VAI TRÒ CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ HÀ TRONG PHẬT GIÁO BẠC LIÊU * ĐĐ. Thích Giác Nghi Hoà thượng pháp huý Lệ Hồng, đạo hiệu Huệ Hà, thế danh Nguyễn Giang Hà thuộc dòng Lâm tế đời thứ 42 là đệ tử của Hoà thượng Thích Chí Hiếu trụ trì chùa Long Phước, phường 5, thị xã Bạc Liêu. Ngài sinh năm Bính Tý 1936 tại xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Thân phụ là ông Nguyễn Văn Mộ, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Ngọc tức Ni Sư Thích Nữ Như Chiếu, song thân nguyên quán huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Hoà thượng là con trai thứ trong gia đình có hai anh em, anh trai của ngài là ông Nguyễn Văn Mão cũng là tu sĩ xuất gia tại chùa Long Phước, nhưng nghe theo tiếng gọi của non sông, ông đã tham gia cách mạng, sau khi mất được ghi công là Liệt sĩ.
Hoà thượng Thích Huệ Hà sinh ra trong một gia đình nông dân, có truyền thống là đạo Phật. Năm lên 7 tuổi không may thân phụ mất sớm trong một cơn bạo bệnh và cùng trong thời điểm đó nước nhà gặp nạn ngoại xâm toàn dân phải tham gia cứu quốc. Trước cảnh chinh chiến lửa binh thân mẫu của Ngài phải đưa hai anh em vào chùa Long Phước náu nương, sau đó anh của Ngài là ông Nguyễn Văn Mão lên đường cứu quốc còn Ngài vì tuổi nhỏ nên ở lại chùa và được Hoà thượng trụ trì nuôi cho ăn học. Năm 1943 Ngài được xuất gia, lúc ấy vừa tròn 8 tuổi, cuộc đời đạo nghiệp của vị chân tu bắt đầu từ đây. Năm 1951 Ngài được nhập khoá Hạ đầu tiên tại chùa Lăng Ca tỉnh Sóc Trăng có mở đàn truyền giới Ngài được thọ Sa di. Đến năm 1953 Ngài được bổn sư giới thiệu cho học Phật học Viện Phước Hoà tỉnh Trà Vinh. Sau 4 năm học hết chương trình Trung cấp Phật học năm 1957 Ngài được nhà trường chuyển lên học chương trình Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm Sài Gòn. Năm 1961 chùa Ấn Quang mở Đại Giới Đàn Ngài được ở trong hàng giới tử đắc cụ túc giới. Cũng tại giới đàn này tên tuổi Thích Huệ Hà được xướng danh Thủ khoa khoá Luật và được Hoà thượng Thích Thiện Hoà thương mến cho ở lại chùa Ấn Quang để tiếp tục tu học. Năm 1963 Ngài tham gia chống chế độ Ngô Đình Diệm bị bắt và bị giam cầm tại nhà tù Rạch cát. Kết thúc cuộc đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm, Ngài trở lại tiếp tục học chương trình Cao đẳng Phật học tại Học viện Huệ Nghiêm. Năm 1966 Ngài được giáo hội cử làm Chánh Đại diện Phật giáo quận 5 Sài Gòn. Sau 3 năm hoạt động Phật sự Tại đây Ngài đã xây dựng được nhiều cơ sở tự viện, tạo được phong trào tu học cho Đồng bào phật tử tại đây. Đến năm 1969 do yêu cầu của Thầy tổ Ngài trở về Bạc Liêu nhận trụ trì ngôi Tổ đình Long Phước và từ đó đến nay Ngài được Giáo hội cử vào các chức vụ lãnh đạo: Phó Đại diện Phật giáo Thống nhất tỉnh Bạc Liêu, Phó Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Minh Hải, Chánh Đại diện Phật giáo thị xã Bạc Liêu, Uỷ viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, Hiệu trưởng trường Phật học Bạc Liêu, Trưởng Ban Quản trị Quán Âm Phật Đài Bạc Liêu. Với công lao to lớn đóng góp vào sự nghiệp Đạo pháp, Hoà thượng Thích Huệ Hà được nhân dân và đồng bào phật tử tỉnh Bạc Liêu tín nhiệm nên trong 20 năm, trải qua các nhiệm kỳ, Hoà thượng được nhân dân bầu làm Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh nhiều khoá. Cùng với thành tích cao quý đó đóng góp vào sự nghệp dân tộc nên Hoà thượng được Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt nam trao tặng huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” và nhiều bằng khen của Uỷ ban nhân dân tỉnh trao tặng. Phật Giáo Bạc Liêu đã gắn liền với quê hương từ nhiều thế kỷ qua. Gần nhất Phật giáo đã thăng trầm cùng quê hương qua những thời kỳ chống ngoại xâm cũng như góp phần xây dựng quê hương tỉnh nhà. Giúp quê hương bớt đi những hy sinh đổ máu khi thời chiến, còn ở thời bình Phật Giáo mang đậm nét từ bi hòa nhập để phát triển đạo đức và kinh tế cho quê hương Bạc Liêu. Từ nền tảng cao đẹp đó Hòa Thượng Huệ Hà tiếp tục phát huy mà chư Tổ, các bậc tiền bối đã để lại. Suốt cuộc đời Ngài đã đóng góp cho Đạo Pháp và Dân tộc, từ thời còn chiến tranh cho đến Ngài viên tịch. Đặc biệt vào năm 2010 Ban Trị Sự Phật Giáo Bạc Liêu đã thành lập, cũng từ đây Hòa Thượng đã phát huy toàn lực toàn tâm xây dựng Phật Giáo Bạc Liêu làm lợi ích đạo Pháp và dân tộc. Thành công thật sự mà tâm nguyện Hòa Thượng đã hằng mong ước sau 10 năm Phật Giáo Bạc Liêu hoạt động dưới sự lãnh đạo của Ngài. Từ những thực trạng quê hương Bạc Liêu còn nghèo nàng về cơ sở hạ tầng, nhân sự Phật giáo tỉnh nhà rất khiêm tốn, Hòa Thương đã kế hoạch đào tạo Tăng Ni tài đức từ nhiều năm trước, chiêu hiền đại sĩ cùng góp công sức với Phật giáo Bạc Liêu. Hòa Thượng còn tận dụng hết lực lượng tăng Ni trong tỉnh, cùng nắm tay nhau đoàn kết để đưa Phật Giáo Bạc Liêu phát triển không thua tỉnh bạn. Với tất cả tâm quyết vì tiền đồ Phật Giáo, Hòa Thượng đã được Tăng Ni và những cư sĩ tài giỏi cộng tác với Ngài. Như thế Phật Giáo Bạc Liêu đã mở ra trang sử mới. Tóm lại, cuộc đời hành đạo của Hoà thượng Thích Huệ Hà, Ngài rất bình di, chơn tu thật học, nghiêm trì giới luật, xiển dương Phật pháp bằng hai con đường hoằng pháp giáo dục Tăng Ni và từ thiện xã hội. Ngài thật xứng đáng là Luật sư giáo thọ của Tăng Ni, Phật tử, là bậc thạch trụ của giáo hội Phật giáo Việt Nam là tàn cây đại thọ che mát sự bình yên cho Phật giáo tỉnh Bạc Liêu. Hòa thượng tịch ngày 05 tháng 4 năm Kỷ Sửu (nhằm ngày 29 tháng 4 năm 2009) tại chùa Long Phước, thị xã Bạc Liêu. Hòa thượng thật sự là một người có năng lực tổ chức, hoạt động phục vụ làm tốt đạo đẹp đời. |
Cập nhật ( 27/09/2014 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com