VÀI NÉT VỀ NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU RÔ BĂM TS Trịnh Công Lý Ra đời cách nay khoảng 200 năm, Rôbăm là loại hình sân khấu nghệ thuật đặc biệt của dân tộc Khmer, thu hút đông đảo khán giả không những là của dân tộc Khmer mà còn của dân tộc Kinh và Hoa. Nói là đặc biệt vì Rôbăm là loại hình nghệ thuật tổng hợp gồm cả múa, hát, nói, kịch câm, âm nhạc và các diễn viên đều mang mặt nạ. Trong đó, ngôn ngữ múa và điệu bộ đóng vai trò chủ đạo của loại hình sân khấu này. Thông qua nghệ thuật múa, điệu bộ của diễn viên, người xem có thể hiểu được diễn biến của cốt truyện và tâm trạng của nhân vật. Vì vậy, nghệ sĩ của sân khấu này phài tinh thông ngôn ngữ múa. Từ những ngày đầu, sân khấu Rôbăm của dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp nhận tổng hợp những tinh hoa mang yếu tố đặc trưng, tiêu biểu trong nghệ thuật sân khấu từ thi pháp Rasa Ấn Độ và sử thi là đề tài chính của loại hình Rôbăm. Dần dần, người Khmer đồng bằng sông Cửu Long làm cho nội dung chuyển tải của sân khâu Rôbăm vượt ra khỏi tính chất sử thi, cung đình có cội nguồn từ Ấn Độ, để bổ sung thêm những nội dung gần gũi hơn với đời sống dân dã, thể hiện tâm tư tình cảm của người dân lao động. Cốt truyện của sân khấu Rô Băm được rút ra từ đề tài Phật Giáo, Bà La môn giáo hoặc từ sử thi Ramanaya của Ấn Độ, từ các câu chuyện cổ tích và thần thoại. Những nhân vật của sân khấu Rôbăm là những nhân vật được xây dựng từ điển hình trong các sử thi, huyền thoại tôn giáo. Các nhân vật mang tính lý tưởng, thể hiện tính nhân văn, triết lý nhân sinh, giáo dục con người hướng thiện, làm điều lành, tránh điều dữ. Vì vậy, trong thời gian đầu xuất hiện, sân khấu Rôbăm thu hút đông đảo khán giả và giũ vai trò vị trí khá đặc biệt trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer Nam bộ. Các nhân vật mang mặt nạ cũng có thể là chằn, khỉ, ngựa, phượng hoàng, voi . . .. cũng tượng trưng cho phe thiện và ác. Cuối cùng là chính nghĩa thắng phi nghĩa, phe thiện thắng thế, tiêu diệt các xấu, cái ác. Người xem không chỉ đển thưởng thức nghệ thuật múa, điệu bộ, cử chỉ của diễn viên mà còn tiếp nhận nội dung triết lý sâu xa trong vỡ diễn để rút ra bài học kinh nghiệm làm người, trong đối nhân xử thế. Tuy nhiên, chỉ vài chục năm sau đó, khi loại hình sân khấu Dùkê xuất hiện vào đầu thế kỷ XX, đã dần dần lấn át loại hình sân khấu Rôbăm. Chính loại hình nghệ thuật Dùkê mới lạ, hấp dẫn, đề tài vỡ diễn gần gũi hơn với đời thường nên dù ra đời sau nhưng Dùkê đã thu hút khán giả đông hơn và phát triển ở rất nhiều địa phương. Các đoàn nghệ thuật Rôbăm của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dần dần thu hẹp lại. Như tỉnh Sóc Trăng có lúc có hơn 100 đoàn hát Dù kê nhưng hiện nay chỉ còn 1 đoàn Rôbăm duy nhất ở Bưng chông ( thuộc xã Tài Văn, huyện Mỹ Xuyên). Điều lo lắng là nghệ sĩ của đoàn Rôbăm này còn rất ít và chỉ ở trong phạm vi gia đình, lại tương đối lớn tuổi, đội ngũ kế thừa hầu như chưa có. Nghệ thuật múa, từng điệu bộ củ chỉ của diễn viên, âm nhạc, vũ đạo . . . của loại hình nghệ thuật này ít người biết đến. Bảo tồn và khôi phục loại hình sân khấu Rôbăm là yêu cầu hết sức cần thiết vì đây là vốn quý của nghệ thuật sân khấu của đồng bào Khmer Nam bộ. Một đề tài cấp tỉnh nghiên cứu về nghệ thuật sân khấu Rôbăm của Sóc Trăng do Thạc sĩ Sơn Ngọc Hoàng, phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh làm Chủ nhiệm đề tài, đã đựơc Hội đồng khoa học tỉnh chấp thuận cho triển khai cùng với những nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển, đề xuất mới trong việc khôi phục loại hình nghệ thuật quý giá này. Điều phấn khởi là trong năm 2008 vừa qua, 4 nghệ sĩ trong Đoàn nghệ thuật Rô băm duy nhất của tỉnh Sóc Trăng được tham gia trong phái đoàn gồm 39 nghệ nhân đại diện cho 11 bộ môn văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long sang Hoa Kỳ biểu diễn nhân lễ hội truyền thống dân gian Smithsonian. Điều này nói lên giá trị độc đáo của loại hình nghệ thuật đang bị mai một này. Ngoải việc đóng góp vào sự phát triển của đời sống vật chất, chúng ta cùng có trách nhiệm đóng góp vào sự khôi phục nghệ thuật sân khấu Rôbăm của đồng bào Khmer Nam bộ. Đây cũng là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc sắc của từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt |
Cập nhật ( 03/02/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com