VAI TRÒ HOẰNG PHÁP VIÊN CƯ SĨ TRONG THỜI HỘI NHẬP
* Thích Nữ Thanh Vân
Ban Hoằng pháp Đà Nẵng
Những ngày đầu xuân tiết trời còn mát dịu, tình đời ý đạo còn đượm thắm nét duyên xuân, chúng con vô cùng hân hoan khi nhận được thông báo của Ban Hoằng pháp Trung ương mời tham dự hội thảo Hoằng pháp toàn quốc tổ chức tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thân thương này.
Còn nhớ những ngày tháng 4 năm 2009, Thành hội Phật giáo Đà Nẵng được Ban Hoằng pháp Trung ương giao nhiệm vụ đăng cai tổ chức khóa bồi dưỡng và hội thảo Hoằng pháp toàn quốc từ ngày 4 – 18/04/2009. Tại đây, lớp Hoằng pháp viên Cư sĩ được tổ chức thí điểm lần đầu tại chùa Linh ứng – Bãi Bụt, Tp. Đà Nẵng với 620 Hoằng pháp viên cư sĩ tham dự, trong đó có 50 vị đại biểu ngoại tỉnh, có các vị thành viên Ban Hoằng pháp của các tỉnh thành, những cư sĩ đã có khả năng Hoằng pháp.
Riêng 570 Cư sĩ Phật tử tại Tp. Đà Nẵng, sau khóa học, Ban Hoằng pháp Thành hội đã thành lập đoàn Hoằng pháp viên Cư sĩ cấp thẻ chứng nhận và tổ chức tu học hằng tháng để bồi dưỡng kiến thức Phật pháp và trau dồi kỹ năng Hoằng pháp để họ trở thành những hoằng pháp viên cư sĩ thật sự có năng lực để góp phần truyền bá chánh pháp. Việc làm này đã nói lên được hướng đi đúng đắn của Ban hoằng pháp Trung ương trong việc xây dựng và phát huy vai trò, nhiệm vụ của hoằng pháp viên cư sĩ trong thời hội nhập.
Trong tứ chúng đệ tử Phật, hàng Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di chiếm đa số. nhưng những cư sĩ tự thân chứng đắc có khả năng thuyết pháp độ sanh như ngài Duy Ma thời đức Phật, ngài Tuệ Trung thượng sĩ thời nhà Trần, chánh Trí Mai Thọ Truyền gần đây thì quá hy hữu. Là người Phật tử được tiếp thụ chánh pháp trong truyền thống với gia đình và xã hội, nhưng luôn tâm nguyện phải làm thế nào để hoằng dương chánh pháp tự lợi lợi tha, nhất là trong thời đại hội nhập ngày nay.
Nhìn vào những hoạt động thực tiễn của xã hội ngày nay, hội chúng tại gia cũng đã có những hoạt động trực tiếp thực hiện công tác hoằng pháp đem lại rất nhiều hiệu quả thiết thực trong việc đem đạo vào đời, qua các việc làm tốt đời đẹp đạo, như tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng chính quyền, gìn giữ an ninh, bảo vệ tổ quốc…
Thiết nghĩ, trong các phương tiện giáo hóa của Phật, thân giáo là điều kiện cần thiết của người Phật tử thể hiện làm tấm gương soi sáng cho những người chung quanh. Thật vậy, là một Hoằng pháp viên xứng đáng, trước hết vị ấy phải một Phật tử chân chính, qui y Tam bảo, thọ trì ngũ giới, thập thiện hoặc Bồ tát tại gia, biết tu thân, tề gia để xây dựng một gia đình hạnh phúc an lạc, mà ở đó cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, gia đình có truyền thống Phật giáo.
Đối với xã hội, vị ấy là một công dân tốt, sống tôn trọng pháp luật, chấp hành mọi chủ trương đường lối của nhà nước. Trong cơ quan đoàn thể, vị ấy luôn là người gương mẫu, biết hy sinh, chịu khó, nhẫn nhục, hòa nhã, luôn giữ mình trong sáng và nở nụ cười hoan hỷ với mọi người. Tạo sự an lạc trong mọi hoàn cảnh, sống cuộc sống tự tại trong cộng đồng. Nếu làm được như vậy có lẽ đã tô vẽ được bức tranh toàn mỹ cho xã hội, giúp mọi người nhận chân về nếp sống đạo hạnh và giải thoát của người Phật tử trong thời kỳ mà tài sắc, danh vọng luôn quyến rũi, lôi kéo mọi người vào vòng xoáy vật chất.
Ngoài ra, người Phật tử còn phải lấy “Tứ bất hoại tín” làm nền tảng căn bản. Đó là phải có niềm tin thanh tịnh và bất động đối với Phật, Pháp, Tăng, Giới. Tin sâu những lời Phật dạy là rất thực tế và khoa học, không giáo điều mê tín dị đoan. Những điều Phật thuyết trong kinh điển cách đây 2.500 năm đến nay khoa học mới dần kiểm chứng được. Ngày nay kỷ thuật công nghệ càng hiện đại, xu hướng phát triển đa chiều nhưng cũng không thể vượt qua tuệ giác con người. Do vậy, người Hoằng pháp viên cư sĩ phải tri hành hợp nhất giáo lý của Phật, thì mới đủ sức hội nhập trong mọi thời đại.
Khi đã có niềm tin bất động nơi tứ bất hoại tín, người Hoằng pháp viên cư sĩ có thể phụ giúp chư Tăng Ni truyền bá chánh pháp. Cần biết rằng có những trường hợp người Hoằng pháp viên cư sĩ có thể làm được mà các giảng sư Tăng Ni không làm được, vì người cư sĩ có thể Hoằng pháp trong các sinh hoạt nhỏ lẻ như khi đi trên tàu, xe khách, khi cùng ngồi uống cà phê, khi cùng làm chung tại các cơ sở doanh nghiệp, khi có những tâm tư đồng điệu như làm ăn thua lỗ, gặp trắc trở khó khăn trong tình cảm riêng tư… trên tinh thần lợi hành nhiếp, người Hoằng pháp viên cư sĩ có thể mở các dịch vụ, doanh nghiêp, nông trường sản xuất kinh doanh để tạo công ăn việc làm cho đồng bào ở nông thôn vùng sâu vùng xa, để từ đó có thể tiếp cận, thân cận với họ qua thân giáo, khẩu giáo làm cho họ hướng về ánh sáng chánh pháp.
Vai trò của người Phật tử tại gia lại càng vô cùng quan trọng đối với chương trình Phật hóa gia đình. Cụm từ Phật hóa gia đình cho ta khái niệm người làm công tác này phải làm sao cho gia đình mình đều tin theo Phật và quy y Phật. Vì vậy, người thực hiện chương trình Phật hóa gia đình không ai khác hơn là một hay một số thành viên trong gia đình – bao gồm ông bà, cha mẹ, con cháu, dâu rễ. Lộ trình “thành ý – chánh tâm – tu thân – tề gia” nếu được đem áp dụng cho việc Phật hóa gia đình ở đây thì sẽ hữu hiệu nhất. Muốn cho các thành viên trong gia đình mình tin và quy y theo Phật thì trước hết mình phải là một Phật tử thuần thành, có niềm tin thanh tịnh bất động nơi ngôi Tam bảo, phải có thực học, thực tu, tinh tấn tụng kinh bái sám, hành trì một pháp môn tu tập hợp căn cơ, biết ứng dụng Phật pháp vào trong sinh hoạt đời thường một cách thiết thực hiện tại – sống có giới hạnh, biết từ bỏ và đoạn trừ các pháp bất thiện như tham, sân, si, mạn, sống thể hiện lòng từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha đối với mọi người trong gia đình cũng như ngoài xã hội, thậm chí còn trải tâm từ đến cả mọi loài – để cho mọi người nhận ra được sự lợi ích thiết thực của việc thực hành pháp mà phát tâm tịnh tín Tam bảo. Đây là bài pháp không lời có tác động sâu sắc, đậm đà nhất đến tâm tình người chung quanh.
Nếu có điều kiện, ta sẽ làm những việc từ thiện như giúp đỡ các nhà dưỡng lão, bệnh viện, trẻ khuyết tật hay cùng tham gia một hoạt động xã hội nào đó như hiến máu nhân đạo, giúp đỡ người nhiểm HIV – AIDS hay chất độc da cam, tham gia công việc bảo vệ môi sinh – giữ gìn được môi trường xanh – sạch – đẹp của trái đất.
Thực hành lời Phật dạy là điều cốt lõi của mọi hành động được làm bằng chính tấm lòng của ta và coi đó như là một sự cúng dường cao quý nhất lên Tam bảo, và cũng là một món quà thiết thực nhất để dâng tặng cho mọi người. Như ông Ban ki Moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã nói trong Thông điệp Đại lễ Vesak 2008: “Hơn 2.500 năm qua, những lời dạy của đức Phật vẫn tiếp tục làm kim chỉ nam và đã mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của hàng trăm triệu người trên thế giới. Việc tổ chức hàng năm Đại lễ Vesak là cơ hội để Phật tử xác quyết niềm tin vào giáo pháp của Ngài, đồng thời nêu cao giáo lý Từ bi, Trí tuệ, và Hòa bình mà Ngài đã thuyết giảng…
Đã đến lúc mọi người cần phải quay lại chính mình và ứng dụng lời dạy của đức Phật trong đời sống thường nhật. Đây là con đường duy nhất để mọi người cùng thăng tiến đạo đức tâm linh và ngăn chặn nạn hủy diệt văn hóa, văn minh của nhân loại. Hãy sống tri hành hợp nhất, tự thân trong sạch, trưởng dưỡng đạo tâm, góp phần trang nghiêm giáo hội, đem lại lợi ích phồn vinh cho cộng đồng xã hội.
Cập nhật ( 18/07/2011 )