XUNG QUANH CHÙA VÀ CHUÔNG CHÙA HÀN SAN
* Quân Hoàng
Gần dây trên vài tờ báo có một số người nói là, khi đi du lịch Trung Quốc, họ được nghe giải thích: ở ngoại thành Tô Châu có thôn Giang Phong và núi Sầu Miên, từ đó có câu thơ “Giang Phong ngư hỏa đối Sầu Miên,”của Trương Kế đời Đường, lại nói quả chuông chùa Hàn Sơn nổi tiếng đã bị quân Nhật đem nấu chảy để đúc đạn trong thế chiến thứ hai… Sau đây là tư liệu rút từ cuốn sách giới thiệu các di tích văn hóa Trung Quốc của Chu Nhất Phi, một giáo sư dạy Hoa ngữ cho người nước ngoài ở Thượng Hải.
Chùa Hàn Sơn nằm ở ngoại thành Cô Tô, tại một trấn nhỏ tên Phong Kiều Trấn. Chùa được xây dựng trong khoảng thời gian từ 501 đến 519, đời nhà Lương, trong giai đoạn Lục Triều. Thoạt tiên chùa có tên là Diệu Lợi Bồ Minh Tháp Viện. Tương truyền vào đời nhà Đường, có hai vị tăng từ núi Thiên Thai (bây giờ thuộc tỉnh Triết Giang) tới trụ trì, từ đó chùa đổi tên thành là Hàn Sơn.
Chùa Hàn Sơn nằm trên bờ một con sông đào lớn, giữa hai cây cầu là Phong Kiều và Giang Thôn Kiều. Trong quá trình hơn ngàn năm lịch sử, nó đã mấy lần bị thiêu cháy, ảnh hưởng của nó cũng lúc lên lúc xuống, ngôi chùa hiện nay được xây vào cuối đời Thanh, thời hai hoàng đế Quang Tự và Tuyên Thống. Các kiến trúc chính gồm đại điện, nhà vũ có hành lang chạy vòng, viện kinh, tháp chuông, một làu tháp có tên Phong Giang Lâu.
Từ cổng chùa vào, qua một bức bình phong có chạm khắc các hình tượng Phật, ta gặp ngay hai pho tượng đứng trên bệ lớn hình hoa sen, cả hai để ngực trần, đi chân đất, một vị cầm bình phép, một vị cầm bông sen. Đó là tượng của hai tổ Hàn Sơn và Thập Đắc. Có nhiều truyền thuyết về hai vị tăng này. Một trong các truyện kể rằng: có một vị sư già trên núi Thiên Thai, bữa nọ nhặt được hai hài nhi bị bỏ rơi trong núi. Sư đem chúng về chùa nuôi, đặt tên cho một trẻ laá Hàn Sơn, (núi lạnh) và trẻ kia là Thập Đắc (nhặt được). Lớn lên hai trẻ tu hành đắc đạo, trở thành cao tăng. Họ đi thí pháp đó đây, đến Cô Tô thì ở lại ngôi chùa trên bến Phong Kiều. Lại có một câu chuyện khác, kể rằng có hai đứa trẻ mồ côi sống nương tựa vào nhau từ lúc còn rất nhỏ.Về sau đứa lớn hơn trở thành người đồ tể, đứa nhỏ theo giúp việc cho anh. Họ rất nghèo, cả hai đến hơn ba mươi tuổi vẫn chưa có vợ. Một người mai mối thương tình tìm cho anh lớn một cô gái nghèo ở làng bên, cũng cảnh tứ cố vô thân. Nàng không có gì làm của hồi môn, chỉ có hai con lợn, nuôi trong nhà, nàng quyết định mổ thịt để làm cổ cưới. Vì trong vùng chỉ có hai anh em nhà nọ là đồ tể, nên việc mổ lợn phải mời đến họ. Sau khi hoàn thành công việc, người anh sai em ở lại dọn dẹp, còn mình lại tất tưởi đi lo mổ một đám khác. Đi được nữa đường, sực nhớ là để quên con dao cạo lông lợn ở nhà cô dâu, người anh quay lại, đến cửa anh bổng nghe tiếng em trai mình và cô gái sụt sùi trò chuyện. Người em nói: “Anh tôi là con người thật thà, tốt bụng, không hề ngờ hai ta đã có tình với nhau. Nếu biết thì anh nhất quyết chẳng chia cách đôi ta. Bây giờ tôi chỉ còn nước bỏ nhà cắt tóc đi tu.” Đến lúc ấy người anh mới biết rằng cô gái đã là ý trung nhân của em mình từ lâu. Anh lẳng lặng bỏ đi và trở thành Hòa thượng ở Diệu Lợi Bồ Minh Tháp Viện. Anh tự đặt pháp danh là Hàn Sơn, ngụ ý mình như ngọn núi lạnh giá mọi chuyện ở đời. Không thấy anh trở về người em cũng bỏ đi tìm anh khắp nơi. Vài năm sau, cậu đến Cô Tô thành. Nghe nói ở chùa Hàn Sơn có một nhà sư bộ dạng giống như anh mình, cậu tìm đến chùa, trên đường đi cậu hái một bông hoa và một chiếc lá sen bên đường để lấy may. Hai anh em gặp nhau vui mừng khôn xiết. Nhà sư bưng một cái hộp đựng đồ chay ra đãi em. Người em quyết định ở lại tu với anh. Nghĩ rằng mình gặp lại người em là cả một sự tình cờ may mắn, Sư Hàn Sơn đặt pháp danh cho em là Thập Đắc (nhặt được). Tấm bảng đá khắc hình hai tăng trước mặt đại diện ghi lại cuộc trùng phùng ấy. Nó được khắc dựa theo bức tranh của La Sinh, một trong “Dương Châu bát quái” (tám họa sĩ theo phái họa ngoài khuôn trước của đất Dương Châu). Trong bức tranh, một người cầm trong tay chiếc lá và bông hoa sen, người kia cầm chiếc hộp đựng đồ chay. Tiếng Trung Hoa, hoa sen và hộp phát âm là lián hé, cũng đồng âm với từ liên hợp có nghĩa là hòa hợp. Vì thế người ta thường gọi hai tăng là Hòa Hợp Nhị Tiên.
Thật ra, chùa hàn Sơn nổi tiếng đến ngày nay chủ yếu nhờ bài thơ “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế. “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên / Giang phong ngư hỏa đối sầu miên / Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự / Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền” sau Tản Đà đã chuyển ngữ thật tài hoa: “Trăng tà tiếng quạ kêu sương / Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ / Thuyền ai đậu bến Cô Tô / Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn”. Từ bài thơ ấy, cái chuông chùa Hàn Sơn thành báu vật. Du khách đến chùa đều tìm xem chuông, đặc biệt là khách Nhật Bản. Người Nhật truyền tụng rằng nếu được nghe chuông chùa Hàn Sơn đánh đúng lúc 108 tiếng vào lúc giao thừa, thì mọi ưu phiền trong năm sẽ được rũ sạch và một năm mới tốt lành sẽ tới. Vì thế, gần đây rất đông du khách Nhật Bản kéo tới chùa vào ngày cuối năm âm lịch để nghe chuông. Vào 11 giờ 40 phút đêm ấy, sư trụ trì sẽ leo lên tháp để thỉnh chuông. Tiếng chuông thứ 108 sẽ điểm đúng 0 giờ ngày mồng một đầu năm mới. Thế nhưng quả chuông mà Trương Kế nghe tiếng vào đời Đường không còn nữa. Vào đời Minh khoảng từ năm 1522 mới được đúc ra một ngọn tháp được dựng lên để treo chuông. Quả chuông này được đúc theo một tỷ lệ truyền từ thời Đường, âm thanh rất phong phú, ngân vang đến nhiều dặm xa. Đến cuối đời Minh, không hiểu theo con đường nào, chuông bị lạc sang nước Nhật. Khoảng từ 1875 đến 1909, vào đời Thanh, một quả chuông mới được đúc theo mẫu chuông đời Minh và người sử dụng lại tháp treo chuông. Đó là quả chuông hiện ta thấy ở chùa, nó cao 2m, chu vi ba người ôm. Trong chùa còn có một quả chuông khác, đó là một trong hai quả chuông giống hệt nhau, do các nghệ nhân Nhật Bản đúc năm 1906, với tiền cung hiến của Phật tử bên Nhật. quả chuông thứ hai hiện ở chùa Quang Sơn, Nhật Bản.
Xung quanh quả chuông chùa Hàn Sơn còn có một truyền thuyết lạ: Năm ấy mưa to nước lớn, một quả chuông ở đâu trôi dạt đến trước cổng chùa. Hai sư Hàn Sơn, Thập Đắc ra sông tìm cách kéo chuông lên nhưng không sao kéo được. Thập Đắc bằng cầm một cây gậy trúc lội ra, trèo lên quả chuông. Lập tức chuông trôi vùn vụt và đưa ông ra biển, rồi dạt vào một xứ lạ. Sư lên bờ, dựng chùa treo chuông hàng ngày tụng niệm. Tiếng chuông vang về tận chùa Hàn Sơn. Cảm nhận được đó là tiếng chuông của Thập Đắc, Hàn Sơn bèn sai đúc một quả chuông giống hệt.
Thế là cách xa ngàn dặm, hai anh em vẫn hàng ngày trò chuyện qua tiếng chuông. Xứ sở mà Thập Đắc lạc đến chính là nước Nhật. Truyền thuyết thần bí hóa sức mạnh của tiếng chuông chùa Hàn Sơn càng làm ta kinh ngạc về sức mạnh ghê gớm của một câu thơ! Vài năm trước đây có một nhóm tăng từ Nhật bản đến Thượng Hải. Trong lúc thưởng trà ở chùa Ngọc Phật, họ bỗng hỏi sư trụ trì: “ Theo điển lễ của nhà Phật, thì chuông thỉnh vào sáng sớm và chiều tà. Thế mà tại sao ở Trung Quốc, chuông chùa lại đánh vào ban đêm?” Nhà sư mỉm cười đem ra một bản in đá bài thơ “ Phong Kiều dạ bạc”. Các nhà sư Nhật Bản tươi nét mặt, không hỏi nữa.
Chùa Hàn Sơn còn nổi tiếng thế giới về bộ sưu tập các bảng đá khắc chữ của các thư gia nhiều đời, trong đó tất nhiên quan trọng nhất là bản khắc bài thơ của Trương Kế. Tiếc rằng bản đầu tiên từ đời Tống đã mất từ lâu, còn lại các bản khắc đời Minh, Thanh. Có cả một bản khắc bút tự của Tống Nhạc Phi còn giữ được.
Cập nhật ( 16/08/2009 )