TẾT NGUYÊN ĐÁN – LỄ HỘI MỪNG SINH NHẬT CỦA LOÀI NGƯỜI VÀ PHẢI CHĂNG XUÂN NHẬT LÀ NGÀY CỦA MÙA XUÂN * Nguyễn Hữu Hiệp 1. Có được ngày Tết Nguyên Đán như ngày nay, phải đâu là chuyện đơn giản! Rất xa xưa, từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế (*) người ta cho rằng lúc mới tạo thiên lập địa, theo lý “Thái cực, Lưỡng nghi, Tứ tượng…” thì giờ Tý có Trời, giờ Sửu có đất, giờ Dần mới sinh ra loài người (có lẽ trình tự hệ Thiên Can và Địa Chi có khái niệm từ ấy). Đời nhà Hạ (2205 – 1766 TrTL) thích màu đen, chọn tháng Dần là tháng đầu năm để ăn Tết. Đến đời nhà Thương (1776 – 1122 TrTL) thì lại thích màu trắng, đổi lại Tết nhằm vào tháng Chạp, tức tháng Sửu. Đời nhà Châu (1122 – 256 TrTL) ưa sác đỏ, chọn tháng Tý là tháng 11 làm tháng Tết. Qua đời Đông Châu (hết đời nhà Châu), Khổng Tử theo quan niệm nhà Hạ, đổi ngày Tết lại tháng Dần. Nhưng đến đời nhà Tần (255 – 206 TrTL), Tết lại nhảy qua tháng Hợi, tức tháng 10. Cho đến khi nhà Hán (206 TrTL – 221 STL) lên ngôi trị vì thiên hạ theo chủ trương của Khổng Tử nên lấy lại như trước, tức tháng Tết là tháng Dần – tháng Giêng. Từ ấy mới ổn định luôn tới nay. Hơn thế nữa, tuy có bất đồng về tháng Tết, nhưng vấn đề mùa Xuân thì cuộc bàn cãi không gay go, bởi ai cũng đồng tình rằng, trong bốn mùa của một năm, mùa Xuân khí hậu mát mẻ nhất, vạn vật đều tốt tươi, thoải mái nên cuối cùng có sự chấp nhận “Vạn sự khởi ư Xuân” (muôn việc khởi đầu tự mùa Xuân). Do vậy đã sớm có nề nếp sắp đặt kế hoạch trong một năm phải tính ngay từ mùa Xuân (“Nhất niên chi kế tại ư xuân”). Đến đời nhà Hán, ông Đông Phương Sóc bổ sung thêm về những hiện tượng đầu tiên trong những ngày mới tạo thiên lập địa: – Ngày thứ nhứt, có thêm giống gà; – Ngày thứ hai, sinh ra loài chó; – Ngày thứ ba, sinh ra loài heo; – Ngày thứ tư, sinh ra loài dê; – Ngày thứ năm, sinh ra loài trâu; – Ngày thứ sáu, sinh ra loài ngựa; – Ngày thứ bảy, sinh ra loài người; – Ngày thứ tám sinh ra ngũ cốc… Cho nên người ta ăn Tết từ ngày đầu của mùa Xuân (tháng Giêng) đến ngày thứ bảy – sinh nhật của loài người. Nhưng nếu có người cắc cớ hỏi “Ngày Tết có phải là ngày Xuân nhựt không?” hoặc “Ngày Xuân nhựt có phải là ngày của mùa Xuân không?” thì không ai vội trả lời “Đúng vậy”, bởi vì đơn giản là “Không đúng vậy”! Trước hết, tưởng cũng nên biết sơ qua về 12 ngày tiết khí trong năm: 1- Lập Xuân 2- Kinh Trập (Sâu nở) 3- Thanh Minh (Trong sáng) 4- Lập Hạ (Đầu hè) 5- Mang Chủng (Tua rua) 6- Tiểu Thử (Nắng oi) 7- Lập Thu (Đầu thu) 8- Bạch Lộ (Nắng nhạt) 9- Hàn Lộ (Mát mẻ) 10-Lập Đông (Đầu đông) 11-Đại Tuyết (Khô úa) 12-Tiểu Hàn (Chớm rét) (Ngày đầu của một mùa thì gọi là Mạnh, thí dụ Mạnh Xuân, Mạnh Thu…; ngày giữa của một mùa thì theo sau tên mùa là phân, thí dụ Xuân phân, Thu phân…). Vậy ngày Lập xuân không phải là ngày đầu mùa Xuân, cụ thể không phải là ngày mồng một tháng Giêng. Ngược dòng, ta đã biết, vua Huỳnh Đế chế ra bộ “Vạn niên sử” (Đại niên ký) đầu tiên của Trung Hoa, tức âm lịch (tính toán trên cơ sở vận hành của mặt trăng) có định rõ: Tết Nguyên đán được bắt đầu tại thời điểm của ngày mồng Một tháng Giêng (giao thừa), còn Nguyên đán thì cũng có nghĩa tương tự như vậy (Nguyên là bắt đầu, đán là buổi sớm), nghĩa là ngay khi chấm dứt tiết Đông chuyển sang tiết Xuân ấm áp mát mẻ. Cho nên ngày Tết Nguyên đán không hẳn là ngày Xuân nhựt (tiết lập Xuân) mà thường trễ lại, hoặc đảo ngược về trước, tức lọt vào những ngày của tháng cuối Đông. Ta dò lại sách lịch sẽ thấy rất rõ điều đó. * Một số năm cuối thế kỷ trước: – Năm Canh Ngọ (1990) lập Xuân ngày 9 tháng Giêng; – Năm Tân Mùi (1991) lập Xuân ngày 20 tháng Chạp; – Năm Nhâm Thân (1992) lập Xuân ngày 1 tháng Giêng; – Năm Quý Dậu (1993) lập Xuân ngày 13 tháng Giêng; – Năm Giáp Tuất (1994) lập Xuân ngày 24 tháng Chạp;… * Một số năm đầu thế kỷ này: – Năm Quý Mùi (2003) lập Xuân ngày mồng 4 tháng Giêng; – Năm Giáp Thân (2004) lập Xuân ngày 14 tháng Giêng; – Năm Ất Dậu (2005) Xuân phân ngày 11 tháng Giêng, tức lập Xuân tháng Chạp năm trước; – Năm Bính Tuất (2006) lập Xuân ngày mồng 7 tháng Giêng; – Năm Đinh Hợi (2007) Xuân phân ngày mồng 3 tháng Giêng, tức lập Xuân tháng Chạp năm trước; – Năm Mậu Tý (2008) Xuân phân ngày 13, tức lập Xuân tháng Chạp năm trước; – Năm Kỷ Sửu (2009) lập Xuân ngày mồng 10 tháng Giêng v.v. Ngược dòng, ta đã biết, vua Huỳnh Đế chế ra bộ “Vạn niên sử” (Đại niên ký) đầu tiên của Trung Hoa, tức âm lịch (tính toán trên cơ sở vận hành của mặt trăng) có định rõ: Tết Nguyên đán được bắt đầu tại thời điểm của ngày mồng Một tháng Giêng (giao thừa), còn Nguyên đán thì cũng có nghĩa tương tự như vậy (Nguyên là bắt đầu, đán là buổi sớm), nghĩa là ngay khi chấm dứt tiết Đông chuyển sang tiết Xuân ấm áp mát mẻ (lưu ý: tiết chứ không phải mùa). Cho nên ngày Tết Nguyên đán không hẳn là ngày Xuân nhựt (tiết lập Xuân) mà thường trễ lại, hoặc đảo ngược về trước, tức lọt vào những ngày của tháng cuối Đông. Tìm trong di sản ta biết được một giai thoại văn chương khá lý thú: Năm Kỷ Sửu (1829) có đến 2 ngày lập Xuân. Một giai thoại nói về câu đối Tết có liên quan: Năm Minh Mạng thứ 10, đêm 30 Tết lúc giao thừa vua cao hứng đọc lên một vế câu đối: “Bán dạ song Hành khiển, tân đương niên, cựu đương niên”. (Nửa đêm hôm nay có hai ông Hành khiển, một ông coi về năm mới, một ông coi về năm cũ). Sáng sớm mồng một, trăm quan vào làm lễ chúc Tết. Vua đọc lại câu đối ấy và bảo các quan đối. Các quan nghĩ mãi không ai đối được. Khi ấy quan Lễ bộ Tham tri là Hà Tôn Quyền bị ốm xin phép nghỉ ở nhà. Vua sai triệu vào bảo đối. Hà Tôn Quyền liền đối: “Kim tuế lưỡng lập Xuân, tiền nhất nguyệt, hậu nhất nguyệt”. (Năm nay có hai ngày lập Xuân, ở tháng trước một ngày, tháng sau một ngày). Vua và các quan đều khen là hay. Cho nên Xuân nhựt và ngày Tết không hề liên quan nhau. ————————————- (*) Tam Hoàng Ngũ Đế là những vị vua đầu tiên của nước Trung Hoa xưa, có tính hoang đường hơn là lịch sử. Tam Hoàng Ngũ Đế bắt đầu từ ông vua thứ nhất là Phục Hy (2825 – 2737 TrTL) cho đến ông vua cuối cùng thời đó là vua Thuấn (2255 – 2205 TrTL).
|
Cập nhật ( 06/02/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com