ĐOÀN THƯỜNG TRỰC BAN TRỊ SỰ PHẬT GIÁO TỈNH VIẾNG TANG ÔNG LÊ QUÂN
* Nguyên Đức
Chiều ngày 01/6, tại tư gia đường Võ Thị Sáu, phường 8, thành phố Bạc Liêu, Đoàn Thường trực Ban Trị sự (BTS) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh do Thượng tọa Thích Minh Lành, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bạc Liêu đến viếng tang Ông Lê Đại tức Lê Quân, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đã nghỉ hưu. Cùng đi với Đoàn có các vị Phó trưởng BTS Thượng tọa Thích Quảng Thới, Đại đức Thích Phước Chí, Ni sư Thích Nữ Diệu Nghĩa; các Ban trực thuộc và Ban Thư ký Văn phòng BTS.
Theo thông báo của Ban Tổ chức Tang lễ do Ông Võ Văn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh làm Trưởng Ban, vào lúc 21 giờ 40 phút ngày 30/5/2015, Ông Lê Quân ( Năm Quân), nhân vật lịch sử của Bạc Liêu đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 89 tuổi. Căn cứ tư liệu lịch sử, Ông Lê Đại tức Lê Quân có tên thường gọi là Năm Quân sinh năm 1927, tại xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai trong một gia đình nông dân nghèo và Ông mồ côi cha, đến năm 10 tuổi thì mất mẹ. Tháng 5/1945, Ông Năm Quân gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc được bầu làm Ủy viên Xã đoàn Phong Thạnh, đội trưởng Liên đội cảm tử quân. Ngày 23/8/1945, Ông được phân công bao vây dinh Tỉnh trưởng Bạc Liêu, buộc Tỉnh trưởng Trương Công Thiện tuyên bố đầu hàng, giao chính quyền cho cách mạng. Khi Pháp tái chiếm Bạc Liêu, Ông được tổ chức giao nhiệm vụ lãnh đạo đội bảo vệ cụ Vũ Đức, Tư lệnh Quân khu 9. Tháng 10/1946, được phân công về xã Phong Thạnh để gây dựng cơ sở lại cách mạng. Đến ngày 6/1/1947 Ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1949 – 1961, Ông được phân công làm Bí thư Đảng ủy xã Phong Thạnh, rồi Bí thư Huyện ủy Giá Rai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng. Năm 1960 hưởng ứng phong trào Đồng khởi, Ông chỉ huy chiến đấu làm nên cuộc đồng khởi Giá Rai thắng lợi. Năm 1961, Ông được phân công làm Trưởng Ban An ninh tỉnh Sóc Trăng. Đến năm 1963, được bổ sung làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên huấn, kiêm Giám đốc Trường Đảng tỉnh. Tháng 6/1965, Ông được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Trong sự kiện Mậu Thân 1968, Ông được giao làm Trưởng Ban Chỉ huy tổng tiến công và nổi dậy thị xã Bạc Liêu và làm nên mùa Xuân lịch sử 1968. Tháng 1/1971, Ông được Khu ủy điều động trở lại làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng sau đó kiêm Bí thư thị xã Bạc Liêu. Tháng 11/1973, tỉnh Bạc Liêu tái lập, Ông được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 12/1974, Ông được Khu ủy điều động, phân công làm Ủy viên Ban Tuyên huấn khu, đến tháng 4/1975, được cử làm Đặc phái viên của Khu ủy về chỉ đạo giải phóng thị xã Bạc Liêu. Ông làm đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng cùng với Ông Tư Hồng và Hòa thượng Thích Hiển Giác trực tiếp đối thoại với Tỉnh trưởng Bạc Liêu là Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp buộc bàn giao chính quyền không đổ máu vào lúc 07 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4/1975. Đại tá Tỉnh trưởng chế độ cũ đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, giao chính quyền cho cách mạng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ông được giao lần lượt giữ các chức vụ quan trọng đến tháng 7/1989 thì nghỉ hưu.
Tại Lễ viếng, sau phần nguyện hương và thực hiện nghi thức cầu siêu của Đoàn, Cư sĩ Quảng Thiệt tuyên đọc bài tưởng niệm đầy xúc động bởi Phật giáo Bạc Liêu rất quý mến Ông, Ông đến với Phật giáo và tạo điều kiện cho những người Phật giáo đứng vào hàng ngũ cách mạng, đặc biệt với công lao góp phần giải phóng Bạc Liêu không đổ máu được nhân dân và đồng bào Phật tử tri ơn. Sự hiện diện của Ông cho đến ngày nhắm mắt tắt hơi đã để lại cho đời tấm gương anh dũng sáng ngời, sự ra đi hôm nay cũng có nghĩa là trở về và hương thơm của người cách mạng mãi mãi được lưu truyền trong sử sách.
Cập nhật ( 12/07/2015 )