VÀI ĐIỀU LÝ THÚ VỀ PHÉP SO SÁNH * TS Nguyễn Thế Truyền So sánh là phép tu từ cũng lâu đời như nghệ thuật của các cách diễn đạt bóng bẩy, hình ảnh trong ngôn ngữ con người. Cách đây gần 2.500 năm, Aristote (384 – 322 TCN) trong cuốn “Tu từ học” nổi tiếng đã đề cập nó. Hégel (1770 – 1831), triết gia vĩ đại người Đức, trong cuốn “Mỹ học” cũng đã bàn về so sánh. Cho đến nay, trong Phong cách học hiện đại, gần như mọi nhiệm vụ miêu tả và phân loại phép so sánh đã kết thúc. Tuy vậy, vẫn có những điều lý thú đáng nói về phép so sánh từ những phương diện khác.
– Đồ vật : Nếu là vật dụng bình thường thì có ý coi thường, vô tri vô giác (như cách so sánh của Kim Lân ở trên). Nếu là phương tiện máy móc thì nó có sắc thái biểu cảm bình thường, chỉ so sánh để nhấn mạnh một phương diện hoạt động hoặc đặc tính nào đó (Ví dụ :”Hắn làm việc hùng hục như một cỗ máy). Nếu là vật dụng quý giá thì có ý tôn trọng, nâng niu (hay gặp trong ca dao cổ) : Đôi ta là bạn thong dong Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng. – Sự vật, hiện tượng thiên nhiên, cây cỏ : Thường có sắc thái biểu cảm bình thường. Chẳng hạn : Ngó anh như ngó mặt trời
Chói chang khó ngó, trao lời khó trao. – Loài vật : Nếu là gia súc gia cầm, côn trùng, sâu bọ hoặc các loài vật mà con người dễ dàng bắt giữ thì sắc thái biểu cảm miệt thị, khinh bỉ (hay gặp trong khẩu ngữ, như thơ Nguyễn Vỹ :”Nhà văn An Tôi là con nai bị chiều đánh lưới Không biết đi đâu, đứng sầu bóng tối. (Khi chiều giăng lưới) Trong cảm thức của người Việt chúng ta, con nai là biểu tượng của một cái gì đó ngây thơ, đáng thương, tội nghiệp. Nhưng trong phép so sánh, chúng ta không chỉ so sánh người với vật mà có thể là vật với người, không chỉ sự vật với sự vật mà còn sự vật với trạng thái, hoạt động hoặc trạng thái, hoạt động với nhau,… Khi so sánh với hoạt động, chúng ta sẽ có hình ảnh động. Ví như một so sánh mang màu sắc rất hiện đại sau đây của Nguyễn Trung Thành : “Một giọng hát dân ca, ngân nga bát ngát như cánh cò trên đồng lúa miền Nam chạy tới chân trời, có lúc rụt rè e thẹn như khoé mắt người yêu mới gặp, có lúc tinh nghịch duyên dáng như những đôi chân nhỏ thoăn thoắt gánh lúa chạy trên những con đường làng trộn lẫn bóng tre và bóng nắng”. (Đường chúng ta đi) Có một kiểu so sánh rất gần với loại ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Đó là kiểu so sánh lấy trạng thái cảm giác thân thể để biểu thị cảm xúc, tình cảm, tinh thần. Kiểu so sánh nội cảm hết sức cụ thể này ta bắt gặp trong ca dao : Em trông thấy anh dạ sầu như muối, Em sợ bên ngoài chẳng dám thở than. Đắng cay như ngậm bồ hòn, Chát chua như trái sung non ngậm mồm. Sau này Hoàng Cầm trong những giờ phút đau đáu nghĩ về quê hương “Bên kia sông Đuống” cũng đã diễn tả nỗi đau xót của mình với một chất liệu dân gian như thế : Xanh xanh bãi mía bờ dâu Ngô khoai biêng biếc Đứng bên này sông sao nhớ tiếc Sao xót xa như rụng bàn tay Ở đây có lẽ là sự giống nhau về cách cảm, cách nghĩ của con tim hơn là sự bắt chước về thủ pháp nghệ thuật. Xét trong mối tương quan giữa tính cụ thể và tính trừu tượng, giữa đối tượng so sánh và hình ảnh so sánh, chúng ta thấy có bốn loại so sánh. Loại đơn giản nhất là lấy cái cụ thể để biểu thị cái cụ thể : Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu Thắp mùa đông ấm những đêm thâu. (Lửa đèn – Phạm Tiến Duật) “Quả cà chua” ở đây được hình dung thêm những đặc tính mới về chiều sâu cảm giác qua so sánh với một cái cụ thể khác (đèn lồng nhỏ xíu …). Tuy nhiên, loại so sánh lấy cái cụ thể để biểu thị cái trừu tượng mới thường gặp hơn và là loại so sánh chủ yếu của ngôn ngữ và văn chương tiếng Việt từ trước đến nay. Loại so sánh lấy cái trừu tượng để biểu thị cái trừu tượng chỉ gặp trong thơ văn hiện đại. Chẳng hạn một khổ thơ của Chế Lan Viên trong bài “Tiếng hát con tàu” : Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng, Như xuân đến chim rừng lông trở biếc Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương. Lối so sánh trừu tượng – trừu tượng này chúng ta gặp trong cách nói của người phương Tây nhiều hơn. Chẳng hạn như trong câu ngạn ngữ :”Tình yêu cũng xưa cũ như thời gian”. Loại so sánh tiếp theo là loại so sánh lấy cái trừu tượng để biểu thị cái cụ thể, rất ít gặp, vì trái ngược với mục đích vốn có của phép so sánh. Một số nhà phê bình đã đề cập xa gần đến cái vô thức, cái tiềm thức trong phép so sánh. Dĩ nhiên điều đó là có cơ sở. Vì khi chúng ta so sánh đối tượng với cái gì đó, thì “cái gì đó” là cái chúng ta quen thuộc, tâm đắc, có khi là cái chúng ta bị ám ảnh. Không phải ngẫu nhiên khi Nam Cao – một nhà văn luôn luôn bị dằn vặt bởi cái đói, cái tủi nhục, cái đớn hèn của con người – so sánh :”Trời thì cay nghiệt như một bà già thiếu ăn ngay từ lúc còn thơ.” (Trẻ con không được ăn thịt chó), hoặc khi Xuân Diệu viết : Trăng, vú mộng đã muôn đời thi sĩ Giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy. (Ca tụng) Hình như người Việt là một dân tộc giản dị, thực tế nên hầu hết các hình ảnh so sánh của họ trong lời nói hằng ngày cũng như trong văn chương đều bình dị. Đa số chúng đều là những sự vật, hiện tượng có thực trong khung cảnh sống hằng ngày. Ít khi đó là những liên tưởng kỳ vĩ, tráng lệ, mang tầm vóc, quy mô vũ trụ hoặc mang tính chất huyền ảo. Đọc hai câu thơ sau đây trong bài thơ “Xa ngắm thác Lư Sơn” của Lý Bạch, chúng ta thấy hình ảnh thơ có cái gì đó rất khác với cách so sánh thông thường của phần lớn nhà thơ, nhà văn Việt Phi lưu trực há tam thiên xích Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên. (Thác chảy như bay đổ thẳng xuống ba nghìn thước Ngỡ là sông Ngân rơi tự chín tầng trời). Phép so sánh tất nhiên cũng ít nhiều ghi lại dấu ấn phong cách của tác giả. Nhìn bờ sông Đà, một Nguyễn Tuân uyên bác, Tây học thấy nó “hoang dại như một bờ tiền sử”. Xuân Diệu trong thơ mình hay dùng kiểu so sánh với chữ “là” mang ý nghĩa khẳng định, tự tin của một con người luôn luôn nhiệt tình tìm kiếm cái “tuyệt đích”. Một trong những câu thơ nổi tiếng của ông, đầy chất Xuân Diệu, được làm từ lúc ông còn rất trẻ : Tôi là con chim đến từ núi lạ Ngứa cổ hót chơi (Lời thơ vào tập Gửi hương) Nguyên Ngọc với chỉ vài ba so sánh trữ tình, văn chương mà làm cho các nhà tu từ học phải nhắc đi nhắc lại. Đây là một trong những so sánh hay nhất của Nguyên Ngọc và cũng là của văn xuôi Việt Mùa xuân về trên rẻo cao đã làm nở những thứ hoa chỉ thơm ban đêm, kín đáo như nụ cười tình của một cô gái Mèo. (Rẻo cao) Kim Lân là một cây bút truyện ngắn bậc thầy, nhưng các so sánh của ông đều lấy từ đời thường, không có gì đặc biệt. Cái hay của Kim Lân là đã đặt các so sánh đó đúng chỗ. Chế Lan Viên, từ phương diện tu từ, có lẽ là nhà thơ làm chúng ta chú ý nhất. Đây là một dãy so sánh độc đáo của Chế Lan Viên trong bài “Tiếng hát con tàu” : Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa. Kiểu kiến trúc hình ảnh so sánh như trong câu 3 và câu 4, có lẽ trừ phi Chế Lan Viên, không ai làm nổi. Thơ văn hiện đại phải như vậy (ít nhất về mặt hình thức) mới để lại được chút gì trong trí nhớ của người đọc bên cạnh những câu ca dao, dân ca nhuần nhị, thấm thía của người Việt xưa : Chim quyên ăn trái nhãn lồng Thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi. Vì trong quan hệ so sánh, hình ảnh so sánh vừa là phương tiện, vừa là vật chuẩn để làm rõ đối tượng, nên chọn loại hình ảnh nào sẽ nói lên quan niệm thẩm mỹ của tác giả, của trào lưu văn học hoặc của thời đại. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã đề cập điều này trong công trình “Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn”. Nói chung, khi so sánh, để làm nổi bật vẻ đẹp của con người, phần lớn các tác giả đều lấy chuẩn mực ở thiên nhiên. Thiên nhiên là thước đo vẻ đẹp của con người và các phẩm chất thẩm mỹ khác. Nguyễn Du đã tả Kiều :”Làn thu thuỷ, nét xuân sơn. Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Dù Kiều là một trang tuyệt sắc, xinh hơn cả hoa, tươi hơn cả liễu, nhưng trong tâm thức của Nguyễn Du và những người cùng thời, “thu thuỷ”, “xuân sơn”, “hoa”, “liễu” vẫn là những chuẩn mực khi nói về vẻ đẹp của người con gái. Thơ hiện đại, như thơ Nguyễn Mỹ :”Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ. Tươi như cánh nhạn lai hồng” vẫn giữ quan niệm thước đo như thơ truyền thống. Thơ Bạch Cư Dị nói về vẻ đẹp của Dương Quý Phi và các cung nữ của Đường Minh Hoàng đã so sánh ngược lại :”Ở đây hoa cũng đẹp như người”. Xuân Diệu là một đại biểu của thơ mới khi ông coi con người là thước đo vẻ đẹp của thiên nhiên ! Quan niệm thẩm mỹ này của ông thể hiện qua nhiều so sánh đặc sắc, ấn tượng như :”Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” (Vội vàng), “Lá liễu dài như một nét mi. “ (Nhị hồ). Một điều khác mà chúng tôi tạm gọi là sự quy chiếu trong phép so sánh – một cách thức mà các nhà văn hay dùng nhằm thông qua hình ảnh so sánh để khắc sâu bối cảnh, môi trường sống,… của nhân vật. Hai tác giả Võ Bình và Lê Anh Hiền trong cuốn “Phong cách học – Thực hành tiếng Việt” đã nêu trường hợp Nguyễn Công Hoan dùng so sánh trong một truyện ngắn :”…Con mụ ấy thấy lòng thầy quản thẳng như lòng súng, rắn như hòn đạn, khấn tiền cũng không thèm thì không biết làm thế nào được”. Và hai tác giả đó đã bình :”Nói lòng người “thẳng như lòng súng, rắn như hòn đạn” là một sự so sánh bất ngờ, kỳ lạ, tưởng như không thể chấp nhận được. Nhưng thầy quản làm nghề “súng đạn” nên sự so sánh này làm đậm thêm tính cách của nhân vật và trở nên thú vị”. Kiểu so sánh quy chiếu này cũng hay gặp trong lối nói dân gian. Ta cũng thấy nó trong văn của Xervantex :”Lão chủ quán bày đĩa ăn trước quán trọ cho mát rồi bưng ra một đĩa cá kho không ra kho, nấu chẳng ra nấu, một cái bánh mì đen thui và rắn chắc như vũ khí của chàng hiệp sĩ” (Đôn Kihôtê nhà quý tộc tài ba xứ Mantra). Nhà thơ Tố Hữu cũng đã một lần sử dụng lối so sánh này rất đạt trong bài “Kính gửi cụ Nguyễn Du”: Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào Đành như thân gái sóng xao Tiền Đường. Còn gì ý vị hơn khi so sánh tác giả với chính nhân vật mà tác giả đã mang nặng đẻ đau ? Một số nhà văn hiện thực phê phán, trào lộng cũng hay dùng so sánh với mục đích ngoài phép so sánh : nói móc. Hãy xem Nguyễn Công Hoan tả bộ phận “nhạy cảm” nhất của một mệnh phụ :”Mỹ thuật nhất là cái ngực đầy như cái ví của nhà tư bản, chứ không như cái óc của ông Nghị ngay cả trước ngày họp Hội đồng “ (Samandji). Sự phát triển cao nhất của sự so sánh nói móc này có lẽ là lối so sánh ngược (một dạng của phép nghịch ngữ). Ca dao chúng ta có nhiều câu thâm thuý kiểu này : – Thật thà như thể lái trâu Thương nhau như thể nàng dâu mẹ chồng. – Cười như sĩ tử hỏng thi Khóc như cô gái ngày đi lấy chồng. Khi một người Việt bình thường bực bội thốt ra “Đẹp như ma !”, họ không ngờ rằng họ đã vận dụng một phép tu từ. Cuộc sống là sinh động, muôn hình muôn vẻ, mọi sự khái quát về phép so sánh trong sách vở đều không đủ. Đó là chưa kể đến từ phép so sánh sinh ra một loạt các phép tu từ khác như ẩn dụ, nhân hoá, vật hoá, và một phần của phép thậm xưng, nghịch ngữ, phép nói mỉa. Người Đức thường nói :”Mọi sự so sánh đều khập khiễng”. Nhưng một trong những so sánh hay nhất mà con người có thể nghĩ ra được cũng chính là của một người Đức – nhà thơ vĩ đại Gớt :”Mọi lý thuyết đều là màu xám. Còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1- Cù Đình Tú – Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, NXB GD, 1994. 2- Võ Bình – Lê Anh Hiền – Phong cách học –Thực hành tiếng Việt, NXB GD, 1983. 3- Nguyễn Thái Hoà – Dẫn luận phong cách học, NXB GD, 1997. 4- Nguyễn Phan Cảnh – Ngôn ngữ thơ, NXB ĐH &THCN, 1987. 5- Nguyễn Đăng Mạnh – Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, NXB GD, 1994. 6- Trần Đình Sử – Thi pháp thơ Tố Hữu, NXB GD, 1987. 7- Phan Ngọc – Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, NXB Trẻ, 2000. |
Cập nhật ( 28/01/2010 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com