CHÙA DƠI SÓC TRĂNG MỘT DI TÍCH VĂN HÓA KHMER NAM BỘ.
* TS Trần Thị Diễm Thúy
Du khách đến thăm Sóc Trăng, không mấy ai lại không biết chùa Dơi. Chùa Dơi là một ngôi chùa cổ kính, không to lớn và đẹp hoặc nổi tiếng bằng một số chùa khác như Kleng… nhưng chính sự cổ kính và đàn dơi khổng lồ sinh sống ở đây là sự thu hút số đông khách trong và ngoài nước. Như tên gọi của nó, chùa Dơi có rất nhiều dơi. Ngược dòng lịch sử, xưa kia, chùa Dơi có tên là chùa Mã Tộc hay Sê-Rây (theo cách gọi đầy đủ của người Khmer là Sê-Rây-Tê-Cho-Ma-Ha-Túp). Bởi lẽ vùng này trước kia có tên là Mahatop- nghĩa là “đại quân”, lâu dần, người ta đọc trại ra là Mahatup, có nghĩa là “đại lực”. Mahatup cũng còn có nghĩa khác nữa là “chiến lũy”, “chiến tuyến”. Người Việt theo âm việt là Mã Tộc. Chùa cũng có tên là Mã Tộc là vậy. Theo thời gian tên Mã Tộc chỉ còn lưu lại trong lời kể của dân gian, còn người dân địa phương vẫn quen gọi tên chùa với hai tiếng thân thương: Chùa Dơi.
Cái tên Chùa Dơi và dễ nhớ ấy đã nói lên phần nào về đặc thù ngôi Chùa gắn liền với đàn dơi sinh sống ở đây, đồng thời cũng gợi về một ngôi Chùa vừa cổ kính, vừa huyền bí… như sẵn sàng dẫn người ta đi vào thế giới của thời xa xưa.tên gọi là như vậy. Còn lịch sử hình thành của chùa Mã Tộc thật khó mà xác định một cách chính xác. Vì rằng lịch sử ngôi chùa xưa kia tương truyền được ghi trên lá thốt nốt, mà lá thốt nốt không thể lưu giữ qua nhiều năm tháng nên bút tích có còn cũng không đọc dược. Tuy nhiên, dựa vào một số di tích cổ khác của ngôi chùa và những tuền thuyết về ngôi chùa được lưu truyền trong nhân gian, người ta ước tính rằng ngôi chùa dược xây dựng từ 4 thế kỷ trước. Nghĩa là trước khi có lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ. Chùa Dơi tọa lạc trên một khu đất rộng 3-4ha (khuôn viên chùa ngày xưa rộng đến 7ha) cách chợ thị xã Sóc Trăng khoảng 3km. Vườn chùa có nhiều cây cổ thụ rậm rạp, um tùm, là nơi sinh sống thích hợp cho loài dơi, nên có nhiều dơi tụ tập đến ở. Đi gần đến Chùa Dơi, từ đằng xa, du khách đã có thể nghe được khúc nhạc… Dơi trỗi lên. Nhất là vào đầu mùa mưa cả triệu con dơi ở đây đón nhận thêm 30-40.000 cánh dơi từ các nơi khác hội tụ về khu vườn chùa để… sinh sản. Người ta có cảm tưởng đây là đất tổ của loài dơi vậy. Tìm hiểu qua một chút sinh hoạt của loài dơi ở đây cũng là một điều khá lý thú. Dơi cũng thuộc giống chim nhưng không làm tổ như các loài chim khác. Ban ngày, chúng dùng vuốt móng chân sắc nhọn móc vào các cành cây rồi chúi đầu xuống đất treo mình lủng lẳng như trái cây, đen đặc cả vườn cây. Các chú dơi con cũng theo cách ấy mà bám vào thân mẹ và tất cả chúng… ngủ li bì suốt ngày trong tư thế ấy. Như vậy, ban ngày dơi rất hiếm khi bay trên trời. nếu du khách tình cờ chứng kiến được cảnh dơi bay thì quả là… may mắn. Về đêm, mới là không gian của loài dơi. Khi trời bắt đầu tối (khoảng 18 giờ), chúng bay tủa ra khắp vườn làm náo động cả không gian về đêm. Chúng kéo thành từng đàn, từng nhóm để đi kiếm ăn, thức ăn chủ yếu của chúng là trái cầy chín. Có tài liệu ghi nhận, khi tụ thành đàn chúng đi ăn rất xa, tới tận Minh Hải, Vĩnh Châu và đến độ 4h sáng thì chúng bay về đến vườn chùa. Một chi tiết cũng khá kỳ thú là theo người dân địa phương kể chúng chỉ ăn trái ở nơi khác chứ trái cây vườn chùa thì tuyệt nhiên chúng không đụng đến hay phá phách. Đặc điểm làng dơi ở đây không chỉ là số lượng. Một tài liệu ghi nhận: “năm 1993 có một cây điệp lớn bị đổ, cả ngàn con dơi bị rớt xuống, không thể cất cánh bay lên được người ta bắt được con lớn nặng tới 1kg và đôi cánh rộng 1.5m” (theo sách “những ngôi chùa ở Nam Bộ”) loài dơi sinh sống ở đây tự bao giờ, điều đó không ai biết. Tuy nhiên, qua một bức hoành cổ bằng gỗ được chạm khắc hình cánh dơi bay xòa, người ta nghĩ rằng lịch sử sinh sống các thế hệ dơi ở đây có thể đồng thời cùng với lịch sử hình thành ngôi chùa. Với chiều dài lịch hơn 400 năm, kiểu kiến trúc của ngôi chùa tất nhiên là cổ kính. Có điều, đó là di sản của nền văn hóa Phù Nam hay tàn tích của thời đại Ăng-Co (một thời đại đã phát triển rực rỡ từ thế kỷ XI-XIII)… thì cần có sự thẩm định của các nhà khảo cổ và dân tộc học. Vì vậy, chúng tôi không có ý định bình giá hay nhận định kiến trúc ngôi chùa, chỉ xin miêu tả vài nét trong cái tổng quan của hiện tại (đã qua nhiều lần trùng tu). Cũng như các chùa khác ở trong vùng, Chùa Dơi có các thành phần: cổng chùa, ngôi chánh điện, nhà sala, tăng thất và ngọn tháp. Chánh điện có diện tích 8m x 15m với hàng hiên bao quanh, cột cao chống mái che 2 tầng có hoa văn công phu mà đơn giản, bàn thờ Phật được tô điểm rực rỡ và chạm trổ sắc nét, quanh tường vẻ hình ảnh cuộc đời Đưc Phật. Nhà sala nền cao 8 bậc, có pho tượng “tổ” Thạch Chia đang ngồi thiền, nhác trông người thật, trên tường và trên cửa đều có vẻ một số tranh, đặc biệt là tranh diễn tả cuộc đời con người. Du khách đến thăm Chùa Dơi cũng muốn tò mò thưởng thức món… thịt dơi. Từ lâu Sóc Trăng đã nổi tiếng với các món ăn được chế biến từ thịt dơi: rô-ti, nướng, nấu sa-tế, cháo đậu xanh dơi… không chỉ ngon mà còn bổ về “nên thuốc” (theo cách nói của dân địa phương) cũng cần nói thêm, đây là thịt dơi của những cánh dơi lạc đàn. Để bảo tồn đặc điểm thu hút của ngôi chùa, cũng là bảo vệ thiên nhiên môi trường nơi đây, chính quyền địa phương đã có lệnh nghiêm cấm bắn, bẫy dơi. Ngoài món ăn độc đáo đó, đến Sóc Trăng vào những dịp lễ, tết… của người Khmer, du khách còn được thưởng thức món ăn “văn hóa tinh thần” không kém thú vị, đó là những lời hát, những điệu múa Khmer dưới vòm chùa… Chùa Dơi tuy chưa phải là một di tích văn hóa lịch sử được đánh giá cao như một số ngôi chùa khác như chùa Kleng, Champha, Samprong… ở Sóc Trăng, nhưng nét cổ kính của ngôi chùa- tiếng nói của một thời đại thuộc quá khứ gắn liền với văn hóa cổ xưa của miền đất Nam Bộ và sự tập trung kỳ lạ của đàn dơi khổng lồ nơi đây từ lâu đã khiến Chùa Dơi trở thành một điểm thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Điều thú vị ở Chùa Dơi hơn bất kỳ ngôi chùa nào chính là âm thanh của đàn nhạc dơi xôn xao, rộn ràng… Đưa con người trở về gần gũi với thế giới tự nhiên.
Cập nhật ( 01/09/2010 )