Ý NGHĨA GIÁO DỤC CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG * ThS. Nguyễn Thanh Hải Trường ĐH Văn hóa TP.HCM Tôn giáo, với bản chất hướng thiện và giữ vai trò nâng đỡ, hướng đến sự giải thoát con người khỏi những đau khổ, bất hạnh của cuộc sống, luôn mang trong mình những ý nghĩa giáo dục to lớn. Thông qua những nội dung, hình thức và hành vi được biểu hiện, mỗi tôn giáo đều muốn hướng tín đồ đến một tâm hồn trong sáng, tốt đẹp. Đó rõ ràng là một đặc điểm chung rất tích cực và dễ dàng bắt gặp ở nhiều tôn giáo khác nhau trên khắp thế giới, trong đó không thể không kể đến Phật giáo. Du nhập vào cộng đồng người Khmer ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long từ khoảng thế kỉ XII (1), đến nay, đạo Phật, mà cụ thể là hệ phái Nam Tông, đã trở thành tôn giáo được hầu hết người dân trong cộng đồng này tiếp nhận và thọ pháp (2). Với một nền tảng vững chắc và vị trí vô cùng quan trọng tạo dựng được, tôn giáo này tác động và chi phối sâu sắc đến mọi mặt đời sống văn hóa – xã hội của người Khmer. Các thiết chế, hình ảnh và tư tưởng của Phật giáo Nam Tông hiện hữu trong từng suy nghĩ, hành động của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng. Tất cả trở nên gần gũi, quen thuộc và hết sức tự nhiên, thấm đẫm, soi sáng mỗi người Khmer trong suốt cả cuộc đời, từ khi sinh ra cho đến lúc mất đi. Tự xem là những Phật tử, người Khmer “ngay từ thời thơ ấu đã cùng với gia đình tin theo đạo Phật. Khi lớn lên, đi học trường chùa, được cha mẹ và sư sãi dạy dỗ, giáo dục theo tinh thần Phật giáo. Đến tuổi trưởng thành, đôi khi còn sớm hơn, phần lớn thanh niên và trung niên đều vào chùa tu một thời gian”(3). Điều đó giúp hình thành trong họ tình cảm Phật giáo sâu đậm, làm cho “sự thiêng liêng về Phật ăn sâu vào tâm khảm, máu thịt” (4). Họ luôn tôn kính Đức Phật, tin tưởng và tuân theo những điều Phật dạy cũng như giáo lí nhà Phật. Trong suy nghĩ của mình, người Khmer luôn tâm niệm sống hướng Phật, chết được về cõi Phật. Theo họ, Phật có mặt ở khắp mọi nơi, mọi lúc, quan sát và thấu hiểu hết những việc làm cũng như suy nghĩ của mỗi người. Hầu hết, ai cũng có niềm tin mạnh mẽ vào những thuyết Luân hồi, luật Nhân quả, và khái niệm thiên đường, địa ngục,… của Phật giáo. Trên cơ sở như vậy, mỗi người và cả cộng đồng được định hướng về việc tu thân, tích đức, làm nhiều điều tốt, điều thiện. Có như thế, họ mới trút bỏ hết những đau khổ ở đời, khi chết được lên Thiên đàng, kiếp sau được đầu thai với cuộc sống sung sướng, hạnh phúc hơn. Nghiệm vào cuộc sống, người dân Khmer có tâm tính hiền hòa, thân thiện và thuận thảo với mọi người. Các thành viên trong cộng đồng luôn thương yêu, quí trọng và giúp đỡ lẫn nhau. Họ quan hệ, đối xử với nhau trên tinh thần bình đẳng, nhân ái và trọng đức hạnh, không có sự phân biệt, kể cả với những người thuộc dân tộc khác (Việt, Hoa…) cùng cư trú. Đời sống cộng đồng phum, sóc Khmer vì thế khá yên bình, lành mạnh, ít xảy ra những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội như trộm cướp, đánh nhau, cãi nhau,… Người dân ai cũng hăng say lao động, sống chuyên tâm rèn luyện theo đạo pháp (thọ giới, bố thí, tụng niệm…) và có trách nhiệm với cộng đồng. Ở phạm vi gia đình, Phật giáo tạo nên những giá trị cố kết vô cùng vững chắc. Mỗi thành viên luôn ý thức cao nhất vai trò và bổn phận của mình. họ cùng sống trong bầu không khí vui vẻ, hòa thuận và thương yêu lẫn nhau. Con cháu quan tâm, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Quan hệ vợ chồng hầu như ít có sự xung đột, mâu thuẫn, vì vậy, tình trạng li hôn hay hiện tượng ngoại tình, đa thê, rất hiếm thấy ở tộc người này (5). Một nhân tố rất quan trọng không thể không nói đến khi tìm hiểu Phật giáo Khmer đó là ngôi chùa. Không gian này được người Khmer đặc biệt quan tâm, coi trọng. Bởi lẽ, đây không chỉ là nơi thiêng liêng, tôn nghiêm, là biểu tượng tiêu biểu, bao hàm những giá trị cao quí nhất của nhà Phật, mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa – xã hội của phum, sóc, qui tụ và tập hợp cả cộng đồng, là nơi gởi cốt và trông coi phần hồn của mỗi tín đồ sau khi chết đi. Họ đến chùa để thờ Phật và tìm về thế giới của đức Phật, với sự thanh thản, bao dung và sẻ chia. Họ thấy ở đó một thế giới trong sáng, tốt đẹp, và luôn luôn hướng về bằng cả tâm hồn lẫn việc làm. Do vậy, họ dành nhiều thời gian trong cuộc sống cho những sinh hoạt tại chùa, cũng như tự nguyện “đầu tư hết mực cả về vật chất và tinh thần cho chùa – cho đức Phật mà quên bản thân mình” (6). Việc dâng hiến của cải, ruộng đất, công sức… để chăm sóc và xây dựng chùa được xem là công việc tích đức, làm phúc cho con cháu, và là con đường quan trọng đưa đến sự giải thoát (7). Cùng với chức năng chính về mặt tôn giáo, dễ nhận thấy ngôi chùa Khmer đóng vai trò rất to lớn trong việc giáo dục tri thức, đạo đức, lối sống, văn hóa… đối với người dân trong cộng đồng. Trước hết, đây là nơi gắn bó, tu học của đại bộ phận các thế hệ, tầng lớp người dân Khmer đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là đối với nam giới. Ngoài việc tự thân tu niệm và thường xuyên lên chùa thờ cúng, lễ Phật, cộng đồng này còn có tập quán đi tu tại chùa. Theo truyền thống, người con trai đến tuổi trưởng thành (14 – 15 tuổi) phải vào chùa tu với thời gian tối thiểu là một tháng (8). Tại đây, các tăng sĩ, một mặt sẽ được học tập về Phật pháp, ngôn ngữ (chữ Khmer, chữ Việt…), văn hóa truyền thống, và thậm chí là cả học nghề. Nhưng quan trọng hơn là họ được giáo dục về đạo đức làm người, lòng nhân ái, vốn sống và những qui tắc ứng xử… trong cuộc sống. Với người Khmer, đi tu vừa là nghĩa vụ, vừa là vinh dự của đấng nam nhi, và “đi tu không phải để trở thành Phật mà tu để làm người – làm người có nhân cách, có phẩm chất đạo đức tốt…” (9). Đồng thời, đó cũng chính là một hình thức để báo hiếu công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ (10). Sau khi đi tu và trở lại cuộc sống đời thường, những người nam giới được xem như đã trưởng thành, được cộng đồng công nhận, kính trọng và đề cao (11). Ngược lại, những người không đi tu sẽ bị coi thường, bị cho là kẻ không có Phật tính, không hiểu đạo lí cuộc sống, và do đó, cũng sẽ rất khó lấy vợ. Như sách dạy làm người của người Khmer đã viết: “Ri neak minh ban buốt tuk, chia tôk knong sao sơ mai” (nghĩa là: người không được tu hành trong chùa là người nhiều tội lỗi trong cuộc sống) (12). Riêng với những gia đình có con trai mà không đi tu thì sẽ bị mang tiếng xấu. Ngày nay, tập quán đi tu dẫu không còn được người Khmer đặt ra nghiêm ngặt như trước, nhưng tinh thần và ý nghĩa của điều này thì vẫn còn rất lớn trong suy nghĩ của cộng đồng. Chính vì vậy, nhà chùa vẫn được xem là một trường học quan trọng, thực hiện việc giáo dục tri thức và đạo lí mà các bậc sư sãi, cao tăng là những người chăm lo công việc ấy (13). Trong đời sống sinh hoạt cộng đồng, ngôi chùa là địa điểm diễn ra hầu hết các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng, văn học, nghệ thuật, các lễ hội văn hóa truyền thống, vui chơi – giải trí… của người Khmer. Vào những ngày lễ quan trọng trong năm như lễ Phật đản, lễ Nhập hạ, Xuất hạ, lễ đón năm mới (Chôl Chnam Thmây), lễ cúng trăng (Ok Om Bók), lễ cúng Ông bà, Tổ tiên (Sêne Đôlta)…, hầu hết người dân trong phum, sóc đều tập trung về chùa để tham dự. Tại đây, trong không khí của những lễ nghi tôn giáo trang nghiêm, tôn kính, cùng sự vui tươi, sôi động của những phần hội, nội dung và tinh thần giáo dục của những bài thuyết pháp (vốn được rút ra từ các Phật thoại, Phật sử hay chuyện ngụ ngôn…), cộng với những giá trị, truyền thống văn hóa đặc sắc của cộng đồng, dân tộc, đã được đón nhận và đi vào lòng người dân một cách tự nhiên, sâu đậm và tự giác nhất (14). Bên cạnh đó, ngôi chùa cũng được biết đến như là một thư viện, một bảo tàng của cộng đồng. Cùng với hệ thống kinh, sách Phật giáo khá lớn, nơi đây còn lưu giữ nhiều sách và tài liệu cổ, quí giá về lịch sử, tư tưởng, đạo đức, văn hóa, xã hội, kinh tế…, cũng như nhiều công trình, tác phẩm của các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật… do các nghệ nhân dân gian Khmer sáng tạo. Vì vậy, người dân có thể đến đây để học tập, tìm hiểu thông tin, phục vụ cho sinh hoạt đời sống và sản xuất. Từ đây, những tri thức, kinh nghiệm, phong tục tập quán, và giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc không ngừng được gìn giữ, phổ biến và ngày càng phát huy. Trong ngôi chùa, tầng lớp sư sãi có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là những người có đạo pháp, uy tín và tri thức cao trong xã hội, được người Khmer rất sùng kính và gọi chung là “ông Lục”. Mọi người dân khi gặp “ông Lục” ở chùa hay ở trên đường thì đều phải “ngã ô, nón, trật khăn rằn đang đội trên đầu, hai tay chắp trước ngực xá lạy” (15), dù rằng “ông Lục” có thể là con trai của mình hoặc nhỏ tuổi hơn. Các thành viên trong mỗi phum, sóc đều tự nguyện đóng góp vật chất và dâng cơm hàng ngày để nuôi sống sư sãi ở chùa. Tuy Phật pháp không cho phép sư sãi được tham gia vào việc quản lí xã hội. Nhưng từ tình cảm to lớn của người dân, các “ông Lục”, đặc biệt là “Lục cả” (16) và những người tu lâu năm, luôn được con sóc (17) tin tưởng để giải quyết các vấn đề lớn nhỏ của cộng đồng. Những lời khuyên giải, phân tích của “ông Lục” có thể rất bình thường, nhẹ nhàng, song lại trở thành những qui chuẩn, những tiếng nói quan trọng, mang nhiều tính quyết định, giúp điều hòa các mâu thuẫn, khó khăn, tranh chấp của từng cá nhân, gia đình và xã hội một cách hiệu quả. Nói cách khác, nhà chùa và sư sãi Khmer đã trở thành một thiết chế xã hội quan trọng, tồn tại song song, thậm chí, trong nhiều trường hợp còn thể hiện sự chi phối với các tổ chức tự quản phum, sóc, góp phần không nhỏ vào việc mang lại bình yên và ổn định cho xã hội. Với tất cả những môi trường như thế, tình cảm và tinh thần Phật giáo Nam Tông không ngừng bồi đắp, lan tỏa và cắm rễ sâu vào cộng đồng. Để rồi một cách tự nhiên, “được chuyển giao, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành những sợi dây vô hình ràng buộc một cách thiêng liêng nhất đối với người Khmer” (18). Nhờ vậy, tôn giáo này luôn được sùng kính và bảo vệ vững chắc. Song, có một thực tế phải thừa nhận, đó là trong hệ thống giáo dục quốc dân, người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long có tỉ lệ người đi học và trình độ học vấn còn khá thấp so với mặt bằng chung của cả nước, cũng như so với người Việt, người Hoa ở trong vùng (19). Điều này ngoài những nguyên nhân về lịch sử, kinh tế, xã hội của tộc người chi phối, thì còn có liên quan không ít đến tôn giáo truyền thống của họ là Phật giáo Nam Tông. Chính tinh thần và tình cảm Phật giáo vô cùng sâu rộng, bền chặt trong tâm thức của cộng đồng và mỗi người dân Khmer đã vô tình dẫn đến những hạn chế, khó khăn trong việc phát triển hoạt động giáo dục – đào tạo ở nhà trường. Họ luôn dành hầu hết tâm sức, của cải và thời gian của mình cho Đức Phật, nhà chùa và các sinh hoạt tôn giáo, nên ít có sự quan tâm, xem trọng việc học tập. Trong khi đó, với tập quán đi tu, đàn ông Khmer ngay từ bé đã phải vào chùa và tập trung vào việc học tập kinh kệ, giáo lý, thay cho việc đến trường học chữ và các kiến thức giáo khoa. Trong những thập kỷ gần đây, sau nhiều cố gắng quan tâm đầu tư, vận động tích cực của các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, tình hình giáo dục trong cộng đồng người Khmer dù đã có những chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, nhưng theo kết quả điều tra ngày 01/4/1999 cho thấy, vẫn còn đến 29,80% số người Khmer từ 5 tuổi trở lên chưa từng đi học, trong đó có 34,97% là nữ. Đối với các cấp lớp, nếu số học sinh người Khmer đi học ở bậc tiểu học là 53,03%, thì trung học cơ sở là 11,86%, và trung học phổ thông chỉ là 4,99%. Tình trạng này thực sự trở thành một trong những yếu tố gây khó khăn, cản trở rất lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng người Khmer, đặc biệt là trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa như hiện nay (20). Như vậy, có thể nói, Phật giáo Nam Tông, trong quá trình du nhập, vận động và phát triển ở cộng đồng người Khmer đồng bằng sông Cửu Long, với những đặc trưng và sắc thái riêng, đã trở thành một nền tảng tinh thần, tư tưởng và xã hội quan trọng của tộc người này. Điều đó, một mặt mang lại những ý nghĩa giáo dục to lớn, có giá trị tích cực đối với sự cố kết và lan tỏa của cả Đạo pháp và Dân tộc, giúp cả hai ngày càng phát triển bền vững và tốt đẹp hơn. Nhưng mặt khác, ở những khía cạnh nhất định, truyền thống tôn giáo này cũng vô tình trở thành những trở lực đối với sự phát triển giáo dục nhằm nâng cao trình độ học vấn của người dân Khmer. Trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội mạnh mẽ như ngày nay, việc nhận thức được những ý nghĩa và hạn chế về mặt giáo dục của Phật giáo Nam Tông trong cộng đồng người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, có thể được xem như một nhân tố quan trọng góp phần vào việc xây dựng và điều chỉnh chính sách, nhằm mở ra những hướng đi vừa phù hợp, hiệu quả, vừa giảm thiểu được những mặt trái cho cộng đồng này. Đồng thời qua đó, chúng ta có thể có được cái nhìn toàn diện, đầy đủ và rộng lớn hơn về vai trò cũng như ảnh hưởng của tôn giáo nói chung và Phật giáo Nam Tông nói riêng, đối với sự ổn định và phát triển của xã hội./.
Chú thích: (1) Hội Khoa học lịch sử TPHCM (2006), Nam Bộ Đất & Người, tập IV, Nxb Trẻ, TP.HCM, trang 289. (2) Người Khmer chiếm khoảng 98% theo đạo Phật hệ phái Nam Tông – Sđd, trang 264. (3) & (4) Sđd, trang 281- 282. (5) Sđd, trang 291. (6) Sđd, trang 301. (7) Sđd, trang 308. (8) Nguyễn Mạnh Cường, Về đời sống tu tập của sư sãi và Phật tử Khmer Nam Bộ, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 12 – 2007, trang 25. (9) Sđd, trang 308. (10) Sđd, trang 290. (11) Những người có thời gian tu hành tại chùa càng nhiều thì uy tín và sự kính trọng càng cao. (12), (13), (14) Sđd, trang 290. (15) Sđd, trang 282. (16) Vị sư trụ trì chùa (17) Người dân trong sóc. (18) Sđd, trang 291 (19), (20) Võ Văn Sen (CB) (2010), Một số vấn đề cấp bách trong quá trình Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, Nxb ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, tr30 – 31.
Tài liệu tham khảo: 1. Đặng Nghiêm Vạn (2003), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2. Nguyễn Khắc Cảnh (1998), Phum sóc Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 3. Võ Văn Sen (CB) (2010), Một số vấn đề cấp bách trong quá trình Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, Nxb ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh. 4. Đặng Thanh Thúy, Triệu Thị Nhân Hậu, Một số đặc điểm văn hóa, xã hội và cơ cấu phum sóc của người Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long, trong Nam Bộ Đất & Người, tập IV, Hội Khoa học lịch sử Tp. Hồ Chí Minh (2006), Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, trang 264 – 272. 5. Nguyễn Thị Mai Hương, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Tác động của yếu tố văn hóa lên sự phát triển kinh tế – xã hội của người Khmer tại tỉnh Sóc Trăng, trong Nam Bộ Đất & Người, tập IV, Hội Khoa học lịch sử Tp. Hồ Chí Minh (2006), Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, trang 273 – 278. 6. Trương Thành Đức, Đặc trưng văn hóa của đồng bào Khmer và những tác động đối với sự phát triển kinh tế – xã hội ở tỉnh Vĩnh Long, trong Nam Bộ Đất & Người, tập IV, Hội Khoa học lịch sử Tp. Hồ Chí Minh (2006), Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, trang 279 – 286. 7. Trần Khắc Tuấn, Tính cộng đồng trong sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng của người Khmer Nam Bộ, trong Nam Bộ Đất & Người, tập IV, Hội Khoa học lịch sử Tp. Hồ Chí Minh (2006), Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, trang 287 – 295. 8. Nguyễn Thị Thanh Vân, Cơ cấu tổ chức Phật giáo của người Khmer, tác động của nó trong đời sống kinh tế – xã hội ở Trà Vinh, trong Nam Bộ Đất & Người, tập IV, Hội Khoa học lịch sử Tp. Hồ Chí Minh (2006), Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, trang 296 – 305. 9. Đặng Thị Minh Phượng, Đỗ Ngọc Chiến, Chùa Khmer và ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội của người Khmer ở tỉnh Trà Vinh, trong Nam Bộ Đất & Người, tập IV, Hội Khoa học lịch sử Tp. Hồ Chí Minh (2006), Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, trang 306 – 310. 10 .Nguyễn Mạnh Cường, Về đời sống tu tập của sư sãi và Phật tử Khmer Nam Bộ, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 12 – 2007, trang 25. |
Cập nhật ( 23/01/2012 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com