HIỆN TƯỢNG THẦN LINH – MA QUỶ VÀ HÌNH THỨC ĐỘI LỐT TRONG CHUYỆN KỂ CỦA NGƯỜI MẠ, CHƠRO Ở ĐỒNG NAI * Phan Đình Dũng 1. Tộc người Mạ, Chơro là cư dân có mặt sớm trên vùng Đồng Nai. Cùng với tộc người Kơho, Xtiêng, người Mạ, Chơro được xem là cư dân bản địa/ cư dân gốc, cư dân tại chỗ của vùng Đồng Nai. Tộc người Mạ, Chơro thuộc nhóm loại hình nhân chủng Anhđônêdiêng, về mặt ngôn ngữ, thuộc ngữ hệ Môn – Khơ me, dòng Nam Á, chưa có chữ viết riêng của dân tộc mình. 2. Trong quá trình điền dã sưu tầm tư liệu chuyện kể của cư dân Mạ, Chơro từ nhiều nguồn trên địa bàn Đồng Nai, chúng tôi đã thu thập được 71 văn bản tư liệu. Những địa bàn chủ yếu được tập trung sưu tầm là vùng người Mạ (ấp Hiệp Nghĩa huyện Định Quán, xã Tà Lài huyện Tân Phú); vùng người Chơro (ấp Lý Lịch huyện Vĩnh Cửu và vùng Bình Lộc, thị xã Long Khánh). Nói như vậy để thấy rõ rằng vốn văn hoá dân gian này vẫn chưa được khai thác trên bình diện chung của các vùng cư trú người Mạ, Chơro ở Đồng Nai. 3. Chuyện kể của người Mạ, Chơro phong phú về nội dung như giải thích hiện tượng thiên nhiên, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nguồn gốc các loài, đề cập những yếu tố xã hội, lịch sử, có không gian, thời gian được định hình hay phiếm chỉ..vv…Trong chuyện kể của hai cộng đồng Mạ, Chơro có những chuyện kể đề cập nhiều vấn đề và cũng có những chuyện kể chỉ đề cập một vấn đề cụ thể. Vì vậy, nội dung chuyện có chuyện khá dài, có chuyện rất ngắn. Có chuyện dẫn giải rất nhiều chi tiết cũng có chuyện ít chi tiết, trực tiếp hay hay gián tiếp đi vào nội dung thể hiện. Chính điều này tạo nên sự cuốn hút cho đối tượng nghe. 4. Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập hiện tượng hiện tượng thần linh – ma quỷ – và hình thức đội lốt trong chuyện kể của người Mạ, Chơro. 4.1. Hiện tượng thần linh Qua tư liệu điền dã dân tộc học cho thấy hệ thống thần linh trong đời sống cư dân Mạ, Chơro ở Đồng Nai nói riêng rất phong phú. Với tín ngưỡng “ Vạn vật hữu linh ”, người Mạ, Chơro quan niệm mỗi sự vật, hiện tượng đều có linh hồn hay có thần linh điều khiển. Hệ thống thần linh, ma quỷ thuộc về một thế giới con người không nhìn thấy được nhưng vẫn tồn tại song hành với đời sống con người. Trong chuyện kể người Mạ, Chơro thì hệ thống thần linh và ma quỷ được nhắc đến với một số lượng đáng kể. Thần linh thì thường hay giúp đỡ, ban phước cho con người, còn ác quỷ thì phá hoại cuộc sống của họ. Thế nhưng giữa người và thế giới thần linh đó cũng bao phen gây nên nhiều cảnh đau thương, biệt ly do những quan niệm khác nhau, bởi những luật định, giới cấm và cả những điều nghi kỵ. 4.1.1. Người Chơro gọi thần linh là Yang (nhiều người phiên âm là Giàng)/có nghĩa là thần linh. Thần linh có sức mạnh rất lớn và có quyền điều khiển thế giới mà họ đang sống. Chuyện “Vì sao chim cút sống ở bờ bụi “ thì Yang sai khiến muôn loài ” trồng cây rừng cho đông, đào cho suối thêm nhiều nước“. Chuyện “ Những người ăn mây trời “ đề cập những người khổng lồ ăn mây trời cho trời sáng bắt đầu một ngày mới. Người khổng lồ cũng là một trong những những thần linh. Trong chuyện “ Người hoá voi “, “Những người con của chó “, “ Tráng sĩ diệt cọp tinh “, “ Nàng tiên mèo “, “Chàng Sang Bri “ thì nhắc đến YangBri – tức thần rừng. YangBri tuỳ theo hoàn cảnh, hành động của con người mà giúp đỡ hay quở phạt họ. YangBri là một trong ba loại thần linh mà người Chơro tổ chức cúng lễ trong năm bởi môi trường sống của cộng đồng gắn liền với rừng núi. Thần linh trong chuyện kể người Chơro trong lốt của nhiều dạng như: ông già, cô gái (Nàng tiên mèo), ông Tiên (Thằng mồ côi) hay chàng trai – con chồn (Sự tích Miễu Ông chồn ). 4.1.2. Trong chuyện kể của người Mạ thì thần linh xuất hiện khá nhiều trong nhiều dạng lốt khác nhau. Hệ thống thần linh của người Mạ có nhiều lớp: thần linh sáng tạo thế giới, thần linh của các loài. Thần linh thì có nhiều quyền phép, tài thuật để giúp đỡ con người vượt qua những khó khăn, đánh lại quỷ dữ đồng thời cũng trừng phạt họ nếu như họ bất kính, xúc phạm, không làm theo lời mách bảo. Về lớp thần sáng tạo trong chuyện kể Mạ đề cập thần K’Boong, thần N’Duu, Duk Yang Kòi – thần lúa (Buổi đầu khai thiên lập địa); thần K’Boong ( Sự tích Cà Răng ); thần Readon con của thần Mặt trời (Chuyện về Lửa). Bên cạnh đó, xuất hiện con của thần linh, tổ tiên, hay thần các loài vật như: Doot, Doi, Ka Yếc con thần K’Boong; tổ Paang Kkha và tổ Paang Khem, Biit và Riing hay người khổng lồ I – út; các linh vật thần như rắn Nak Grai, chim Siim Têk, Siim Tiik… Hệ thống thần linh giúp đỡ cho con người trong chuyện kể Mạ mang nhiều lốt khá độc đáo và trong những tình tiết chuyện khá thú vị. Chuyện “ K’Đòng giao chiến cùng trâu nước ” nhắc đến thần Sấm sét và con gái của thần và củ ngãi thần. Chuyện “Cậu K’Rung đi buôn bán“ hay “Hai anh em K’Dòng và K’Sách” nói đến thần Nước – thần Sông giúp đỡ chàng K’Rung được gặp lại vợ mình; khuyên bảo chàng K’Dòng nên làm những việc thiện. Chuyện “ Chàng trai mồ côi ” xuất hiện vị thần Núi. Chuyện “Vợ chồng KaĐìng Kòn Vìng…đánh trận với quỷ“ thì cho thấy yếu tố thần Rừng giúp cho dân làng đánh thắng quỷ dữ. Chuyện “Nàng gà lôi ” thì xuất hiện thần Mặt trời, thần Núi giúp đỡ chàng mồ côi. Chuyện “Cây nấm” thì xuất hiện Nhện thần, ông Trời giúp chị em nàng Ka Vách, Ka Nar…Chuyện “Ka Sệt ngủ với rắn“ xuất hiện thần Cây Đa giúp cho nàng Ka Sệt trong những ngày sống ở rừng. Thần linh thường dùng lốt để đến với con người mà một trong những lốt được sử dụng là các loài thú như: Con sâu (Chuyện con sâu), Con trăn (KaNga xúc trăn, KaDê xúc cá), con lươn (Con lươn thần), con vượn (K’Yung và K’Yài ), con chim (Con chim màu hồng), chim bồ câu ( K’Sệt chọn bạn chim bồ câu ), Chim sơn ca (Hai anh em K’Dong và K’Sách), con chồn ( Quỷ Nai và chàng trai chồn), Con gà (Chàng gà), Con gà lôi ( Nàng gà lôi ), Ngà voi ( Kẻ mồ côi sống với trái gùi), Tiên nữ ( Sự tích thác Bến Cự), Thần cây chuối (Cây chuối thần ). Yếu tố thần linh mang lốt loài thú với nhiều tình tiết hoá thân rất độc đáo. 4.2. Hiện tượng ác quỷ Sự xuất hiện của ác quỷ, ác thú cũng khá nhiều trong chuyện kể Chơro, Mạ. Ác quỷ cũng xuất hiện bất ngờ, cũng đội lốt nhiều thứ và tinh ranh, ma quái luôn tìm cách hại con người. Hình thức đội lốt, hoá thân của ma quỷ xuất hiện trong một số chuyện. 4.2.1. Trong chuyện kể Chơro, ác quỷ đội lốt những hình thức như: thần chết – “mẹ nhau” trong chuyện “ Mẹ nhau thần chết ” lừa phỉnh con người để cho trẻ em không ăn thịt chim bìm bịp để ác quỷ có cơ hội giết hại trẻ em. Ác quỷ đội lốt con cọp – cô gái trong chuyện “ Tráng sĩ diệt cọp tinh ” để hại anh em chàng Điểu Mang. Ác quỷ – con người giàu có, chủ vườn trong chuyện “Chàng K’Tiêng và con quỷ ” bắt người và vật nuôi của con người ăn thịt. Ác quỷ là chằn tinh – mụ già trong chuyện “ Mụ chằn tinh và cây gậy thần ” ăn thịt cô gái trẻ. Ác quỷ là thần sấm sét trong chuyện “Nàng tiên mèo ” với âm mưu đánh phá dân làng, cướp vợ con người. Ác thú – chim đại bàng trong chuyện “ Hai anh em ” hại dân làng. Ác thú – con cọp trong chuyện “ Cô gái lấy cọp” đi cướp vợ con người. Ác thú – đười ươi trong chuyện “ Con đười ươi “ chuyên đi lùng bắt trẻ em để ăn thịt. Ác thú – cọp ba móng trong chuyện “ Chàng SangBri “ phá hoại buôn làng. 4.2.2. Trong chuyện kể Chơro, ác quỷ đội lốt những hình thức như: Ác quỷ – ông già Nu Nìn và ác thú – con trâu nước trong chuyện “K’Đòng giao chiến cùng trâu nước ” giết hại ba người em K’Đòng và phá hoại buôn làng người Mạ. Ác quỷ – người cậu trong chuyện “Quỷ giã gạo làm men“ là hình thức ma lai ăn thịt người. Ác thú – con trăn trong chuyện “ KaNga xúc trăn, KaDê xúc cá “ và “ Trăn thần “ tìm mọi cách ăn thịt con gái loài người. Ác thú – con nai / đội lốt người trong chuyện “ Quỷ Nai và chàng trai chồn ” để bắt con gái. Ác thú – con cọp trong chuyện “Quỷ ăn trái bứa “ vốn là một cô gái do ăn trái bứa của quỷ hoá thành cọp dữ. Cọp dữ ăn thịt dân làng và cuối cùng bị người khổng lồ giết chết. Trước khi chết, cọp dữ đã nhờ vào chiếc nồi thần hoàn trả những thứ mà nó đã giết chết, ăn thịt trước đây. *** Chuyện kể Mạ, Chơro cho thấy tín niệm về mối quan hệ khá thường xuyên giữa con người với thần linh, ma quỷ. Nói một cách khác, trong tín ngưỡng cổ của các tộc người, thần linh, ma quỷ là những thế lực mà họ cho rằng có tác động trong đời sống của cộng đồng. Ma quỷ bằng nhiều hình thức đội lốt để quấy phá cuộc sống con người, thần linh cũng bằng nhiều hình thức đội lốt giúp đỡ con người; nhất là trong những hoàn cảnh mà con người lâm vào sự khó khăn, họ kêu gọi sự giúp đỡ hay chính thần linh cảm thương cho những số phận. Bằng nhiều cách như mang lốt loài thú, con người, cây cối, hay sự mách bảo mà thần linh đến giúp cho con người. Những chuyện kể có phản ánh về hiện tượng thần linh, ma quỷ thường kết thúc với sự chiến thắng của thần linh, kết cuộc thảm hại của ma quỷ. Đó cũng là một trong những triết lý nhân sinh mà người Mạ, Chơro muốn gởi gắm qua chuyện kể, về cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác. |
Cập nhật ( 07/06/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com