VUA LÊ THÁNH TÔNG LẬP VIỆN HÀN LÂM ĐẦU TIÊN Ở NƯỚC TA * Trần Trọng Trí Trong khoảng 37 năm ở ngôi vị, Lê Thánh Tông mở mang văn học, khoa học và nghệ thuật, cùng với việc cải tổ hành chính, xã hội, tư pháp và kinh tế trong nước, trên những cơ sở cụ thể và hợp lý. Vua Lê Thánh Tông, mở nhà Thái học (tức là Trường Đại học) xây dựng phòng ốc cho sinh viên lưu trú, dựng kho chứa sách (thư viện). Ngài lại cho thảo chương trình giáo dục hợp lý, thực dụng, định lệ thi hương lấy tú tài, cử nhân, tiến sĩ, (thái học sinh). Những vị tài danh được vua mời và phong học vị hàn lâm viện, còn trạng nguyên Mạc Hiển Tích được thụ phong Hàn lâm viện Học sĩ. Đến năm 1495, vua Lê Thánh Tông chính thức lập một Hàn lâm viện Văn học đầu tiên mang danh hiệu Tao Đàn nhị thập bát tú. Tao Đàn nhị thập bát tú nghĩa là 28 ngôi tinh tú của văn đàn, căn cứ vào thuật chim tinh gồm: Chòm sao phía Đông gọi là Thanh Long: Giốc, Cang, Đê, Phòng, Vỹ, Cơ, Tâm; Chòm sao phía Bắc gọi là Huyền vũ: Đẩu, Ngưu, Hư, Ngụy, Thất, Bích; Chòm sao phía Tây gọi là Bạch Hổ: Khuê, Lâu, vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm; Chòm sao phía Nam gọi là Châu Tước: Tịnh, Quỷ, Liễu, Tỉnh, Trương, Dục, Chẩn. Chính vua Lê Thánh Tông giữ chức Tao Đàn nguyên súy, đứng đầu 28 vị văn nhân, nghệ sĩ tuyển trong số nhân tài của đất nước. Các hội viên được tuyển vào Tao Đàn phải biết bốn nghệ thuật với một tài năng tương đương: “cầm, kỳ, thi, họa”. Thành phần tổ chức Viện hàn lâm Việt Nam gồm 28 hội viên, đặt dưới quyền chủ tọa của nhà vua. * Nguyên súy: Vua Lê Thánh Tông. * Phó nguyên súy: 1- Thân Nhân Trung, Tiến sĩ khoa 1469, Thượng thư bộ Lại. 2- Đỗ Nhuận, Tiến sĩ khoa 1466 (đỗ năm 21 tuổi), Thượng thư. * Đông Các Hiệu thư: 3- Ngô Luân, Tiến sĩ khoa 1475, Thượng Thư. 4- Ngô Hoàn, Bảng nhãn khoa 1490, Thượng thư. * Hàn lâm Viện Thị độc: 5- Nguyễn Xung Xắc, Tiến sĩ khoa 1469. 6- Lưu Hùng Hiếu, Bảng nhãn khoa 1481 (đỗ 26 tuổi) 7- Nguyễn Quang Bật, Trạng nguyên khoa 1484 (đỗ 21 tuổi) 8- Nguyễn Đức Huân, Bảng nhãn khoa 1487, một lần đi sứ Trung Quốc, Đông Các học sĩ. 9- Võ Địch, Trạng nguyên khoa 1493 (đỗ 22 tuổi) một lần đi sứ Trung Quốc. 10- Ngô Thâm, Bảng nhãn khoa 1483. * Hàn Lâm Viện Thi Chế: 11- Ngô Văn Cảng, tiến sĩ khoa 1481 12- Phạm Tri Khiêm, tiến sĩ khoa 1484 (đỗ 24 tuổi) 13- Lưu Thứ Mậu. * Hàn lâm Viện Hiểu Lý: 14- Nguyễn Nhân Bí, Tiến sĩ khoa 1466 (đỗ 19 tuổi) một lần đi sứ Trung Quốc, Thượng thư. 15- Nguyễn Tôn Miệt, Tiến sĩ khoa 1481. 16- Ngô Quyến, Tiến sĩ khoa 1487. 17- Nguyễn Bảo Khuê, Tiến sĩ khoa 1487, một lần đi sứ Trung Quốc. 18- Bùi Phổ, Tiến sĩ khoa 1487. 19- Dương Trực Nguyên, Tiến sĩ khoa 1490. 20- Chu Hoàn, Tiến sĩ khoa 1493. * Hàn lâm Viện Kiểm Thảo: 21- Phạm Cần Trực, Tiến sĩ khoa 1484. 22- Nguyễn Ích Tôn, Tiến sĩ khoa 1484. 23- Đỗ Tuân Thư. 24- Phạm như Huệ, Tiến sĩ khoa 1487 25- Lưu Địch,Tiến sĩ khoa 1490. 26- Đàm Thân Huy, Tiến sĩ khoa 1490. 27- Phạm Do Phú, Tiến sĩ khoa 1493. 28- Chu Huân, Tiến sĩ khoa 1490. Con số 28 trong văn đàn là số nhân của 7 lần 4, khiế ta liên tưởng những văn nhân của Hội Thất tinh của Pháp (thế kỷ thứ 16) và chòm sao mang danh hiệu ấy trong Tinh Tòa Kim Ngưu, đến chòm (Thất tinh) dưới thời Ptolémée Philadelphe của Ai Cập (283 – 246 trước Công nguyên), đến bảy nhà hiền triết Trúc lâm Thất hiền, dưới đời nhà Tấn (265-420)… Còn Hàn lâm Viện nước Pháp, thành lập năm 1635, lúc đầu chỉ có 12 hội viên rồi tiến dần đến 28, sau đó đến 40 hội viên như ngày nay. Viện Hàn lâm nước ta đã đóng góp vào nền văn hóa học thuật nước nhà rất lớn, tiêu biểu gồm các tác phẩm chính yếu: – Quỳnh Uyển cửu ca (9 bài ca ở Vườn Quỳnh) sáng tác năm 1495, gồm 271 bài. – Thiên Nam Dư Hạ tập, gồm 100 quyển, ghi lại những việc tổ chức hành chính trong nước. – Chính Tây ký hành (thi phẩm sáng tác từ 1470 đến 1471) – Chính Chiêm Thành sự vụ (thi phẩm sáng tác từ 1470 đến 1471) – Thiên hạ Bản đồ ký (bản đồ toàn quốc ghi chép từng làng, quận, xứ và dân số…) – Quân chế (quy chế của võ tướng và văn quan) – Điều luật (bộ luật do vua Lê Thánh Tông ban hành). – Minh Lương cẩm tú (thi phẩm). – Xuân Vân thi tập (thi phẩm) – Cố Tâm Bách Vịnh, ca ngợi sự nghiệp người xưa. – Văn minh cổ Xúy, ca ngợi nền văn minh. Ngoài ra, chúng còn được thưởng thức một số thơ nôm, nêu rõ tư tưởng cao qúy của Lê Thánh Tông như: thằng Mõ, người ăn mày, cái chổi, cái cối xay, con cốc… So với các viện hàn lâm lớn trên thế giới như ở I-ta-li-a, Pháp, Anh, Nga, Đức, Thụy Điển…, nước ta đã thiết lập viện hàn lâm tương đối sớm, chỉ sau Trung Quốc. |
Cập nhật ( 30/04/2012 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com