HOẰNG PHÁP VỚI THANH THIẾU NIÊN
* Thích Nữ Từ Thảo Ban Hoằng pháp tỉnh Bình Dương Trong suốt 49 năm Thuyết pháp độ sanh, Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện thiện xảo để hóa độ chúng sanh. Ngày nay tiếp nối theo truyền thống đó. Phật giáo luôn đóng một vai trò to lớn và tích cực trong sự giáo dục đạo đức và rèn luyện tâm linh, bởi vì Phật giáo có một truyền thống lâu đời gắn bó cùng Dân tộc qua bao thăng trầm, hưng vong của lịch sử và là một tôn giáo có số tín đồ đông nhất nước VIệt Nam. Vì thế công tác hoằng pháp là một công tác rất quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết mà mỗi sứ giả hoằng pháp của chúng ta phải nhận lãnh một trách nhiệm to lớn đầy thử thách này. Với phương châm: “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp”, là đã nói lên sứ mạng trọng đại của người con Phật, đặc biệt là công tác hoằng pháp đối với tín đồ Phật tử, trong đó việc hướng dẫn thanh thiếu niên là nhiệm vụ hàng đầu. Như chúng ta đã biết, tình trạng đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay ở nước ta như một vực thẳm đang chực chờ phía trước. Hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo đài hoặc những sự việc xảy ra ở địa phương, chúng ta đã nghe hoặc chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện đau lòng do thanh thiếu niên gây ra từ ngoài xã hội cho đến học đường, nơi mà được xem như là một môi trường tốt nhất để các em được giáo dục và hình thành một nhân cách đạo đức tốt, đại bộ phận thanh thiếu niên không còn ý niệm về tội – phước, nhân – quả. Không ý thức lẽ sống ở đời. “Như vụ việc học sinh nữ đánh bạn một cách dã man rồi tung lên mạng những video cilip, học trò giết bạn bằng dao ngay trong lớp, vì một lý do nào đó mà thanh toán với nhau kiểu xã hội đen, ngay cả với chính thầy cô giáo cũng trở thành nạn nhân, đua xe, đánh võng, gây tai nạn chết người cho chính chúng và mọi người, nghiện ngập ma túy làm hủy hoại tuổi trẻ và dẫn đến việc giết người cướp của… những việc làm của chúng hoàn toàn trở nên vô cảm trước nỗi đau của người khác”. Chính vì thế mà Phật giáo chúng ta cần có những đóng góp cùng xã hội giải quyết không thể đứng ngồi những vấn nạn của xã hội hiện nay. Công tác hoằng pháp của chúng ta là phải ngồi lại để phân tích các nguyên nhân đã đưa đến việc suy đồi đạo đức trong giới trẻ thanh thiếu niên: Như chuyện nữ sinh đánh nhau, chắc cũng không lạ gì với chúng ta, nhưng nếu thử nhìn lại các vấn đề do các tuổi teen gây ra gần đây, chúng ta sẽ không hết nỗi kinh hãi trước cả những chuyện tày trời như đâm chém, giết người… đều đó cho thấy sự suy đồi đạo đức ngày càng được thể hiện rõ hơn. Quả thật, đây không phải là một vấn đề đơn giản, các em thanh thiếu niên là những người sẽ tiếp nối tương lai sau này của xã hội. Nếu những vấn nạn này cứ tiếp tục xảy ra thì thật sự rất nguy hiểm. Thanh thiếu niên ngày nay ít khả năng cảm thông và thương xót, bởi vì ngày càng tiếp xúc với những video game cũng như những chương trình truyền hình có nội dung mang tính bạo lực. Trong đó các nghiên cứu khoa học đã cho thấy chúng có sự liên liên kết với việc giảm tốc độ về cảm giác nỗi đau của người khác. Đồng thời sự phát triển của các mạng xã hội trên internet, các phương tiện thông tin liên lạc (Điện thoại di động, máy nhắn tin…) khiến cho con người nói chung và trẻ em nói riêng ngày càng ít tương tác và giao tiếp trực tiếp với nhau. Sự thiếu cảm thông của cả một thế hệ như vậy là một báo động đáng buồn, bởi sự thấu cảm rất quan trọng đối với cuộc sống xã hội của mỗi con người là nền tảng đạo đức cho sự thành công trong cuộc sống. Nguyên nhân từ đâu? Theo các chuyên gia tâm lý cho rằng lỗi đầu tiên là do gia đình, buông lõng con cái trong giáo dục, phó mặc cho nhà trường, nhưng các phụ huynh quên rằng mái ấm gia đình là cái nôi hình thành nhân cách của đứa trẻ, trách nhiệm kế đến là học đường, lối giáo dục tăng giáo điều, đề cao lý thuyết, xem nhẹ kỷ năng sống thực tiển. Bởi vậy mà đề tài hoằng pháp với thanh thiếu niên là một ưu tư sâu đậm cho những ai quan tâm đến lứa tuổi này. Để phát huy vai trò tích cực trong sự nghiệp hoằng pháp với thanh thiếu niên, chúng ta phải có những chương trình sinh hoạt cụ thể, có tính linh hoạt và bất biến. Linh hoạt là sự thay đổi cho phù hợp với môi trường con người, còn bất biến là trong bất cứ sự thay đổi điều chỉnh nào cũng giữ được mục đích của Phật pháp. Nhất là chương trình dành cho thanh thiếu niên. Thực tế lĩnh vực nầy trong nhiều năm qua Phật giáo đã có nhiều hoạt động thiết thực để phần nào giúp chặn đứng sự suy đồi đạo đức trong thanh thiếu niên như: Phật giáo đã tổ chức gia đình Phật tử tại các chùa, các khóa tu dành cho thanh thiếu niên, các trại hè thanh thiếu niên, các câu lạc bộ cho thanh thiếu niên… chúng ta cần nhân rộng nhiều mô hình và chương trình truyền bá chánh pháp như thế này nữa cho tầng lớp thanh thiếu niên Phật tử, cung cấp cho họ những kỷ năng và nghệ thuật sống hạnh phúc cũng như nhận thức về giá trị thực của đời người theo tinh thần Phật giáo. Các nhà hoằng pháp, bằng sự sáng tạo của mình mà vận dụng để thiết lập cho thế hệ trẻ có một niềm tin vững chắc về cuộc sống, về giá trị đạo đức xã hội, về đạo hiếu thảo với ông bà cha mẹ, về nhân quả công bằng của những hành động, đặc biệt là niềm tin tâm linh Phật giáo. Để đạt được mục đích này, không có cách nào hữu hiệu hơn là cần có sự phối hợp của gia đình với nhà chùa. Trước tiên là chúng ta hãy khuyến khích gia đình các Phật tử nên quan tâm đưa con em mình đến chùa thường xuyên, để huân tập đức tin tâm linh ngay từ khi chúng còn nhỏ hơn là chờ đến khi chúng lớn. “Dạy con lúc tuổi còn thơ” Đừng chờ cho con em mình đến tuổi trưởng thành, trong khoảng thời gian tuổi mới lớn, chúng luôn tìm hiểu và học hỏi những cái mới lạ từ thế giới bên ngoài, như thế chúng dễ tiếp nhận những cái xấu, cái tốt từ bạn bè… xã hội hào nhoáng, bao điều mới mẻ luôn rình ập, môi trường của gia đình là con đường định hướng, vì vậy làm cha mẹ và giáo dục học đường cần phải tỉnh táo và sáng suốt kề vai sát cánh với nhau hoạch định, chấn chỉnh lại xây dựng lại cho lớp trẻ tiếp nhận những điều tốt. Hơn nữa nhà chùa cũng là nơi tạo một môi trường tốt cho các em trẻ sinh hoạt kể chuyện Phật pháp, những bài ca vui tươi, cách cư xử với nhau… Khi những ấn tượng tốt ban đầu đã gieo vào cuộc đời tuổi trẻ thì chúng sẽ nhớ mãi, sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Còn rất nhiều phương cách ứng dụng trong quá trình hoằng pháp mà một vị giảng sư có thể sáng tạo ra. Nhiệm vụ hoằng pháp sẽ góp phần đáng kể trong việc định hướng niềm tin và lối sống vững chải cho các thế hệ tương lai. Cho nên đưa đạo Phật đến với tuổi trẻ, giúp cho các em tự tìm đường cho mình. Tuổi trẻ cần được học hỏi để sống với tinh thần bao dung và đạt được giá trị hạnh phúc, an vui khi theo đạo Phật, ứng dụng lời Phật dạy, luôn điều chỉnh hành vi và thái độ tiêu cực, để cho con người sống lạc quan và thấy rõ bản chất có ý nghĩa của cuộc đời, tuổi trẻ phải dũng mãnh sống hạnh phúc không bi quan, không bao giờ có tư tưởng đầu hàng khi đối mặc với những khó khăn, không phụ thuộc vào sự may rủi để hưởng thụ. Tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào trí tuệ và phương pháp tu dưỡng và nhân cách sống của chính mình. Những thanh thiếu niên đã được giáo dục tốt về đạo đức, lớn lên trong một gia đình gia phong lễ giáo, tất nhiên các thanh niên đó sẽ có một bầu nhiệt huyết, biết yêu tổ quốc, yêu đồng bào và sẵn sàng xã thân vì đất nước, vì dân tộc. |
Cập nhật ( 03/05/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com