sinh ra nghiệp chướng chính là sự tham lam, sân hận, cố chấp và ham muốn. Cái tham của con người thật đúng là không đáy, tham tiền tài, vật chất, tham cả hư danh; ai nghịch ý một chút sẽ đem lòng oán hận, ganh ghét kẻ hơn mình; luôn nhận định mọi việc sự chủ quan, luôn cho mình là đúng; còn về ham muốn thì buông thả theo dục lạc, vẫn biết là con người thì phải có sự ham muốn theo nhu cầu cuộc sống, nhưng trên thực tế người ta ham muốn bằng ngàn vạn nhu cầu thực sự của con người; để đạt ý muốn, người ta sẽ làm mọi việc bất chấp cả những điều tội lỗi. Tâm trí của người ta luôn chứa đầy ý nghĩ, trong đó có những cái đã qua (what have been), những cái chưa tới (what will be), những cái muốn là (what should be), không bao giờ sống với hiện tại, tâm trí không bao giờ được rỗng rang yên tịnh, luôn sống trong sự thiếu thốn (dù họ đang giàu có). Vì vậy là Phật tử chúng ta phải biết nhìn thẳng vào sự thật, phải biết rõ nhu cầu của mình, phải buông bỏ lập tức sự tham lam ích kỷ, hờn giận nhỏ nhen, phải nhận định khách quan mọi việc và phải hạn chế sự ham muốn để bớt dần đi nghiệp chướng, để tiến tới sự an lạc vững bền. Tham thiền hay Niệm Phật đều là những phương pháp rất tốt để cho tâm trong sạch. Khi tâm trong sạch thì phúc đức tự sinh, trí huệ tự hiện bày, dần dần thoát ly bể khổ, tiến đến chỗ giác ngộ.
|
Cập nhật ( 25/06/2008 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com