NGÔI NHÀ THÁP VỚI CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC KHMER CỔ
* lp
Từ ngã ba Trà Tim, thành phố Sóc Trăng chạy theo tuyến quốc lộ 1A khoảng 03 km về hướng Bạc Liêu là đến cầu Bưng Cốc, thuộc ấp Bưng Cốc, xã Phú Mỹ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, quẹo phải xuống dốc cầu men theo đường về xã Phú Mỹ chúng ta sẽ gặp ngôi chùa cổ của bà con người Khmer với tên gọi là chùa Trà Tim Cũ. Đến đoạn đường này được che mát bởi 02 hàng cây điệp cổ thụ, chen lẫn hàng tre xanh đung đưa trong gió. Xa xa là những cánh đồng xanh bát ngát, những rẫy bắp trổ mùa bông trắng, đưa hương thơm thoảng thoảng, xen lẫn những cụm hoa dại đua nhau khoe sắc ven đường.
Chạy qua cầu Phú Mỹ 1 rồi qua tiếp đến cầu Bưng Cốc (nhỏ), nhìn bên phải có ao sen, kế bên là một công trình kiến trúc độc đáo, do chính ông Mai Huyên, dùng cả khối óc nghiên cứu qua kinh Phật, tìm hiểu qua sách vỡ và dùng đôi tay cằn cõi – dựng nên. Đó là, công trình kiến trúc Khmer cổ gọi là “ngôi nhà tháp”.
Từ đường bộ, quẹo phải đi qua 01 cái cổng có mái che, là đến ngôi nhà tháp. Cổng được xây dựng vào năm 2000 cùng lúc với việc xây công trình ngôi nhà tháp. Cổng có bề ngang 03 m dài 04 m, mái bằng đổ tấm chắc chắn, phía trước và sau có 08 cột tròn bằng bê tông, hai bên hông có 04 cột tròn. Hoa văn ông Mai Huyên dùng để trang trí là vẽ mô phỏng phần đầu rắn thần Naga xòe cánh quạt, từng phần nối tiếp nhau kéo dài bao quanh cổng; ở giữa trên cùng có khắc tượng Phật Thích Ca ngồi thiền tựa gốc bồ đề và được rắn thần Naga bảo vệ, tay chấp tịnh tâm trước ngực biểu hiện cho sự che chở, tạo nên sự uy nghiêm. Nhìn tổng thể cổng vào có vẻ đơn giản, thanh thóat, mềm mại mà chắc chắn. Bên dưới có 02 băng đá được xây dính với phần vách 02 bên, cao khoảng 0,5 m, ngang 0,5 m, dài 02 m, dành cho người qua đường ngồi dừng chân.
Qua cổng đôi bước, ngôi nhà tháp làm nổi bật hẳn lên khiến người xem bị thu hút từ cái nhìn đầu tiên bởi vách tường bao quanh có 03 màu chủ đạo là màu vàng, vôi và trắng xám. Với diện tích chung của ngôi nhà tháp có khoảng 400 m2, ông Mai Huyên đã dành thời gian suốt 20 năm nghiên cứu, tìm hiểu qua sách vỡ, kinh Phật, đọc được 105 trong 110 quyển sách viết bằng chữ Khmer để dựng nên vô số tượng Phật lớn nhỏ với nhiều họa tiết hình tượng phong phú, màu sắc đa dạng, làm chúng ta liên tưởng đến những ngôi nhà tháp chỉ có trong truyện cổ tích và hiện hữu qua hàng ngàn thế kỷ. Ông kể chúng tôi biết, từ nhỏ Ông được gia đình đưa vào chùa tu và học chữ Khmer trong chùa, được vài tháng Ông về với gia đình, bản thân Ông không rành viết chữ Khmer lắm. Khi trưởng thành Ông qua nước bạn Campuchia và tình cờ mua được quyển sách viết về kinh Phật, Ông về đọc và tìm được cảm hứng, thu hút qua các câu chuyện kể. Từ đó mỗi khi có dịp, Ông và bạn bè sang Camphuchia, Ông đều gửi mua và sưu tầm các loại kinh Phật đem về. Khi đó Ông đã đọc và tuy không hiểu lắm về các nội dung viết trong quyển kinh Phật ấy, nhưng với tấm lòng hướng Phật, Ông đã miệt mài tra khảo từ ngữ, Ông dần hiểu và ngộ dần kinh Phật là điều thiêng liêng đối với Ông và bổn sóc. Ông đọc mãi đến ngày Ông nhận ra nên làm điều gì đó để tưởng nhớ đến công ơn sinh dưỡng của phụ mẫu đã qua đời, và điều quan trọng nhất là phải thực hiện cho được 84.000 lời dạy của Phật phải được thể hiện thành những hình tượng cụ thể. Nhờ lời dạy từ hình tượng đó, với hương khói, tấm lòng thành tâm cầu khẩn của con cháu, mà người đã mất có thể được siêu thoát đi đến miền cực lạc. Chính sự mong muốn đó, một phần Ông cũng muốn để lại cho con cháu đời sau hiểu được ý nghĩa và thực hiện điều đó, Ông đã bắt tay thực hiện ngôi nhà tháp vào năm Ông 63 tuổi.
Tượng Phật bên trong ngôi nhà tháp
Ban đầu khi thực hiện ngôi nhà tháp này, con cháu và xóm giềng cũng qua tiếp cùng Ông xây dựng, nhưng sau thời gian,với sự hiểu biết về kinh Phật, sự tỉ mĩ và chăm chút Ông đã từ chối họ và tự thực hiện chúng để đảm bảo được ý nghĩa và thể hiện đúng với lời dạy của Phật. Từ đó Ông miệt mài bất kể ngày đêm, làm suốt sau khi nghỉ việc đồng áng. Có thể nói Ông Mai Huyên là một nghệ nhân thực thụ, tuy Ông không học qua các nghề vẽ hay điêu khắc. Vậy mà khi Ông bắt tay vào việc xây và đắp tượng Phật đã thổi hồn vào đó nhìn các bức tượng rất sinh động, có biểu cảm không khác gì các nhà điêu khắc chuyên nghiệp. Ông kể để xây dựng ngôi nhà tháp này, mọi người trong phum sóc đã hiểu được ý nghĩa việc Ông Mai Huyên làm là cho gia đình và bổn sóc cùng gửi tro cốt người thân vào đó, nên họ đã góp tiền, góp vật tư cho Ông xây dựng.
Hiện nay, công trình ngôi nhà tháp của ông Mai Huyên đã căn bản hoàn thành, chỉ còn bổ sung một số họa tiết nữa là hoàn chỉnh. Ở ngôi nhà tháp này chúng ta thấy hẳn nét cổ kính của nó bởi phần nóc, ở trên đó có nhiều tượng Phật bốn mặt với tư thế nhìn ra 04 hướng, được dựng lâu nay, có phần phai màu với thời gian, mưa nắng, nhưng các bước tượng vẫn sừng sững uy nghiêm trầm mặt, nhìn ra khắp thế gian.
Nét nổi bật ở phần nóc là có nhiều tượng Phật bốn mặt, tượng trưng cho bốn phẩm chất quý báu của Phật Giáo là Từ, Bi, Hỷ và Xả. Đứng ở chính diện tượng Phật Bốn Mặt trước tiên là Từ, được hiểu là học nghiệp, chức nghiệp, danh tiếng và địa vị, sau đó nhìn theo chiều kim đồng hồ, mặt thứ hai là Bi là chuyên về ái tình, hôn nhân và quan hệ giao tiếp, mặt thứ ba biểu hiện cho Hỷ là về thu nhập và phú quý, mặt thứ tư biểu hiện cho Xả là sức khỏe và tiêu tai giải nạn. Nên khi vào thăm ngôi nhà tháp, ông Mai Huyên bảo chúng tôi đi 07 vòng quanh ngôi nhà tháp theo chiều kim đồng hồ, để hưởng được phúc Phật che chở thoát khỏi nạn kiếp con người. Điều thứ 2 thu hút ở gương mặt tượng Phật bốn Mặt là có gắn nhiều mãnh gương chiếu sáng gồm trên phần trán, cằm, mũi và 2 bên má. Ông bảo, gương soi là vật dụng, khi nhìn vào đó người ta có thể thấy bản thân mình. Do đó gắn gương soi ở mặt Phật là thể hiện sự trong suốt, tiếp dẫn ánh sáng chói chan ban ngày của thần mặt trời, ban đêm tiếp thu ánh sáng của mặt trăng, khi con người nhìn vào gương mặt tượng Phật sẽ thấy được tâm hồn mình soi sáng, mở mang trí óc, thông suốt mọi việc. Điều thứ 3 không kém sự thu hút du khách là trên phần nóc ngôi nhà tháp có nhiều thanh sắt được cắt và hàn gắn lại thành nhiều hình tượng khác nhau.Nhìn chung, các khuôn sắt này đều nhọn lên trên và tua ra ngoài, nó mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong đó, có 01 ý nghĩa hết sức quan trọng là đối với người đã khuất. Ông nói khi người đã mất, phần thể xác còn ở lại nhân gian, như tập quán của người Kinh thì người chết đem đi chôn ở phần đất đã chuẩn bị sẵn, còn người Khmer khi người chết là đem đi thiêu rồi mang tro cốt gửi vào chùa, một số xây tháp tại nhà và mời sư lại tụng kinh cầu siêu cho người đã mất. Riêng ngôi nhà tháp của ông đã luôn có Phật hiện hữu, phần linh hồn sẽ được nghe kinh Phật, được Phật tiếp dẫn đến miền cực lạc, nên vật sắt càng nhọn thì người chết càng sớm thoát khỏi cảnh lưu đài ở trần gian, nhanh chóng được tiếp dẫn sang miền cực lạc.
Ông Mai Huyên – người đã dựng nên ngôi nhà tháp
Chưa hết ngỡ ngàng với các hình tượng Phật được dựng nên ở trên phần nóc, thì thật choáng ngợp khi đi vào bên trong ngôi nhà tháp này. Với một phần diện tích xây dựng cũng khá rộng lớn, nhưng do thiết kế trưng bày bên trong có tất cả là 03 vách, nên ông Mai Huyên chỉ dành mỗi lối đi ngang tầm 0,8 m, ông đã sử dụng tất cả diện tích còn lại tập trung cho việc dựng các tượng Phật, vẽ hoa văn liên hoàn từ phần vách ngoài đến vách trong và ở khu trung tâm, bao gồm phía trên trần, thân và chân tường; Ở mỗi bức, ông bố trí các tượng Phật với nhiều tư thế khác nhau tạo nên những bước tranh tuyệt mỹ, kể về 01 câu chuyện hay 01 lời dạy nào đó của Phật Thích Ca. Từ hình tượng Phật ôm bình bát khất thực, cảnh tượng phật ngồi thiền và nhập niết bàn, cho đến các loại chim thần giang rộng cánh tay chống đỡ mái chánh điện, … Là một người không chuyên sâu nghiên cứu về kinh Phật, nhưng với sự bố trí, sắp xếp các tượng Phật, chúng ta có thể nhận biết, đây là 01 sự sắp xếp có hệ thống, khoa học.
Thắp nén hương ở chính điện xong, chúng tôi bước ra ngoài và đi theo con đường đal rộng khoảng 03 m, vào nhà ông Mai Huyên. Quý khách đi khoảng 50 m là đến cổng nhà Ông và đi tiếp 30 m nữa là tới nhà ông Mai Huyên. Hai lối đi có trồng nhiều cây hoa, kiểng, không gian thoáng đãng, hưởng trọn không khí trong lành mát mẽ. Chúng tôi thấy thật thú vị khi nhìn thấy ngôi nhà Ông hiện ra trước mặt. Một ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc là lạ, vẫn là màu vàng, màu vôi chủ đạo, làm ngôi nhà Ông nổi hẳn lên, cho đến cách bố trí bên trong không gian nhà ở. Phần vách, trên trần nhà có nhiều tranh vẽ các họa tiết trên đó, Ông nói mỗi hình tượng đều có ý nghĩa riêng của nó, chúng tôi được nghe ông kể các câu chuyện thật thú vị gắn với các hình ảnh đó.
Để phục vụ khách đến tham quan nghỉ qua đêm, Ông đã xây 04 phòng riêng biệt, có 02 chiếc giường đá cho khách ngủ theo đoàn. Đặc biệt, nhà Ông còn lưu giữ lại 01 chiếc giường bằng gỗ quý, có khắc hoa văn Khmer độc đáo mà dòng họ nhà ông để lại, quý khách cũng có thể trải nghiệm trên chiếc giường trong thời gian lưu trú tại đây. Nhà Ông có tất cả là ba gian. Gian trước có 01 bàn và 02 chiếc ghế dài bằng gỗ để ngồi tiếp khách, bên trái có 01 giường đá dài khoảng 10 m, ngang 03 m dùng để cho tổ chức lễ, đám phước hay dùng để biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách. Gian giữa nhà dùng để thờ Phật Thích Ca, phía sau là các phòng nghỉ gia đình và cho khách. Gian sau là nhà bếp. Nhà Ông có 02 gian bếp, 01 dùng bằng bếp ga, cái chái bên hông là bếp dùng để chụm củi và rơm. 02 nhà bếp này có thể phục vụ cho khoảng 30 khách/ngày.
Nhà ông Mai Huyên – với nhiều màu sắc nổi bật
Nhà ông Mai Huyên gần như sống tách biệt hẳn với bên ngoài, không gian yên tỉnh và gần gũi với thiên nhiên. Bên hè nhà Ông có cả 01 khu rừng cây cổ thụ, cặp bên là dòng sông yên ả, kế cận là cả một cánh đồng xanh bát ngát, tạo cảm giác yên bình, thanh thản, trong lành của vùng quê.
Với các dấu ấn đặc biệt trên, dù chưa chính thức hoạt động, trong năm 2015 gia đình ông Mai Huyên đã thu hút một số khách đến tham quan. Trong đó, có cả đoàn du khách quốc tế như: Đức, Bỉ, Pháp, Mỹ,… đến tham quan. Có một số khách nước ngoài đã qua đêm tại ngôi nhà của Ông để tận hưởng cảm giác mới lạ của vùng quê đồng bào Khmer và khám phá nét sinh hoạt đời thường, Ông kể rằng: khách quốc tế, họ không yêu cầu gia đình Ông làm gì cho họ, họ chỉ muốn xem mình làm gì, ăn gì trong ngày thôi, họ muốn tham gia tất cả công việc mà gia đình Ông làm. Vì thế Ông và con gái Ông đã hướng dẫn họ đi cắt cỏ cho bò ăn, vắt sữa bò, bẻ bắp, hái rau, câu cá, bơi xuồng, làm cỏ…. rồi về nấu cơm, họ thích các món ăn của bà con Khmer lắm như có chút mắm, nấu canh xiêm lo, đến chiều thì đi thăm hàng xóm và ngắm cảnh làng quê,…
Tiếp xúc với ông Mai Huyên, chúng tôi hình dung được tính chất của người Khmer Nam bộ, hiền hòa, nhiệt tình và chân thật. Đặc biệt, với một trái tim hướng Phật, Ông đã để lại cho con cháu, bổn sóc Ông một công trình kiến trúc đầy thú vị, giống như một quần thể kiến trúc tháp thu nhỏ.
Hy vọng rằng, có sự hỗ trợ của chính quyền, xã, huyện, sự hướng dẫn của ngành du lịch, Ông và gia đình về hoàn chỉnh xây dựng ngôi nhà tháp, để được quảng bá rộng rãi đến các công ty du lịch trong nước và nước ngoài, thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm, tạo nên mô hình du lịch mới của Sóc Trăng.