NGHỆ THUẬT DIỄN XƯỚNG KHOA NGHI
ỨNG PHÚ CỦA PHẬT GIÁO BẮC TRUYỀN
Phật Giáo Bắc truyền ở Nam Bộ có rất nhiều khoa nghi như: nghi cúng Phật, các vị Bồ tát và các vị thiện thần Phật giáo. Bên cạnh còn có các khoa nghi thuộc lĩnh vực tín ngưỡng dân gian như cầu an, cầu siêu, trai đàn bạt độ… hoặc các khoa nghi thuộc tín ngưỡng khác như đưa chư Thiên (đưa Táo Quân) nhượng tinh (cúng sao)….
Tất nhiên các vị tổ sư tiền bối đã lồng tư tưởng Phật giáo vào nội dung nghi lễ để dẫn dắt chúng sinh theo “tiệm giáo”. Theo sự hiểu biết của chúng tôi, Phật giáo cổ truyền có trên 50 khoa nghi, nhưng sau năm 1930 do ảnh hưởng phong trào Chấn hưng Phật giáo, nhất là các phong trào tiến bộ xã hội tác động, Phật giáo đã bỏ hết các khoa nghi quá biện sự mê tín như khoa “ký khố âm phủ”, hoặc lược giản bớt chi tiết các khoa nghi nếu còn lưu giữ.
Theo thiết chế văn hóa Nam Bộ, mỗi làng phải có một ngôi chùa, tục gọi là “chùa làng” tức loại chùa công, ở bên cạnh còn các loại chùa tư do các vị tăng ni xây dựng nhằm mục đích hoằng dương Phật pháp; hoặc các am cốc, tịnh thất…do một dòng tộc hoặc một cá nhân lập ra. Nam kỳ Lục tỉnh lúc bấy giờ có rất nhiều chùa chiền song lại rất thiếu tăng ni tài đức (do không có điều kiện mở giới đàn, mở am cư kiết hạ) vì vậy trong xã hội xuất hiện các vị kinh sư thực hiện nghi lễ để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân lao động ở vùng đất nầy. Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức dưới cặp mắt nhìn của nhà nho cũng ghi nhận dân Gia Định rất mộ Phật giáo, “cư tang theo Phật giáo, cúng cơm chay 49 ngày mới thôi”. Trịnh Hoài Đức không nói rõ, nhưng chắc chắn ai ai cũng biết là ở Nam Bộ khi người dân “hữu sự” đều phải nhờ các vị kinh sư (tục gọi là các thầy nhang bông) giúp đỡ, vì thực hiện nghi lễ theo Nho giáo thì không thích hợp với người bình dân, chưa kể đến sự tốn kém hoang phí. Hiện tượng phức tạp đó kéo dài đến nửa thế kỷ, khi Phật giáo Nam Bộ chuẩn bị đầy đủ kế hoạch đào tạo tăng tài. Đến năm 1850 thì hòa thượng Hải Tịnh (1800-1875) đã đổi Quan Âm viện thành Giác Viên tự (Chợ Lớn) để họp chư tăng bàn bạc thảo luận và mở lớp đào tạo kinh sư khoa nghi “ứng phú”. Hòa thượng là một vị cao tăng, được nhà Nguyễn phong Tăng cang, trụ trì Thiên Mụ quốc tự, đã nhiều lần tham dự các đại lễ nội dung Phật giáo do triều đình tổ chức nên ngài hiểu rõ nghi lễ Phật giáo trong Ba Kỳ. Đặc biệt trước khi đặt vấn đề siển dương pháp môn “ứng phú” ngài rất trăn trở vì “ứng phú” là pháp môn có nhiều “âm thanh-sắc tướng”, có thể làm hại cái chân tâm của con người. Nhưng nếu không có nó thì cũng chẳng có phương tiện nào để dẫn dắt chúng sinh. Đây là pháp môn “tiệm giáo”, là một “khế cơ” tức vận dụng cơ duyên của chúng sinh để hoằng dương chính pháp. Đối với người dân Nam Bộ thời bấy giờ ứng phú là một nhu cầu trong đời sống tinh thần. Một người dù qui y hoặc không qui y trong nhà cũng có thể thờ Phật, khi hữu sự cũng mời các vị kinh sư đến nhà hành lễ. Đền miếu thuộc lĩnh vực tín ngưỡng dân gian cứ ba năm cũng có thể tổ chức trai đàn chẩn tế cô hồn.
Nghệ thuật diễn xướng khoa nghi ứng phú:
“Ứng” là mời, “phú” (phó) là đến, nói nôm na là “đi đám”. Nhờ ứng phú mà một số giáo lý Phật giáo đến gần với những người bình dân lao động, chân lấm tay bùn.
Khoa nghi ứng phú là một loại hình nghệ thuật văn hóa Phật giáo. Nghệ thuật này gồm: âm nhạc (nhạc lễ Phật giáo), pháp phục, pháp khí, vũ đạo và diễn xướng.
Ban kinh sư ứng phú thường có từ 5 đến 7 vị:
Một Sám chủ: còn gọi là Đàn chủ, Đàn cả hoặc Thầy cả
Một Duy na: một kinh sư đánh chuông
Một Duyệt chúng: Một kinh sư gõ mõ (giữ nhịp)
Một Vĩ thuận và một Vĩ nghịch: các vị kinh sư đánh đẩu
Bốn Trung phan: Các vị kinh sư tụng kinh, hòa, tán.
Một Phi chung: một kinh sư đánh chuông lớn.
Một Phi cổ: một kinh sư đánh trống lớn.
Khi sám chủ là một Hòa thượng cúng Phật thì phải mặc y hậu hai màu, ngoài khoác cà sa đỏ, tay cầm lô hương (Lưu ý: Pháp phục Hòa thượng ở nước ta do vua nhà Nguyễn đặt nên khác với Trung Quốc). Khi đàn chủ ra đàn chẩn tế thì mặc y hậu một màu, ngoài cà sa đỏ, đầu đội tì lư (tì lư là cái mũ), tùy lúc sử dụng thủ xích (gỏ nhịp), lô hương (thỉnh) hoặc đao, sử, ca chiền la, linh (lúc chẩn tế). Lúc thuyết pháp thì pháp sư có thể mặc pháp phục Hòa thượng nhưng không đội mũ hiệp chưởng, nhưng tay phải cầm phất chủ (phất trần). Khi làm khoa thì đàn chủ có thể đội mũ trái bí, mặc y hậu màu đen hoặc màu xanh, ngoài khoác cà sa đỏ, chân quấn xà cạp. Khi thực hiện nghi lễ tống tăng hoặc đề phan thì phải đội mũ tì lư, tay cầm tích trượng hoặc gậy độ vong. Còn các vị sư từ Duy na, Duyệt chúng, hoặc được phân công tụng kinh, đánh trống lớn, chuông lớn hoặc thổi còi ốc, đều chỉ mặc áo tràng màu đen, hoặc màu xanh, chân quấn xà cạp, để đầu trần, hoặc bịt khăn trùm. Khi nhiễu đàn tất cả các vị kinh sư đều phải cầm như ý.
Khi rước ban kinh sư nhập đàn hoặc xuất đàn, muốn buổi lễ thêm phần long trọng phải tổ chức nghi thức đón rước, tùy theo cấp bậc đàn chủ mà dùng cờ, lọng, tích trượng, chuông, khích và âm nhạc. Khi rước hoặc đưa chủ Phật và chủ Bồ Tát thì phải đánh ba hồi chuông trống bác nhã, có còi ốc hòa theo.
Ngày nay tục lệ giản lược, ban kinh sư thống nhất mặc pháp phục Phật giáo do giáo hội qui định, trừ trường hợp cần thiết phải phân biệt. Pháp khí Phật giáo cũng giản lược, nhiều nơi không phân biệt tích trượng hoặc gậy độ vong, không nơi nào sử dụng phất chủ, còi ốc. Ngày xưa thường xuất đàn theo cửa tả, nhập đàn theo cửa hữu (xuất Già Lam – nhập Tổ sư) tức theo chiều kim đồng hồ (Ngày nay có nơi thực hiện trái ngược lại). Lúc hành lễ, các vị kinh sư đàn chủ sử dụng các loại chuông nhỏ, mõ nhỏ, khánh, linh, trống đạo, bạc xà… đặc biệt phải một hoac hai cặp đẩu thuận, một cặp đẩu nghịch. Nếu không đó đẩu thì không thể “tán”, không khí buổi lễ bớt phần trang trọng, hấp dẫn.
Bên cạnh, ban kinh sư còn có một giàn nhạc lễ khoảng sáu bảy nhạc công, sử dụng: Một cặp trống nhạc, đầu đường, trống cơm, kèn mộc, kèn thau, đàn cò, đàn gáo, trống cái, bồng, bạc, bạc xà. Âm nhạc Phật giáo cổ truyền đủ các giọng hỉ, nộ, ái, ố,… có thể chia nhiều nhóm: ai (tang sự), xuân (hỉ sự), thiền (Phật sự), tẩu mã (cúng cô hồn). Nhìn chung âm nhạc Phật giáo cổ truyền Nam Bộ sử dụng nhịp 4, nhịp nhàng, trang trọng,… nhưng đôi lúc cũng vui tươi rộn ràng. Nếu sử dụng điệu ai (tang sự) thì cuối cùng dẫn dắt thính giả đến chỗ vui tươi, nhịp nhàng, bình tĩnh. Âm nhạc Phật giáo sử dụng rất nhiều điệu thức dân gian để lấp vào các khoảng thời gian trống, thí dụ như dùng những bản nhạc nhẹ nhàng dạo đầu trước khi bước vào chương trình chính thức hoặc những điệu nhạc rộn ràng lúc lạy. Trong nghi Đề phan (hoặc thuyết minh sanh) sử dụng bài hạ và các bản nói lối (điệu ai, xuân nữ, khống…) nam, khánh. Thỉnh thoảng muốn tăng phần hấp dẫn phải thêm một vài câu Hồ Quảng, một vài tiếng Quảng Đông hoặc Triều Châu… tùy theo khán thính giả bên ngoài. Khoa Lục cúng đặc biệt hơn. Đây là nghi lễ Phật giáo nhưng ở Trung Quốc và Việt <?xml:namespace prefix = st1 ns = “urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags”> Nam thực hiện khác nhau. Ngay ở Nam Bộ cũng có nhiều nơi cũng khác nhau: có nơi mang màu sắc Lục cúng Huế, có nơi mang màu sắc tế lễ Nho giáo (như lễ sinh tế thần) tất nhiên âm nhạc và vũ đạo cũng khác nhau.
Một vị đàn chủ phải đầy đủ oai nghi phẩm hạnh, chất giọng tốt, am tường chữ Hán và đặc biệt là phải am tường âm nhạc, diễn xướng đạt nghệ thuật:
Các lối diễn xướng của khoa nghi thường là:
1. Bạch: câu trình bày ở đoạn đầu một nghi tiết. Khi đàn chủ xướng lời bạch thì có đàn hòa theo.
2. Nói: câu nói bình thường nhưng dõng dạc, có khi xuống giọng, lên giọng; không có âm nhạc, chỉ có trống đệm ở cuối câu, có hai loại nói:
– Nói thường: Nói lời chánh pháp, nhắc nhở chân linh tỉnh ngộ chân tâm.
– Nói giao: Nói lời chánh pháp nhưng chỉ dạy riêng một đối tượng (khi chẩn tế).
3. Thỉnh: Nói dõng dạc, nội dung thỉnh chư Phật hoặc chư Bồ Tát, chư Thiện thần. Khi thỉnh, thầy cả phải đứng trang nghiêm, hai tay bưng lô hương.
4. Nguyện: Lời cầu nguyện, chia ra:
– Nguyện hương: giọng nhỏ, trầm.
– Phục nguyện: giọng to, ngân dài. Phục nguyện lại chia ra: giọng xuân (hỉ sự), giọng ai (tang sự).
5. Đọc: đọc to, có giọng ngân nga, chia ra:
– Đọc sám (sau chương trình buổi lễ, thường chữ Nôm, thơ lục bát, hoặc song thất lục bát; đễ nghe, dễ hiểu.
– Đọc sớ: Cách đọc sớ cũng giống như lời nguyện, chia ra cách đọc sớ xuân (hỉ sự) và đọc sớ ai (tang sự).
6. Tụng: tụng là cách đọc đều theo nhịp mõ, nhịp bốn.
7. Vịnh: Ngâm vịnh. Sám chủ đọc diễn trước khi vào bài.
8. Tán: tán có nghĩa là khen. Khi tán phải có nhịp đẩu và đờn hòa theo. Tán là điệu thức quan trọng và phổ biến nhất trong nghệ thuật khoa nghi ứng phú. Có các thể loại:
a. Tán thích: tán nhịp vừa, cao giọng, mạnh
b. Tán thiền: tán nhịp chậm, giọng trầm, âm vang sâu (đệm nhịp bằng khánh và mõ; không dùng đẩu).
Tán thích và tán thiền thường gặp trong các nghi lễ cúng Phật, có thể sử dụng qua lại do đàn chủ khởi xướng.
c. Tán dẫn: Tán nhịp rất chậm, nhiều nhịp trong một câu, giọng buồn. Thường sử dụng trong các khoa nghi thuộc lĩnh vựa tang ma, hiếu sự.
d. Tán xóc: tán nhịp nhanh, giọng mạnh, ít nhịp hơn tẩu mã.
e. Tán tẩu mã: tán nhanh theo nhịp ngựa chạy, thường thấy trong lúc chẩn tế.
f. Tán luồn (tán bài): Tán theo âm điệu trầm hùng, ngắt câu không đều như liên khúc. Dùng trong các lễ khai kinh hoặc cúng ngọ, một câu thường chia hai ba vế.
g. Tán cách: tán nhịp ngoại, giọng trầm bỗng bất chợt.
h. Tán ngoại gian: tán chậm, nhịp ngoại.
i. Tán điệu: là điệu tán kết hợp giữa hai cách tán: tán xóc với tán tẩu mã. Tán xóc với tán ngoại gian.
Ca tán trung vịnh là những điệu thức diễn xướng Phật giáo truyền thống nhưng đến Nam Bộ thì đã biến dạng thành hàng chục điệu thức khác nhau. Gần đây có vị khởi xướng nên thống nhất nghi lễ, trong đó có việc thống nhất âm nhạc Phật Giáo.
Theo ý riêng của chúng tôi: Trước mắt chúng ta cần thống nhất một vài nghi lễ Phật giáo mang tính cộng đồng, như: xưng trong Tam Bảo trước khi vào đại hội. Xây dựng một chương trình Đại lễ Phật Đản, Đại lễ Phật Thành Đạo, chúng ta làm sao cho tăng sư Phật tử người Kinh, người Hoa, Khemer, kể cả khách quốc tế không cảm thấy bị lạc lõng trong pháp hội.
Các nghi lễ thực hiện hàng ngày trong tự viện nên đơn giản và thống nhất trong cộng đồng cư dân, hoặc hội đồng tông phái. Riêng các nghi lễ đặc biệt mang tính truyền thống thì nên lưu giữ, chỉ nên canh cải để quần chúng dễ nghe, dễ hiểu. Thí dụ như khoa nghi Trai đàn bạt độ hoặc Trai đàn chẩn tế thì nên dịch ra âm Việt ngữ còn các nghi lễ thuộc lĩnh vực hiếu sự của người Hoa hoặc người Khemer, hoặc các nghi lễ khác của họ thì phải giữ nguyên theo truyền thống vì các loại hình này vừa là loại hình tôn giáo tín ngưỡng còn là loại hình văn hóa dân tộc./.
Trương Ngọc Tường
Cập nhật ( 14/12/2008 )