VAI TRÒ CỦA BAN HOẰNG PHÁP
* Đại đức Thích Thiện Phúc
Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo Bạc Liêu
Như chúng ta biết hoằng pháp là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Phật giáo trong sự nghiệp truyền bá giáo pháp đến mọi tầng lớp trong xã hội. Để có nhiều người thấm nhuần Phật pháp, ta phải có nhiều phương pháp, phương tiện, nghệ thuật để chuyển tải giáo lý đến với mọi người, khiến cho họ chấp nhận Phật pháp, hướng về Phật pháp và thực hành Phật pháp theo chánh kiến.Trong công việc hoằng dương chánh pháp thì Ban hoằng pháp là một bộ phận đóng vai trò quan trọng, là điều kiện cần thiết cho sự phát triển chậm hay nhanh của tổ chức Phật giáo. Như vậy để hoằng pháp phù hợp cần phải thực hiện đúng quy luật của thời đại đó. Phải có kế hoạch và mục đích cụ thể, đối tượng thực hiện, và tìm hiểu tác động ngoại cảnh môi trường để phát triển cơ hội và ngăn ngừa nguy cơ là điều không thể không được nghiên cứu và chuẩn bị trước.
Kể từ khi đức phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo vô thượng chánh giác, Ngài bắt đầu chuyển bánh xe pháp và từ đó trở đi chánh pháp được đức Phật và các đệ tử tuyên thuyết, kế sau là các vị tổ sư, chính vì vậy mà Phật pháp trường tồn tại thế gian này hơn 25 thế kỷ nay. Hoằng pháp là vấn đề hết sức quan trọng, đứng vị thế hàng đầu, có thể nói nó bao trùm mọi mặt hoạt động của phật pháp, của Giáo hội.Trong lịch sử Phật giáo trãi qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng chừng như chánh pháp bị tắt lụn đi, nhưng nhờ năng lực hoằng pháp vĩ đại của các bậc tiền bối như: Thế Thân, Vô Trước, Mã Minh, Long Thọ, La Thập, Huyền Trang… ở Việt Nam thì có: Vạn Hạnh, Khuôn Việt, Chân lưu, Trần Thái Tông, Điều Ngự Giác Hoàng, gần nhất như Hòa thượng Thiện Hoa, Thiện Hòa, Trí Thủ… và ở Bạc liêu cũng có Sư Nguyệt Chiếu, Huệ Viên, Trí Đức, Hiển Giác, Huệ Hà… các ngài kích pháp cổ lớn, suy pháp loa lớn cho chánh pháp vang dội lớn rộng đến mọi nơi, tác động đến số đông hướng về Phật pháp.
Điều kiện để một tôn giáo phát triển là phải tập hợp và không ngừng phát triển số lượng tín đồ thường xuyên tu học, hành trì giới luật, kiên trung giữ đạo, làm cho tôn giáo của mình vững mạnh. Nếu không thực hiện được sứ mạng hoằng pháp như thế thì sẽ lâm vào thế suy thoái. Hiện nay trên thế giới phật giáo với khoảng 1,6 tỷ tín đồ. Còn ở Việt Nam Phật giáo khoảng 15 triệu tín đồ. Phật giáo đã du nhập vào nước ta vào khoảng thế kỷ thứ II trước công nguyên và hưng thịnh vào thời Lý Trần ( TK X đến TK XIV) có một thời gian dài Phật giáo là Quốc giáo. Sau giai đoạn hưng thịnh, Phật giáo ở nước ta lần lần bị khổng giáo lấn lướt, khi Thực dân, Đế quốc xâm lược nước ta, đạo Phật càng lâm vào thoái trào. Số đồng bào Phật tử bị giảm sút, chiến tranh tàn phá đất nước. Tuy hiện nay con số 15 triệu tín đồ phật tử chiếm tỷ lệ cao song chúng ta cần hết sức bình tĩnh và cẩn trọng vì con số này sẽ giảm đi nếu chúng ta không có biện pháp hoằng dương chánh pháp, làm cho Phật pháp đến với mọi người và làm cho Phật tử kiên trung giữ đạo.
Muốn được như vậy thì Ban hoằng pháp phải có một đội ngũ giảng sư trí thức hùng hậu, thực tu, thực học, thiết nghĩ một trong những vấn đề cốt lõi của hoằng pháp là trực tiếp đưa được nền tảng giáo lý giải thoát của Phật đà đến với công chúng, với nhiều giai tầng xã hội khác nhau. Công việc này đòi hỏi tài năng và đức độ của từng cá nhân được Giáo hội tin tưởng giao phó trọng trách quan trọng này. Trên đức độ và tài năng còn có một tiêu chí thiết yếu khác cũng không kém phần quan trọng, đó là lòng yêu đạo pháp thiết tha. Thiếu yếu tố này ý nghĩa của những sự cố gắng hoằng pháp sẽ khó đạt hiệu quả như ý muốn. Người mang sứ mạng hoằng pháp tự hóa thân và đi sâu vào trong từng vùng để tìm hiểu về tâm tư, tập quán, tánh tình của đồng bào Phật tử, để khi thuyết giảng phù hợp với khế lý và khế cơ, nêu cao tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha. Như vậy hoằng pháp, chính là khơi nguồn tuệ giác trong đời sống nhân gian, giúp cho người mê tín trở thành chánh tín, giúp người tà kiến trở nên chánh kiến, giúp người đời trong thế gian hiểu được đạo lý giải thoát, giúp người đã hiểu đạo phát tâm tu hành, giúp người đã phát tâm tu hành tinh tấn không thối chuyển.v.v…
Cho nên tinh thần hoằng pháp là chuyển hóa tâm thức, giúp cho người đời nhận ra ánh đạo, chứ không đơn giản là công việc truyền đạt kiến thức Phật giáo theo nghĩa thông thường. Chính vì vậy mà các nhà hoằng pháp trước hết phải xác định hoằng pháp là công việc của con tim, tùy theo nhân duyên và hoàn cảnh, tùy theo căn cơ và trình độ mà truyền dẫn nguồn sống tuệ giác từ nhiệt huyết và sự rung động trong tâm hồn nhà hoằng pháp đến tâm hồn người học Phật.Kính thưa đại hội, Đạo Phật đã đồng hành với dân tộc gần 20 thế kỷ, sợ dây liên lạc đã thắt chặt đạo Phật với dân tộc Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng trở thành một khối bất khả phân ly. Tư tưởng đạo Phật đã thấm nhuần tinh thần dân tộc, bởi sự liên hệ mật thiết này, nên người dân Việt coi đạo Phật là đạo tổ tiên truyền lại.
Đạo Phật bị phá hoại thì tinh thần dân tộc cũng bị lung lay. Ngược lại, tinh thần dân tộc bị phá hoại thì tinh thần Phật giáo cũng bị lung lay theo. Vì thế, để bảo vệ tinh thần dân tộc, gìn giữ tín ngưỡng truyền thống của tổ tiên, vị giảng sư phải có quan điểm rỏ ràng, lập trường kiên định, có bổn phận góp phần nêu cao tinh thần yêu nước, để bảo vệ Phật pháp, nêu cao tinh thần dân tộc trong lúc thuyết giảng.Trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại khoa học kỷ thuật và văn minh vật chất, trước sự du nhập ồ ạt của các nền văn hóa, Phật giáo luôn được xem là yếu tố quan trọng cấu thành bản sắc văn hóa dân tộc. Do vậy Phật giáo không thể đánh mất vai trò chủ động của mình trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhân đây chúng ta cũng phải để mắt đến một vấn đề không kém phần quan trọng mà ngành hoằng pháp cần thiết phải quan tâm.
Đó là từ nền tảng truyền thống thờ phượng ông bà tổ tiên có tự ngàn đời, huân tập nền văn hóa tín ngưỡng dân gian, thêm vào đó là ảnh hưởng sâu đậm tinh thần từ bi hỷ xả của đạo Phật, nên vùng nông thôn nước ta từ bao đời nay đại bộ phận vốn là đồng bào phật tử thuần lương chất phát. Thế nhưng ngày nay, với sự du nhập ồ ạt của văn hóa và tín ngưỡng ngoại lai, và khuynh hướng sống thực dụng kết quả đã biến nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi tại nước ta trở thành những mảnh đất mầu mở cho văn hóa và tín ngưỡng ngoại lai gắn liền với của cải vật chất. Đây là một trong những thách thức lớn mà ngành hoằng pháp không thể không quan tâm đến.
Phật giáo Bạc Liêu được hình thành từ lúc tách tỉnh cho đến nay, với công lao to lớn của cố Hòa thượng Thích Huệ Hà nguyên Trưởng Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bạc liêu đã và đang thành tựu những công tác Phật sự một cách rực rỡ, với sự nhiệt tâm và đoàn kết, BTS Phật giáo tỉnh Bạc Liêu từng bước khẳng định vai trò của mình sánh với Phật giáo các tỉnh thành trong cả nước, đã có một vị thế đứng khá vững chắc được Đảng nhà nước tín nhiệm, Trung ương Giáo hội giao phó và đồng bào Phật tử quy ngưỡng.
Với sự non trẻ nhưng tràn đầy nhiệt quyết trong nhiệm kỳ qua Ban hoằng Pháp tỉnh nhà đã đóng góp không nhỏ trong việc hoằng dương chánh pháp. Ban Trị Sự đã xác định công tác hoằng pháp là lực lượng tiên phong trong hoạt động Phật sự, có nhiệm vụ truyền tải giáo lý Phật pháp đến với đồng bào Phật tử. Phật giáo Bạc Liêu phát triển vững mạnh trong tương lai hay không là đều ở sự nghiệp hoằng pháp. Do đó người làm công tác hoằng pháp được tôn vinh là sứ giả Như Lai. Trong nhiệm kỳ qua tỉnh Hội Phật giáo Bạc Liêu thành lập được Ban Hoằng pháp với một lực lượng gần 20 vị, các thành viên trong BHP được đào tạo từ các trường Phật học trong và ngoài nước.
Hiện hay được Tỉnh hội phân công phụ trách chương trình Phật học các khóa hạ hàng năm do Tỉnh hội tổ chức, chương trình giảng dạy các lớp giáo lý, các đạo tràng tại các tự viện PG trong tỉnh, chịu trách nhiệm các buổi thuyết pháp trong các cuộc lễ truyền thống của PG và những ngày tưởng niệm chư tôn đức Tăng ni tiền bối có công với đạo pháp và dân tộc. Đặt biệt là lễ Vu lan hàng năm tại Bạc Liêu Tỉnh hội chủ trương cho các tự viện trong tỉnh tổ chức từ mùng 01 đến 30 tháng 07 AL, tạo không khí lễ hội mùa Vu lan báo hiếu, BHP chịu trách nhiệm thể hiện bài giảng mang thông điệp về đạo đức, hiếu thảo, đền ơn đáp nghĩa, các cuộc lễ diễn ra rất phong phú, thu hút Phật tử đến dự lễ rất đông đảo tạo được nhiều ý nghĩa cho mùa Vu lan báo hiếu của Phật giáo ngày càng tỏa rộng trong xã hội.Điều đáng ghi nhận là công tác hoằng pháp của Giáo hội hôm nay thực hiện đúng theo tôn chỉ mục đích của chánh pháp được vận dụng một cách “ khế lý, khế cơ” vào cuộc sống hiện thực trên hai phương diện lý thuyết và thực hành.
Với kết quả như vậy do yếu tố chính là sự đoàn kết thống nhất cao trong Giáo hội, đưa đến thống nhất về quan điểm giáo lý trong chương trình thuyết giảng Phật pháp. Từ đó BHP hoạt động ngày càng có hiệu quả.Nhằm tăng cường lực lượng cho BHP tỉnh Bạc Liêu ngày càng vững mạnh, để đáp ứng nhu cầu của đồng bào Phật tử tại các chùa nông thôn sâu, BHP không ngừng đào tạo nhân sự, tạo nên một hệ thống giảng sư trẻ nhưng có nhiều tiềm năng có thể gánh vác sứ mạng của Như lai. Nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều vấn đề bất cập, để Phật giáo Bạc liêu phát triển bền vững, vị thế và niềm tin tăng cường, củng cố, thì công tác hoằng pháp luôn mang lại hiệu quả thiết thực nhất, trong Đại hội này tôi xin thay mặt BHP đề xuất một số phương thức trình lên đại hội xem xét.
Thứ nhất: thời gian tới, Giáo hội cần xây dựng chiến lược hoằng pháp và đào tạo ở cấp độ ngắn hạn và dài hạn theo từng lãnh vực chuyên môn, chuyên sâu.
Thứ hai: BHP nên thường xuyên mở ra các cuộc hội thảo về hoằng pháp, để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm trong giảng dạy.
Thứ ba: chúng ta cần có chiến lược lâu dài chăm lo đời sống tâm linh và vật chất, nếu được như vậy thì sẽ góp phần củng cố đức tin của Phật tử.
Thứ tư: vị giảng sư phải nối kết với vị trụ trì để truyền tải và gìn giữ nếp sống đạo đức và sự kiên trung đối với đạo của Phật tử.
Thứ năm: vị giảng sư phải khéo léo truyền tải ý thức cho Phật tử treo cờ Phật giáo vào những ngày lễ lớn của Phật giáo như; Đại lễ Phật đản, Đại lễ Vu Lan.v.v…
Thứ sáu: khuyến khích và trợ lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các tự viện nhất là vùng sâu xa nông thôn hẻo lánh thường xuyên tổ chức các khóa tu niệm Phật, Bát quan trai và học giáo lý, để giúp họ cải thiện đời sống bằng thế giới tâm linh.
Thứ bảy: BHP nên kết hợp với các ngành, các tự viện khuyến khích tổ chức các khóa tu, sinh hoạt trại hè, tập hợp thanh thiếu niên nghèo hiếu học, tặng học bổng, tham quan cắm trại, tạo các lớp học tình thương những nơi có thể, thành lập đội văn nghệ thanh thiếu niên Phật giáo, tổ chức các cuộc thi viết truyện, thơ và truyện tranh phật giáo, tạo trang Web nhằm giao lưu học hỏi giáo lý, tư vấn giải tỏa những khó khăn, stress, hoặc những trò chơi hấp dẫn mà mỗi vòng là câu hỏi giáo lý, khích thích thanh thiếu niên tìm hiểu giáo lý ở trang Web Phật giáo, tổ chức ăn chay, trà đạo, đọc sách và tham dự các chương trình từ thiện.v.v…. Thực tế hiện nay nhận thức về giá trị đạo đức của thanh thiếu niên đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, đa số coi trọng vật chất, kéo theo đó là cả một hệ lụy tiêu cực. Hơn nữa, thanh thiếu niên ngày nay, chạy theo lối sống hưởng thụ, cầu an, vọng ngoại, lai căng… mà họ cho là hợp thời, sành điệu, bỏ qua những giá trị truyền thống, đạo đức là nền tảng của dân tộc.
Xã hội rất đau đầu về cuộc đấu tranh chống tệ nạn xã hội như; nghiện hút ở tuổi học trò, lạm dụng tình dục thanh thiếu niên, HIV/AIDS, nghiện game, trộm cắp, đi bụi, bỏ học.v.v… Hệ quả của những vấn đề trên là hàng loạt những tệ nạn xã hội, những vấn đề thời sự nóng bỏng, nó gióng lên hồi chuông cảnh báo về giáo dục TTN trong thời đại ngày nay mà toàn xã hội cần phải quan tâm. Hơn ai hết Phật giáo chúng ta có truyền thống “hộ quốc an dân”, luôn đồng hành với sự thịnh suy của dân tộc, chúng ta phải có trách nhiệm với thế hệ tương lai của đất nước. Vai trò của người hoằng pháp đối với thanh thiếu niên phải có trách nhiệm đưa giáo lý cho phù hợp để cảm hóa, hướng thượng hoàn thiện nhân cách giúp TTN đứng vững trên cuộc đời. Có một hướng đi và một lối thoát với những cám dỗ và cạm bẩy của cuộc đời, để các em có một lối sống lành mạnh, thân thiện, hiểu biết và đặt biệt là cảm nhận sự lợi ích thiết thực của giáo lý nhà Phật, góp phần ổn định và xây dựng đất nước ngày càng văn minh và tiến bộ nhưng giữ được nét văn hóa riêng của nước nhà.
Giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu kể từ ngày thành lập cho đến nay, chúng ta thấy phương hướng phát triển Tỉnh hội qua mấy nhiệm kỳ đều được triển khai theo hướng; thực hiện sự hợp tác, đoàn kết hòa hợp giữa các hệ phái thành viên Giáo hội, giữa Tăng ni và Phật tử. công tác hoằng pháp được triển khai sâu rộng để truyền bá chánh pháp, tuyên truyền tính nhập thế tích cực của Phật giáo, Thiết lập một hệ thống giáo dục hoàn thiện cho Tăng ni và tạo một môi trường tốt cho Phật tử sinh hoạt trong lối sống hiền thiện và đạo đức, phát huy truyền thống yêu nước của Phật giáo Việt Nam, tạo mối liên kết giữa Giáo hội Phật giáo Bạc Liêu với Đảng, nhà nước cùng nhân dân, nhất là sự đóng góp tích cực của Giáo hội vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc, cùng nhân dân tỉnh Bạc Liêu hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và đóng góp hiệu quả vào quá trình gìn giữ truyền thống và xây dựng nhân cách con người trong thời hiện đại.Trên là những đóng góp ý kiến của Ban hoằng pháp Tỉnh hội Phật giáo Bạc liêu. Rất mong quý lãnh đạo đảng nhà nước tỉnh nhà, Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Trung ương, chư tôn đức lãnh đạo phật giáo tỉnh nhà quan tâm, đồng thuận và phương hướng tham gia hỗ trợ để đạt được hiệu quả như bài tham luận đã trình bày.
Tôi xin kết thúc bài tham luận ở đây, nguyện cầu Đại hội thành công tốt đẹp.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Cập nhật ( 06/03/2012 )