VÀI NHẬN ĐỊNH VỀ GIÁO DỤC CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER
* Hòa thượng Thích Giác Toàn
Phó Chủ tịch HĐTS. Phó Trưởng ban Thường trực Ban GDTN.TW
Trước hết, thừa uỷ nhiệm của Ban Thường trực Hội Đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thay mặt Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, chúng tôi xin chân thành gửi đến Hội nghị lời chúc mừng nồng nhiệt, lời tán thán công đức Phật sự mà quý Liệt vị đã thành tựu trong thời gian qua cũng như nỗ lực tổ chức và tham gia Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ III. Trong không khí trang nghiêm và thắm thiết đạo tình này, tôi xin bày tỏ lòng hân hoan, niềm cảm xúc sâu đậm khi được hân hạnh đến với Hội nghị và được phát biểu với Hội nghị.
Trong thời đại mới, Phật giáo đang phát triển mạnh tại các nước Âu, Mỹ, đang chuyển mình để phát huy truyền thống đạo đức và trí tuệ tại các nước Châu Á. Phật giáo Việt Nam cùng với đất nước, đã đạt được những thành tựu tốt đẹp, đã đóng góp hữu nghị trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần xây dựng hoà bình, an lạc cho thế giới. Hơn bao giờ hết, Phật giáo Việt Nam đã thể hiện sự đoàn kết, lòng từ ái, lòng yêu nước, yêu người của những người con Phật, không phân biệt màu sắc địa phương, dân tộc, hệ phái, đang cùng thực hiện lý tưởng giải thoát, an lạc, đang cùng chung sức làm cho ngôi nhà Việt Nam, Phật giáo Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Ở đây, tôi xin đề cập đến một trong những thành tựu của Giáo hội, đó là ngành giáo dục Tăng Ni, đồng thời xin nêu vài nhận định về Giáo dục Phật giáo của Phật giáo Nam tông Khmer mà tôi nghĩ rằng đây là một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị.
Quả thực, chưa bao giờ ngành Giáo dục Tăng Ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có một hệ thống trường lớp, Tăng Ni sinh đông đảo như hiện nay. Các lớp sơ cấp được hình thành tại các thành phố, quận huyện, tại các Tự viện, Tịnh xá rải rác trên khắp nước, gồm gần 2.000 Tăng Ni sinh đang theo học. Cả nước có 30 trường Trung cấp Phật học với khoảng 3.500 Tăng Ni sinh. Về Cao đẳng Phật học, chúng ta hiện có 08 lớp và một số lớp đã đủ điều kiện để xin chuyển thành trường Cao đẳng Phật học, số Tăng Ni sinh gồm khoảng 1.000 vị, đông nhất là tại Tp. Hồ Chí Minh với gần 800 vị. 04 Học viện Phật giáo tại Hà Nội, Huế, Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Cần Thơ gần khoảng 1.500 Tăng Ni sinh đang theo chương trình Cử nhân Phật học. Như thế, hiện nay có gần 9.000 Tăng Ni sinh đang theo học tại các trường lớp thuộc nghành Giáo dục Tăng Ni của Giáo hội.
Những hoạt động trong vài năm qua của ngành Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ, đặt biệt là tại các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, kế đó là các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai. Nội dung giáo dục, ngoài phần Kinh, Luật, Luận còn có những sắc thái đặc thù rất cần thiết, rất phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, địa lí của phần lớn vùng đất Nam Bộ. Đó là các môn Pàli, Pàli – vini, Ngữ văn Khmer, Việt – Khmer. Các trường lớp đã được tổ chức rất quy cũ, gồm nhiều cấp học, nhiều đối tượng theo học. Một nỗ lực đáng khích lệ nữa là chư Tăng Khmer được khuyến khích theo học các lớp bổ túc văn hoá, trao dồi Việt ngữ, nhiều vị đã đạt đến cấp 3, hay Đại học. 452 chùa gồm 7.760 chư Tăng của Nam tông Khmer hầu hết là những trung tâm tôn giáo, văn hoá, giáo dục, Phật tử đến chùa nghe kinh, nghe giảng việc đời, việc đạo, học chữ, học cách sống hiền thiện. Đây là sự thể hiện rất rõ nét của truyền thống nhà chùa Việt Nam khoảng 20 thế kỷ qua kể từ khi Phật giáo du nhập.
Đặc biệt, việc thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer là một thành tựu tốt đẹp của nghành Giáo dục Tăng Ni của Giáo hội. Đến nay Học viện đã bước qua năm thứ II của khóa I, với những sinh hoạt đều đặn, có chất lượng, hứa hẹn những thành tựu khả quan trong những năm tiếp theo. Nhân đây, tôi xin đóng góp vài ý kiến nhỏ liên hệ:
1/ Học viện cần tăng cường tổ chức cơ sở, phân bố phòng ốc, nhân sự điều hành, giảng dạy theo truyền thống của Hệ phái, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
2/ Về chương trình giảng dạy, ngoài Kinh, Luật, Luận Nam tông, cần có các môn Đại cương về Tôn giáo, Văn hóa, Văn học, Phật giáo Đại thừa, Văn học Phật giáo Bắc tông và một số môn ngoại điển cần thiết cho kiến thức phổ thông.
3/ Mở rộng thư viện, khuyến khích dịch thuật kinh điển Khmer ra tiếng Việt, sưu tập các ngoại điển cần thiết và phù hợp.
4/ Giao lưu, liên lạc với 03 Học viện Phật giáo Việt Nam để thắt chặt tình đoàn kết, trao đổi kinh nghiệm và hỗ tương giúp đỡ.
5/ Báo cáo đều đặn tình hình hoạt động, các thuận lợi, khó khăn, các yêu cầu, đề nghị đến ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương cũng như đến Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo.
6/ Đẩy mạnh việc vận động gây quỹ cho Học viện để tạo thuận lợi cho việc phát triển Học viện.
Những ý kiến của chúng tôi vốn được hình thành từ quá trình phục vụ Giáo hội trong một số lĩnh vực, đặc biệt là Giáo dục Tăng Ni, từ quá trình tìm hiểu qua sách vở, báo chí và tình hình thực tế mà tôi đã thâm nhập. Tuy vậy, phát biểu của tôi hẳn cũng không khỏi có phần chủ quan, chỉ xin quý Liệt vị chứng minh tấm lòng thành của tôi đối với tiền đồ giáo dục Phật giáo, đối với quý Liệt vị mà tôi vô cùng kính trọng, tin yêu.
Tôi hứa sẽ cố gắng hết sức mình để đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo Nam tông Khmer. Tôi tin chắc rằng Giáo hội và Nhà nước rất lưu tâm ủng hộ Phật sự Giáo dục – đào tạo, hoằng dương chánh pháp của Phật giáo Nam tông Khmer.
Sau cùng, tôi ngưỡng cầu Tam Bảo hộ trì quý Liệt vị trong sự nghiệp xây dựng Đạo pháp, Dân tộc. Xin kính chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Cập nhật ( 31/10/2008 )