VĂN HÓA DÂN GIAN BẢN ĐỊA VÀ DU LỊCH BIỂN TRÀ VINH * Trần Dũng 1. Những vấn đề chung: Trà Vinh là một tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ, nằm giữa cửa Cổ Chiên bên sông Trà Tiền và cửa Định An bên sông Hậu. Chiều dài bờ biển của Trà Vinh là hơn 56 cây số, trải ra trên địa bàn 9 xã thị trấn thuộc 3 huyện là xã cù lao Long Hòa (huyện Châu Thành), xã Mỹ Long Bắc, xã Mỹ Long Nam, thị trấn Mỹ Long (huyện Cầu Ngang), xã Hiệp Thạnh, xã Trường Long Hòa, xã Dân Thành, xã Đông Hải và xã Long Vĩnh (huyện Duyên Hải) với dân số hơn 120.000 người của ba dân tộc Việt – khmer – Hoa. Trong lịch sử, các xã ven biển Trà Vinh vốn có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, là một trong những chiếc nôi thiêng của cách mạng với sự hình thành chi bộ Đảng sớm nhất vào mùa xuân năm 1930 (Mỹ Long). Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, vùng rừng ngập mặn ven biển luôn là căn cứ cách mạng vững chắc, đồng thời là một mắc xích quan trọng trong các bến bãi tiếp nhận vũ khí, trang thiết bị chiến tranh từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường ĐBSCL theo đường Hồ Chí Minh trên biển, Chính vì vậy, toàn bộ các đơn vị hành chính cấp xã ven biển Trà Vinh đều được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LTVTND. Sau ngày giải phóng, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước, khai thác tốt các tiềm năng biển – đất đai ven biển, đặc biệt là tiềm năng về đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch… Vùng ven biển Trà Vinh đang đóng góp ngày càng quan trọng hơn vào tiến trình phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà. II. Tiềm năng và việc khai thác tiềm năng du lịch vùng ven biển Trà Vinh: Trên 65 cây số bờ biển Trà Vinh bao gồm hệ thống các bãi bùn, bãi cát đen, bãi cát vàng được chia cắt bởi hệ thống rừng mặn và các cửa sông lớn nhỏ. Trong số đó, có những bãi cát vàn khá nổi tiếng như bãi Thủ (Long Hòa), bãi Bến Dấy (Mỹ Long), bãi Cồn Ngao (Hiệp Thạnh), bãi Ba Động (Trường Long Hòa)… từ xa xưa đã trở thành nơi hóng mát, vui chơi của cư dân địa phương sau những giờ lao động vất vả. Từ cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã chọn bãi biển Ba Động, được xem là bãi cát đẹp nhất so với các bãi biển khu vực, từ Nhà Bè xuống tới Cà Mau, đầu tư xây dựng thành địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng dành riêng cho số sĩ quan, công chức cũng như tầng lớp thượng lưu trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Mặc dù, khu du lịch này bị tàn phá và gián đoạn qua hai cuộc chiến tranh nhưng vẫn để lại địa danh ấp Nhà Mát cùng những câu ca dao tồn tại trong nhân gian mãi đến ngày nay: Biển Ba Động nước xanh cát trắng, Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây. Xin mời du khách về đây, Ghé thăm cho biết cảnh này thần tiên. Sau ngày giải phóng, cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông từ tỉnh lỵ về các xã ven biển bị tàn phá nặng nề. Người dân địa phương còn mãi tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, vất vả đầu tắt mặt tối lo cho cái ăn, cái mặt hàng ngày nên kinh tế du lịch biển Trà Vinh vẫn tồn tại dưới dạng… tiềm năng, mà nhiều người ví như nàng tiên còn đang chìm trong giấc ngủ triền miên. Sau ngày tỉnh Trà Vinh được tái lập trên cơ sở chia tách từ tỉnh Cửu Long cũ (tháng 5/1992), trên tinh thần đền ơn đáp nghĩa đối dưới vùng đất anh hùng nhưng vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi, đồng thời cũng nhằm khai thác tốt nhất những tiềm năng, thế mạnh từ kinh tế biển – đất đai ven biển, trong đó có kinh tế du lịch, Tỉnh ủy – UBND tỉnh Trà Vinh đã tập trung nguồn kinh phí quan trọng đầu tư xây dựng, phục hồi, nâng cấp cơ sở hệ thống hạ tầng như đường giao thông, lưới điện quốc gia, bưu chính viễn thông… đến với các xã ven biển. Ngày nay, từ trung tâm tỉnh lỵ Trà Vinh, khách du lịch có thể đến tận các khu du lịch ven biển, chỉ với hơn một giờ ngồi ôtô, thuận tiện và dễ dàng, trừ xã cù lao Long Hòa còn phải đi bằng xe gắn máy hai bánh. Nhờ đó, loại hình kinh tế du lịch ven biển Trà Vinh phát triển với một tốc độ tương đối nhanh, mà đối tượng của nó là loại khách bình dân trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận, có thu nhập thấp đến trung bình, trong dịp lễ tết và những ngày nghỉ cuối tuần. Trong những năm qua, vào dịp tết Nguyên đán, lễ Chiến thắng Quốc khánh… khu du lịch Biển Ba Động (trường Long Hòa) đón trung bình 20 – 40 ngàn lượt khách du lịch mỗi ngày. Nằm trong chương trình đa dạng hóa các hoạt động du lịch theo định hướng xã hội hóa, ngành Du lịch Trà Vinh đang thiết kế các tua – tuyến du lịch ven biển kết hợp với du khảo lịch sử truyền thống, du khảo sinh thái rừng ngập mặn, du khảo tìm hiểu văn hóa dân gian truyền thống các dân tộc địa phương… III. Văn hóa dân gian bản địa và du lịch ven biển Trà Vinh: Như mọi vùng miền trên cả nước, cộng đồng các dân tộc cộng cư trên vùng đất ven biển Trà Vinh, trải qua quá trình chiến đấu chống áp bức bất công, chống các thế lực ngoại xâm và quá trình lao động khai phá đất đai ngày xưa cũng như lao động xây dựng đất nước sau này, họ còn sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian khá đặc thù. Văn hóa, văn nghệ dân gian vùng ven biển Trà Vinh là sự giao lưu, tiếp biến cho phù hợp với điều kiện sống, môi trường, cảnh quan cụ thể ven biển, trên cơ sở kế thừa các giá trị văn hóa mang tính cội nguồn của từng tộc người (Việt, Khmer, Hoa). Dòng văn hóa, văn nghệ dân gian này không chỉ góp phần định đình phong cách, cá tính con người bản địa mà còn góp phần làm đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch vùng ven biển Trà Vinh. Tiêu biểu trong số đó là các làng nghề truyền thống, tín ngưỡng và lễ hội dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực truyền thống… 1. Các làng nghề truyền thống: a. Làng đáy hàng khơi Mỹ Long: Hầu hết cư dân các xã ven biển Trà Vinh đều ít nhiều liên quan đến nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản trên biển, ven biển, nội đồng. Tuy nhiên, tập trung thành làng nghề truyền thống với tay nghề kỷ thuật cao, có quy mô sản xuất lớn, số lượng và chất lượng sản phẩm hàng hóa cao được cả nước biết đến là làng đáy biển hàng khơi Mỹ Long, tọa lạc tại ấp Bến Đáy (nay là thị trấn Mỹ Long). Nghề đáy biển theo hình thức đáy sông cầu ở Mỹ Long có từ thời xa xưa, đến giữa thế kỷ XIX thì phát triển mạnh, chuyển thành đáy hàng khơi, mà vị tiên hiền là ông Cao Văn Huyền (Cả Huyền). Theo đó, những trụ đáy lâu nay cặp bờ được đưa ra xa hơn ngoài khơi, hình thành những dãy hàng đáy với hàng chục hàng trăm “khẩu đáy”. Số lượng và chất lượng sản phẩm tăng đột biến, hình thành chợ đầu mối thủy hải sản Bến Đáy, để từ đó tôm cá trên biển Trà Vinh tỏa đi khắp các tỉnh thành trong khu vực. Qui mô nghề đóng đáy và sự trù phú của làng đáy biển Mỹ Long nhanh chóng phát triển vào thập niên 1960 khi xuất hiện các loại nông ngư cơ cùng các phương tiện kỹ thuật đánh bắt thủy hải sản khác. Từ vùng biển Trà Vinh, ngư dân làng đáy biển Mỹ Long vươn sang các ngư trường Bến Tre, Gò Công, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Đến nỗi, chỉ cần nhìn những dãy trụ đáy hàng khơi cắm trên bất cứ ngư trường nào là người ta biết ngay sự có mặt của ngư dân làng đáy biển Mỹ Long. Sản phẩm chính của làng đáy biển này là các loại thủy hải sản tươi sống, tôm khô, cá khô các loại… Muốn ăn cá rựa bình thiên, Cưới con Cả Huyền đóng đáy hàng khơi. Ngày nay, do nhu cầu của công việc làm ăn, một bộ phận ngư dân Mỹ Long chuyển ra định cư và hình thành làng đáy biển Động Cao ở xã Dân Thành, huyện Duyên Hải. b. Làng trồng màu trên giồng cát Mỹ Long, Ba Đông: Do kết quả của quá trình biển thoái, địa hình đặc trưng của vùng ven biển Trà Vinh là những con giồng lớn nhỏ nối tiếp nhau, có trục chủ yếu theo hướng đông bắc – tây nam. Những con giồng này đang trong quá trình bồi tụ nên cao trình không đồng đều và thường xuyên thay đổi theo chu kỳ gió mùa. Đất giồng cát ven biển có độ màu mở không cao nhưng bù lại, dù sát bờ biển quanh năm nước mặn, nhưng những mạch nước tầng nông cũng như tầng sâu trên các con giồng này lại có chất lượng rất tốt, ngọt và trong. Thêm vào đó, sự cần cù và tay nghề canh tác của người dân khá cao, vốn được truyền thừa từ kinh nghiệm của nhiều thế giới. Chính vì vậy, khắp các con giồng ven biển Trà Vinh đều hình thành các làng nghề trồng màu trên đất giồng cát, mà sản phẩm của nó được tiêu thụ trên khắp thị trường trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu cho các làng nghề này là làng nghề này là làng nghề trồng màu trên đất giồng cát Mỹ Long và Ba Động được hình thành từ giữa thế kỷ XIX cho đến ngày nay. Sản phẩm chủ lực của các làng nghề này là dưa hấu, thuốc giồng (thuốc là trồng trên giồng cát), khoai lang, bí đỏ… Trong đó, nổi tiếng nhất là dưa hấu và thuốc giồng. Nhờ có nguồn nước tưới chất lượng, cộng vào đó phân bón từ nguồn phân chuồng (trâu, bò) và phân cá vụn vốn là nguồn phế phẩm nhiều vô tận từ làng đáy biển kế cận nên dưa hấu Mỹ Long, Ba Động khi chín tới ruột rất đỏ, chứa nhiều “cát”, ngọt và phao, lại để được khá lâu; trong khi thuốc giồng ở đây có ví rất nồng và “đượm”, sánh được với các loại thuốc lá danh tiếng miền Nam như thuốc rê Cao lãnh, Xuân Lộc… Riêng dưa hấu Trà Vinh, vào thập niên 1920, được viên chánh tham biện Gassano xếp vào hàng “Tam bửu Trà Vinh” cùng với thịt bò Base, gạo Đầu Bờ) đăng trên tờ Đông Pháp thời báo và đưa sang Pháp dự đấu xảo. ngày nay, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng năng suất – chất lượng – hiệu quả, bên cạnh dưa hấu, sản phẩm chính của các làng nghề trồng màu trên đất giồng cát ven biển Trà Vinh là cây đậu phộng. Đậu phộng Mỹ Long, Hiệp Thạnh, Ba Động… có hạt to và đều, tỷ lệ tinh dầu cao… xứng đáng xếp vào hàng đặc sản được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng. c. Làng nuôi tôm sú, làng nuôi nghêu trên bãi biển: Từ thập niên 1980, tại các xã ven biển Trà Vinh hình thành nghề nuôi tôm sú, và từ năm 2000 trở lại đây lại xuất hiện nghề nuôi nghêu trên các bãi biển. Các làng nghề này không chỉ ổn định, nâng cao đời sống người dân địa phương. Góp phần ngày càng quan trọng hơn vào tỷ trọng GDP của tỉnh mà còn tạo ra nguồn thực phẩm tươi sống, chất lượng cao tại chỗ phục vụ du khách. 2. Tín ngưỡng và lễ hội dân gian truyền thống: Cũng như hầu hết cư dân ven biển Trà Vinh là tín ngưỡng thì cá voi. Đây chính là sự giao lưu, tiếp biến của tín ngưỡng Chăm cổ khi các thế hệ người Việt tạm dừng chân trên dãy đất ven biển miền Trung. Theo đó, cá voi là hiện thân của chiếc áo cà sa đức Phật, có nhiệm vụ cứu giúp người và thuyền không may lâm vào cảnh gió to sóng dữ. Sau đó, trong những năm bôn tẩu, theo truyền thuyết, chính chúa Nguyễn Ánh trong cơn nguy khốn, bị quân Tây Sơn truy đuổi ráo riết, đã được cá voi nổi lên, đưa qua cửa biển mênh mông. Do vậy, sau ngày lên ngôi hoàng đế, vua Gia Long đã phong cho cá voi là: “Nam Hải cự tộc ngọc lân đại tướng quân”, truyền cho cư dân ven biển thờ phụng đời đời. từ đó, cá voi được tôn thờ với mỹ tự là đức ông Nam Hải hay cá ông. Mỗi khi “đức ông” lụy (chết) giạt vào bờ thì người phát hiện đầu tiên được xem là con trai trưởng của ngài,c ó trách nhiệm cùng dân làng trai đàn lo chuyện hậu sự và dựng lăng thờ cúng “đức ông”. Ở các làng ven biển Trà Vinh có khá nhiều “lăng ông”, chính là những nơi mà trong lịch sử từng được “đức ông” một lần chọn làm nơi gởi di cốt. Tiêu biểu trong số đó là “lăng ông” Long Hòa, với bộ di cốt “đức ông” có thể được xem là lớn nhất Nam Kỳ. Cá ông thờ một sở lăng, Hàm còn hiện tại cao bằng người ta. Ngoài ra, ở các làng ven biển Trà Vinh, người dân vẫn còn gìn giữ nhiều tín ngưỡng dân gian cổ xưa như tín ngưỡng thờ Thần Thành Hoàng ở các ngôi đình; tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua hình tượng bà Thiên Hậu, bà Chúa Xứ, bà Cố Hỷ… ở các ngôi miễu; tín ngưỡng thờ Neakta của đồng bào Khmer ở các ngôi Tha la. Nói đến tín ngưỡng là nói đến lễ hội dân gian đi kèm. Ở vùng ven biển Trà Vinh – nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Hoa – có khá nhiều tín ngưỡng cổ xưa nên cũng có khá nhiều lễ hội dân gian truyền thống diễn ra quanh năm. Tiêu biểu nhất là lễ hội Nghinh ông (cúng đức ông Nam Hải) hay còn được gọi là lễ hội Cúng biển tại làng đáy biển Mỹ Long. Thông thường, lễ hội Nghinh Ông diễn ra ngay tại ngôi lăng thờ cúng di cốt “đức ông” đúng ngày âm lịch mà năm xưa dân làng phát hiện được “đức ông” lụy và dạt vào. Tuy nhiên, tại làng đáy biển Mỹ Long lại không có vinh dự lần nào được “đức ông” gởi di cốt nên không có “lăng ông” và cũng không có ngày húy kỵ “đức ông”. Do vậy, lễ hội Nghinh ông Mỹ Long có địa điểm chính là ngôi miễu thờ bà Chúa Xứ và diễn ra vào những ngày 10, 11, 12 tháng 5 âm lịch hàng năm. Đây là ngày mà, theo tương truyền, chúa Nguyễn Ánh được “đức ông” nổi lên đưa qua sông Cổ Chiên để tránh sự truy bức của nghĩa quân tây Sơn. Có thể nói lễ Nghinh ông Mỹ Long, xét về mặt lễ thức, là một sự tổng hợp của các nghi thức của lễ hội Cúng tế thần Thành hoàng (đa phần ngư dân làng biển Mỹ Long có nguồn gốc từ nông dân), Cúng miễu tế mẫu (địa điểm chính là ngôi miễu bà Chúa Xứ) lẫn Cúng biển tế đức ông Nam Hải. Các lễ thức đặc trưng lễ hội Cúng đình còn lưu giữ tại lễ hội này là lễ tế Tiền Vãng, tế Thần Nông, Chánh tế… cùng các lễ thức Mộc dục, Dâng mâm lộc, mua bóng rỗi… đặc trưng của lễ hội Cúng miễu. Các lễ thức đặc trưng nhất là lễ hội Cúng biển trong lễ hội Nghinh ông Mỹ Long là lễ thức Nghinh ông, được tiến hành vào lúc con nước triều nhửng lớn của ngày 11/5 âm lịch, vị chủ tế cùng đoàn tùy tùng hóa trang thành các nhân vật Quan Công, Quan Bình, Châu Xương, có dàn trống chiêng cùng đoàn lân mở đường, lên chiếc ghe trúng mùa nhất của vụ biển năm trước, dẫn đầu đoàn ghe hàng trăm chiếc, hùng dũng tiến ra biển Đông. Khi găp “đức ông” vọi ba vòi nước lên trời, xem như “đức ông” chấp thuận, đoàn ghe dừng lại để vị chủ tế đọc bài chúc văn cung thỉnh “đức ông” về ngôi miễu bà Chúa Xứ chứng giám lòng thành của dân làng. Ngày nay, cá voi ngày một hiếm hoi, chẳng thể đợi đến lúc gặp “đức ông” vọi nước, vị chủ tế “xin keo”, đến khi một keo sấp, một keo ngữa thì xem như hoàn tất nghi thức và đám rước quay trở vào bờ. Sau khi cung thỉnh “đức ông” về, sáng sớm ngày 12/5 âm lịch, người ta lại hình thành đám rước Nghinh ngũ phương, đưa “đức ông” đi khắp làng biển để chứng giám lòng thành của người dân, đồng thời xua đi mọi điều xui rủi trong năm mới. Trưa ngày 12/5 âm lịch, khi con nước triều bắt đầu giựt ròng, vị chủ tế lại dẫn đầu đám rước, lên tàu cung tiễn “đức ông” ra khơi theo nghi thức Tống quái, bè Tống quái được kết bằng thân chuối trên đó đặt con heo trắng toàn sinh toàn sắc, hương hoa, trà rượu cùng bài vị “đức ông”. Khi đoàn tàu đến vị trí mà ngày hôm qua đã cung thỉnh, đám rước dừng lại để vị chủ tế đọc bài văn tế ca ngợi công đức, hành trạng của “đức ông”, đồng thời van vái “đức ông” tiếp tục phò trợ trong mùa biển mới. Sau đó, vị chủ tế cắt dây để chiếc bè Tống quái theo con nước ròng, băng băng ra khơi mang theo niềm tin của dân làng về một màu đi biển thuận lợi, bội thu, phong điều võ thuận. Trong những ngày diễn ra lễ hội, trai gái làng biển Mỹ Long cùng khách thập phương về trẩy hội sôi nổi tham gia nhiều trò chơi dân gian truyền thống đặc trưng vùng biển như đua thuyền buồm, đua cà kheo, đua “mông” (“mông” là tấm ván có kích thước khoảng 30 x 60 cm, dùng để lướt trên bãi bùn ven biển). 3. Ẩm thực dân gian truyền thống Cũng như mọi vùng miền ven biển khác trên cả nước, vùng ven biển Trà Vinh có nguồn thực phẩm thủy hải sản tươi sống rất đa dạng, phong phú như các loại tôm, cua, cá mực… với giá cả vừa phải, có thể đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan, du lịch. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi xin giới thiệu những món ăn dân gian mang tính đặc trưng, được chế biến và ăn theo đúng cách ăn của người dân địa phương tại vùng đất này. a. Đuôn chà là chiên tươi: Đuôn chà là ấu trùng của loại bọ cánh cứng mà người dân địa phương gọi là kiến vương, sống ký sinh trên “củ hủ” non cây chà là gai, một chủng loại thực vật hoang dã có khá nhiều trên dãi rừng ngập mặn ven biển Trà Vinh. Người dân địa phương thu hoạch đuôn chà là bằng cách chặt nguyên ngọn cây chà là có đuôn mang về. Đến khi ăn, người ta mới chẻ ngọn cành là để bắt con đuôn ra. Con đuôn trưởng thành to ngón tay cái người lớn, dài chừng 7 – 8 phân, được ngâm nước muối chừng vài giờ để chúng thải toàn bộ chất thải ra, còn lại toàn bộ là chất dinh dưỡng. Sau đó, người ta thả từng con đuôn vẫn đang còn sống vào chảo dầu đang sôi sùng sục. Con đuôn trên chảo dầu thu mình lại, rồi phồng lớp da ngoài lên vàng rộp. Đuôn chà là chiên tươi kèm với rau sống, muối tiêu chanh uống bia thì không gì có thể sanh bằng, cả hàm lượng dinh dưỡng lẫn sự ngon miệng. b. Cá kèo kho gợt – nước mắm rươi: Mùa lạnh, khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch, rươi xuất hiện từng bầy trên các vuông tôm ve biển. Người dân địa phương vớt rươi mang về cho vào từng khạp lớn cùng với một lượng muối hột theo tỷ lệ tương thích. Khạp rươi này được để ngoài mưa ngoài nắng suốt mấy tháng để lượng nắng trời kích hoạt quá trình lên men. Khoảng 6 tháng sau thì ăn được nhưng mắm rươi ngon nhất phải sau một năm. Mắm rươi ven biển Trà Vinh là loại mắm nguyên chất, không pha chế thêm nên hàm lượng đạm rất cao và hương vị nồng nồng, ngai ngài rất đặc trưng. Tương truyền, trong những năm bô tẩu về đây, chúa Nguyễn Ánh được người dân địa phương cung tiến món ăn dân dã này và được ngài khen ngôn. Sau đó, khi lên ngôi hoàng đế, hàng năm các quan lại địa phương phải đưa về Huế lượng nước mắm rươi để nhà vua dùng một năm. Từ đó, nước mắm rươi ven biển Trà Vinh được gọi là nước mắm ngự. Cá kèo là loại thủy sản nội đồng ven biển. Khoảng mùa gió chướng, cá kèo trưởng thành, động dục kéo từng bầy tìm đường ra biển sinh sản. Cá kèo mùa này to hơn ngón tay người lớn, thịt ngọt, thơm và béo. Cá kèo bắt được, người dân địa phương “rộng” lại một, hai ngày cho chúng nhả hết chất thải, sau đó rửa thật sạch, cho vào nồi nước trên bếp đang sôi sùng sục đã được nêm nếm vừa ăn. Cá kèo đang sống, gặp nước sôi giảy mạnh trước khi chết, làm bung hết lớp vảy và nhớt, theo bọt nổi lên mặt nước. Người ta dùng giá (muôi) “gợt” hết lớp bọt, nêm nếm lần nữa cho vừa ăn, cho thêm rau thơm, ớt thật cay vào và nhắc xuống. Cá kèo kho gợt khi ăn còn nóng và chấm vào nước mắm rươi nguyên chất mà dưa cay với rượu đế Xuân Thạnh thì một lần ăn trọn đời không quên được. c. Bún nước lèo: Bún nước lèo là món ăn truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc khmer Trà Vinh . Nước lèo được chế biến từ cá kèo, mắm prồhốc làm thành loại nước chan đặc trưng của vùng văn hóa ẩm thực Trà Vinh – Sóc Trăng. Bún được “bắt” vào từng tô, để một lớp rau ghém lên trên, sau khi đó chan nước lèo vào cho đến khi xâm xấp mặt bún. Bún nước lèo ăn khi còn nóng, có thể thêm huyết heo, bánh cống, thịt quay… và nhất thiết phải có thêm vài trái ớt hiểm cay nồng. Với sự đa dạng, phong phú bằng nhiều hình thức thể hiện như làng nghề truyền thống, tín ngưỡng và lễ hội dân gian, văn hóa ẩm thực dân gian…. Văn hóa, văn nghệ dân gian bản địa đang ngày từng ngày góp phần làm nên cốt cách, tâm hồn con người cũng như định hình bản sắc văn hóa dân gian độc đáo vùng ven biển Trà Vinh. Nếu khai thác tốt, dòng văn hóa dân gian này sẽ tạo điều kiện cho ngành kinh tế du lịch địa phương phát triển nhanh chóng hơn, góp phần xứng đáng hơn vào việc ổn định, nâng cao đời sống người dân cũng như diện mạo kinh tế – xã hội vùng đất ven biển anh hùng nhưng ít nhiều vẫn còn trong cảnh thiệt thòi hơn so với vùng khác trong tỉnh.
|
Cập nhật ( 02/09/2012 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com