VĂN HÓA ẤN ĐỘ VÀ PHẬT GIÁO
* Đàm Vân Sơn
I. BỐN NƯỚC CÓ NỀN VĂN HÓA SỚM NHẤT TRÊN THẾ GIỚI
Bốn quốc gia có nền văn hóa sớm nhất trên thế giới là: Ai Cập, Babylon, Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng nền văn hóa Ai Cập và Babylon hiện nay không còn và hai quốc gia này cũng bị mất chỗ đứng trên bản đồ thế giới. Ngày nay, mặc dù các nhà khảo cổ đã khai quật và phát hiện được rất nhiều sử liệu của các nền văn hóa ấy, nhưng thông tin đó chỉ là những sử liệu của các nhà khảo cổ học mà thôi. Sở dĩ Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia còn tồn tại cho đến ngày nay, là vì văn hóa của hai nước này có mối quan hệ mật thiết trong quá trình tồn tại và phát triển. Do đó, khi đề cập đến tình hình văn hóa và Phật giáo Ấn Độ thì trước hết chúng ta cần phải nói đến điều kiện tồn tại và điều kiện sụp đổ của nền văn hóa thế giới để thấy được vấn đề một cách khách quan và minh bạch. Đây là lý do mà hôm nay chúng tôi có dịp trình bày cho quí vị hiểu rõ về tư tưởng Phật giáo và văn hóa Ấn Độ.
II. KHỞI NGUYÊN VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HÓA ẤN ĐỘ
Nền văn hóa Ấn Độ xuất hiện từ lúc nào? Vấn đề này không được ghi lại cụ thể trong sử sách nhưng đại khái văn hóa Ấn Độ bắt đầu có mặt vào khoảng 3000 năm trước kỷ nguyên.
Lịch sử có nói, trước khi văn hóa Ấn Độ xuất hiện, có dân tộc bản địa gọi là Đạt-la-vi-đồ (Drāviḍa) tại vùng đất này cũng gần giống với Miêu tộc (1) của Trung Quốc. Họ có mặt trước đây bốn, năm ngàn năm. Sau đó, dân tộc Nhã-lý-an (2) từ cao nguyên Trung-ương di cư xuống lưu vực Ngũ hà (3) của Ấn Độ rồi dần dần lan ra sinh sống ở lưu vực sông Hằng tại chân núi phía Tây đỉnh Tuyết sơn. Ban đầu, họ quen với đời sống khổ nhọc, nhưng lại có chí hướng phấn đấu, họ di cư đến vùng trung tâm lưu vực sông Hằng, hưởng thụ sản vật thiên nhiên sẵn có nên đời sống của họ vô cùng sung túc. Từ đây, con người có sự tiến triển về tư duy, biết ca vịnh, xướng hát và xét về lĩnh vực văn hóa , họ có rất nhiều tiến bộ và thành công. Đời sống vật chất và tinh thần của họ lúc bấy giờ chẳng khác nào thời đại Xuân thu Chiến quốc (4) vô cùng thịnh đạt và xán lạn tại Trung Quốc.
III. KINH ĐIỂN PHỆ-ĐÀ
1. Tên gọi
Ban đầu, tuy cuộc sống của dân tộc Nhã-lý-an rất khổ cực, bản chất ngoan cường, nhưng khi di cư đến lưu vực sông Hằng tại Ấn Độ thì cuộc sống của họ thành đạt mỹ mãn, tinh thần cởi mở phóng khoáng nên lời ca tiếng hát từ trong cuộc sống phát sinh. Theo khảo sát của các học giả ngôn ngữ châu Âu thì những bài ca này là văn hiến cổ nhất trong hệ ngôn ngữ Ấn-Âu, là Thánh điển xưa nhất của Ấn Độ, và cũng là Thánh điển căn bản của Bà-la-môn giáo tại Ấn Độ.
Nếu dựa theo khảo sát của kinh điển thì chúng ta thấy ngôn ngữ xưa viết là Vi-đà, Tỳ-đà, Bì-đà.v.v. cách gọi mới là Phệ-đà, Bệ-đà, Bính-đà… dịch nghĩa là Minh trí, Minh phần.v.v.
Bộ Phệ-đà được chia làm 4 phần như sau:
a. Lê-cách: Lê-cụ (Ṛg-veda).
b. A-tha-phát: A-thát-bà (Atharva-veda).
c. Sa-ma: Ta-mã (Sāma-veda).
d. Nhã-câu: Da-nhu (Yajur-veda).
2. Nội dung
Nếu đi vào nghiên cứu nội dung kinh điển Phệ-đà, chúng ta có thể nói rằng đây là bộ kinh vô cùng phong phú và toàn mỹ, vì mỗi bộ phận trong khối kinh điển Phệ-đà đồ sộ ấy có mấy chục vạn ngôn từ. Trong đó, chúng thuyết minh những vấn đề như sau:
a. “Sa-mãnh-hy-tha” hoặc “Man-hằng-la”: Gồm có Tụng (khen gợi công đức), Chú (chúc nguyện), Đảo (cầu đảo), Cáo (giải bày)…
b. “Bố-lạp-ma-na”: Bao gồm Tế nghi (nghi thức cúng tế), Quy nghi (qui tắc nghi thức), Giải thích…
c. “A-lan-nhã-khách” và “Ổ-ba-ni-sa-đàm”: Nghĩa là chú thích, nghị luận, là chỗ uyên áo của triết học.
Thứ nhất, Man-hằng-la: Sử dụng thể tài thơ ca, văn tự cực kỳ mỹ lệ.
Thứ hai, Bố-lạp-ma-na: Là văn từ cầu đảo, hoặc cúng tế Thần linh.
Thứ ba, Ổ-ba-ni-sa-đàm: Là thứ văn chương nghị luận.
Tóm lại, kinh điển Phệ-đà là tác phẩm của ai, sáng tác vào lúc nào, xuất hiện ở địa điểm nào thì hiện nay chưa ai khảo chứng được. Có người cho rằng, tác phẩm này là sản phẩm do Thần tạo ra. Triết học gia người Đức là Thúc-bản-hoa sau khi xem qua kinh điển Phệ-đà, ông đã kinh ngạc mà thốt lên rằng: “Ta có được kho báu trí tuệ này, khi ta sống cũng không lấy gì làm buồn, dù có chết cũng không lấy làm tiếc”. Trước khi Phật giáo xuất hiện tại đất Ấn, bộ kinh điển Phệ-đà vĩ đại ấy đã có mặt. Văn hóa Ấn Độ nhờ ánh sáng của kinh Phệ-đà mà chiếu soi khắp thế giới, lan rộng khắp nhân gian, tạo nên nét văn hóa hướng thượng cho tinh thần nhân loại. Chúng ta nên lấy làm hoan hỷ và hân hạnh khi loài người đã sở hữu kho tàng trí tuệ này! (5)
IV. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CÁC TRƯỜNG PHÁI TRIẾT HỌC
1. Phái chính thống
Nền triết học Ấn Độ có 6 trường phái lớn:
a. Ni-nhã-da: Phái Ni-nhã-da có nghĩa là “Chính lý”, phái này là Tổ tiên sinh ra nền luận lý Nhân minh.
b. Phệ-thế-sử-ca: Phái Phệ-thế-sử-ca có ý nghĩa rất đặc thù, cổ dịch là “Thắng”, luận bàn rất tường tận về sự cấu thành của vũ trụ, tính sai biệt của vạn hữu.
c. Sa-mãnh-khắc-nhã: Phái Tăng-khư, có nghĩa là “Số”, tức là qui định rõ ràng “Số lý”, tinh tế vi diệu. Phái này là tổ tiên của trường phái triết học Số luận.
d. Ước-già: Phái Du-già có nghĩa là “Ước pháp”, cổ dịch là “Tương ứng”, trình bày tường tận phương pháp tu dưỡng thân tâm, khắc chế tà niệm về hành vi dâm dục.
e. Di-man-tha: Phái Di-man-tha, có nghĩa là “Huấn hỗ”, khảo sát rõ ràng về những sự vật trong kinh điển Phệ-đà và thêm thắt những lý giải về sự vật ấy.
f. Phệ-đơn-đa: Phái Phệ-đàn-đa, có nghĩa là “Sự hoàn chỉnh của kinh Phệ-đà”, vạch rõ chân nghĩa và triết lý. Vì vậy, Triết học Ấn Độ đến đây đã trở thành một “Tập đại thành” đồ sộ. Đây là một bộ phận quan trọng trong tư tưởng văn hóa Ấn Độ.
Tuy nhiên, ngoài sáu hệ phái trên còn có các học thuyết tư tưởng khác cũng được sinh ra từ các tác phẩm thuộc sáu hệ phái này. Vì vậy, sáu trường phái triết học này là đại biểu cho nền văn hóa chính thống của Ấn Độ trong thời kỳ tối sơ.
2. Phái phản chính thống
Ngoài những phái chính thống kể trên, xã hội Ấn Độ đương thời còn có mặt hệ phái tương phản với phái chính thống, gọi là “Lộ-ca-nhã-tha” (6), tức phái Thuận thế. Phái phản chính thống chủ trương “Duy vật”, sống phóng túng, buông thả nên họ là những người theo Chủ nghĩa hưởng lạc. Vì tư tưởng triết học của sáu phái trên đều thuyết minh về phương pháp tu dưỡng thân tâm nên khi phái phản chính thống xuất hiện thì tư tưởng văn hóa Ấn Độ đã đi đến hiện tượng chao đảo, rạn nứt và rơi rụng, cũng giống như chủ trương khoa học hóa của người hiện đại. Tất cả những ý đồ ấy chẳng qua chỉ nhằm mục đích thành lập nên nền văn hóa mới tại Ấn Độ. Nhưng không lâu, tư tưởng này bị mọi người phản đối nên nhanh chóng suy tàn và dần dần không còn dấu vết.
V. KHOA HỌC NGŨ MINH
Tất cả những học thuyết trên thế gian, không luận là Đông Tây, kim cổ, dù có tư tưởng phong phú, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, lý luận mang tính chính xác đến mức nào đi nữa cũng không thể vượt qua được môn khoa học Ngũ minh của Ấn Độ. “Bậc Bồ-tát khi cầu học giáo pháp còn hướng vào Ngũ minh để cầu học” huống chi địa vị phàm phu như chúng ta hiện nay, sao có thể làm ngơ trước môn khoa học này?
Ngũ minh là gì? Đó là:
1. Thanh minh: Hiểu biết về ngôn ngữ, văn tự…
2. Công xảo minh: Hiểu biết về công nghệ, kỹ thuật, toán số…
3. Y dược minh: Hiểu biết phương pháp chữa bệnh, bào chế thuốc…
4. Nhân minh: Hiểu biết các phương pháp luận lý để khảo định chính tà, xác định chân ngụy. Nhân minh còn gọi là môn Luận lý học.
5. Nội minh: Phải có kiến thức để thông hiểu tôn chỉ về nội điển (7).
Xét về bốn minh đầu trong học thuyết Ngũ minh thì tôn giáo của mình đang theo và các tôn giáo khác có điểm giống nhau, tức là tất cả các học thuyết của thế gian đều có môn học về ngôn ngữ, văn tự thuộc Thanh minh. Cũng có các học thuyết thuộc Công xảo minh, các môn học của Y dược minh và các môn học lý luận thuộc Nhân minh. Chỉ có học thuyết thứ năm là Nội minh thì tông chỉ của mỗi chủ trương, mỗi học thuyết, mỗi tôn giáo không giống nhau. Do đó, học thuyết Nội minh giữa Phật giáo với các tôn giáo khác hoàn toàn khác biệt, như Bà-la-môn giáo lấy bốn bộ luận Phệ-đà làm Nội minh, Phật giáo lấy Mười hai bộ giáo (8) trong Tam tạng Thánh điển làm Nội minh.
“Minh” trong Ngũ minh có nghĩa là trình bày rõ, khai mở những chỗ cá biệt để phát huy nghĩa lý các bộ môn làm cơ sở để chứng minh, nên gọi là “Minh”. Nói cách khác, “Minh” tức là tên gọi khác của “Trí”, dĩ nhiên người ta nhờ nương vào từng môn học mà đạt được cái Trí nhất định, nên gọi là Minh. Khái niệm này được nói rất chi tiết trong Tây Vực ký và Bồ-tát địa trì kinh, nên chúng tôi không nói thêm nhiều ở đây.
VI. PHẬT GIÁO HƯNG KHỞI
1. Thừa nhận – phát huy rạng rỡ thêm
Ba ngàn năm trước, Ấn Độ đã phát minh một học thuyết của khoa học về Ngũ minh. Sự kiện đầu tiên trong lịch sử là kinh điển Phệ-đà xuất hiện mang nội dung phong phú, phương pháp lập luận khéo léo nên chúng ta biết được tư tưởng con người lúc bấy giờ đã tiến bộ rõ rệt. Từ điều kiện thuận lợi này mà Phật giáo xuất hiện.
Cùng lúc, tại Ấn Độ cũng xuất hiện tư tưởng Kỳ-na giáo, xây đắp thêm nền móng vững chắc cho lý luận về Ngũ minh. Phật giáo tiếp nhận học thuyết lý luận của họ và làm cho lý luận này ngày càng thêm rực rỡ. Đây cũng là một sự thật hiển nhiên mà ai quan tâm đến văn hóa Ấn Độ cũng đều thấy rõ!
2. Phản kháng – canh tân trừ tệ hại
Trước khi Phật giáo có mặt 3000 năm, văn minh xã hội Ấn Độ là thời đại văn minh tôn giáo, lấy Bà-la-môn giáo, giai cấp cao nhất trong bốn giai cấp, làm trung tâm. Xã hội đất nước Ấn Độ lúc bấy giờ phân chia thành bốn giai cấp với các thành phần sang hèn, giàu nghèo khác nhau. Do có sự bất bình đẳng trong xã hội giai cấp nên nhân dân không thể đoàn kết một lòng để bảo vệ đất nước, đem lại cuộc sống an bình cho dân tộc. Vả lại, bốn giai cấp này luôn luôn đấu tranh tàn sát lẫn nhau. Tình hình đất nước Ấn Độ lúc ấy chẳng khác nào cảnh tượng “Cá lớn nuốt cá bé”, “Mạnh được yếu thua” và sự khác biệt về bốn giai cấp này đã nhen nhóm trong lòng người dân sự bất hòa, ghen ghét và khinh thị lẫn nhau.
Giữa lúc đó, đức Phật Thích-ca Mâu-ni xuất hiện. Ngài đã vận động mọi người hãy xoá bỏ giai cấp xã hội, thiết lập nền đạo lý Phật giáo mang tư tưởng vĩ đại bởi cách nhìn nhận cuộc đời là “Vô nhân, vô ngã”, và chủ trương tất cả mọi người đều bình đẳng. Mục đích của Ngài là mong muốn nhân loại phá trừ sự bất bình đẳng trong lãnh thổ Ấn Độ nói riêng và trong xã hội nhân loại nói chung, nhằm xây dựng lại một đất nước mới, một xã hội mới, một cuộc sống mới mang tính bình đẳng và hòa bình. Mọi người hãy dũng mãnh tiến xa hơn nữa để đạt tới cảnh giới “Vô nhân, vô ngã”. Đó mới là thế giới đích thực của Phật giáo!
VII. SỰ NGHIỆP HÀNH HÓA CỦA ĐỨC PHẬT THÍCH-CA
1. Thân thế
Miền Bắc hai châu Áo-đạt và Bắc-tỳ-hách của Ấn Độ gần vành đai nước Ni-bạc-nhĩ (Nepal) có rất nhiều chủng tộc khác nhau sinh sống. Mỗi một chủng tộc đều thiết lập nên một vương quốc cho dân tộc mình. Trong đó, có một vương quốc tại bờ biển phía Bắc sông Lạp-bột-để thuộc phương Bắc thành phố Kiều-lạp-khắc-pha gọi là nước Ca-tỳ-la, tức vương quốc do chủng tộc Thích-ca thiết lập nên. Vào thời đại ba ngàn năm trước, quốc vương của nước này tên là vua Tịnh Phạn (Śuddhodana). Ông là thân phụ của đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Phu nhân của vua Tịnh Phạn, hoàng hậu Ma-da (Maya), là thân mẫu của đức Phật Thích-ca Mâu-ni.
Ngày mồng 8 tháng 4 cách đây 2950 năm (?), giữa hai thành phố Ca-tỳ-la và thành Thiên-tý có một vườn cảnh tên là Lâm-tỳ-ni vô cùng mỹ lệ. Phật Thích-ca giáng sinh xuống nhân gian tại vườn cảnh này với câu nói bất hủ “Trên trời và dưới trời, chỉ có Ta hơn hết”. Sự kiện đản sinh của Ngài đã mang lại bao niềm hoan hỉ cho chư thiên và loài người.
Một điều chắc chắn rằng, cậu bé con vua Tịnh Phạn, tức đức Phật Thích-ca về sau, lúc bấy giờ đã nắm chắc cương vị Thái tử, nhưng tương lai thế nào? Trong tương lai, cậu bé này sẽ nắm giữ địa vị quốc vương, hoặc là ngôi vị Chuyển luân Thánh vương (9). Nếu xuất gia tu hành, Thái tử sẽ thành đạo với quả vị Phật-đà.
Sau khi Thái tử đản sinh được bảy ngày, thân mẫu của Người là phu nhân Ma-da qua đời. Do đó, Thái tử được vua Tịnh Phạn giao cho di mẫu là Ba-xà-ba-đề (10) vỗ về nuôi nấng. Được nuôi dưỡng trong hoàng cung chu đáo, hưởng thụ vật chất đầy đủ nên thân thể Thái tử Thích-ca khỏe mạnh, đời sống an vui và tài năng vượt trội hơn tất cả những cậu bé đương thời. Đến tuổi thành niên, để ràng buộc Thái tử với lầu cao điện ngọc nên vua Tịnh Phạn ép Thái tử thành thân với con gái của trưởng giả Thiện Giác tại thành Câu-lợi là công chúa Da-du. Việc làm này của vua nhằm an ủi và kích động tinh thần Thái tử hãy vui với nhục dục trần gian. Thế nhưng, ý đồ của vua cha có làm cho Thái tử an phận với cuộc sống xa hoa nơi cung vàng điện ngọc hay không?
2. Xuất gia
Mặc dù sống trong vương cung với bao niềm khoái lạc và vui sướng bởi cảnh đời sung mãn của một vị Thái tử, dù bất cứ thứ vật chất nào cần dùng thì mọi người đều đáp ứng đầy đủ để Người hưởng thụ, nhưng những thứ vật chất giả tạm ấy không làm sao mãn nguyện đối với một bậc xuất trần thượng sĩ. Một ngày nọ, nhiều thị thần và đoàn tùy tùng đưa Thái tử ra ngoài bốn cửa thành du ngoạn. Nhìn thấy vô số thống khổ của cảnh sinh, già, bệnh, chết, Thái tử lại chứng kiến cảnh đau khổ của các loài chim bay, thú chạy, những côn trùng trên cạn, dưới nước ăn thịt tàn sát lẫn nhau. Lúc đó, Thái tử Thích-ca cảm thấy tất cả chúng sinh đều quay cuồng trong bức màn bi kịch của cảnh tượng sinh, lão, bịnh, tử, khổ không, vô thường, vô ngã. Tất cả chỉ là vở tuồng đau khổ mà thôi!
Cảnh khổ được chứng kiến vừa rồi đã khơi dậy trong lòng Thái tử Thích-ca những suy tư không dứt. Người ý thức được rằng, dù cho bất kỳ người nào cũng không thể sống mãi tại thế gian để hưởng thụ khoái lạc được! Lúc này, Thái tử quyết định xuất gia học đạo để Giải thoát cảnh lao ngục sinh tử, vô thường, khổ, không, vô ngã trong ba cõi, đạt đến cảnh giới Niết-bàn bất sinh bất diệt, thanh tịnh và vô vi mà chư Phật thường an trụ.
3. Thuyết pháp
Sau khi thái tử Thích-ca xuất gia, Người vào rừng tu khổ hạnh sáu năm. Cuối cùng, vào ngày mồng 8 tháng 12 khi sao Mai vừa ló dạng, Thái tử đã giác ngộ thành Phật. Lúc này, Ngài vừa tròn 35 tuổi.
Vì sao Thái tử có ý hướng xuất gia? Vì sao muốn thành Phật? Vì muốn cứu đời, cứu người, cứu tất cả chúng sinh thoát khỏi ngôi nhà lửa Tam giới mà Ngài quyết chí xuất gia, tu hành thành Phật. Đầu tiên, Ngài chuyển vận bánh xe chính pháp, giảng thuyết giáo lý Tứ đế, tức bốn chân lý: Khổ, Tập, Diệt và Đạo, độ năm anh em Kiều Trần Như (11).
Thời gian sau, đức Phật vì hàng Thánh nhân Nhị thừa (12) là Thanh-văn và Độc-giác mà thuyết về Mười hai nhân duyên; vì Bồ-tát Đại thừa mà thuyết Lục độ Ba-la-mật, Đại thừa, Tiểu thừa, Tính, Tướng, Hiển, Mật…
Tóm lại, khi còn tại thế, đức Phật đã thuyết pháp ban bố cho nhân thiên suốt cả cuộc đời không mệt mỏi.
Bốn mươi chín năm truyền giáo pháp
Hơn ba trăm hội giảng lời kinh
Tam tạng Thánh giáo Kinh, luật, luận do chính đức Phật tuyên thuyết, giảng giải vô số pháp môn, độ vô lượng chúng sinh nên công đức của Ngài không sao nghĩ bàn hết được!
VIII. NGƯỜI ĐỜI HIỂU LẦM VỀ PHẬT GIÁO VÀ VĂN HÓA ẤN ĐỘ
1. Sự hiểu lầm đối với Phật giáo
a. Phật giáo là đạo Vô vi, Xuất thế
Có người nói, Tư tưởng của Phật giáo xét đến cùng chỉ là một tôn giáo Xuất thế, Vô vi, không tham dự bất cứ sự việc gì để làm nhân loại tiến bộ. Sự phê bình này quá ư nhầm lẫn!
Thật ra, Phật giáo mang tính nhập thế hoàn toàn, như Lục tổ Huệ Năng đã dạy “Phật pháp tại thế gian mà không rời cái thấy biết của thế gian”. Tinh thần và chủ trương cứu đời, cứu người, cứu độ chúng sinh trong suốt 49 năm thuyết pháp của đức Phật, không ai có thể sánh kịp. Sau này, các vị đại Bồ-tát vì Pháp quên thân cũng làm những việc khó làm, nhẫn những điều khó nhẫn. Không nói đâu xa, tư tưởng, học thuyết, đạo đức và sự tu hành khổ hạnh của các vị pháp sư thời nay như chúng ta thấy, đố ai theo kịp các Ngài.
Nhớ lại thời gian trước đây, có một đệ tử theo vị pháp sư nọ xuất gia tu học. Một hôm, sư phụ bảo đệ tử: “Con cần phải buông xả tất cả!”. Người đệ tử nghe theo lời thầy dạy, trở về nhà đem tất cả gia sản của mình bố thí hết cho người khác. Sau khi bố thí xong, anh ta quay lại chùa và thưa với thầy rằng: “Con đã buông xả tất cả!” Thế nhưng, anh ta vẫn thấy chưa đắc đạo. Anh ta lại còn bố thí luôn tất cả các vật dụng như y phục, đồ ăn thức uống của cá nhân, nhưng anh ta vẫn là một kẻ phàm phu chưa đắc đạo. Song, sư phụ vẫn bảo với anh ta: “Hãy buông xả!” Anh ta vô cùng bối rối, chạy vù lên mỏm đá cao định gieo mình xuống vực thẳm để kết liễu đời mình. Sư phụ bèn gọi anh ta: “Dừng lại!”, rồi dạy rằng: “Thầy bảo con buông xả cái Tâm của con kia! Đừng nên dính mắc vào những việc của thế tục!”. Đó mới chính là ý nghĩa buông xả mà sư phụ đã bảo người đệ tử. Tư tưởng Xuất thế của Phật giáo chính là ở chỗ này vậy.
Cho nên, tư tưởng Xuất thế mà Phật giáo nói đến, là phải trừ khử những phiền não thế gian đang vướng mắc trong mỗi chúng ta. Tất cả chúng ta sống trong cuộc đời nhưng không bị vướng bận bởi phiền não của thế gian, tức là chúng ta có xã hội, có quốc gia, có gia đình, có vợ chồng con cái, nhưng không bị vướng lụy bởi những phiền não của xã hội, quốc gia, gia đình, vợ chồng con cái. Đây mới chính là tư tưởng Xuất thế của Phật giáo, mà mọi người không nên nhầm lẫn.
b. Ấn Độ vì theo Phật giáo mà bị mất nước
Có một số người cho rằng, vì Ấn Độ tôn thờ Phật giáo mà để đất nước đi đến bại vong. Thật là một nhận định sai lầm quá mức!
Chúng ta nên biết, chủng tộc Thích-ca tại Ấn Độ lúc bấy giờ rất đảm đang và tài giỏi, cho nên tên gọi “Thích-ca” có nghĩa là “Năng– có khả năng tháo vác và tài nghệ” vậy. Vì chủng tộc Thích-ca rất tài giỏi và năng nỗ nên tổ tiên đức Phật Thích-ca đã có khả năng xây dựng nên một quốc gia mới. Phụ vương của Ngài là người rất anh dũng nên quốc vương các nước lúc bấy giờ đều sùng bái. Đến thời đại cực thịnh của Phật giáo, thời đại vua A-dục (13), thì đất nước được cường thịnh và toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ được thống nhất. Đây là sự thật mà lịch sử không thể phủ nhận.
Chẳng hạn, đa số nhân dân Nhật Bản hiện nay đều tín ngưỡng Phật giáo, nhưng do nguyên nhân nào mà đất nước của họ vẫn được cường thịnh? Nhân dân Xiêm-la hầu hết đều tín ngưỡng Phật giáo, nhưng nền chính giáo của Xiêm-la rất có nề nếp, và lòng người thì hiền hòa, mến khách. Nếp sống này từ đâu mang lại? Có thể nói Phật giáo đời Đường tại Trung Quốc là một thời đại rạng rỡ nhất, nhưng đất nước Trung Quốc lúc bấy giờ lại được cường thịnh, Đông Tây đều nghe danh. Nguyên nhân nào đã xây dựng nên điều ấy?
Tất cả những quốc gia trên đều tín ngưỡng Phật giáo, mà sao đất nước họ không mất, mà trái lại nhân dân được an lạc và hạnh phúc! Phải chăng, tất cả con người nơi ấy đều thấm nhuần lý tưởng mầu nhiệm của Phật giáo!
2. Sự hiểu lầm đối với văn hóa Ấn Độ
a. Ấn Độ là văn minh tinh thần thuần túy
Có người cho rằng, văn hóa Ấn Độ là văn hóa tinh thần thuần túy, tức là nói đến Ấn Độ là nước thuộc nền văn minh tinh thần. Thế nhưng, tinh thần và vật chất là hai phạm trù không thể tách biệt. Hơn nữa, Ấn Độ đã sở hữu học thuyết Ngũ minh (14) là sự tổng hòa các yếu tố văn hóa hiện nay. Trong ấy, có Tâm lý học thuộc về lĩnh vực tinh thần và Khoa học, kỹ thuật trong Công xảo minh thuộc về lĩnh vực vật chất… Thật ra, văn hóa Ấn Độ bao gồm hai mặt cả tinh thần lẫn vật chất, nhưng văn hóa , học thuyết, tư tưởng của Ấn Độ đặc biệt chú trọng đến phương diện tinh thần nhiều hơn là nhằm để con người tu dưỡng và sống an lạc thật sự. Bởi lẽ, vật chất có hữu hạn này không thể thỏa mãn được nhu cầu tâm linh vô hạn.
b. Phật giáo là tôn giáo tụt hậu
Có người cho rằng, Phật giáo là một tôn giáo đại biểu cho nền văn hóa Ấn Độ. Chúng tôi tán thành ý kiến này! Nhưng, tư tưởng văn hóa Phật giáo quay về quá khứ, lùi lại dĩ vãng và tụt hậu thì điều này không đúng. Một nhà triết học tầm cỡ của nước Anh đã nói: “Cuộc sống con người, một phần tuân thủ theo chế ước, một phần là từ sự sáng tạo” (15). Nếu bạn cho rằng, văn hóa Phật giáo thuộc lĩnh vực tinh thần thuần túy, không chủ trương theo khoa học hóa; tức nhìn nhận văn hóa Ấn Độ mang tính tụt hậu, thì lời nhận định của bạn có chỗ sai lầm! Đã nói là tinh thần tức là dùng tâm linh để sai sử vật chất, chứ không giống như văn minh châu Âu hiện nay lại lấy vật chất để sai sử tâm linh. Chúng ta nên làm chủ tâm mình để sử dụng vật chất, chứ tuyệt đối không nên để vật chất xoay chuyển tâm linh.
IX. TINH THẦN CĂN BẢN CỦA PHẬT GIÁO VÀ VĂN HÓA ẤN ĐỘ
Tinh thần căn bản của Phật giáo và văn hóa Ấn Độ là gì? Đó chính là tư tưởng “Hòa, ái!”. Hòa tức là hòa bình, chủ trương con người đều yêu thương, không gây chiến tranh, chia cắt; Ái tức là nhân ái, chủ trương con người phải có lòng từ bi, không nên gây phương hại lẫn nhau.
Thánh Gandhi (16) đã nói: “A-hỷ-mẫu-sa”(dịch âm), có nghĩa là bất hại. Bất hại, tức là tinh thần hòa ái. Tư tưởng chính của đức Phật là muốn giữa người với người, người với vật phải có tình thương, có nghĩa là tất cả chúng sinh cần phải có thái độ thân thiện và hòa ái. Thân thiện và hòa ái là chân lý muôn đời, có thể đại biểu cho toàn bộ giáo lý Phật giáo và văn hóa Ấn Độ. Vì vậy, văn hóa Ấn Độ là nền văn hóa toàn vẹn và hoàn mỹ!
Chú thích :
(1) Miêu tộc 苗族: Là một chủng tộc sống ở vùng Tứ Xuyên, Vân Nam, Tây Tạng, Quý Châu, Hồ Nam, Quảng Tây và Quỳnh Châu. Ngày xưa gọi là Tam Miêu, Hữu Miêu, ngôn ngữ thuộc họ Hán tạng, chi Mèo dao; gần gũi với người H’mông ở Việt Nam.
(2) Nhã-lý-an 雅里安: Tiếng Phạn là Āryan, xuất phát từ chữ Ārya, có nghĩa là Thánh nhân, người cao quý.
(3) Ngũ hà 五河: Vùng Pañjāb, trong các chi nhánh của sông Ấn Độ, có năm nhánh sông lớn chảy qua địa phương này. Thời xưa, người Ārya đi xuống phía Nam, xâm nhập vùng này rồi định cư tại đây mà sản sinh văn hoá Vệ-đà độc đáo. Trong lịch sử văn hoá Ấn Độ, Pañjāb là địa khu rất trọng yếu, nay ở vào khoảng Bắc bộ tỉnh Bàng-giá-phổ.
(4) Xuân thu Chiến quốc 春秋戰國: Xuân thu tồn tại 294 năm (từ năm 770tr. Tây lịch đến năm 476tr. Tây lịch); Chiến quốc tồn tại khoảng 255 năm (từ năm 475 tr. Tây lịch đến năm 221 tr. Tây lịch).
(5) Ký giả Đăng Hà chú: Muốn biết rõ bốn bộ Phệ-đà này thì xin xem quyển Ấn Độ lục phái Triết học do Vũ Xương Phật học viện xuất bản.
(6) Lộ-ca-nhã-tha: S. Lokāyata hoặc Lokāyatika, một chi phái thuộc Bà-la-môn giáo Ấn Độ cổ đại, chủ trương thuận theo thế tục, đề xướng chủ nghĩa khoái lạc theo Duy vật luận. Phái này theo lập trường Duy vật luận, cho rằng 4 nguyên tố đất, nước, lửa, gió hợp lại tạo thành thân tâm con người. Sau khi con người chết, 4 nguyên tố này cũng lìa tan, năng lực của các cảm quan trở về hư không, linh hồn cũng chẳng tồn tại.
(7) Nội điển 內典: Tức là phải hiểu được tôn chỉ của học thuyết, chủ trương, tôn giáo mà mình đang theo.
(8) Mười hai bộ giáo 十二部教: Còn gọi là Mười hai bộ kinh Đại thừa. Đó là 1. Tu-đa-la (sūtra), 2. Kỳ-dạ (Geda), 3. Hoà-ca-la-da (vyākaraṇa), 4.Già-đà (gāthā), 5. Ưu-đà-na (udāna), 6. Ni-đà-na (nidāna), 7. A-ba-đà-na (avadāna), 8. Y-đế-mục-đa-già (itivṛttaka), 9. Xà-đà-già (jātaka), 10. Tỳ-phật-lược (vaipulya), 11.A-phù-đà-đạt-ma (Adbhutahdarma), 12. Ưu-ba-đề-xá (upadeśa).
(9) Chuyển luân Thánh vương 轉輪聖王: S. cakra-varti-rājan, P. raja cakkavattin. Dịch ý là Chuyển luân vương, Chuyển luân Thánh đế, Luân vương, Phi hành chuyển luân đế, Phi hành Hoàng đế, tức là vị vua có đầy đủ bốn đức: 1.Trường thọ, 2.Không bệnh tật, 3.Dung mạo xuất sắc, 4.Kho báu dư dật. Vị vua này thống nhất bốn châu của Tu-di, dùng chánh pháp để trị đời, đất nước giàu có, nhân dân an lạc.
(10) Ba-xà-ba-đề 波闍波提: Còn gọi là Ma-ha-ba-xà-ba-đề 摩呵波闍波提 (S. Mahāprajāpatī, P. Mahāpajāpatī), con gái của vua Thiện Giác, thành Thiên Tý thuộc Ấn Độ thời xưa. Bà là em của phu nhân Maya, di mẫu của Thái tử Tất-đạt-đa. Sau khi đức Phật thành đạo 5 năm, Ma-ha Ba-xà-ba-đề dẫn Da-du-đà-la và 500 người con gái thuộc dòng tộc Thích-ca đến thỉnh cầu đức Thích Tôn cho xuất gia, trở thành giáo đoàn Tỳ-kheo ni đầu tiên trong Giáo hội.
(11) Kiều Trần Như 憍陳如: S. Kauṇḍinya, P. Koṇḍañña. Là một trong năm vị Tỳ-kheo được đức Phật độ trong lần thuyết pháp đầu tiên sau khi thành đạo, còn gọi là A-nhã Kiều Trần Như 阿若憍陳如.
(12) Thánh nhân Nhị thừa 聖人二乘: Tức Thanh văn thừa 聲聞乘 và Duyên giác thừa 緣覺乘 (tức Độc giác 獨覺). Thanh văn thừa: Trực tiếp nghe đức Phật thuyết pháp, nương vào lý Tứ đế mà giác ngộ; Duyên giác thừa: Không trực tiếp ghe đức Phật thuyết pháp, chỉ tự mình quán xét lý 12 Nhân duyên mà được giác ngộ.
(13) Vua A-dục 阿育王: S. Aśoka, P. Asoka. Dịch ý là Vô Ưu vương (vua Không lo), còn có tên là Thiên Ái Hỷ Kiến vương (S. Devānaṃpriya priyadraśi– Trời thương yêu thấy thì mừng). Vua ra đời khoảng thế kỷ thứ III tr.Tây Lịch, thống nhất Ấn Độ, là nhà bảo hộ Phật giáo mạnh mẽ nhất.
(14) Ngũ minh 五明: S. pañca vidyā-sthānāni. Năm môn học thuật của Ấn Độ thời cổ đại. Đó là: 1. Thanh minh (S. śabda-vidyā); 2. Công xảo minh (S. śilpakarma-vidyā); 3. Y phương minh (S. cikitsā-vidyā); 4. Nhân minh (S. hetu-vidyā); 5. Nội minh (S. adhyātma-vidyā).
(15) Nguyên văn: “人生,一部份是制約,一部份是創造”.
(16) Mohandas Karamchand Gandhi: (1869-1948) Vị lãnh tụ phong trào dân tộc đấu tranh bất bạo động của Ấn Độ .
|
Cập nhật ( 16/06/2010 ) |