Được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; sự ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Phòng Nội vụ, Ban ngành các cấp và địa phương sở tại; sự đoàn kết giữa các hệ phái; nhiệm kỳ qua 2016 – 2021, Phật giáo huyện Vĩnh Lợi đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu Phật sự rất đáng trân trọng, thể hiện ở tất cả các mặt về: Tăng sự, giáo dục, hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử, nghi lễ, văn hoá, trùng tu, xây dựng tự viện, từ thiện xã hội, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”,…
Về Tăng sự:Với tổng số 154 vị Tăng Ni (Bắc tông 59, Nam tông 95), Vĩnh Lợi có 18 cơ sở tự viện (15 tự viện Bắc tông, 3 Nam tông và 4 salatel). Trong nhiệm kỳ có 2 cơ sở đang chờ chính quyền công nhận (Tịnh thất Giác Huệ và chùa Châu Lâm).
Về giáo dục Tăng Ni:Trường Trung cấp Phật học của tỉnh đặt tại chùa Giác Hoa, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, hiện có 50 Tăng Ni sinh. Các điểm chùa của phân hiệu Nam Tông Khmer có 30 vị Tăng sinh theo học hệ Trung cấp và lớp Pali Vi Ni.
Về công tác hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử:Ban Hoằng Pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử phối hợp với Trụ trì các tự viện tổ chức đạo tràng tu học cho Phật tử như khoá tu mùa hè, khoá tu một ngày an lạc, với số lượng Phật tử tham gia rất đông; đặc biệt các khoá tu mùa hè tại chùa Giác Hoa thu hút số lượng lớn các em thanh thiếu niên tham gia tu học, chuyển biến đời sống đạo đức, định hướng tinh thần hiếu đạo, tự giác sống đẹp, sống có ích.
Về nghi lễ và văn hoá:Hằng năm Đại lễ Phật Đản được tổ chức long trọng tại Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN huyện Vĩnh Lợi. Tại chùa Giác Hoa, có lễ đài tập trung và xe Hoa nhiễu hành từ huyện Vĩnh Lợi đến BTS tỉnh Bạc Liêu. Các Tự Viện trong huyện tuần tự tổ chức Lễ Phật Đản rất trang nghiêm theo sự hướng dẫn của Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh.
Bên cạnh đó các tự viện tổ chức những nghi lễ truyền thống trong năm như: Lễ Thượng Ngươn rằm tháng Giêng âm lịch, Lễ Cầu an, lập đàn Dược Sư, Lễ Húy kỵ, Lễ giỗ, Lễ Tưởng niệm, Đại Lễ Vu Lan, Vía Bồ Tát Quán Thế Âm, Lễ vía Phật A Di Đà, Lễ Dâng Y KathiNa, tết cổ truyền Chôlchanamthmây, Lễ SenDolTa của đồng bào dân tộc Khmer, Lễ đặt đá trùng tu xây dựng Tự Viện.
Đặc biệt lễ khánh thành chùa Châu Long và chùa Vạn Thông, Chùa Buppharam Khánh thành Hội trường,… Các kỳ lễ lớn có chương trình văn nghệ Phật giáo kết hợp văn nghệ dân gian, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.
Về công tác trùng tu và xây dựng tự viện: Tổng kinh phí trùng tu, xây dựng các tự viện trong huyện trong nhiệm kỳ qua trên 30 tỷ đồng.Ban Trị Sự GHPGVN huyện Vĩnh Lợi hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nên đã chỉ đạo các Trụ trì các tự viện sửa chữa, trùng tu, xây dựng các cơ sở khang trang, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp và mang giá trị văn hóa Phật giáo, đồng thời phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào Phật tử và thu hút quan khách du lịch đến với huyện nhà. Trong đó, Chùa Giác Hoa xây dựng tượng Phật Dược Sư cao 40m, đó là đặc thù của Giác Hoa cổ tự, trăm năm có một không hai. Ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, chùa Hưng Thiện tượng Quán Âm cao 42,5m đã xác lập kỷ lục phía Nam. Chùa Châu Long, chùa Đầu, chùa Giữa, chùa Chót có hệ thống lớp học được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất; Chùa Phước Bửu đang chờ giấy phép của tỉnh; Chùa Hưng Thiện đang xây dựng Chánh Điện với quy mô lớn và rất trang nghiêm.
Về công tác từ thiện xã hội: Góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo do Ủy ban MTTQVN tỉnh phát động và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo huyện Vĩnh Lợi trong nhiệm kỳ qua thực hiện với tổng giá trị trên 19 tỷ đồng. Gồm các nội dung sau:Tặng xe lăn cho người khuyết tật; Phát quà cho hộ nghèo; Tặng hòm chôn cất; Tặng nhà tình thương; Hỗ trợ bệnh nhân nghèo; Phát quà cho người khuyết tật; Cho tiền học phí vàtập viết cho học sinh nghèo; Cứu trợ đồng bào bị thiên tai miền Trung; Ủng hộ vòng tay nhân ái; Ủng hộ thanh niên lên đường nhập ngũ; Tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh Hùng; Hỗ trợ mổ mắt cho bệnh nhân nghèo; Tổ chức bếp ăn từ thiện; Ủng hộ người mù,…
Về tham gia Tổ chức Đoàn thể, Mặt trận góp phần xây dựng Chính quyền vững mạnh: Thực hiện đăng ký công trình 8 phần việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; chư Tăng Ni tham gia các tổ chức Đoàn thể và cơ quan Dân cử. Phật giáo huyện có 02 thành viên là Ủy viên MTTQVN huyện Vĩnh Lợi; có 01 thành viên Ủy viên MTTQVN tỉnh. Ban Trị sự Phật giáo huyện có mối gắn kết với lãnh đạo Chính quyền, Mặt trận và các Ngành, các cấp.
Nhiệm kỳ qua, Ban Trị sự Phật giáo huyện cũng đã làm lễ hoặc tham gia tưởng niệm, kính viếng các vị Tiền bối như:Hòa Thượng Thích Hiền Giác, Chùa Vĩnh Đức; Hòa Thượng Thích Trí Đức, Chùa Vĩnh Hòa; Hòa Thượng Thích Huệ Hà, Chùa Long Phước; Hòa Thượng Thích Hoằng Quang, Chùa Vĩnh An; Ni Sư Diệu Hữu, Chùa Bạch Liên, tỉnh Bạc Liêu; Ni Sư Diệu Nga, Chùa Giác Hoa, …
Một nhiệm kỳ với rất nhiều thành tựu, dù còn gặp một số khó khăn, nhưng Phật giáo huyện Vĩnh Lợi đã khẳng định tinh thần đạo pháp dân tộc sáng ngời, khắc phục khó khăn để hoàn thành công tác Phật sự, đóng góp đạo đời lợi lạc chúng sanh.
Thực hiện: TTTT PG Bạc Liêu