NHÂN ĐỌC TUYỂN TẬP THƠ CỦA TÁC GIẢ TRẦN QUÊ HƯƠNG VỀ MIỀN TÂM CẢM * Huỳnh Ngọc Thành (Kính dâng Hòa Thượng Thích Giác Toàn) Thật là thiện duyên rất bất ngờ, tuyển tập thơ Trần Quê Hương đến nay tôi vào những ngày Lập Thu Kỷ Sửu giữa cái nóng khô rang ngột ngạt cuối mùa Phượng ở miền Trung lắm nắng nhiều chưa. Đây là quà tặng từ hội thảo ngành hướng dẫn Phật tử khu vực Tây nguyên và miền Trung do Ban hướng dẫn Phật tử TƯGH kết hợp với Ban trị sự Phật giáo thành phố Đaklak tổ chức tại thành phố Ban Mê Thuột từ ngày 01 – 03.2009 nên càng được trân trọng nâng niu hơn…
Tuyển tập thơ tổng hợp 3 phần gồm: Suối về Hoa Nghiêm, Tặng phẩm dâng đời và Tâm hồng mười phương (NXB. Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, tháng 5.2009). Ấn phẩm vuông vức như những tấm carô xinh xắn vừa vặn tay cầm, được trình bày trang nhã (khổ 15×15 cm) và lôi cuốn người đọc không thể khép lại đứng dậy vì sức cuốn hút bắt đầu từ những bài thơ đượm màu buồn thương được tác giả thể hiện qua những trang đầu tiên. Sẽ không thừa khi nhắc lại hai chữ Hoa Nghiêm là tên một bộ kinh Đại thừa quan trọng, mà theo truyền thuyết của Đại thừa thì đã được Phật giảng ngay sau khi Phật thành đạo. Và theo tinh thần Hoa Nghiêm là từ tam quy đi vào pháp giới, không còn trần lao chi phối… Điều đó cho thấy ý tưởng chủ đạo Suối về Hoa Nghiêm từ những bài thơ mở đầu. Những bài thơ lục bát bốn câu dẫn vào phần Suối về Hoa Nghiêm được xuyên sốt như lời tỏ bày sâu lắng của tác giả dành cho những người thân yêu, trong đó được nhắc nhiều về ngoại, mẹ cha, cậu dì, bên nội… Những trang thơ ám ảnh cảnh nước mất nhà tan giữa chiến sự ác liệt bao trùm lên tuổi thơ không một chút bình yên được lập lại ba lần “Con nhớ mỗi lần nghe súng, mỏ / Đầu đàn ngoại gọi Dậy con ơi!” (mười năm con lớn – trang 36). Hay đã làm người xúc động mạnh vì thấu hiểu sự đau thương mất mát trên quê hương lửa đạn và chất chồng hờn căm từ thưở giữ nước “Việt Nam dòng máu hùng truyền / Muôn người như một thề nguyền đấu tranh” (Chí tiền nhân – trang 20). Tuyển tập thơ Trần Quê Hương dày gần 240 trang ruột. Trong đó Suối về Hoa Nghiêm trải dài hơn 120 trang, chiếm một nữa độ dày tuyển tập. Mỗi bài thơ là mỗi trang tự sự buồn vui, là tiếng lòng riêng được xâu kết thành một phần cuộc đời của tác giả mà người đọc đã chiêm nghiệm suy ngẫm từ những câu thơ giàu hình ảnh dung dị thân thương và tự thân vận động để tỉnh thức trước vòng xoay nhân thế. Thân phụ hy sinh vì đại nghĩa khi bào thai mới tượng hình hai tháng. Chào đời trong vòng tay bà phước. Lớn lên trong tình thương yêu chăm sóc của ngoại, cậu dì và mẫu thân. Nhưng không bao lâu sau, mẹ tảo tầng hiền từ ra đi mãi mãi trong căn bệnh mà Tây y lẫn Đông y thời đó đành bó tay, khi tác giả tròn một con giáp có lẻ – chính xác là 13 tuổi! Sau khi mẹ mất nên đành đoạn nghỉ học ở nhà lo lắng chăm nom ngoại “Không học ở trường, con tự học / Tự tâm, tự tánh, tự tầm cầu” (trang 81). Và phần đời mới của tác giả đã chuyển hóa từ trong tâm khảm tuổi hoa niên “Vì con thầm nhủ trong trời đất / Mỗi người là hạt ngọc châu” (Giác ngộ vô thường – trang 81). Đọc một mạch phần Suối về Hoa Nghiêm đã hình dung từng nhánh sông xưa cùng đổ về đại dương bao la. Phần đời tác giả được trải lòng qua những thăng trầm gai góc, những ngược xuôi muôn màu sáng tối tỉnh quê để rồi những vùng đất từ vĩ tuyến 17 trở vào phương Nam đã in những dấu chân phiêu bồng du hóa của tác giả trên đường tu học và hành đạo, địa đầu Quảng Trị đến dãi đất duyên hải miền Trung, qua Đông Nam bộ và xuôi về với sông nước Cửu Long… (Chân trời tha hương, 1962 – 1973, trang 91 – 110). Là Phật tử sơ cơ phước mỏng nghiệp dày nhưng cũng ngộ ra đôi điều tâm đắc khi đọc tuyển tập thơ Trần Quê Hương. Bởi vì, trên bước đường đến với đạo Phật vi diệu nhiệm màu luôn định tâm để nhìn về phía trước bằng tấm lòng mở phơi an nhiên tự tại “Mỗi hoàng hôn nhớ tụng câu / Đời ta là giấc chiêm bao mây hồng” (144 – phần Tặng phẩm dâng đời). Trước khi khép lại tập thơ Trần Quê Hương là phần Tâm hồng mười phương với 5 bài thơ gồm các đề tài hướng về: Ngày lịch sử; Chứng tích hành hương; Ánh lửa thiên; Ưu đàm nở hoa; Thời gian; Hạt bụi và Mùa xuân… được sáng tác trong những thời điểm đáng nhớ như kính mừng Phật Đản; thăm tứ đại danh sơn ở Trung Quốc; tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức… đã lưu lại những hình ảnh cao đẹp lẫn câu thơ hay trong trí nhớ người đọc “Ánh lửa từ bi, ánh lửa thiêng / Quả tim bất diệt, quả tim thiền” (kỷ niệm 40 năm vị pháp thiêu thân – trang 226). Là một vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đảm đương nhiều Phật sự của các ban ngành Ttrung ương Giáo hội. Tác giả Trần Quê Hương gửi tặng đến bạn đọc gần xa những lời thâm tình sâu lắng nhất từ quá khứ đến hiện tại, đã trải qua suốt cuộc hành trình thấm đẩm buồn vui hòa cùng những giọt lệ Chánh pháp hoan hỷ vỡ òa dưới ánh hào quang Đức Từ Phụ, được gói trọn trong trang thơ cuối cùng của tuyển tập “Một lòng niệm Phật Pháp Tăng / Hạo nhiên an trú…. Niết bàn hạo nhiên” (Ưu đàm nở hoa – trang 239). Xin được mạo muội viết những dòng tâm cảm khi đọc xong tuyển tập thơ Trần Quê Hương giữa lòng thành phố bên sông Hàn. Đồng thời, bài viết này được xem như món quà nhỏ nhoi kính dâng để mừng sinh nhật tròn 60 năm của tác giả tuyển tập thơ, khi đọc bài thơ mở đầu lục bát 4 câu với tựa đề Tự tình (trang 15) và lập lại ở trang bìa 4 tuyển tập thơ in cùng chân dung tác giả “Năm xưa mười bảy tháng mười / Có con trâu trắng hóa người dưới trăng / Năm nay mười bảy tháng mười / Dưới trăng có bóng khách cười nhớ trâu”. (1949 – 2009). |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com