YÊU THƯƠNG XIN NỞ NỤ CƯỜI
* Nguyên Dung Là đơn vị làm nghệ thuật đặc biệt và duy nhất trên địa bàn miền Trung. Đó là Trung tâm nghệ thuật tình thương được hình thành cách đây hơn mười lăm năm do Nghệ sĩ nhân dân Tường Vy sáng lập và chỉ đạo điều hành phát triển tại ba địa điểm: Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam.
Như tên gọi, Trung tâm nghệ thuật tình thương bồi dưỡng tài năng trẻ thiệt thòi, là nơi chốn để các em thiệt thòi, các em có hoàn cảnh khó khăn thực hiện niềm khát khao đam mê với nghệ thuật. Điển hình trong thời gian qua, nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương đã làm rung động hàng triệu trái tim ở những nơi em dừng chân biểu diễn trên sân khấu trong và ngoài nước và chính trung tâm là cái nôi đào tạo ban đầu. Trong những ngày nắng Xuân vàng như mật. Người viết được trò chuyện với anh Nguyễn Đăng Tâm trên cương vị Phó Giám Đốc Trung tâm nghệ thuật tình thường Đà Nẵng. Vẫn nhiệt thành sôi nổi như thời trai trẻ dù anh đã ngoài tuổi năm mươi, như lời Khổng Tử “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”- và học giả Nguyễn Hiến Lê dịch rằng: “Năm mươi tuổi biết mệnh trời” (tức là biết việc nào sức người làm được, việc nào không làm được). Tuổi thanh xuân trước năm 1975, anh tham gia công tác nội thành và sau năm 1975, đang làm cho công ty nước ngoài, duyên lành đưa đẩy anh được gặp nghệ sĩ nhân nhân Tường Vy để rồi rẽ ngang về bắt tay cùng xây dựng Ttrung tâm nghệ thuật tình thươnhg Đà Nẵng tọa lạc tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Từ không biến thành cơ ngơi như ngày hôm nay, hàng trăm trẻ em thiệt thòi đã đến sau đó trưởng thành tung bay đến những phương trời xa, nhằm thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật như tên gọi khiêm nhường vốn có hơn 15 năm qua… Anh Nguyễn Đăng Tâm trải bày: “Làm ở trung tâm này không đặt chữ Tâm lên hàng đầu thì không thể đạt được cái đích là trung tâm nghệ thuật tình thương. Hay nói cách khác, đã thương thì gắn với tình, có tâm thì chấp nhận vất vả”. Đúng vậy, anh đã từng lao động như những người thợ xây dựng, đẩy từng xe cát, sạn, bốc vác xi măng dưới cái nắng như đổ lửa để hoàn thiện cơ sở cho tương xứng với con số trẻ hiện diện mà trung tâm cưu mang. Có lúc đã từng chạy xe rong ruổi ở những vùng sâu vùng xa để xác minh, tập hợp những trẻ em thiệt thòi, dù sức khỏe không được như xưa… Với những hoạt động có tính xã hội cao và hiệu quả cụ thể, nhân dịp Trung tâm kỷ niệm 15 năm thành lập (1997-2012), anh Nguyễn Đăng Tâm đã vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về thành tích: Đã có nhiều đóng góp trong công tác giáo dục nghệ thuật cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố giai đoạn 1997 – 2012. Và đơn vị Trung tâm nghệ thuật tình thương đã đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 15 năm qua. Khi được hỏi động lực nào để anh Nguyễn Đăng Tâm giữ lửa xông xáo trong công việc mỗi ngày. Anh chỉ cười và lần giở những trang bút tích của những vị khách đặt biệt đã từng đến thăm trung tâm và ghi lại “Trung tâm đã là khởi bước của tinh thần nhân văn của người Việt Nam” (Đại Tướng Võ nguyên Giáp). “Với sự nổ lực đáng kính trọng của những người sáng lập cộng với sự giúp đỡ tận tình về tinh thần và vật chất thì trung tâm sẽ phát triển không ngừng, góp phần về sự to lớn về nhiều mặt của xã hội ta hiện nay”. (Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được…) Anh Nguyễn Đăng Tâm đã và đang làm việc ở Trung tâm nghệ thuật tình thương như con ong cần mẫn dâng mật ngọt cho đời bằng cái Tâm độ lượng không toan tính thiệt hơn “Yêu thương xin nở nụ cười/ Vị tha là để lòng người thanh cao”. Người viết đã có dịp tiếp xúc với anh Nguyễn Đăng Tâm ở nhiều cung bậc giữa đời thường và bất cứ ở dâu lúc nào, anh vẫn giữ phong thái hòa nhã, hoạt náo của người làm nghệ thuật giàu lòng thương hơn là thu nhập của người quản lý… Lời anh Nguyễn Đăng Tâm, tất cả tâm tình của người tin vào quy luật nhân quả ở đời: “Phục vụ các em thiệt thòi là niềm vui không dễ có của riêng mình…”. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com