VÀI NÉT VỀ SÂN KHẤU CỔ TRUYỀN VIỆT NAM * Nhạc sĩ Phạm Quế Nguyên Nền âm nhạc dân tộc Việt Nam cổ truyền có từ thuở bình minh của dân tộc có một sức sống mãnh liệt. Nó luôn tồn tại và phát triển vượt qua mọi bão táp phong ba của lịch sử và còn biết thu hút tinh hoa của các dân tộc khác để làm đẹp cho bản sắc dân tộc mình. Hát Chèo là một nghệ thuật ca kịch cổ truyền lâu đời của người Việt vùng Bắc bộ. Phạm vi ảnh hưởng của Chèo là một địa bàn rộng lớn từ Thanh Hóa trở ra.
Nơi Chèo phát triển mạnh nhất là đồng bằng Bắc bộ như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên và Nam Định. Xưa, hát Chèo thường được trình diễn trong những dịp hội hè, đình đám khi công việc gặt hái mùa màng đã xong. Diễn viên là những người nông dân chân lấm tay bùn. Khi có cuộc biểu diễn họ tập hợp nhau lại thành từng tốp gọi là phường Chèo hoặc gánh Chèo, thuở đó, mỗi gánh Chèo thường có khoảng mười lăm người.Khái niệm một cách rộng rãi, Chèo là một sự tích “hát” và “diễn” trên sân khấu với sự cộng tác của một dàn nhạc đệm với nhạc cụ dân tộc. Trên sân khấu, các tài tử không đối thoại với nhau theo giọng nói thường như thoại kịch mà chỉ đối đáp trên những làn điệu thích hợp. Thỉnh thoảng trong vở Chèo có xen thêm vào mẫu đối thoại ngắn thì cách diễn tả cũng không đúng hẳn với lời nói tự nhiên mà là những cách nói đệm, trong đó luật âm thanh (trầm, bổng, khoan, mau) rất được coi trọng như đối với bản hát.Thành phần nhạc , về hình thức như một sợ nối tiếp hòa hợp với những bản hát được điệm bằng các nhạc cụ dân tộc. Những làn điệu đó là những lời ca được đặc trên một số gia điệu mẫu có sẵn. Chèo nảy nở từ những năm của thế kỷ XVII đã nói lên tiếng nói của nhân dân lao động vạch mặt bọn quan lại gian ác, đã kích những thói hư tật xấu của tầng lớp ăn bám trong xã hội. Đến giữa thế kỷ XIX, vua Tự Đức đã ra lệnh các thôn tập trung các vở diễn về kinh đô để kiểm duyệt và ban bố những vở được công diễn. Tuy vậy trong nhân dân vẫn lưu hành một loại bản Chèo “phường” không chịu kiểm duyệt và được quần chúng lao động đông đảo che chở. Hát tuồng (Nam bộ gọi là hát bội) là loại hình sân khấu cổ truyền của người Việt đã có quá trình phát triển từ nhiều thế kỷ. Cũng như Chèo, hát bội là sân khấu tổng hợp trong đó có sự kết hợp, ước lệ và cách điệu. Cũng là sân khấu tổng hợp trong đó có sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau: thơ, ca múa, nhạc, nghệ thuật trình diễn và mỹ thuật. Như nhiều loại hình sân khấu ở Phương Đông (bao gồm cả Chèo và cải lương), âm nhạc Tuồng là âm nhạc “lồng điệu” chứ không phải là âm nhạc sáng tác. Nói cách khác, người ta “lồng” những làn điệu có sẳn vào kịch bản văn học hoặc dựa trên những quy luật của các làn điệu đó mà viết các đoạn văn, thơ thích hợp trong kịch bản văn học chứ không phải sáng tác dựa vào một kịch bản văn học có trước. Có người đã phát biểu: tuồng không thể gọi là “hát” mà phải gọi là “hét”. Quả thật nếu nghe hát mới, hát Chèo mà giám định Tuồng thì Tuồng không hề “hát”. Trong sách “Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng” tác giả Mịch Quang đã nhắc đến sự phân biệt giữa “ca” và “xướng” và nhận định hát Tuồng tức là “xướng”. Dàn nhạc Tuồng nổi lên sự phong phú về các loại trống, có thể nói nhạc khí gõ là loại chiếm ưu thế trong dàn nhạc, ngoài ra còn có một số nhạc khí hơi và dây. Trong nghệ thuật diễn của Tuồng, các cử chỉ và những tổ hợp động tác gọi là những bộ múa. Trên sân khấu thường xuất hiện những cảnh đánh nhau có đao thương, cung kiếm, cưỡi ngựa … Có thể nói, dưới triều đại nhà Nguyễn là giai đoạn cường thịnh của thể loại hình nghệ thuật Tuồng. Sau khi được truyền vào Nam và phát triển thành một lưu phái Tuồng ở Nam Trung bộ – Tuồng Bình Định. Từ thời vua Gia Long, một nhà hát tuồng đầu tiên đã được xây dựng ở trong cung giành cho vua, hoàng hậu và các thân vương quan lại xem. Từ thời Minh Mạng đến thời Khải Định, trong triều đình, tại phủ dinh vương hầu và quan lớn, ở các đám tiệc nhà giàu, ngoài đình miếu vào các ngày tết, ngày hội đều có diễn Tuồng. Dưới triều Tự Đức, nhà vua đã tập hợp khoản 300 đào kép giỏi rút từ các địa phương về chuyên biểu diễn ở các cung đình. Nhờ những điều kiện thuận lợi như vậy, nghệ thuật Tuồng nói chung, đặc biệt là Tuồng ở Huế càng được nâng cao, hầu hết các vở Tuồng ngày nay tìm thấy đều được sáng tác ở thế kỷ này. Nhạc cổ Nam bộ là một di sản quý báu trong kho tàng âm nhạc dân tộc. Nhạc cổ Việt Nam gồm hai ngành: Nhạc lễ và nhạc tài tử. Nhạc lễ là loại nhạc không lời dùng trong các cuộc tế lễ. Nhạc tài tử hay cải lương là loại phát triển từ nhạc lễ, tiếp thu các nguồn ca nhạc khác như: Các bài lý (dân ca Nam bộ), nhạc Huế (nhạc dân gian Trung Quốc) và gồm các sáng tác mới trong đó có bài Dạ cổ hoài lang phát triển thành vọng cổ. Gọi là nhạc tài tử vì thời điểm của nó là những phong trào đờn ca không chuyên nghiệp trong quần chúng dần dần phát triển khắp Nam bộ. Tuy là loại nhạc có lời nhưng nó giữ hình thức hòa tấu hoặc đệm cho lời ca. Từ chỗ chơi theo kiểu tài tử, không chuyên, nhiều người đờn ca tài tử dần dần tụ họp lại thành từng ban tài tử chuyên đờn ca tại các tư gia. Cho tới năm 1911, sau khi được chọn đi trình bày cổ nhạc Việt Nam tại hội chợ đấu xảo tại Pháp về, ban tài tử của ông Nguyễn Tống Triều còn gọi là Tư Triều lần đầu tiên đờn ca tài tử trên sân khấu trước đông đảo công chúng. Lối đờn ca trên sân khấu được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt nhờ lối ca rất duyên dáng của cô Ba Đắc khi ca bản Tứ đại oán “Bùi Kiệm – Nguyệt Nga” với một giọng ca rất mùi mặc dầu lúc đó chưa có điệu bộ.Sáng kiến đưa đờn ca tài tử lên sân khấu của ông Tư Triều có tiếng vang xa và lan dần tới Sài Gòn cùng nhiều tỉnh khác ở Nam bộ. Bản Tứ đại oán “Bùi Kiệm – Nguyệt Nga” mà cô Ba Đắc ca dần được phổ biến ở mấy tỉnh Nam bộ như: Vĩnh Long, Sa Đéc, Mỹ Tho … Với nội dung mang tính chất đối thoại sẵn có giữa Bùi Ông, Bùi Kiệm, Nguyệt Nga. Bài này đã gợi cho ông Tống Hữu Định (Phó Mười Hai) ở Vĩnh Long sắp đặt cho ba người thủ vai đứng trên ván vừa ca vừa ra điệu bộ với những động tác đơn giản chủ yếu là minh họa lời ca, đó là vào khoảng 1915 – 1916. Như vậy, đờn ca tài tử sau khi lên sân khấu lại được đẩy lên thành ca ra bộ và bắt đầu mang thêm yếu tố diễn bên cạnh yếu tố ca sẵn có. Đây là bước ngoặc quan trọng trong quá trình tiến tới sân khấu cải lương. Màn hát “Bùi Kiệm – Nguyệt Nga” được ông Châu Văn Tú (Năm Tú) ở Mỹ Tho cùng nhà văn Trương Duy Toản phóng tác thành một vở hát mang tên Nguyệt Nga cống hồ, tức Lục Vân Tiên diễn trên sân khấu Mỹ Tho. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com