Quá trình hình thành và phát triển của Ban Tôn giáo Cà Mau * Trần Thanh Liêm Là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau có quá trình hình thành, phát triển gắn với nhiều tên gọi khác nhau: xã Cà Mau thuộc trấn Hà Tiên; huyện Long Xuyên, thuộc tỉnh Hà Tiên; quận Cà Mau thuộc tỉnh Bạc Liêu; tỉnh Cà Mau (năm 1956); tỉnh An Xuyên (22/10/1956); tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu, tỉnh Minh Hải (năm 1976); tỉnh Cà Mau (1997) [1] cho đến nay. Cà Mau hiện có 9 đơn vị hành chính, gồm: Cái Nước, Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, thành phố Cà Mau, Thới Bình, Trần Văn Thời và U Minh; có 101 xã, phường, thị trấn; dân số có 1.227.329 người, chủ yếu là ba dân tộc: Kinh, Khmer và Hoa.
Cà Mau hiện có 06 tôn giáo được công nhận, hoạt động theo hiến chương, đường hướng hành đạo của từng tôn giáo, cụ thể: Phật giáo, Cao Đài, Công giáo, Tin Lành, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam và Phật giáo Hòa Hảo. Có 373.327 tín đồ các tôn giáo, chiếm 30,4% dân số của tỉnh. Trong đó, Phật giáo có 304.575 người; Cao Đài có 26.244 người; Công giáo có 22.334 người; Tin Lành có 5.505 người; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam có 13.429 người và Phật giáo Hòa Hảo có 1.025 người; 1198 chức sắc, 1913 chức việc; 130 cơ sở thờ tự của các tôn giáo, 135 tổ chức tôn giáo cơ sở đang hoạt động ổn định[2]. Từ thực tế của địa phương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước (QLNN) về tôn giáo của tỉnh phù hợp và đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra. Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Ban Tôn giáo Cà Mau, có thể tóm lược qua các giai đoạn, cụ thể như sau: – Giai đoạn từ năm 1950 – 1990 Trong giai đoạn này, Ban Tôn giáo Cà Mau chưa thành lập, công tác tôn giáo do bộ phận thuộc Ban Dân vận Tỉnh ủy đảm trách. Các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy về công tác Hoa vận, Khmer vận có liên quan đến tôn giáo được ra đời trong giai đoạn này, cụ thể như: Ngày 25/5/1952, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về công tác Hoa vận; ngày 12/01/1954, Tỉnh ủy triển khai nghị quyết về công tác Khmer vận, vận động bộ phận dân tộc tham gia kháng chiến. Trong các tôn giáo ở Cà Mau, chức sắc Cao Đài Minh Chơn đạo từng tham gia thực hiện công tác Tôn giáo vận trong Ban Dân vận Tỉnh ủy, như: cụ Ngô Tâm Đạo, Chưởng quản Hiệp thiên đài, nguyên là Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng khu Tây Nam Bộ; cụ Nguyễn Văn Sáng, Thượng Đầu sư Cao, từng giữ chức Trưởng Tiểu ban Tôn giáo vận tỉnh Minh Hải; cụ Đặng Thế Hùng, nguyên Chánh Văn phòng khu Tây Nam Bộ, từng tham gia công tác trong Ban Tôn giáo vận… – Giai đoạn từ năm 1990 – 2003 Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991) của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định quan điểm của Đảng về tôn giáo, đó là: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng. Chống mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng để làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân”[3]. Nắm vững quan điểm, nghị quyết của Đảng, tỉnh Cà Mau (lúc bấy giờ là tỉnh Minh Hải) đã từng bước kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, về cơ bản đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trên lĩnh vực quản lý nhà nước (QLNN) về tôn giáo. Ngày 22/3/1991, UBND tỉnh Minh Hải ký Quyết định số 57/QĐ-UB về việc thành lập Ban Tôn giáo, có nhiệm vụ nghiên cứu giúp UBND tỉnh tổ chức, điều hành quản lý về mặt nhà nước đối với tôn giáo theo đúng pháp luật. Ban Tôn giáo đặt trụ sở tại Văn phòng UBND tỉnh, có con dấu riêng, sử dụng kinh phí hoạt động thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Ngày 28/8/1992, Ban Tôn giáo được đổi tên thành Ban Tôn giáo – Dân tộc, theo Quyết định số 88-QĐ/UB ngày 28/8/1992, cơ quan có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng. Ngoài nhiệm vụ về công tác tôn giáo, còn thực hiện nhiệm vụ về công tác dân tộc và chịu sự hướng dẫn về nghiệp vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban Tôn giáo dân tộc Trung ương. Trong thời gian từ năm 1991, đến tháng 12 năm 1999, ông Nguyễn Văn Kiệt (Tư Kiệt) được bổ nhiệm Trưởng ban Ban Tôn giáo (Quyết định số 25-QĐ/UB ngày 25/3/1991 của UBND tỉnh Minh Hải); rồi Trưởng ban Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh (Quyết định số 96-QĐ/UB ngày 28/8/1992 của UBND tỉnh Minh Hải). Ngày 06/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã phê chuẩn việc tách tỉnh Minh Hải ra thành hai tỉnh: Cà Mau và Bạc Liêu, kể từ ngày 01/01/1997, tỉnh Cà Mau được tái lập. Thời điểm này, Ban Tôn giáo và Dân tộc của tỉnh được đổi tên thành Ban Tôn giáo tỉnh, có con dấu, tài khoản riêng và trụ sở tại số 57, đường 1/5, Phường 5, thành phố Cà Mau. Ông Nguyễn Văn Kiệt tiếp tục giữ chức vụ Trưởng ban đến tháng 12 năm 1999. Sau đó, ông Trần Tự Kinh, Trưởng ban Ban Kinh tế – Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau, được bổ nhiệm làm Trưởng ban Ban Tôn giáo (Quyết định số 117/QĐ-CTUB ngày 21/12/1999 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau), đến tháng 12 năm 2003. Các ông Phan Hữu Chuẩn, Lê Thanh Phong giữ chức Phó Trưởng ban. Đội ngũ cán bộ, công chức thuộc Ban Tôn giáo lúc này ít, biến động từ 5 đến 6 người. Trong thời gian này, ngoài cơ quan Ban Tôn giáo tham mưu trực tiếp cho UBND tỉnh, Tỉnh ủy Cà Mau còn thành lập Tổ công tác, Ban Chỉ đạo các vấn đề về dân tộc, tôn giáo. Cụ thể là ngày 13/11/2000, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 356-QĐ/TU về việc thành lập Tổ công tác Tôn giáo Cao Đài Minh Chơn đạo Hậu Giang. Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước; định hướng cho tôn giáo này hoạt động theo đúng đường lối của Đảng và chịu sự quản lý của nhà nước[4]. Ngày 09/4/2001, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 12-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết các vấn đề về dân tộc, tôn giáo tham mưu giúp cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ có chủ trương chỉ đạo kịp thời các vấn đề về dân tộc, tôn giáo. – Giai đoạn từ năm 2003 – 2008 Tháng 3 năm 2003, tại Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Đảng ta đã ban hành các nghị quyết: Nghị quyết về công tác dân tộc và Nghị quyết số 25 về công tác tôn giáo. Sau khi tiếp thu tinh thần các nghị quyết của Đảng, Tỉnh ủy Cà Mau đã ban hành Chương trình số 36-CTr/TU ngày 23/4/2003 Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc và công tác tôn giáo. Để củng cố tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế, ngày 03/12/2003, UBND tỉnh Cà Mau đã ký Quyết định số 80/2003/QĐ-UB về việc thành lập Ban Dân tộc – Tôn giáo, thực hiện chức năng trên hai lĩnh vực QLNN về Dân tộc và Tôn giáo. Ông Lê Khải Phong được bổ nhiệm làm Trưởng ban và 03 Phó Trưởng ban là các ông: Trần Tự Kinh, Danh Sươl và Nguyễn Thanh Điền. Cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc – Tôn giáo dần dần được củng cố, có các phòng chức năng: Văn phòng, Thanh tra, phòng Dân tộc (phụ trách Phật giáo Nam tông Khmer, Hoa tông), phòng Tôn giáo và phòng Kế hoạch Dự án. Thời điểm này, bộ máy làm công tác tôn giáo đang thực hiện theo Nghị định số 22/2004/NĐ-CP ngày 12/01/2004 của Chính phủ về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp; Thông tư số 25/2004/TT-BNV ngày 19/4/2004 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh QLNN về công tác tôn giáo ở địa phương, thì bộ máy làm công tác QLNN về tôn giáo của tỉnh ngày càng được củng cố và lớn mạnh, nâng cao cả về số lượng, trình độ chuyên môn và phẩm chất chính trị. Trong số 8 huyện và thành phố Cà Mau đã thành lập được 04 Phòng Dân tộc – Tôn giáo, đó là: Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Thới Bình và thành phố Cà Mau. Số lượng cán bộ, công chức biên chế mỗi phòng Dân tộc – Tôn giáo từ 03 đến 05 người. Còn lại 05 đơn vị, đều bố trí công chức chuyên trách công tác dân tộc, tôn giáo thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện. Xã, phường, thị trấn do Phó Chủ tịch phụ trách Văn xã kiêm nhiệm công tác dân tộc, tôn giáo. Như vậy, kể từ khi thành lập Ban Tôn giáo cho đến tháng 3 năm 2008 trong toàn tỉnh Cà Mau đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo bước đầu cơ bản đã ổn định, cụ thể: cấp tỉnh 16 công chức, cấp huyện 22, cán bộ kiêm nhiệm xã, phường, thị trấn gần 100 người. Có thể nói, trong thời gian này, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo của tỉnh cơ bản đã ổn định. – Giai đoạn từ năm 2008 đến nay Ngày 04/02/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2008/NĐ-CP về thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP về thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Thực hiện Nghị định 13/2008/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 622/QĐ-UBND về việc sáp nhập bộ phận làm công tác tôn giáo từ Ban Dân tộc – Tôn giáo vào Sở Nội vụ. Trên cơ sở đó, bộ phận làm công tác Tôn giáo đã tham mưu cho Giám đốc Sở Nội vụ soạn thảo Đề án thành lập Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ, trình UBND tỉnh phê duyệt. Ngày 25/12/2008, UBND tỉnh ký Quyết định số 2042/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ. Đến ngày 03/02/2009, Giám đốc Sở Nội vụ đã ký Quyết định số 44/QĐ-SNV thành lập các phòng chuyên môn thuộc Ban Tôn giáo. Theo đó, Ban Tôn giáo có 02 phòng chức năng là: Hành chính – Tổng hợp, Nghiệp vụ. Ông Trần Tự Kinh, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh, được điều động bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Nội vụ (Quyết định số 1494/QĐ-UBND ngày 13/10/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh); đồng thời phân công giữ chức Trưởng ban Ban Tôn giáo (Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 06/01/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh). Ông Đoàn Công Găng được bổ nhiệm chức Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo (Quyết định số 134/QĐ-SNV ngày 20/3/2009 của Giám đốc Sở Nội vụ). Sau khi ông Trần Tự Kinh nghỉ hưu, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã điều động ông Huỳnh Ngọc Sang, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Ban Dân chủ pháp luật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, nhận nhiệm vụ tại Sở Nội vụ (Quyết định số 122-QĐ/BTCTU ngày 05/4/2012). Ngày 09/4/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký Quyết định số 539/QĐ-UBND bổ nhiệm ông giữ chức Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo. Các ông Ngô Hòa Dựa, Trần Diệu Hiền hiện là Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo. Hiện nay, biên chế của Ban Tôn giáo là 12 người, trình độ chuyên môn đều tốt nghiệp Đại học các ngành, như: Luật, Lịch sử, Triết học, Hành chính, Xã hội học, Đông Phương học, Ngữ văn và Cao học Tôn giáo. Đến nay, về cơ bản Ban Tôn giáo đã khắc phục những khó khăn đi vào hoạt động ổn định và thực hiện tốt vai trò tham mưu giúp Giám đốc Sở Nội vụ QLNN trên lĩnh vực tôn giáo, đảm bảo các hoạt hoạt động của tôn giáo diễn ra bình thường, tuân thủ quy định của pháp luật. Bên cạnh việc củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác QLNN về tôn giáo, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn tập trung kiện toàn Ban Chỉ đạo giải quyết các vấn đề về dân tộc, tôn giáo của tỉnh, để tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương chỉ đạo giải quyết đúng đắn các vấn đề liên quan đến dân tộc – tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng ban; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh làm Phó ban Thường trực; Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó ban. Các Trưởng hoặc Phó các sở, ban, ngành tỉnh, như: Dân vận, Tuyên giáo, Mặt trận, Dân tộc, Tôn giáo, Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng là thành viên. Các quyết định thành lập ban Chỉ đạo đã được Tỉnh ủy ban hành, cụ thể là: Quyết định số 371-QĐ/TU ngày 07/4/2004 về việc thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo; Quyết định số 99-QĐ/TU ngày 25/9/2006 về việc thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo – dân tộc tỉnh Cà Mau; Quyết định số 581-QĐ/TU ngày 21/8/2009 về việc thay đổi, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo giải quyết các vấn đề lien quan đến tôn giáo – dân tộc tỉnh Cà Mau; Quyết định số 299-QĐ/TU ngày 27/6/2011 về việc kiện toàn, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo giải quyết các vấn đề lien quan đến tôn giáo – dân tộc tỉnh Cà Mau và Quyết định số 546-QĐ/TU ngày 07/5/2012 về việc kiện toàn, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo – dân tộc tỉnh. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác, sự biến đổi thăng trầm trong từng thời điểm lịch sử, ảnh hưởng đến đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo, song với tinh thần đoàn kết, phấn đấu không ngừng của từng cá nhân, sự lãnh đạo sát sao của lãnh đạo Ban, đơn vị đã nắm bắt và thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành. Trong các năm, đặc biệt từ năm 2005 trở lại đây, cơ quan Ban Tôn giáo đều được đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhận được khen thưởng của Bộ, ngành Trung ương, địa phương dưới nhiều hình thức như: Cờ thi đua của Ban Tôn giáo Chính phủ các năm 2005, 2007 và 2008; Bằng khen của Bộ Nội vụ các năm 2008, 2009, 2010; Bằng khen của UBND tỉnh từ năm 2005 đến 2010… Thành tựu đó, là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban, Ngành, Mặt trận, Đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ. Đây thật sự là nền tảng vững chắc cho cán bộ, công chức của ngành noi theo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian tới./. [1] Xem: Ban Dân vận: Lịch sử công tác dân vận Đảng bộ tỉnh Cà Mau 1930-2010 (sơ thảo). [2] Số liệu thống kê đến năm 2013. [3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.51, tr.142. [4] Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Quyết định số 356-QĐ/TU ngày 13/11/2000 về việc thành lập Tổ công tác Tôn giáo Cao Đài Minh Chơn đạo Hậu Giang |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com