Vài nét về vấn đề "nhập thế" của Phật giáo thời Đinh – Tiền Lê * Nguyễn Tuấn Anh Phật giáo đã có mặt ở Việt Nam hơn hai nghìn năm qua, từ một tôn giáo ngoại nhập đã trở thành một tinh thần văn hóa không thể thiếu trong tâm khảm và hành động của dân tộc Việt Nam. Tùy người Việt Nam từng thời kỳ và cũng tùy nơi, sắc thái văn hóa ấy biến đổi khác nhau và luôn luôn có xu hướng bản địa hóa cho thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của dân tộc. Tính chất “nhập thế” là một nét như vậy, điều này được thể hiện rất rõ dưới thời Đinh, Tiền Lê. 1. Cách hiểu về “nhập thế” Cho đến nay, theo chúng tôi, chưa có một định nghĩa nào cụ thể về “nhập thế”. Ở đây, chúng tôi tìm hiểu những cụm từ có liên quan đến vấn đề này để cắt nghĩa cụ thể như sau: “Nhập”có nghĩa là: “vào, hiệp với; ngoài ra “nhập” còn có nghĩa: được, thâu nạp, hiểu rõ”([1]). Còn “thế” có nghĩa là: “đời, theo văn minh Tàu ngày xưa, một thế (đời) là ba mươi năm. Theo văn minh Âu Châu, một thế là một khoảng trăm năm, tức thế kỷ. Đời của một ông vua từ khi lấy hiệu lên ngôi cho đến khi thác kêu là một thế. Ông cha, con cháu kế nghiệp nhau, mỗi đời sống kêu là một thế… Riêng về Phật pháp, “thế” tức là thế tục, thói đời. Thói đời ấy thường có những thứ chẳng tốt mà nhà tu hành cần hủy bỏ. Thói đời thì sa vào vòng luân hồi, hay chuyển biến. Thế ấy có quá khứ, hiện tại, vị hai, kêu chung là tam thế (ba đời). Thế lại là tiếng nói chung để chỉ thế gian”([2]). Như vậy, “nhập thế” có nghĩa ngắn gọn là đem đạo vào đời. Hiện nay, bên cạnh việc “đem đạo vào đời” còn có quan điểm là đem đời vào đạo. Vế thứ hai này vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau. Theo chúng tôi, không nên đối kháng hai vế của một vấn đề mà cần nhìn nhận nó bằng quan điểm thống nhất và duyên khởi. Cái này có do cái kia có, cái kia lại tác động ngược lại cái này, cái kia và cái này không thể tách rời, chúng cùng nhau tồn tại, cùng nhau vận động hỗ tương. Từ cái nhìn tương quan, biện chứng như vậy, có thể chấp nhận quá trình đạo Phật nhập thế một cách trọn vẹn, tức là “đem đạo vào đời” song song với việc “đem đời vào đạo”. Như vậy, việc nhập thế của đạo Phật không phải là ý tưởng chủ quan và cũng không phải là một điều gì mới mẻ. Nó là truyền thống, và cũng là phát triển, phát triển ngay từ thế kỷ X, khi mà cha ông ta giành được quyền tự chủ từ phong kiến Phương Bắc. Ở đây, trong giới hạn của một bài viết, chúng tôi chỉ tập trung vào vế thứ nhất của tinh thần “nhập thế”, nghĩa là “đem đạo vào đời”. 2. Một số biểu hiện cụ thể tinh thần “nhập thế” của Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê 2.1. Thời Đinh Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân lên ngôi hoàng đế (968), tức là Đinh Tiên Hoàng, lập nên nhà Đinh, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, lấy niên hiệu là Thái Bình. Với mục đích xóa hẳn vết tích thống trị của phong kiến Trung Hoa, nêu cao ngọn cờ thống nhất độc lập quốc gia, lập triều chính, vua liền nghĩ đến việc chỉnh đốn hàng ngũ Giáo hội Tăng già đồng thời với việc mời các nhà sư tham dự và giao những nhiệm vụ quan trọng trong triều đình. Năm 931, nhà Đinh định giai phẩm cho các quan văn võ và Tăng đạo trong đó người đứng đầu là Thiền sư Ngô Chân Lưu, thế hệ thứ năm của Thiền phái Vô Ngôn Thông. Hệ thống tăng lữ này luôn bên cạnh giúp vua trong việc cai trị. Sách Đại Việt sử ký có chép đến một số tên người như “Nguyễn Bặc làm Đinh Quốc Công, Lưu Công làm Đô hộ Phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, cho Tăng thống Ngô Chân Lưu làm Khuông Việt đại sư, cho Trương Ma Ni làm Tăng lục đạo sĩ”([3]). Sách Việt sử thông giám cương mục chép rõ hơn: “Nhà vua tôn sùng đạo Phật, mới đặt phẩm cấp cho tăng nhân và đạo sĩ: ban hiệu Thái sư cho Chân Lưu, lại cho Trương Ma Ni làm Tăng lục đạo sĩ, Đặng Huyền Quang làm Sùng chân uy nghi”. Bên cạnh đó, vua còn định phẩm trật cho các tăng sĩ lỗi lạc hữu công tham dự quốc chính, nên đã tặng chức Khuông Việt Thái sư cho Tăng thống Ngô Chân Lưu, ban chức Tăng Lục Đạo sĩ cho Pháp sư Trương Ma Ly, và Thiền sư Đặng Huyền Quang làm Sùng Chấn Uy nghi Trong buổi đầu thời kỳ độc lập, Phật giáo là tôn giáo chiếm ưu thế trong xã hội, nhiều chùa tháp được xây dựng. Riêng ở Hoa Lư, năm 973, Nam Việt vương Đinh Liễn “cho dựng hàng chục cột đá có khắc kinh Phật bằng chữ hán”([4]) (gọi là kinh tràng). Về lĩnh vực văn học, nghệ thuật, ngoài văn học dân gian thì lực lượng sáng tác văn học chủ yếu lúc đó hầu hết là các nhà sư, tầng lớp có học thức, có uy tín và ảnh hưởng trong xã hội. Những tác phẩm văn học của giai đoạn này hiện còn là một số bài thơ chữ Hán của các thiền sư như Đỗ Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh,v.v… Vì có vai trò to lớn như vậy mà “đạo Phật Việt được công nhân là quốc giáo kể từ nhà Đinh 2.2. Thời Tiền Lê Lê Hoàn là một vị tướng tài có tầm nhìn chính trị sâu xa, rộng lớn, được Đinh Bộ Lĩnh phong làm Thập đại tướng quân năm 968 khi mới 27 tuổi. Vua Đinh và Thái tử lớn bị ám hại, thái tử nhỏ Đinh Tuệ mới 6 tuổi lên ngôi, quân Tống kéo sang, viết tối hậu thư hăm dọa, Lê Đại Hành lên ngôi vua, điều binh đánh giặc, đúng như dự đoán của Thiền sư Vạn Hạnh: “Nội trong bảy ngày giặc sẽ tan”. Chính sử đã chép rằng, việc lên ngôi Hoàng đế của Lê Hoàn do Thiền sư Ngô Châu Lưu đứng ra chỉ đạo. Có thể có người cho rằng đây là một cuộc “đảo chính”. Nhưng khách quan mà nói, trong tình thế gay go của vận nước khi ấy, không còn cách nào khác và không còn ai khác thay thế ngoài Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Thực tế, ông là người đức độ, được nhiều người mến phục. Trước khi ra trận, vua đã thỉnh Thiều sư Vạn Hạnh để hỏi về kế đánh giặc. Một sự hợp tác tuyệt vời. Vua Lê Đại Hành rất xứng đáng là người đại diện cho dân tộc ta đóng lại cánh cửa quá khứ nô lệ của 1.000 năm Bắc thuộc. Nhưng chính các thiền sư, tiêu biểu là Ngô Chấn Lưu, Vạn Hạnh, mới là người mở ra cánh cửa của tương lai hưng thịnh và vinh quang cho dân tộc ta trong suốt các thế kỷ sau. Nhờ tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh và 68 tiểu truyện các thiền sư nổi tiếng từ cuối thời Bắc thuộc cho đến đầu thời Trần mà chúng ta biết được vấn đề “nhập thế” của các nhà sư dưới triều Đinh và Tiền Lê: “Vua Lê Đại Hành rất kính trọng Ngài (Ngô Chân Lưu), phàm những việc quân quốc đều đưa cho ngài cả”. Còn Thiền sư Pháp Thuận là người đã dùng nghệ thuật phù sấm giúp Lê Hoàn lên ngôi: “Là một nhà bác học giỏi về nghệ thuật và thi ca, cả tài năng phụ tá nhà vua trong việc chính trị và thông hiểu về tình hình thực tại của đất nước”… “Trong buổi đầu sáng nghiệp của nhà Lê, ông có công trù tính và quyết định chính sách kế hoạch, nhưng khi thiên hạ thái bình rồi thì không chịu phong thưởng. Vua Lê Đại Hành rất kính trọng, không gọi tên, chỉ xưng tên là Đỗ Pháp Sư mà thôi!” Việc “nhập thế” còn được biểu hiện rất rõ thông qua việc vua Lê Đại Hành đã triệu thỉnh “Khuông Việt Thái sư làm cố vấn và Thiền sư Pháp Thuận lo việc ngoại giao”([6]), đồng thời triều đình cũng cho thiết lập các tự viện. Đặc biệt, năm Thiên Phúc thứ VII (986), sứ giả nhà Tống là Lý Giác sang nước ta. Vua nhờ Khuông Việt Thái sư giữ việc ngoại giao để ứng tiếp với sứ giả. Còn Thiền sư Pháp Thuận cải trang làm chú lái đò cho sứ giả. Tình cờ có đôi ngỗng bơi trên mặt nước, Lý Giác vốn có tài văn thơ, liền tức cảnh: Nga nga lưỡng nga nga Ngưỡng diện hướng thiên nha. Nghĩa là: Song song ngỗng một đôi Ngửa mặt ngó ven trời Chú lái đó, tức Thiền sư Pháp Thuận, liền ứng đối: Bạch mao phô lục thủy Hồng trạo bãi thanh ba Nghĩa là: Lông trắng phơi giòng biếc Sóng xanh chân hồng bơi Sứ giả nghe xong lấy làm ngạc nhiên và kính phục, không ngờ nước Việt lại có lắm nhân tài. Qua những lần tiếp đãi như vậy đối với sứ giả Trung Hoa, Lý Giác càng lúc càng tỏ ra kính trọng vua nước ta, nên ông đã viết tặng bài thơ: Hạnh ngộ minh thời tân thịnh du Nhất thân lưỡng độ xứ Giao Châu Đông đô tái biệt tâm lưu luyến Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu Khê đàm ba tịnh kiến thiềm thu. Nghĩa là: May gặp minh quân giúp việc làm Một mình hai lượt sứ miền Nam Mấy phen qua lại lòng thêm nhớ Muôn dặm non sông mắt chửa nhàm Ngựa đạp mây bay qua suối đá Xe vòng núi chạy tới giòng lam Ngoài trời lại có trời soi sáng, Vầng nguyệt trong in ngọn sóng đầm. Câu thứ bảy của bài thơ, tác giả có ý xưng tụng vua nước Việt cũng như vua của Trung Hoa. Thật là thần tình, chỉ do khẩu khí thơ văn xướng họa mà đã làm chuyển đổi được vận mệnh của cả nước đang từ thế yếu sang một thế mạnh. Và, vì cảm mến đức hóa của người xưa, Lê Quý Đôn, nhà bác học thế kỷ XVIII, đã ca tụng hai vị thiền sư Ngô Chân Lưu, Đỗ Pháp Thuận: “Câu thơ của Thiền sư Pháp Thuận, làm cho sứ giả nhà Tống phải kinh dị; điện từ của đại sư Ngô Chân Lưu đã nổi danh một thuở (Sư Thuận thi ca, Tống sứ kinh dị, Chân Lưu từ điệu, danh chấn nhất thời)” Thiền Uyển Tập Anh cho chúng ta biết cụ thể về nhà sư Ðỗ Pháp Thuận (915-990). Ông là một thiền sư và nhà thơ sống vào thời Ðinh-Tiền Lê. Nhờ kiến thức uyên bác, có tài văn thơ và tích cực tham gia vào việc khuôn phò nhà Tiền Lê, nên ông được Lê Ðại Hành phong chức Pháp sư. Cùng với các thiền sư Khuông Việt và Vạn Hạnh, ông đã cố vấn cho triều Tiền Lê về chính trị và ngoại giao. Bằng tài ứng đối mẫn tiệp, khả năng xướng họa thơ văn và vận dụng tri thức cổ học nhanh nhạy, ông đã làm cho Lý Giác khâm phục (như đã trình bày). Khi vua Lê Ðại Hành hỏi về vận nước, ông trả lời vua bằng bài thơ vừa đượm vị thiền vừa phản ánh tinh thần hiếu hòa Việt Nam: Vận nước như mây quyện Trời Nam mở thái bình Vô vi trên điện gác Chốn chốn dứt đao binh Thế mới biết việc nhập thế của các thiền sư ở thời Đinh – Tiền Lê có vị trí như thế nào trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam. 3. Một số kết luận Một là, Phật giáo nhập thế thời Đinh – Tiền Lê nói riêng và các giai đoạn trước hay sau nó, một lần nữa minh chứng cho việc thay đổi quan điểm của người Phật tử về vấn đề đạo đức và giải thoát. Qua đó, họ có thể nhận chân và góp phần hóa giải những khủng hoảng hiện thời của nhân loại trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. Dưới triều Đinh – Tiền Lê, giai đoạn đất nước gặp nhiều khó khăn trên tất cả các lĩnh vực, vì vậy mà yêu cầu đặt ra là cần phải có một đội ngũ trí thức để phò vua xây dựng và giữ đất nước. Đây là lí do lớn nhất mà các nhà sư “nhập thế”. Hai là, chúng ta biết rằng, Phật giáo là cả một hệ thống triết học uyên thâm, tư tưởng rộng lớn, lý luận phong phú… nhiều thế hệ tu sĩ hoằng pháp, một nhân tố không thể thiếu được trong lịch sử nước nhà. Điều này hoàn toàn đúng dưới triều Đinh – Tiền Lê. Bởi vì, hai triều đại này đã luôn gắn với những vị cao tăng thấm nhuần tư tưởng từ bi, hỉ xả; cứu khổ, cứu đời, một biểu hiện rất rõ rệt của nhập thế. Đây là một trong những nhân tố chính khởi đầu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của các triều đại sau này, đặc biệt là các thế kỷ XI-XIII. Ba là, việc khẳng định vị trí hàng đầu của Phật giáo vào thời điểm này (thế kỷ X) chứng tỏ các triều đại Việt Nam đã triệt để sử dụng tính chất “nhập thế” của Phật giáo như một công cụ truyền bá nền văn minh Ấn Độ một cách hoà bình, một chỗ dựa tinh thần trong việc khẳng định nền độc lập tự chủ mới mẻ của mình, cũng như ý chí dứt khoát muốn thoát vòng kim kẹp tinh thần của Trung Quốc. Lý do chủ yếu của hiện tượng này là đất nước ta vừa giành được độc lập dân tộc, các triều đại Việt Nam lúc này chưa dùng Nho giáo, một hệ tư tưởng gắn liền với lực lượng thù ngoại xâm. Đó là công cụ nô dịch tư tưởng và tinh thần của bọn thống trị xâm lược Trung Quốc đối với người Việt. Bốn là, việc nhập thế của Phật giáo ở thời Đinh – Tiền lê đã góp phần tích cực vào việc vun trồng ý chí tự cường, ý chí độc lập dân tộc. Phật giáo đã trở thành một bộ phận cấu thành của nền văn minh Đại Việt. Do đó, đạo Phật đã có điều kiện bám rễ sâu vào những làng xóm Việt Nam. Từ đó, những ngôi chùa trở thành những bộ phận hữu cơ, thân thiết, tượng trưng cho làng xóm Việt Nam, cơ cấu chủ yếu của đất nước ở thế kỷ X và những thế kỷ sau. Xin được kết lại bài viết bằng quan điểm của Hòa thượng Thích Thiền Tâm: “Đức phật ra đời thuyết pháp lợi sanh, ví như những đám mưa to thắm nhuần muôn vật, cây cỏ đều tùy phần mà tốt tươi tăng trưởng. Về nhơn thừa, chẳng những Đức Thế Tôn chỉ dạy bổn phận trong gia đình mà còn khuyên bảo cách đối xử ngoài xã hội, đại lược như mấy tiết ở bản chương. Thế thì quan niệm thông thường cho rằng tu là phải dứt khoát việc đời? Không đúng với chơn nghĩa của đạo Phật”([8]). Điều này đã được minh chứng cụ thể qua việc “nhập thế” của các thiền sư thời Đinh – Tiền Lê. Nguyễn Tuấn Anh Trích Kỷ yếu HTKH "Phật giáo thời kỳ Đinh – Tiền Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước. —————————– [1] Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, 2009, tr.799. [2] Đoàn Trung Còn, Sđd, tr.1331-1332. [3] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Bản dịch của Ngô Đức Thọ (Hà Văn Tấn hiệu đính), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.212. [4] Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Việt Nam, tập 3, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.34. [5] Đức Nhuận, Đạo Phật và dòng sử Việt, Nxb Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.72. [6] Đức Nhuận, Sđd, tr.76. [7] Đức Thuận, Sđd, tr.79. [8] Hòa thượng Thích Thiền Tâm, Phật học tinh yếu (thiên thứ ba), Phương Liên tịnh xứ Mật Tịnh đạo tràng, Phật lịch 2553, dương lịch 2009, tr.70. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com