TRIẾT LÍ GIAO HOÀ NGÀY XUÂN CỦA NGƯỜI VIỆT
* Hồ Xuân Tuyên
Ngày Xuân, qua sự cúng vái, việc chơi Xuân, những lời chào, lời chúc Tết, người Việt thể hiện một triết lí giao hoà ngày Xuân theo quan niệm của người Á Đông. Đó là sự giao hoà giữa con người với trời đất, giữa con người với tổ tiên, thần linh và giữa con người với con người.
1- Con người giao hoà với trời đất
Người Việt có tục xông đất đầu năm. Mọi người quan niệm, nếu ngày đầu năm mới mà người nào “lành vía” đạp đất nhà mình đầu tiên thì suốt cả năm làm ăn sẽ may mắn. Đàn ông xông đất mới “hên”, trẻ con thì càng tốt. Tục xông đất cho thấy con người đã cho rằng những điều làm được đầu tiên rất quan trọng, “đầu có xuôi thì đuôi mới lọt” hay “muôn sự khởi đầu nan”. Sự tiếp xúc giữa đất (nơi ở của con người) với con người (vía tốt hay vía không tốt) có ảnh hưởng nhất định đến vận hạn trong tương lai.
Người xông đất thường là người đến chúc Tết đầu năm một cách ngẫu nhiên. Nhưng có khi, gia chủ cũng đã “chấm” và dặn trước một ai đó được coi là vía tốt để đến nhà mình đạp đất đầu năm. Những người vía tốt, vía lành thường là những người thành đạt, làm ăn khấm khá, trong gia đình con cái hiếu thảo… Những người này đã đem theo “lộc”, đem theo cái may mắn, thịnh vượng, hạnh phúc đến cho gia chủ. <?xml:namespace prefix = o ns = “urn:schemas-microsoft-com:office:office”>
Những ngày đầu Xuân, người Việt thường tổ chức các trò chơi hay thực hiện những chuyến du xuân. Ngày Xuân khí hậu thường ôn hoà, mát mẻ, cây cối xanh tươi… Việc du Xuân cũng là một cách để con người hoà mình vào thiên nhiên, chìm đắm trong thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành, cảnh sắc tươi đẹp của trời đất, cỏ cây.
Đêm giao thừa, người ta thường rủ nhau đi hái lộc đầu năm. Mọi người quan niệm: mang lộc cây (phần trên của cành, có lá non nhất) về nhà đầu năm cũng chính là mang đến lộc (của cải) cho năm mới. Lộc non của cây cũng chỉ là mang tính chất tượng trưng. Đã là tượng trưng thì một chút lá non, chỉ cần có “lộc” là được. Tuy nhiên, quan niệm này khiến nhiều người hiểu một cách hơi thái quá. Họ nghĩ rằng càng đem nhiều cành cây về nhà càng tốt, càng nhiều lộc. Họ biến hái lộc thành bẻ cây. Vô tình, cách làm ấy đã khiến mất đi nét đẹp của sự giao hoà giữa con người với cây cỏ, thiên nhiên.
Đêm 30 Tết thực ra cũng như bao đêm khác, nhưng người Việt gắn cho nó một giá trị xã hội mang tính nhân văn đặc biệt. Đây là thời khắc thiêng liêng của sự giao nhận giữa cũ và mới. Người ta thường thắp nhang cúng giao thừa với một thái độ nghiêm túc, thành kính. Người khấn như cảm thấy đất trời cũng nghe được, hiểu được những tình cảm, suy nghĩ, khẩn ước của mình.
Ngày Tết, người Việt thường đi đến nhà nhau. Mình đến nhà người thân, bạn bè để chúc Tết; có khi người thân, bạn bè cũng đang trên đường đến nhà mình không chừng. Không gặp được nhau nhưng mà vẫn vui. Chẳng ai trách móc người khác về cái việc người khác không đến nhà mình hoặc mình đến nhà người khác mà không gặp chủ nhà. Không trách móc bởi hai lẽ: một là, ngày Tết không bao giờ có chuyện trách móc, to tiếng; hai là, thường có hẹn nhau trước đâu mà đợi nhau.
Có người cho rằng Tết của người Việt là tết trên đường. Người Việt, lúc này “ăn Tết” trong một không gian mở – không gian của mùa Xuân, không gian của trời, của đất.
2- Con người giao hoà với tổ tiên, thần linh
Tết Nguyên đán, người Việt thường có tục lệ không thể thiếu: lễ đưa ông táo ngày 23 về trời, đón ông bà ngày 25 tháng chạp về cùng ăn Tết; cúng ông bà, tổ tiên, thần linh trong ba ngày Tết. Mọi người quan niệm, trong mỗi gia đình, đều hiện diện những đấng thần linh, ông bà, tổ tiên, những người đã khuất. Những vị này, hàng ngày, dõi theo người sống, bảo vệ, che chở, giúp đỡ cho những người sống có hiếu có nghĩa; trừng phạt những kẻ sống thất đức, vô ơn. Có điều, người sống không thể nhìn thấy họ, “người trần mắt thịt” không thể thấy họ. Người sống đành mượn thẻ nhang, chén nước, ngọn đèn… làm vật chứng dám cho tấm lòng của mình. Chúng cũng là cầu nối giữa người sống và người mất, giữa người trần và người ở cõi âm, cõi trên, giữa con người và thần thánh. Người thắp nhang lầm rầm khấn vái như đang nói với người đang có mặt, đang đối mặt với mình. Lời khấn là sự tỏ bày tấm lòng thành kính, nỗi riêng tư, niềm khát vọng, những ước mơ, lời hứa, sự biết ơn… Đó chính là giây phút thiêng liêng nhất của sự giao hoà giữa người đang sống và thần linh, tiên tổ…
Trong thế giới siêu nhiên, có thần linh và có cả ma quỷ. Ở miền núi, ngày Tết, có dân tộc đã cắm cây nêu trước cửa để đuổi tà ma. Còn ở miền xuôi, người Việt vẽ cái cung bằng vôi trước cổng cũng với mục đích này… Ngày Tết là những ngày “lành”, ngày vui, ngày của mọi sự tốt đẹp. Mọi người không muốn cái xui xẻo, đen đủi mà ma quỷ đem đến.
Như vậy, người Việt đã biến cái vô hình thành cái hữu hình để giao tiếp theo quan niệm nhà Phật.
3- Giao hoà giữa con người với con người
Ngày Tết là ngày sum họp gia đình. Quanh năm buôn bán, làm ăn nơi xa, ngày Tết người Việt thường trở về vui niềm vui đoàn tụ. Với người thân, họ hàng, bạn bè, bà con lối xóm, ai cũng không quên tục lệ lì xì (mừng tuổi), chia sẻ niềm vui, chúc Tết nhau, chúc nhau sức khoẻ.
Lời chúc chung là những câu như: Chúc sức khoẻ dồi dào, mọi (vạn) sự như ý; An khang, thịnh vượng; Tấn tài tấn lộc, tiền vô như nước…Đối tượng khác nhau sẽ có những lời chúc không giống nhau. Những người buôn bán thì lại dành cho những câu chúc như: Chúc mua may (rẻ) bán đắt, mua một bán mười…; với những người già thì thường chúc: Kính chúc mạnh khoẻ, sống lâu trăm tuổi…; với con trẻ thì: Chúc cho ăn nhiều chóng lớn, học hành tiến tới, chăm ngoan, học giỏi; với người trưởng thành thì: Chúc thành đạt, có bạn gái (hoặc bạn trai, nếu chưa có vợ hoặc chồng), có con trai, con đàn cháu đống (nếu đã thành lập gia đình mà chưa có con) v.v.
Những lời chúc ấy thể hiện tấm lòng vị tha, sự mong mỏi của người chúc. Đó là sự cầu mong chân thành cho người khác gặp điều tốt lành, may mắn trong năm mới. Lời chúc đã gắn kết con người với nhau, thể hiện ước nguyện tốt về nhau.
Cập nhật ( 28/02/2010 )