VÀI SUY NGHĨ VỀ HOẰNG PHÁP TRONG BỐI CẢNH HIỆN ĐẠI * Thích Huệ Vinh Chúng ta đều biết con đường hoằng dương chánh pháp do đức Phật khai sáng đã bắt đầu từ buổi bình minh của Phật giáo cách nay hơn hai mươi lăm thế kỷ. Từ hạt giống đạo vàng Đức Thế Tôn đã gieo vào những buổi đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, cho đến rừng Ta La, dùng bát cháo nấm rừng của người đốt than cúng dường trong buổi thọ trai cuối cùng trước khi nhập Niết bàn, đấy là con đường gian nan, bụi bặm, đầy khổ nạn và chông gai. Con đường khai ngộ ấy, không phải bởi một thứ đức tin quyền phép huyễn hoặc nào, một chủ nghĩa hư vô nào, mà từ tuệ giác của một đấng đọa sư – một con người. Tất cả những gì ngài đã thuyết giảng và thực hành được, đều từ sự nỗ lực và trí tuệ của một con người, chứ không phải một thiên khải nào, một vị thế thần linh quyền năng nào cả. Ý niệm tất cả con người là Phật sẽ thành nếu tự biết nỗ lực phát tâm tinh tấn tu tập, đấy là chân lý xuyên suốt con đường không – thời gian, chỉ ra hướng đi đến giải thoát. Đức Phật dạy: “Tự ta là chỗ nương tựa cho ta, còn ai khác có thể làm nơi nương tựa”. Ngài đã giảng dạy cho các môn đệ, cũng như cho tất cả mọi người về nguồn năng lực tự giải thoát vốn thường hằng trong mỗi con người: “các Đức Như Lai giảng dạy chính đạo, nhưng chính các ngươi phải làm việc của mình”. Thưa vâng, chính chúng ta chứ không phải bất cứ một ai khác làm thhy công việc hoằng dương chánh pháp. Từ khi Đức Phật khai sinh và xây dựng Tăng đoàn, cho đến suốt về sau kế thừa con đường hoằng pháp, lịch sử đaã chứng minh qua các kỳ gian, thăng trầm theo dòng lịch sử nhân loại nói chung, và riêng tại trong nước, đã cho chúng ta thấy rõ cụ thể từng bước đi thực hành đạo pháp. Có nghĩa là, ở vào bất cứ nơi nào, bất cứ thời nào, tăng đoàn được xây dựng mạnh mẽ thì ở thời đó, nơi đó, Đạo của Đấng Thế Tôn không ngừng phát triển lớn mạnh. Cố nhiên, xây dựng Tăng đoàn mạnh mẽ ở đây được hiểu, không chỉ về số lượng, mà còn là thực chứng tu tập. Mặt khác, sứ mệnh của tăng đoàn không chỉ là những người xuất gia thực hiện lý tưởng cao cả giác ngộ giải thoát, mà còn có nhiệm vụ trọng đại đem giáo lý Phật đến mọi nhà, mọi người, ở mọi nơi chốn. Con đường hoằng dương Phật pháp không thể chỉ ở các thành phố, đô thị (đa số tình trạng chung của ta hiện nay) mà khắp nơi trên nguồn dưới biển, những làng quê xa xôi khốn khổ gieo neo, những số phận đói cơm lạt muối, cho đến đồng bào các dân tộc anh em ở miền núi, ở các vùng sâu thâm sơn cùng cốc. Chính vì vậy mà sứ mệnh của tăng đoàn là vô cùng quan trọng trong việc kế thừa, duy trì và phát triển Phật giáo. Sẽ không quá lời khi cho rằng, tăng đoàn giữ vai trò trung tâm và quyết định đến sự thịnh suy của Phật pháp. Lý tưởng, suy cho cùng mới chỉ là suy tưởng, sự hiện hữu mới là thực chứng con đường tu tập và hành đạo. Diễn giải ra như vậy để nói đến những mối tương quan giữa các hoạt động Phật pháp và hoạt động toàn xã hội. Bởi ở vào bất cứ hoàn cảnh nào, giai đoạn lịch sử nào, tăng đoàn và Phật tử cũng đều không thể đứng ngoài môi trường xã hội, độc lập giữa đạo và đời. Giáo lý Phật không chỉ khuôn vào trong các tự viện, chùa chiền, ttrong các trường Trung cấp, cao cấp Phật học, mà là nhân lành – giống lành chói ngời trí tuệ từ bi của các Đức Như Lai phải được gieo cấy khai sáng vô minh ở khắp nơi chốn vào mọi lúc, mọi thời. Cũng có thể, đối với một số trường hợp, sự chọn lựa ẩn dật, lánh hẳn sự ồn ã xa hoa để yên tĩnh tu tập, có thời gian trau dồi rèn luyện tri thức, đạo đức phẩm hạnh. Nhưng nếu chỉ chọn lựa cuộc sống lánh đời, đơn độc để cầu mong giải thoát cho riêng mình, che cái nhãn quan lại không quan tâm đến khổ đau đồng loại, thì rõ ràng, trái với giáo lý đạo Phật, vốn được xây dựng trên nền tảng từ bi bác ái, mang tình thương khai ngộ chánh pháp đến mọi cuộc đời. Chánh pháp là phải biết tư duy dưới ánh quang tuệ giác, nhận định rõ đúng và sai, thiện và ác. Đạo (Magga) là con đường “đem lại tri kiến, an tịnh, trí tuệ, giác ngộ, niết bàn”. Như đã trình bày ở trên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giai đoạn lịch sử nào, tăng đoàn và rộng ra là Phật tử, đều không thể đứng ngoài môi trường xã hội. Tức là phải đồng hành với xã hội, với dân tộc, ở một ý nghĩa tuyệt đối còn là cả nhân loại nữa. Đồng hành có nghĩa là cùng hòa đồng vào bước đi toàn xã hội, nhưng phải đặt ra phương châm gieo mầm đạo pháp, thích hợp vào từng hoàn cảnh cụ thể mà xiển dương con đường hoằng pháp. Biết tư duy chánh pháp để vận dụng một cách thích hợp vào từng hoàn cảnh cụ thể, chính là đặt ra phương châm thực hành trước từng đối tượng, chẳng hạn như: Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở các miền núi, miền cao nguyên, con đường hoằng dương chánh pháp bấy lâu nay đã từng đến đấy bao lần. Giáo lý Phật được bao nhiêu kinh sách đã được chuyển ngữ tiếng các dân tộc để thuyết giảng về những Bát chánh đạo, Tứ diệu đế… Thực tế đây là những khu vực còn đầy những khó khăn. Tuy vậy con đường hoằng pháp đối với một số địa phương người Khơme ở miền Tây – Nam Bộ nhiều năm qua đã thu hoạch không ít những thành tựu. Dù như thế nào những khu vực khác của người dân tộc thiểu số ở các vùng dọc theo dãy Trường sơn khu vực miền Trung, hay ở Tây Nguyên, hay ở tận vùng cao Tây Bắc – Đông Bắc (miền Bắc) thì hầu như còn thưa vắng dấu chân hoằng pháp. Chúng ta cần lưu ý là: Đạo Phật dù uyên áo và cao cả đến nhường nào, chúng sẽ vô ích với nhân loại nếu đại cúng không thể thực hành được trong cuộc sống. Nhân nói đến các vấn đề này, tôi xin nói đến một tình trạng thực tế đã và đang xảy ra ở Việt Nam, đặc biệt là ở các làng quê miền núi, nơi đa số đồng bào ác dân tộc đang sinh sống. Ví như làng Yều của người Cơ tu ở miền Tây huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam. Nhân ngày tết cách đây chưa lâu, khi đệ tử của bổn tự đến đó thăm viếng, thì mới vỡ lẽ ra. Đạo Tin lành từ trước tết họ đã đến đó tặng quà và truyền đạo đến từng gia đình đồng bào dân tộc.Tình trạng này, chắc chúng ta đều biết đã xuất hiện đều khắp các tỉnh ở Tây Nguyên. Sau này, qua các thông tin nắm bắt được, mới hiểu ra các tổ chức Tin lành ở phương Tây, đặc biệt là tổ chức Asia Harvest (Mùa gặt Á Châu), trụ sở đóng tại Mỹ, đang hoạt động ở các nước Châu Á, nhất là những nước, những vùng miền kém phát triển, nghèo nàn đều nằm ở trong tầm nhìn của họ. Đấy là chưa nói đến các làng quê gieo neo cách trở, dù không đến nỗi thưa vắng như các khu vực vừa nêu trên, song tại các miền này qua thực tế vẫn thấy chùa chiền thưa thớt, xuống cấp, tu sĩ quá ít, Phật sự tẻ nhạt, đìu hiu. Có nhiều nơi thiếu các tăng ni trụ trì, thậm chí để có cư sĩ quản lý cũng là hiếm hoi. Ngược lại, ở các trung tâm đô thị, thành phố thì chùa chiền, tự viện đều khắp, tăng ni đông đúc. Nêu lên các vấn đề cụ thể này, để cùng nhau vạch ra những phương hướng, những kế hoạch hoằng dương chánh pháp tế nào cho heieuj quả. Thật ra, vạch ra những phương hướng, những kế hoạch như thế quả là không dễ, phải bắt đầu từ đâu, nếu không, trở thành mô tả chung khó có cơ sở thực hiện. Hiện nay các trường trung cấp Phật giáo, các Viện Phật học, các tăng ni trẻ hằng năm tốt nghiệp khá đông. Nhưng có một thực tế là việc đi về các vùng sâu vùng xa như thế phải tuân thủ theo cơ chế xã hội. Ví dụ như việc đăng ký hộ khẩu thường trú chẳng hạn, chưa hẳn là công việc dễ dàng ở những nơi đó. Lại nữa, khi đã rời các tự viện hoặc các chùa trong thành phố, liệu khi gặp phải những trở ngại, có thể quay về lại được không. Đấy là còn chưa hình dung đến đời sống vật chất sẽ gặp muôn vàn khó khăn, bởi thực tế các vùng miền ấy, bản thân người dân ở đấy còn xoay xở đói no từng ngày. Chúng ta vẫn hiểu trên đại thể là: Phật giáo không xem vật chất là cứu cánh, mà nó chỉ là phương tiện dùng để đạt đến cứu cánh cao cả. Nhưng phương tiện cần thiết quan trọng này là điều kiện vật chất tối thiể để tu tập và hành đạo. Xưa nay, người ta thương biết đến những lời dạy của Đức Thế Tôn về triết học, đạo đức học, về tâm linh, nhưng cũng thông thường lại ít ai chú ý đến giáo lý của Phật về những vấn đề tương quan đến kinh tế xã hội. Trong kinh Chuyển Luân sư tử hống, đức Phật có nói đến ý này: Lúc mà mọi người được tạo ra cơ hội để thu được vật chất (kinh tế) chăm lo đời sống, họ sẽ bằng lòng, tránh khỏi những âu lo, và vì vậy đấy cũng là nguyên ký giúp con người không vướng vào vòng tội lỗi. Vì những lẽ trên, nên chăng từng vùng miền, hoặc cao hơn là cấp tỉnh thành có thể đề xuất kế hoạch xây dựng các trung tâm Phật học. Tại đây có mục đích tiếp nhận các tăng ni trẻ tốt nghiệp Phật học ra trường, rồi từ đấy cử từng tăng đoàn, hoặc từng cá nhân tăng ni dấn thân hoằng dương chánh pháp những vùng miền xa xôi ấy. Trường hợp thuận duyên có thể xây dựng chùa chiền, dù chỉ là tranh lá đơn sơ (nếu địa phương đó chưa có chùa) và ở lại trụ trì, hoạt động Phật sự lâu dài tại đó. Trong trường hợp vì những trở ngại nghịch duyên như đã nói trên, thì các trung tâm Phật học ấy lại tiếp nhận các tăng ni trở về tu học. Xem trung tâm như một tự viện chuyên nhiệm vụ điều hành công việc cao quý này. Một vấn đề quan trọng không kém phần cấp thiết là, mọi sinh hoạt hoằng pháp dường như không thu hút tuổi trẻ. Thử nhìn vào các ngôi chùa hiện nay ở mọi nơi ta thường thấy trong các sinh hoạt, đại đa số là người lớn tuổi (ông bà, cha mẹ), tuổi trẻ – thanh thiếu niên hầu như thưa vắng. Họa hoằng lắm là các lễ hội diễn ra tại các chùa, những ngày tưng bừng ấy mới tập hợp được số đông, nhưng đấy là những cuộc hội hè, cuộc vui thu hút, réo gọi, chứ chưa hẳn phải là kết quả hoằng pháp. Sẽ là thiếu tính tư duy Chánh pháp, nếu cứ đỗ vấy trên các lý do: thanh thiếu niên ngày nay có quá nhiều mối quan tâm, như học hành, thi cử, công việc làm, mặt khác các nhu cầu thông tin giải trí kích thích ham muốn, kể cả những vui chơi dẫn đến hệ quả hư hỏng, sa đọa. Điều ấy là có thật, nhưng chưa hẳn là nguyên nhân cốt lỏi. Nguyên nhân cốt lỏi theo chúng tôi là niềm tin bị lung lay, niềm tin ở đây được hiểu là Đức tin, tức là Đức tin theo Phật, Pháp (Phamma) và Tăng (Sangha, đoàn thể tăng già), chứ không phải cuồng tín, mù quáng theo nghĩa của bất cứ thứ đức tin nào khác. Để tập hợp được, thu hút được tuổi trẻ, có thể có các hướng đặt ra: Một là giáo dục truyền thống Phật giáo tại gia đình, cha mẹ phụ huynh các gia đình đạo hữu nên quan tâm hơn đối với con cái, ngoài các mặt học tập ở nhà trường, còn phải tảnh thủ ôn tập giáo lý Phật tại nhà. Ngọn đèn giáo lý Phật sẽ soi rọi chánh kiến thường xuyên, tránh những tạp uế xô bồ do môi trường xã hội lây lan. Mặt khác các sinh hoạt lành mạnh của Hội – Đoàn thanh thiếu niên Phật tử cũng khích lệ tâm hồn giới trẻ, tập hợp họ vào các hoạt động xã hội như: từ thiện, văn hóa, văn nghệ, bảo vệ môi trường… mà cụ thể là ở các công ty, nhà máy, xí nghiệp… tại những nơi ấy lực lượng công nahan trẻ chiếm đa số. Một khi hoằng pháp được thực hành ngay taiju đó thì hiệu quả sản xuất được tăng lên nhiều lần, do chánh kiến giúp mở mang cái nhãn quan của người lao động chân chính. Đây là công việc đòi hỏi ở sự bền bỉ, kiên trì và liên tục, được như thế sẽ xây dựng nên sức mạnh phụng sự Phật pháp, và cả xã hội nữa. Còn có nhiều mối quan tâm khác: như Hoằng pháp trong thời hội nhập, Hoằng pháp trong lãnh vực từ thiện, các tệ nạn xã hội, hoặc môi trường thay đổi khí hậu, trái đất đang nóng dần lên từng ngày, hoặc là tinh thần đoàn kết Phật giáo trong nước và hải ngoại… Chúng ta đặt lòng tin vào các Hội thảo Phật học. Chư tôn đức, các vị cư sĩ, các học giả, hợp với tình hình. Vạch ra cho phù hợp không có nghĩa là sáng tạo ra một pháp nào khác, mà phải dựa trên pháp của Đức Như Lai. Xin được chép lại lời Đức Phật nhắc nhở cho các tỳ kheo “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa (Kinh Tương ưng bộ, tập 5, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch. Tr 139). Thưa vâng, đấy vừa là nguyên ủy, vừa là đức tin để thực hành chứ không thể dùng một phương tiện nào trí tuệ hơn, diệu lực hơn trên con đường hoằng pháp. |
Cập nhật ( 18/10/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com