Ý NGHĨA LỄ VU LAN Hằng năm cứ mỗi độ thu sang, những chiếc lá vàng rơi lả tả, gió thu se lạnh khiến người con Phật cảm thấy chạnh lòng, như có một cái gì thiêng liêng cao cả nhất nhắc nhở chúng ta hãy nhớ về cội nguồn của mình; hoài niệm về tổ tiên, ông bà, cha mẹ và tất cả chúng sanh ở đời này và đời trước, có những quan hệ gắn bó với nhau người ta gọi đó là Vu Lan. Mùa Vu Lan đối với người dân Việt nói chung và người phật tử nói riêng, là một truyền thống lâu đời của dân tộc, đó là mùa báo hiếu nhắc nhở những người con hãy luôn nhớ đến công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ và muốn làm một cái gì tốt đẹp để đền đáp thâm ân sâu dày đó. Tri ân và báo ân là việc làm không thể thiếu của người con phật, nó thể hiện trong những ca từ mang đậm tính nhân văn không rõ tự bao giờ? Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. (Ca dao VN) Câu ca dao tuy mộc mạc đơn sơ nhưng thấm đậm nghĩa tình hết sức thâm thúy mà bổn phận làm con phải lo đáp đền. Vu Lan Bồn là một phương pháp báo hiếu tích cực nhất. Vu Lan nói cho đủ là Vu Lan Bồn, phiên âm tiếng Phạn là Um-Lam-Ba-Na.Người Trung Hoa dịch là : « Giải Đảo Huyền », nghĩa đen là cởi trói người bị treo ngược trong cõi địa ngục, hay nói cách khác là cứu vớt những sanh linh đang bị đọa đày trong chốn khổ đau. Vu Lan ngày giải đảo huyền, Để cho con trẻ đáp đền thâm ân. Công ơn cha mẹ thật lớn lao như trời cao biển rộng. Chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, suốt cả cuộc đời mẹ cha đã vất vả vì con. Ân đức ấy kể sao cho tột, nói sao cho cùng. I. Nguyên nhân Đức Phật dạy pháp Vu Lan và phương pháp báo hiếu : Trong Khế Kinh, Đức phật dạy : « Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế », nhĩa là cha mẹ còn sanh tiền chẳng khác gì như phật vậy. Ngài đã đề cao sự hiện hữu của cha mẹ mà phận làm con phải lo tròn hiếu đạo. Đêm Vu Lan trăng tròn vành vạnh, Nhớ mẹ cha canh cánh bên lòng Cha còn như ánh trăng trong, Mẹ còn vui tợ trăng rằm mùa thu. Mỗi năm khi tiết trời chuyển sang thu, những chiếc lá vàng lác đác rơi, cũng là lúc mọi người náo nức chuẩn bị cử hành đại lễ Vu Lan báo hiếu. Ngày lễ này hiện nay không còn là ngày lễ riêng của Phật Giáo mà ngẩu nhiên trở thành ngày lễ truyền thống của dân tộc. Bời vì hiếu đạo không phải chỉ là nét đặc thù của người con phật mà là nghĩa vụ thiêng liêng của tất cả mọi người dân tộc Việt. Từ các đấng Thánh nhân cao cả cho đến người dân bình thường, không ai là chẳng do cha mẹ sanh ra. Chính cha mẹ đã san sẻ một phần máu thịt để tạo nên hình hài cho ta. Nếu không do công ơn trời biển của cha và mẹ thì làm sao chúng ta có mặt trên cõi đời này? Cha mẹ không những hy sinh một phần máu thịt cho con mà còn tốn biết bao mồ hôi nước mắt để cưu mang ta, nuôi nấng ta, mất biết bao công sức và thời giờ để dạy dỗ ta nên người hữu dụng trong xã hội. Thật là sự hy sinh của cha mẹ đối với con cái không bờ bến. Tình thương của cha mẹ dành cho con là thứ tình cảm thiêng liêng mà không có thứ tình cảm nào trên cõi đời này có thể so sánh được. Do đó, báo hiếu cho cha mẹ là nghĩa vụ cao quý nhất, phận làm con phải hết sức trân trọng giữ gìn. Hay nói cách khác, hiếu đạo không phải là nhĩa vụ mà đó là diễm phúc nhất cho những ai còn cha còn mẹ. Chỉ có người con chí hiếu mới hoàn thành được cái nhân cách đích thực của một con người đúng nghĩa. Một con người đúng nghĩa là một sinh vật ưu việt nhất trong muôn loài như Đức Phật đã từng dạy: Tâm hiếu là tâm phật Hạnh hiếu là hạnh phật Trong Kinh thi có chép rằng « Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu sanh ngã cù lao, dục báo thâm ân hiệu thiên võng cực » (cha sanh ta, mẹ nuôi ta, làm con phải nhớ ơn cha mẹ, vì cha mẹ cưu mang ta khó nhọc. Cho nên, làm con muốn báo đáp công ơn cha mẹ như vói lên trời cao không cùng). Trong Kinh Vu Lan Đức phật cũng dạy : « Nhược dĩ đãnh đái lưỡng kiên hà phụ, ư hằng sa kiếp bất năng báo đáp phụ mẫu chi thâm ân ». Có nghĩa là : đầu đội cha, hai vai cõng mẹ trong hằng hà sa số kiếp đi nữa, cũng không thể báo đáp hết công ơn của cha mẹ. Như vậy để chúng ta biết rằng, công ơn cha mẹ cao như trời, sâu như biển mà bổn phận làm con không dễ đáp đền. Vậy ta phải làm sao ? Phật mới dạy rằng : Phận làm con muốn báo ân sâu nghĩa nặng này duy trai Tăng là đệ nhất. Đồng thời phải biết trì trai giữ giới, bố thí, phóng sanh và khuyên cha mẹ quy hướng về ngôi Tam Bảo. Tam Bảo là phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Trong Kinh còn nói : « Qui Y giả diệt tội hằng sa, chiêm ngưỡng giả phước tăng vô lượng ». Nghĩa là, ai qui y thì diệt tội không lường, ai chiêm ngưỡng Tam Bảo thì tăng phước không lường. Chúng ta còn cha mẹ chỉ lo đáp đền bằng cách sát sanh hại mạng, nấu nướng, chiên xào, dâng cho cha mẹ ăn, đó là tạo nghiệp sát sanh cho cha mẹ chúng ta, hậu quả là khi thân hoại mạng chung cha mẹ ta sẽ bị đọa lạc là điều không tránh khỏi. Cho nên ta có thể khẳng định rằng : « Cung phụng cho cha mẹ sung sướng một đời chưa gọi là hiếu. Chỉ làm cho cha mẹ ta đời đời an vui mới thật là chí hiếu vậy. Bàn bạc trong các Kinh, Đức Phật cũng răn dạy : « Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, bỏ thân này nhận thân khác, sanh đi, sanh lại bao lần, sữa mẹ mà ta uống còn nhiều hơn nước của bốn biển. Điều này nhắc nhở đến công ơn sanh thành của cha mẹ to lớn biết ngần nào. Do đó ca dao trong dân gian thường ví : Công ơn cha mẹ thăm thẳm như trời cao, mênh mông như biển cả, tột đỉnh như núi non, dằng dặc như sông dài : Ơn cha lành cao như núi Thái Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi Dù cho dâng cả cuộc đời Cũng không trả được ơn người sanh ta Thi hào Nguyễn Du đã đặt nàng Kiều trước sự lựa chọn « Bên tình bên hiếu bên nào nặg hơn ».(Tr. Kiều), và Kiều đã rứt ruột quyết định vì chữ hiếu mà bán mình chuộc cha, một sự lựa chọn nói lên truyền thống đặt nặng hiếu thảo làm đầu. Nguyễn Trãi, nhà chí sĩ yêu nước thương dân nên giáo dục tình người của Ông bằng đạo hiếu như là lẽ sống trong bài Gia Huấn ca của mình : Cù lao đội đức cao dày, Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng Hay là : Khi ấm lạnh ta hầu chăm sóc Dâng cháo cơm thang thuốc mọi bề Ra vào thăm hỏi từng chi, Người đà vô sự ta thì an tâm (Gia Huấn Ca, Tân Việt, 1953, trang 14) Xem ra, toàn bộ giáo lý nhà Phật chỉ tập trung dạy con người sống với tình người, với nhân ái, với hiếu nghĩa. Thực chất, việc sống hiếu nghĩa là sống với đạo lý giải thoát mà Đức Phật và các bậc Thánh hiền đã đi qua. Tất nhiên việc báo hiếu của chúng ta không chỉ thực hiện trong ngày lễ Vu Lan mà là công việc thiết thực hằng ngày. Khi cha mẹ còn ở đời, chúng ta phải biết vâng lời, chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc, giữ gìn lễ giáo gia phong, giữ gìn tài sản của cha mẹ để lại, chăm lo từ miếng ăn, thức uông, chiếu chăn, áo quần, quạt nồng ấm lạnh, hầu hạ kính vâng. Trong thời Đức Phật, Ngài cũng dạy hàng đệ tử xuất gia rằng: “Tỳ kheo nào mà cha mẹ không ai nuôi dưỡng, thì phải đi khất thực để nuôi cha mẹ”. Đó là việc làm bật đắc dĩ nhưng nói lên quan điểm tôn trọng chữ hiếu của người con phật. Ngoài ra còn phải quan tâm đến đời sống tinh thần của cha mẹ lúc tuổi già, tạo điều kiện để cha mẹ được rãnh rang, sống nhẹ nhàng thư thái hướng đến đạo giải thoát. Khi cha mẹ quá vãng, lo đám tang đúng phong tục và phải thành tâm cầu nguyện cho cha mẹ, đồng thời cúng dường Tam Bảo, tùy hoàn cảnh xuất tiền của bố thí phóng sanh, lám tất cả những điều phúc lành và hồi hướng công đức ấy cho cha mẹ như là chuẩn bị lương thực gởi cho người thân lúc đi xa. Tóm lại, trong việc báo hiếu nhân ngày lễ Vu Lan, chúng ta phải có niềm tin sâu sắc đối với Tam Bảo, chúng ta tin phật là đấng giác ngộ tối thượng, lòng từ bi của Ngài không giới hạn, diệu pháp của Ngài là chiếc thuyền từ cứu vớt kẻ trầm luân. Chúng ta tin Tăng chúng là đoàn thể Tăng già hòa hợp, là quả ngọt cây lành trong mảnh vườn nhân thế. Chúng ta tin tịnh giới của Đức phật là áo giáp ngăn ngừa phiền não ma quân và chúng ta vững tin sự bố thí cúng dường là đám ruộng tốt cho kẻ bần cùng. Với những niềm tin đó, chúng ta vận dụng lòng chí thành để gieo giống phước điền. Nhân ngày Vu Lan – Báo Hiếu và hồi hướng công đức cho cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp, nương nhờ oai lực Tam bảo, vĩnh viễn thoát khỏi cảnh trầm luân, thường hằng an vui nơi cõi tịnh. Thứ nguyện, lục thân quyến thuộc hiện tiền của chúng ta phát khời thiện tâm, tăng phước, tăng thọ, xã hội an lành, hạnh phúc đến với mọi nhà và mong rằng tất cả những người con phật, những người có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng, đều thể hiện tấm lòng chí thành chí kính của mình dâng lên những đóa hoa hồng tươi thắm trong mùa Vu Lan – Báo Hiếu này. Đó là chúng ta noi gương hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên Bồ Tát. Nói đến Tôn Giả Mục Kiền Liên, tưởng cần phải nêu lên chứng tích của Ngài trong việc báo hiếu mẹ cha. Ngài là một đại đệ tử thần thông đệ nhất thời Đức Phật. Sau khi tu hành đắc quả vị A La Hán, nhớ đến công ơn cha mẹ muốn được đáp đền, Ngài dùng đạo nhãn xem trong các cõi. Thấy mẹ là bà Thanh Đề sanh làm ngạ quỷ chịu cảnh đói khát trăm bề. Quá đau lòng Ngài khất thực được một bát cơm bèn dùng thần thông đem dâng mẹ. Nhưng do tánh tham lam ích kỷ, sợ chúng ma cướp giật của bà nên lấy tay trái che đậy, tay mặt bốc ăn. Bởi nghiệp bỏn xẻn độc ác trong nhiều đời kiếp dập dồn, khiến cơm vừa tới miệng đã hóa thành than lửa, nên bà không ăn được. Mục Kiền Liên khóc than thảm thiết trở về bạch Phật tìm phương giải cứu. Đức Phật dạy: Muốn cho cứu được mạng người, Phải nhờ thần lực của mười phương Tăng Tôn giả phụng hành theo lời phật dạy, cử hành đại lễ Vu lan, nhờ oai lực chư Tăng mười phương chú nguyện, lại nhờ hồng ân phật cứu độ, mẹ Ngài thoát kiếp ngạ quỷ sanh về cõi trời. Cũng trong ngày ấy, tội nhân trong các cõi địa ngục hết thảy đều được thoát khổ. Tôn Giả Mục Kiền Liên quả là người con chí hiếu, lòng hiếu thảo của Ngài cảm động đến các cõi trời. Nhân đó Đức Phật dạy các hàng đệ tử hãy noi theo pháp Vu Lan Bồn để báo hiếu mẹ cha và Cửu huyền thất tổ. Qua tấm gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên và hiệu quả tốt đẹp của pháp Vu Lan mà bà Thanh Đề dứt bỏ tâm niệm độc ác, chuyển hóa tâm thiện lành, ăn năn sám hối, nên bà sanh tâm hoan hỷ cúng dường chư Tăng. Nhờ phước đức đó, thiện căn bà tăng trưởng, ba nghiệp thanh tịnh, tội chướng do đó mà được đoạn trừ. Đúng như câu: Tội từ tâm khởi đem tâm sám, Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu. Tội tiêu tâm tịnh thảy điều không, Thế mới thật là chơn sám hối (Lương Hoàng Sám) Ngoài ra, Đức Phật cũng dạy thêm: “Một người con chí hiếu còn phải có ân nghĩa với muôn loài”. Đó là: 1. Tứ Trọng Ân Trong Phật Giáo. Tứ trọng ân là bốn cái ân nặng mà con người chúng ta không thể không tri ân và báo ân. Ân Tam Bảo Ân Thầy bạn Ân Quốc gia xã hội Ân chúng sanh. a. Ân Tam Bảo: Tam là ba, Bảo là báu. Ba ngôi báu đó là Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Thế nào gọi là Phật ? Phật : tiếng Phạn là Buhhda. Trung Hoa dịch là giác giả, là bực giác ngộ sáng suốt cả ba phương diện, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Phật đầy đủ ba mươi hai hướng tốt tám mươi vẻ đẹp. Đức Phật có đủ mười hiệu là : Như Lai, Ưng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự trượng phu, thiên Nhân Sư, Phật thế tôn. Đủ mười danh hiệu như vậy mới gọi là Phật. Pháp : tiếng Phạn là Dhamma, Trung Hoa dịch là Pháp, là lời Đức Phật nói ra tức là giáo pháp của ngài được kiết tập lại gọi là Kinh. Ba tạng kinh điển của nhà Phật gồm : kinh, luật, luận. Ngoài ra Pháp còn chỉ cho muôn sự muôn vật, như trăng, sao, núi, sông, đất, đá v.v… Tăng : tiếng Phạn là Sangha, Trung Hoa dịch là hòa hợp chúng. Tăng là người thừa hành chánh pháp của Phật để duy trì và tuyên dương. Tăng là một đoàn thể tu hành từ bốn vị Tỳ kheo cùng sống hòa hợp với nhau một chổ, cùng giữ gìn, cùng hành trì giới luật của Phật để chế định, sống thanh tịnh như nước với sữa, là người thay thế Phật truyền thừa chánh pháp. Kính lạy Tăng người thừa chí cả, Thay thế Tôn truyền bá đạo mầu. Từ bi hóa độ vô cầu, Ra đời tế độ dẫn đường chúng sanh (Kinh Nhật Tụng hệ phái Khất Sĩ) Đạo Phật với giáo lý từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha, đã tạo cho tín đồ Phật tử một thái độ cởi mở, rộng rãi, khoan hòa không cố chấp. Do đó, trên bước đường truyền bá đến đâu đạo Phật cũng có thể hòa mình với dân tộc, tập quán, địa phương đó mà vẫn giữ được bản chất đặc thù của mình. Là Phật tử luôn tôn trọng giáo lý Đức Phật, bởi nó là phương pháp vi diệu có công năng đưa người ra khỏi mọi trói buộc của những thường tình, ích kỷ, nhỏ nhen, kiêu căng, độc ác, hầu tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp ngay chính bản thân mình và xã hội. b- Ân Thầy Bạn : Thầy bạn là gì ? Người đời có câu : “Không thầy đố mày làm nên”. Quả thật vậy khi còn bé ta cắp sách đến trường được học từ tiếng vở lòng A, B v.v…dần dần ta tiếp thu từ mớ kiến thức sơ đẳng cho đến cao hơn, tất cả nhờ ơn giáo dục của thầy mới nên người hữu dụng, nhờ có thầy hướng dẫn nghề nghiệp ta mới có điều kiện tiến thân, nhờ có bạn lành giúp đỡ khắc phục những thiếu sót sai lầm ta mới hoàn thành tốt trong công việc. Nên có câu : “Học thầy không tày học bạn”. Ngoài hai bậc thầy dạy học và dạy nghề ra, ta có một bậc thầy vĩ đại hơn nữa, đó là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài khai mở giáo lý như ngọn đuốc rực sáng, xua tan mọi kiến thức mê lầm của con người bấy lâu tin vào thần linh nắm vận mạng của mọi loài (ban phước giáng họa). Đức Phật là bậc thầy duy nhất khẳng định giá trị con người là tối ưu hơn cả trong các loại, vì chỉ có con người mới có điều kiện phát huy trí tuệ đến tột đĩnh. Chính ý tưởng con người phải là chủ nhân của chính mình đã nung nấu tâm tư Thái Tử Tất Đạt Đa, thúc đẩy Ngài từ bỏ cuộc sống giàu sang, uy quyền mà mọi người đều ham muốn. Ngài rời bỏ những ràng buộc vật chất để phát huy năng lực siêu nhiên của con người là đi tìm đáp án cho vấn đề sinh tử, Ngoài mối tương quan thầy trò ta còn có mối tương quan khác đó là Quốc gia, Xã hội. c.- Ân quốc gia, xã hội : Ai ơi bưng bát cơm đầy Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần Hằng ngày bưng bát cơm ăn, ta phải nhớ ân người nông phu tay lấm chân bùn, mặc chiếc áo che thân, ta nhớ công ơn người thợ dệt. Còn biêt bao ân tình sâu nặng khác đã âm thầm bù đắp cho ta trưởng thành như ngày hôm nay. Nào là công ơn của các bậc tièn bối đã ngã xuống để xây dựng một nền độc lập, tự do. Nào là công ơn của các chiến sĩ đã ngày đêm âm thần chiến đấu, bảo vệ biên thùy, hải đảo xa xôi cho chúng ta yêm tâm tu học. cho nên ta tách rời mọi người, tách rời xã hội, chắc chắn chúng ta khó có một cuộc sống an toàn. d. Ân chúng sanh : Ân thứ tư đòi hỏi chúng ta phải có một trách nhiệm cao đối với muôn loài muôn vật. Bởi tất cả đều đem đến lợi ích cho chúng ta. Trong kinh Ưu Bà Tắc, Đức Phật có dạy “Một người ngồi nghỉ mát dưới gốc cây, mặc dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi cũng phải biết ơn cây ấy, khi đứng dậy đi ta không nên hái hoa, bẻ lá”. Thời Phật tại thế, chưa có lò sát sinh, chưa có bom đạn giết người hàng loạt, nhưng Phật vẫn bày tỏ thái độ tôn trọng sinh mạng muôn loài và có ý thức bảo vệ môi sinh. Hình ảnh Đức Phật lạy đống xương khô trong kinh Vu Lan Báo Hiếu nói lên lòng hiếu kính, lòng biêt ơn và tôn trọng phẩm giá của con người. Với tâm quý kính và yêu thương mọi loài vật, chúng ta sẽ không còn gây khổ đau cho bất cứ chúng sanh nào trên cõi đời này nữa. Được như vậy là ta thực hành đầy đủ pháp Vu Lan đúng nghĩa như Phật dạy. 2)- Rằm tháng bảy, ngày Phật hoan hỷ : Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế, Ngài chế ra ba tháng An cư, buộc chúng Tỳ kheo phải cấm túc ở yên một chỗ, hạn chế tối đa sự đi lại, tránh giẫm đạp côn trùng đang sanh sôi nảy nở rất nhiều trong mùa mưa, làm tổn hại lòng từ còn phạm tội sát sanh. Ba tháng An cư là để sách tấn đệ tử trau dồi giới, định, tuệ, còn gọi là tam vô lậu học, được kết thúc vào ngày Rằm tháng bảy, đó là ngày chánh thức giải hạ cho Tăng Ni, cũng là ngày chư Phật hoan hỷ vì hàng đệ tử chuyên tâm tu tập trong ba tháng, các nghiệp thanh tịnh xứng đáng làm phước điền cho chúng sanh nương nhờ. 3)- Rằm tháng bảy, là ngày chư Tăng tự tứ : Tuy trong ba tháng An cư, chư Tăng Ni đã nỗ lực tu tập, song không làm sao tránh khỏi những lỗi lầm. Do đó sắp đến ngày giải hạ, toàn thể chư Tăng Ni đồng vân tập lên Đại Hùng Bảo Điện, thỉnh cầu những vị có giới đức chỉ bày những lỗi lầm mà mình mắc phải, tự thân tác bạch, phát lồ sám hối cho được thanh tịnh. Đây là một việc làm hết sức quan trọng trong ngày tự tứ. Thông thường trong cuộc sống, mỗi khi phạm phải lỗi lầm tâm lý thường hay né tránh. Nếu có người phát hiện lại cố tình che giấu, có ai gặng hỏi thì chối cãi. Đến khi hết cách mới miễn cưỡng nhận tội, hoặc có sám hối cũng chỉ âm thầm phát lồ trước ngôi Tam Bảo. Sám hối như vậy sẽ không hết tội. Sám là ăn năn hối lỗi trước, hối là chừa bỏ lỗi sau. Cho nên ta phải tự thân cải sửa lỗi lầm không còn tái phạm nữa. Song có những lỗi lầm mà ta không hay biết hoặc cố tình bưng bít nên Phật dạy sau ba tháng An cư, hàng Tỳ kheo phải tự mình thỉnh cầu người khác chỉ lỗi cho. Đây là một thái độ rất cao thượng, cởi mở, để làm cho mình tiêu sạch tội lỗi. Vì vậy nên gọi là Tăng tứ tự. Tứ tự có nghĩa là cầu xin người khác chỉ lỗi của mình mà sám hối cho thân tâm được thanh tịnh. 4)- Rằm tháng Bảy là ngày Tăng thọ tuế : Thọ tuế nghĩa là ngày nhận được thêm một tuổi hạ. Theo thế gian thì đến Tết Nguyên Đán là thêm một tuổi đời. Theo luật Phật chế định, hàng năm cứ đến Rằm tháng Tư âm lịch, chư Tăng Ni đều phải vân tập về một trú xứ nhất định để kiết hạ an cư, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức trong ba tháng, tứ đến hết Rằm tháng Bảy, vị ấy được thêm một tuổi hạ nên gọi là thọ tuế. 5)- Rằm tháng Bảy, là ngày xá tội vong nhân : Như chúng ta đã biết, Rằm tháng Bảy là ngày Vu lan báo hiếu theo truyền thống của người con Phật, là ngày cầu siêu độ cho Cửu Huyền Thất Tổ của mình. Cho nên nghĩa của Vu Lan Bồn là Giải Đảo Huyền, là giải trừ tội nghiệp cho những vong nhân đang bị đọa đày trong ba đường ác : Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Họ đang chịu sự thống khổ cùng cực như người bị treo ngược. Như vậy, Vu Lan là ngày Phật tử chúng ta có dịp đền ơn đáp nghĩa bằng cách đêm tâm chí thành, chí kính, sắm sửa quả phẩm trai nghi, trước dâng lên cúng dường mười phương Tam Bảo, sau cầu thỉnh chư Tăng Ni qua ba tháng an cư tu tập, nhiếp tâm chú nguyện cho vong nhân của mình đang bị đọa đày chốn khổ đau được giải thoát và cùng cầu nguyện cho tất cả vong linh đều được lợi lạc “Âm siêu dương thới”. Như trên đã nói, nguyên nhân này bắt nguồn từ việc báo hiếu mẫu thân của tôn giả Mục kiều Liên và xuyên qua câu chuyện ấy, chúng ta nhận chân một sự thật mà bất luận nền luân lý đạo đức nào, ở bất cứ xã hội nào, từ cổ chí kim và từ Đông sang Tây đều lấy chữ Hiếu làm đầu “Thiên kinh vạn quyền hiếu nghĩa vi tiên”. Cho nên một người con bất hiếu với cha mẹ, chắc chắn họ sẽ không từ chối bất cứ việc ác nào. Cùng tột điều thiện không gì bằng hiếu. Cùng tột điều ác không gì bằng bất hiếu (Kinh Nhẫn Nhục) Cao quý thay tình Mẹ ! Trong âm nhạc nhân gian người ta cũng ca ngợi tình Mẹ “Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào. Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu…” (Nhạc sĩ Y Vân). Nói đến biển, chắc có lẽ ai cũng biết. Có gì vui bằng những buổi chiều dịu nắng, chúng ta thả mình trong dòng nước biển mênh mông, để nghe sóng biển vỗ về. Biển luôn là hình tượng đẹp muôn đời khiến lòng ta lúc nào cũng nhớ về biển, biển rộng quá phải không ? Có lẽ vì thế mà con người chúng ta đã ví “Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình”. Nếu ai hiểu hết những đặc tính của biển mới có thể hiểu thấu tình Mẹ. Mẹ luôn dùng những lời dịu ngọt khuyên dạy chúng ta, mong mỏi chúng ta nên người hữu dụng. Dù đứa con có ngổ nghịch không vâng lời Mẹ, không yêu thương Mẹ, nhưng Mẹ vẫn không bao giờ bỏ con. Bờ biển luôn dung chứa tất cả dòng sông chảy về trong lòng biển, dù dơ, dù sạch, thì người Mẹ chính là hình ảnh rộng lượng bao dung, Mẹ chấp nhận tất cả không oán trách những đứa con hư hỏng, vô nghì. Mẹ lúc nào cũng trải rộng tình thương để che chỡ bảo bọc cho con. Nếu nước biển luôn đầy ắp không vơi cạn, cho dù nước trăm sông có đổ về, nước biển không hề thay đổi. Cũng như người Mẹ thương con, tình thương ấy không bao giờ thay đổi dù ở trong hoàn cảnh nào. Nếu chúng ta không kể hết những đặc tính sâu xa của biển, thì chúng ta cũng không thể kể hết tình thương bao la của mẹ. Cho dù chúng ta có ca ngợi đến bao nhiêu đi nữa thì tình thương con của người Mẹ ngôn ngữ trần gian cũng không làm sao diễn tả cho hết được. Bên cạnh người Mẹ, hình ảnh người Cha cũng không kém phần cảm động. Cha tôi tuy đã già rồi, Nhưng còn làm lụng để nuôi cả nhà. Sớm hôm vừa dấy tiếng gà, Cha tôi đã dậy để ra ngoài đồng (Ca dao Việt Hoặc có câu : Ai về tôi gửi đôi giày, Phòng khi mưa gió để Thầy Mẹ đi Chúng ta phải luôn luôn tri ân và báo ân Cha Mẹ, phải thường hằng hiếu nghĩa, thường nghĩ đến công lao trời biển của Cha Mẹ. Lỡ mai này Cha hay Mẹ có mất đi là xem như mất tất cả. Hôm nay, trong chúng ta ai là người đã mất tình Mẫu tử thiêng liêng sẽ thấm thía biết bao qua những vầng thơ : Hoàng hôn phủ trên mộ, Chuông chùa nhè nhẹ rơi Tôi thấy tôi mất Mẹ Là mất cả bầu trời (Thơ Vũ Hoàng Chương) Qua các vần thơ, các câu ca dao mang đậm tính nhân văn, chúng ta thấy tấm lòng người dân Việt yêu kính Cha Mẹ như thế nào. Đó là một truyền thống ăn sâu vào tâm khảm con người Việt Nam. Bên cạnh vấn đề phụng dưỡng, chúng ta còn phải trang bị cho Cha Mẹ an trú trong chánh pháp, thực hành các việc lành như ăn chay niệm Phật, để khi mãn báo thân được an vui giải thoát người con người mới thành tựu hiếu đạo như Cổ Đức nói « Phụ mẫu đắc ly trần, hiếu đạo phương thành tựu ” . Nghĩa là Cha Mẹ được giải thoát, lìa khỏi trần ai thì người con mới tròn hiếu đạo vậy. KẾT LUẬN : Mùa Vu Lan đối với người Việt Nam là mùa báo hiếu, chúng ta noi gương hiếu hạnh của Tôn giả Mục Kiều Liên cứu Mẹ và sự hiếu đạo của Ngài được lưu truyền qua bao thế hệ. Nhớ ơn Tôn giả, chúng ta không thể nào quên bổn phận và trách nhiệm của mình đối với hiện tiền phụ mẫu và thất thế phụ mẫu. Đó là ta tri ân, đem công đức tu hành của chúng ta hồi hướng cho Cha Mẹ đời này và nhiều đời trước được thoát chốn u đồ, siêu sanh lạc quốc. Đó là ta báo ân. Tóm lại, Đức Phật của chúng ta dạy pháp Vu Lan Bồn rất thiết thực để dạy hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia, phải luôn ghi nhớ công ơn trời biển của Cha Mẹ mà lo đáp đền. Vì ngày lễ Vu lan là ngày tự tứ, ngày Phật hoan hỷ, ngày chưTăng thọ tuế, ngày xá tội vong nhân ở địa ngục. Cho nên khắp đâu đâu trong đ8ất nước Việt nam này nói riêng và các nước trên thế giới theo đạo Phật nói chung, dù hoàn cảnh địa lý có khác nhau, nhưng tất cả người con Phật đều hướng về ngôi Tam Bảo với tấm lòng thành kính tổ chức đại lễ Vu Lan, cùng nhau dâng nén tâm ương nguyện cầu cho Cha Mẹ hiện tiền tăng phước, tăng thọ, Cha Mẹ quá khứ cũng được nhẹ nhàng siêu thoát. Chính những người con biết hiếu đạo mới có thể xây dựng cuộc sống hài hòa tốt đẹp trong gia đình và xã hội hôm nay và mai sau. TÀI LIỆU THAM KHẢO : 1- Kinh Vu Lan Báo Hiếu 2- Kinh Nhẫn Nhục 3- Kinh Nhật Tụng hệ phái Khất sĩ 4- Thơ Vũ Hoàng Chương 5- Các bài Ca dao Việt 6- Văn tác bạch 7- Gia huấn ca |
Cập nhật ( 14/12/2008 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com