Vì sao Tây Sơn tế trời vào ngày đông chí? * Lãng Điền Thời Tây Sơn, tế Trời riêng ở gò Viên Khâu vào ngày Đông chí, tế Đất riêng ở đàn Phương Trạch vào ngày Hạ chí. Vì sao triều Tây Sơn chọn ngày Đông chí để tế Trời ở gò Viên Khâu? Theo quy ước, khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 21 hay 22 tháng 12 đến ngày 5 hay 6 tháng 1 là tiết Đông chí, tức là từ khi kết thúc tiết đại tuyết và đến khi bắt đầu tiết tiểu hàn. Tiết Đông chí, theo lịch Trung Quốc cổ đại, là tiết khí khởi đầu bằng điểm giữa của mùa đông, nó là một trong hai mươi tư tiết khí trong nông lịch. Ngày Đông chí là ngày mà khoảng thời gian ban ngày ngắn nhất và khoảng thời gian ban đêm dài nhất. Thời gian này thông thường rơi vào ngày 21 tháng 12 hoặc 22 tháng 12. Ngày Đông chí thời điểm mà Mặt trời xuống tới điểm thấp nhất về phía Nam trên bầu trời để sau đó bắt đầu quay trở lại phía Bắc. Tây Sơn chọn ngày này để Tế trời với ý tưởng rất minh triết. Nhưng nguyên nhân sâu xa là Tây Sơn muốn độc lập đối với Trung Quốc trong việc tế Giao. Thật vậy, trước thời nhà Minh thì Trung Quốc theo điển lễ cũ có từ thời nhà Chu, tế Trời riêng và tế Đất riêng vào hai ngày khác nhau trong năm. Minh Thành Tổ nói: “Vua coi Trời như Cha, Đất như Mẹ, tế Cha tế Mẹ làm hai nơi thì lòng con sao đành” và quyết định tế Trời Đất vào một ngày và hành lễ ở Thiên đàn. Và Thiên đàn ở Trung Quốc, từ thời nhà Minh qua thời nhà Thanh có đàn tròn (tượng Trời). Khi ra chiếu sắc phong cho các nước lân bang, thì bao giờ các hoàng đế triều Minh, Thanh ở Trung quốc cũng ra dụ khuyến cáo các nước chư hầu phải theo điển lễ của Trung Quốc. Triều Lê, Nguyễn của nước ta theo lệ tế Thiên Địa ở đàn Nam Giao như Trung Quốc, nhưng triều Tây Sơn không theo lệ ấy. Năm 1801, vua Gia Khánh nhà Thanh từng ra dụ gửi vua Gia Long, có nói về Quang Toản mắc tội phúc diệt. Có khả năng một trong những tội phúc diệt đối với Thiên triều là Tây Sơn đã tế Trời riêng, tế Đất riêng. Và vì thế, trong Vũ Trung tùy bút, Phạm Đình Hổ cũng coi việc Quang Toản khi chạy ra Thăng Long, cho đắp gò Viên Khâu để tế Trời vào ngày Đông chí và đắp đàn Phương Trạch để tế Đất vào ngày Hạ chí là “triệu bất tường” về sự sụp đổ của triều Tây Sơn. Mặc dầu theo điển lễ Trung Quốc, vì muốn sự bang giao êm đẹp, chứ cha ông ta vẫn cố ý làm khác. Chẳng hạn Thiên đàn của Trung Quốc là công trình có mái che, được xây dựng trên viên đàn, còn Viên đàn cũng như Phương đàn của triều Nguyễn để lộ thiên. Kiến trúc đàn Nam Giao triều Nguyễn tuy đơn giản cấu kiện nhưng vẫn đường bệ. Biểu tượng “Trời tròn Đất vuông” rất rõ và “đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” như một gợi mở về truyền thuyết “bánh chưng bánh dầy” độc đáo của dân tộc Việt. Còn thời Tây Sơn đã thể hiện quyết tâm không theo điển lễ Trung Quốc như đã nói ở trên. Những ngày gần vào tiết Đông chí, qua núi Ngự Bình, đến núi Bân, tham quan gò Viên Khâu của Tây Sơn mới thấm thía lời hiệu triệu của vị anh hùng dân tộc Quang Trung khi mở màn chiến dịch đại phá quân Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu (1789). |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com