“Xuân” Qua Cái Nhìn Của Đời và Đạo * Thích Giác Châu Hạ mãn thu sang, đông tàn xuân đến. Đó là chu kỳ chuyển xoay thời tiết của một năm và cứ mãi luôn như thế. Trong bốn mùa, chỉ có mùa xuân là thời tiết ấm áp dễ chịu nhất, nó không đìu hiu như mùa thu hay lạnh giá như mùa đông và cũng không oi bức, khó chịu như mùa hè. Khi nói đến mùa xuân cũng là nói đến sự sinh sôi nảy nở của muôn loài vạn vật, đất trời dường như trẻ lại, cây cối đâm chồi nảy lộc, ra hoa kết trái, chim hót líu lo… tất cả tràn đầy một sức sống mới. Việt Qua gần 1000 năm đô hộ của phương Bắc, và thêm gần 100 năm chinh chiến do các nước phương Tây xâm lược, dân tộc Việt Nam đã hấp thu một phần văn hóa Đông Tây. Cũng vì thế ở Việt Nam trong một năm có nhiều tết, chẳng hạn như tết Tây, tết Nguyên Đán, tết Nguyên Tiêu, tết Đoan Ngọ, tết Trung Thu, tết Trùng Cửu. Nhưng quan trọng và lớn nhất là tết Ta hay tết Nguyên Đán. “Nguyên” là bắt đầu hay đầu tiên, “Đán” là buổi sớm mai. Vậy “Nguyên Đán” là ngày đầu tiên của năm mới, tức là ngày mồng một tháng giêng tính theo âm lịch. Mỗi khi xuân đến tết về mọi công việc làm ăn đều dừng lại, người người hớn hở vui mừng đón chào một năm mới, đón chào ngày tết cổ truyền trọng đại của cả dân tộc. Các em nhỏ được nhận lì xì, được mặc quần áo mới, bước tung tăng trên khắp phố phường. Mọi gia đình đều đoàn tụ thật ấm áp biết bao sau những ngày làm ăn xa xứ. Nhà cửa được sửa sang, trang hoàng nên đều mới mẻ. Các món ăn truyền thống như bánh mứt, ngũ quả, v.v… được dâng cúng trên bàn thờ ông bà, tổ tiên. Muôn hoa cúc, đào, mai, thọ… đua nhau khoe sắc, tỏa ngát hương thơm, tô đẹp cho cuộc đời với bao niềm hy vọng. Tết cũng là ngày mà ai cũng vui thích, như đón nhận những điều may mắn tốt đẹp và xua đi bao thất bại u buồn của năm cũ. Tết còn là thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm ăn tất bật để đưa con cháu về quê, mừng tuổi ông bà nội ngoại. Tết cũng là ngày các Phật tử đi chùa lễ Phật đầu năm để cầu nguyện gia đình được bình an, hạnh phúc và hái lộc đầu năm, mong rằng những điều may mắn như phước, lộc, thọ, khương, ninh sẽ đến với gia đình trong năm mới. Đối với Phật giáo vào những ngày đầu xuân, các tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường khai kinh Cầu An, kinh Dược Sư để cầu nguyện cho quốc thới dân an, thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc. Phật giáo đi vào đời ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi sự thăng trầm của đất nước, đặc biệt vào thời Lý -Trần, Phật giáo được xem là quốc giáo, các vua quan, thần dân, không những sùng kính đạo Phật mà còn thỉnh các vị thiền sư làm quốc sư, tham gia công việc cố vấn triều chính, lãnh đạo đất nước như thiền sư Dương Không Lộ, thiền sư Nguyễn Minh Không, v.v… Bên cạnh đó, thiền sư Mãn Giác, thiền sư Vạn Hạnh, thiền sư Pháp Thuận… còn là những tác gia đóng góp một phần không nhỏ vào nền văn học nước nhà. Bài thơ Cáo Tật Thị Chúng của Mãn Giác thiền sư là một trong những thi kệ hay nhất thời bấy giờ. Qua bài thơ, Ngài đã thức tỉnh nhân sanh thấy rõ luật vô thường, sự đổi thay sinh diệt của các pháp. Xuân khứ bách hoa lạc Xuân đáo bách hoa khai Sự trục nhãn tiền quá Lão tùng đầu thượng lai Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. Vẫn biết rằng mùa xuân có đến đi, qua lại đổi thay theo bốn mùa trong vũ trụ, nhưng dưới con mắt của các vị thiền sư, xuân là niềm an lạc trong tận sâu thẳm tâm hồn, không cố chấp phân biệt hay dính mắc vào buồn vui, giận hờn, ưa muốn… Niềm vui của người xuất gia khi đón nhận mùa xuân không phải vui bằng ăn ngon mặc đẹp, phù phiếm sa hoa hay rượu thịt và các thứ tiêu khiển khác mà là tăng trưởng hạt giống Bồ đề tâm. Niềm vui này là chân không, là cảm nhận bởi năng lực từ bi đối với nhân loại giữa sự biến chuyển tột cùng của vũ trụ. Trong cái vô thường sinh diệt ẩn chứa cái chơn thường bất diệt. Thiền sư mượn hoa mai để chỉ cho vô thường. Hoa nở khi Xuân đến, hoa tàn khi Xuân đi, nhưng đêm qua, một cành mai vẫn còn hiện hữu và hiện hữu tự bao giờ, để mỗi khi Xuân về nở tung những nụ hoa mới tô đẹp cho cuộc đời. Đối với thế nhân phần nhiều bị chấp trước trong việc vui buồn, tử sinh, đến đi, còn mất… nên mới khổ đau trong sanh tử. Còn các vị thiền sư, các bậc Thánh nhân xem “sống như đắp chăn bông, chết như cởi áo hạ” thật nhẹ nhàng tự tại vô cùng. Xuân đến Xuân đi là chuyện bình thường trong đời có gì phải vướng bận lo toan. Đồng với tư tưởng này có vị sư Khất sĩ đã cảm tác một bài thơ: Xuân đến xuân đi hoa nở tàn Xuân lòng hoa đạo chẳng hề tan Vui xuân thế sự mau tàn úa Vui đạo xuân lòng mãi lạc an. Chúng ta nên biết xuân đến xuân đi là sự đổi thay của trời đất, hoa nở hoa tàn là chuyện của cỏ cây. Qua cái nhìn của phàm tục nên thấy có đến đi, nở tàn, sinh diệt từ đó trùng trùng các pháp duyên sinh. Với cái nhìn tuệ giác của các bậc giác ngộ, các pháp là như thị. Sinh tử xưa nay là thế, không chấp rằng có, cũng chẳng chấp rằng không. Các bậc ấy không có thêm một cái tâm nào ngoài pháp, thế cho nên Xuân mới thật là Xuân. Nói tóm lại, chỉ có tâm Xuân, niềm vui do tu tập đem lại mới là niềm vui thật sự. Ngài Di Lặc có nụ cười tràn đầy hỷ lạc là do Ngài đã buông xả tất cả ngã chấp và dung thông được các pháp. Ngày mùng một tháng giêng âm lịch là ngày vía Đức Di Lặc Bồ Tát mà cũng là ngày vui của muôn loài vạn vật chúng sanh. Đối với người con Phật, mỗi khi đón Xuân về đồng nghĩa với sự phát triển đạo tâm, làm cho những nụ tầm xuân xuất hiện để cuộc đời này luôn tươi đẹp, để cho nhân sanh có thêm một ngày mới với tâm xuân tràn đầy niềm vui an lạc giữa cuộc đời. Cuộc sống ở đời đâu chỉ là khổ mà còn là niềm an lạc giữa nhân gian. Sống không hờn không oán trách, chẳng sầu đau, sống như vậy giữa dòng đời bất tận có nghĩa là Xuân nở ở muôn nơi. |
Cập nhật ( 24/01/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com