Ý NGHĨA VU LAN * Sư Cô Thích Nữ Ngộ Đạo Khi nói đến ngày Vu Lan Thắng Hội thì không có người Việt Nam nào không biết, vì đó là một đạo lý nhân bản xây dựng con người có phẩm chất cao đẹp, đặt trên nền tảng giáo dục của Đạo Phật. Nhờ phẩm chất nầy được hài hòa thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đó chính là ngày rằm tháng bảy. Do đó, ngày rằm tháng bảy đượm sắc thái tín ngưỡng của Đạo Phật và Dân tộc qua nhiều ý nghĩa như: Ngày Chư Phật hoan hỷ, ngày Chư Tăng Tự Tứ, ngày Chư Tăng thọ tuế và ngày Vu Lan xá tội vong nhân. Vì vậy, Lễ Vu Lan trở thành ngày Lễ lớn trong truyền thống Việt A. CHÁNH ĐỀ: Theo truyền thống của Phật giáo và dân tộc thì rằm tháng bảy có bốn ý nghĩa: 1. Thứ nhất là ngày Phật hoan hỷ: Bởi lẽ trong chúng xuất gia thì hàng Tỳ Kheo là bậc mô phạm, thay Phật hoằng truyền chánh pháp, hóa độ chúng sanh, vì vậy mỗi năm phải an cư kiết hạ ba tháng, từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy để trau dồi giới đức, tấn tu đạo nghiệp, làm hành trang trên bước đường tự giác, giác tha. Cho nên sau khi viên mãn ba tháng an cư, Đức Phật rất hoan hỷ vì thấy đệ tử tròn đầy giới đức sau những ngày tịnh tu đạo nghiệp, mới gọi là ngày Phật hoan hỷ. 2. Thứ hai là ngày Chư Tăng tự tứ: Nghĩa là trong ba tháng an cư, tuy rằng chúng Tăng luôn tấn đạo nghiêm thân, nhưng vẫn còn nghi không tránh khỏi lỗi lầm dù trong ý niệm. Vì vậy, ngày rằm tháng bảy thành tâm chí thiết cầu bậc thanh tịnh chỉ cho lỗi lầm, phát lồ sám hối cho tam nghiệp chướng thân tâm thanh tịnh. Đây là việc làm cao đẹp nhất của ý nghĩa tự tứ, vì thể hiện được tánh khiêm cung, bẽ dẹp được lòng ngã mạn, hạ mình cầu xin người chỉ lỗi. Hạnh nầy người thế gian mấy ai làm được. 3. Thứ ba là Chư Tăng thọ tuế: Theo luật Phật hàng Tỳ Kheo tính tuổi theo hạ lạp. Nghĩa là sau ba tháng an cư được thọ một tuổi đạo. Nếu không an cư thì không được tính tuổi Đạo dầu rằng trãi qua một năm của thế gian. Vì vậy, niên cao không sánh bằng lạp trưởng, mà phải căn cứ vào hạ lạp. Hạ lạp được tính vào ngày rằm tự tứ. Như vậy, chúng ta thấy Đạo Phật tính giá trị con người không dựa theo năm dài tháng rộng, niên cao tác lớn, mà nhắm vào sự tu tập giác ngộ tự thân. 4. Thứ tư là ngày Vu Lan xá tội vong nhân: Tuy rằm tháng bảy có nhiều ý nghĩa nhưng ảnh hưởng đến truyền thống của dân tộc chủ yếu nhất là ngày xá tội vong nhân. Vì ngày đó gợi lên mùa báo hiếu, báo ân của những người con luôn ngưỡng vọng đến Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ. “Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt Toát hơi may lạnh buốt xương khô Não ngùi thay bấy chiều thu Ngàn lau nhuộm bạc lá khô rụng vàng Đường Bạc Liêu bóng chiều man mác Dặm đường đi lác đác mưa sa Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.” Có thể nói từ ngữ Vu Lan lặp lại rất nhiều, ở đây chỉ nói gọn theo Trung Hoa dịch là “Giải Đão Huyền” nghĩa là giải cái tội bị treo ngược. Ý nói rằng Lễ Vu Lan là ngày cầu siêu, hóa độ tiên linh quá cố của người hiện tiền bị thọ báo nơi địa ngục, chịu sự hành hạ thống khổ cùng cực như người bị treo ngược. Nghĩa bóng là giải cái tội xan tham, keo xẻn, bất hiếu của người sinh tiền và người quá vãng. Tức là làm cái hạnh ngược lại với xan tham bất hiếu. Vì thiết lễ cúng dường trai tăng, đó là lấy bố thí độ xan tham, còn tri ân, niệm ân, báo ân là độ vong ân, bội ân, bất hiếu. Lễ nầy bắt nguồn từ Ngài Mục Kiền Liên cứu tội cho vong mẫu Thanh Đề. Bởi lúc còn sống cũng như đã chết, lòng bỏn xẽn vẫn ghìm chặt lấy tâm thức của bà. Do đó, bị nghiệp ác chiêu cảm, không ảnh hưởng được công đức tu hành đắc quả A La Hán của con dầu chỉ một bát cơm. Ngài Mục Kiền Liên phải thỉnh mười phương Tăng thanh tịnh thiết lễ cúng dường, nhờ oai lực chú nguyện của Chư Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ mới chuyển hóa, siêu độ tâm bỏn xẽn nghiệp chướng của bà. Như vậy, chúng ta thấy từ một tâm thanh tịnh hòa quyện tạo thành một sức mạnh vô hình, tác động vào tâm thức của người hiện tiền được tăng thêm phước thọ, người quá vãng thì tiêu trừ tội chướng thoát khỏi u đồ. Như vậy, Lễ Vu Lan không riêng chỉ quan trọng cho giới Phật tử mà còn là truyền thống đặt thù nhất của dân tộc Việt “Thương biết mấy con tằm cằn cỗi Đôi chân mền đá sỏi trèo non Suốt đời lam lủ vì con Gian truân mấy độ sức mòn vẫn vui.” Vẫn vui cho nên nhọc nhằn thế đó, nhưng cha mẹ không quên chắt chiu cho con mình từng phong bánh chợ chiều, đón con về với đường tre rợp bóng. Đêm đến mẹ cất tiếng hát ru con ngủ. “Dòng suối reo như lời mẹ hát Nguồn nước trong tắm mát tim thơ Dỗ dành con trọn giấc mơ Lời ru của mẹ đời đời còn vang.” Khi lớn khôn cha mẹ dắt con vào đời, chấp nhận gian truân cay đắng để chở che, hy sinh tất cả vì con, vui trong niềm vui của con và khổ khi thấy con mình khổ. Nếu nói nghĩa mẹ ân cha thì “ Báo Hiếu Phụ Mẫu Ân Kinh” cho chúng ta thấy, cha mẹ đã chăm chút tình thương cho con mình từ lúc mới tượng hình và tiếp tục đến ngày con khôn lớn, nhưng tình thương yêu đó không dừng lại bởi người con trưởng thành mà cha mẹ chín mươi vẫn thương con bảy mươi. Có thể nói không có giấy mực nào tả hết công ơn của cha mẹ, nên tiền nhân phải mượn núi cao, bể rộng để so sánh nhắc nhở. “Công cha như núi ngất trời Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông Núi cao bể rộng mênh mông Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!” Ý vị bài ca dao đó như nhắc nhở phận làm con phải biết ơn, nhớ ơn và đền ơn, tức là báo hiếu. Vậy chúng ta phải báo hiếu như thế nào? Báo hiếu thì có hai phương diện vật chất và tinh thần. Báo hiếu về vật chất là khi cha mẹ còn sinh tiền thì không cãi lời cha mẹ, phải săn sóc cung phụng đầy đủ những nhu cầu trong cuộc sống. Phát triển cơ ngơi sự nghiệp tài năng làm rạng danh dòng họ. Tang chế giỗ quải linh đình khi cha mẹ qua đời. Nhưng sự lo lắng nầy phải xuất phát từ đáy lòng của người con hiếu thảo, đó mới thực là ngọn lửa sưởi ấm lòng cha mẹ lúc về già, được an vui trong những tháng ngày còn lại. Trong thực tế có những gia đình con cái giàu có mà nhưng cha mẹ rất buồn tủi đắng cay. Tuy có món ngon vật lạ, nhưng phải nhận những tình cảm lạnh nhạt, thái độ khinh nhờn của dâu con! Họ nuôi cha mẹ coi như việc làm bố thí. Nếu đánh đổi lấy cuộc sống đạm bạc, nhưng tràn đầy tình thương hiếu thảo thì bất cứ ai cũng sẵn sàng. Cho nên có rất nhiều cha mẹ không ở với con cái khá giả mà lại ở với đứa nghèo thiếu. Vì ở nơi đó cha mẹ cảm nhận được tình thương ấm áp do lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà cha mẹ. Qua trên vật chất không phải là yếu tố duy nhất để báo hiếu mà phải kèm theo một tấm lòng yêu cha mến mẹ thật sự. Tạo được sự an vui về tinh thần cho nên cha mẹ. Ở điểm nầy, chúng ta thấy Đức Phật dạy cách báo hiếu về mặt tinh thần, là hướng dẫn cha mẹ kính tín quy ngưỡng Tam Bảo, gần gũi thiện tri thức, giác ngộ được lời Phật dạy, phát tâm sống đúng theo chánh pháp. Tam Bảo giúp cho họ nhận ra những việc làm cần thiết cho quãng đời còn lại. Thấy được giá trị của cuộc sống, không còn mặc cảm của tuổi già, tâm hồn an vui thanh thản. Hiện tại thanh thản thì ngày mai nhẹ nhàng. Vì việc làm hiện tại là chất liệu cho tương lai. Đó cũng là hành trang cho việc tái sanh sau khi mãn phần. Để tạo thắng duyên cho cha mẹ sau khi qua đời, chúng ta làm bất cứ điều thiện gì hồi hướng cho thân trung ấm. Gợi người nhớ những việc thiện đã làm, thần thức nghĩ nhớ được như vậy chắc chắn tái sanh về cõi thiện. Theo lời Phật dạy pháp tối cao là chúng ta thiết lễ cúng dường Ngoài ra việc báo đáp thâm ân cũng không dừng lại ở đời nầy. Bởi dòng sanh tử đã trãi qua nhiều kiếp, thì chúng ta cũng thọ lãnh ân đức của rất nhiều cha mẹ, gọi là “thất thế phụ mẫu.” Phật dạy nếu cha mẹ bảy đời quá vãng bị đọa chốn u đồ hoặc sinh về cõi nhơn thiên cung nhờ công đức nầy mà thoát khỏi cảnh lầm than, người đã tái sanh thì hưởng được phước báo lợi lạc. Ngoài việc báo hiếu cho kẻ còn người mất trong lục thân quyến thuộc, chúng ta còn nghe âm ba da diết của văn tế siêu độ cho thập loại cô hồn. “Trong trường dạ tối tăm trời đất Có khôn thiêng phảng phất u minh Thương thay thập loại chúng sanh Hồn đơn phách chiếc linh đinh quê người Cho nên: Tiết đầu thu lập đàn giải thoát Nước tịnh bình rưới hạt dương chi Muốn nhờ Đức Phật từ bi Giải oan cứu khổ độ về Tây phương.” (Nguyễn Du) B. KẾT LUẬN: Qua nội dung trên thì ý nghĩa Lễ Vu Lan rất quan trọng trong truyền thống của Phật giáo cũng như dân tộc Việt Vậy thời đại chúng ta phải báo hiếu như thế nào? Chúng ta biết hiếu không phải lời nói suông, mà cụ thể qua tình thương chân thật, như người có phước còn cha mẹ bên cạnh, thì phải trân trọng giữ gìn tình thiêng liêng cao quý đó. Phải vun bồi chăm sóc tâm hiếu, hạnh hiếu đúng pháp Phật dạy, để tạo một gia đình phước đức đầm ấm. Nếu như cha mẹ đã khuất bóng, thì hãy nổ lực tu hành, tạo nhiều công đức hồi hướng cho cha mẹ thoát khỏi nghiệp ác. Người đã tái sanh hưởng được phước báo thù thắng. Đối với hàng xuất gia chỉ có con đường duy nhất là tu hành đắt đạo mới có khả năng báo hiếu trọn vẹn, đem đến lợi ích lâu dài cho kẻ còn người mất. Có như vậy chúng ta không hổ thẹn khi nhắc nhở tâm hiếu, hạnh hiếu cho người khác nghe. Và như vậy mới trọn vẹn đủ sức mang ánh sáng niềm tin của ngày Vu Lan Thắng Hội vào cuộc đời./. |
Cập nhật ( 02/09/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com