DỰNG NÊU ĂN TẾT
* Huỳnh Ngọc Trảng
I.
Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trông mau đến Tết, dựng nêu ăn chè.
Tập tục cứ đến bữa trừ tịch (ngày cuối năm) dựng trước cửa nhà một cây nêu và đến ngày ra hạ(mùng 7 tết) lại hạ nêu (bắt đầu công việc làm ăn trở lại) giờ thì như đã xa xưa lắm rồi. Thậm chí câu ca dao trên trong sách vở bây giờ phải chú thích việc “dựng nêu ăn chè” may ra mới hiểu rõ nghĩa. Sách Gia định thành thông chí (thế kỷ XIX) tả cây nêu: “dựng cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo vàng bạc – gọi là lên nêu”. Ở Đàng ngoài, A. de Rhodes, hồi thế kỷ XVII cho biết: “Tục trồng cây nêu vào cuối năm, trồng bên cạnh nhà, cao hơn nóc nhà, trên ngọn buộc một cái thúng hay một cái trắp nhỏ đục nhiều lỗ, bên trong có đựng thoi giấy tiền vàng bạc…
…để cho cha mẹ quá cố, trả nợ vào cuối năm khi cần”. Jean Koffer, trong Description Historique de la Cochinchine cho biết cảnh ăn Tết ở xứ Đàng trong vào thế kỷ XVIII: “Trước phủ chúa cũng như nhà dân đều dựng cây nêu lớn, trên ngọn buộc một chùm lá xanh hay buộc giấy tiền vàng bạc, ít cọng rơm và một cái giỏ để mấy đồng tiền. Những người theo đạo Thiên Chúa cũng được cha đạo cho phép trồng nêu, nhưng không buộc các thứ kể trên”. Cây nêu, đầu thế kỷ XX còn có thể nhìn thấy cụ thể qua tranh khắc của H. Oger (xem hình); tuy nhiên, hình vẽ trong tranh khắc đó có phần khác với những điều miêu tả của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên: “Cây tre tước hết cành, nhưng còn để trên ngọn những cụm lá hoặc buộc vào đó một túm lông gà trống, một mớ lá đa hay vạn niên thanh. Gần đỉnh treo một cái vòng tre, có buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông con và khánh bằng đất nung phát ra âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi. Dưới vòng này buộc một cái mũ thần, những miếng trầu, lá dứa và gai xương rồng. Ở đỉnh còn treo một cái đèn để thắp vào ban đêm. Cây nêu được làm như vậy để chỉ đúng đường cho tổ tiên trở về ăn Tết trong gia đình với những người đang sống. Ánh sáng, gai các cành cây mà nó mang bằng âm thanh của các vật làm bằng đất nung phát ra lúc gió thổi, cây nêu làm ma quỉ sợ hãi, chúng tưởng mình đang đứng trước một vị thần hay một đức Phật. Để chống lại các cô hồn vất vưởng đáng sợ đó, người ta còn buộc vào cây nêu một “tấm phên” gồm 4 nan dọc và 5 nan ngang – thứ bùa nổi tiếng của thầy phù thuỷ.
II.
Nói chung, cây nêu như vậy trong những thế kỷ qua được coi là một tập hợp nhiều thứ bùa chú trấn yểm điều xấu, tà ma trong những ngày Tết và mặt khác là một loại cây “tiêu chí” cho các vong hồn tổ tiên quá vãng biết nơi trở về với con cháu để vui xuân. Cách hiểu đó, được giải thích dựa vào các truyền thuyết suy nguyên mà đại thể là hai truyện: một chịu ảnh hưởng của Đạo giáo và truyện khác là Phật giáo.
Truyện liên quan đến Phật giáo kể rằng: Có con quỉ dữ chiếm hết đất đai, con người phải làm thuê như tá điền lĩnh canh của quỉ mà quỉ thì tham đòi lấy hầu hết hoa màu, nông sản. Nhờ Phật chỉ dẫn, con người giành lại được cái ăn: quỉ đòi ăn ngọn cho gốc – người trồng khoai; quỉ đòi ăn gốc cho ngọn – người cấy lúa; quỉ đòi ăn cả ngọn lẫn gốc – người trồng bắp. Thế là quỉ không cho người làm rẽ đất của nó nữa. Phật dạy người nài nỉ quỉ cho tậu một miếng đất bằng chiếc áo cà sa. Quỉ tham tiền đồng ý. Phật tung chiếc áo cà sa lên đọt tre và làm phép cho cây tre cao vút lên trời: bóng cà sa phủ kín mặt đất. Thế là quỉ không còn một tấc đất để ở, phải ra biển. Chúng nài nỉ ân huệ cuối cùng là được trở về thăm mồ mả tổ tiên vào những ngày Tết. Phật ưng thuận. Do đó, vào dịp Tết người ta trồng nêu để quỉ biết đó là nơi của con người, có Phật bảo hộ: đừng bén mảng đến.
Truyện khác kể rằng: Thuở xưa, có một con Thiên Linh Cẩu, chuyên ăn hồn của người chết. Nó thường xuống trần gian vào dịp đầu năm để đón bắt các vong hồn tổ tiên về ăn Tết. Sau Khương Thượng – một đạo sĩ được coi là giỏi phù phép đã đánh bại con chó trời này và trở thành chủ của nó. Vì Thiên Linh Cẩu nài nỉ, Khương Thượng đã thả nó ra với điều kiện là nó không được hại người dưới sự bảo hộ của ông mà dấu hiệu là lá bùa Thái Cực (bát quái). Đó là lý do giải thích “nội dung” của lá bùa nêu. Trong thực tế, ở Nam bộ, lá bùa này có vẽ cả hình bùa “Tứ tung ngũ hoành”(4 vạch ngang 5 vạch dọc, như cái bờ rào/ giậu để ngăn chận) mà ý nghĩa có lẽ là chỉ cả không gian mặt đất (hay vũ trụ – hiểu theo nghĩa vũ là vạch ngang, tượng trưng cho không gian; trụ là vạch đứng, tượng trưng cho thời gian) và sự chuyển dịch của tiết thứ bốn mùa trong năm với dòng chữ “Nguyên – Hanh – Lợi – Trinh” viết quanh bát quái. Tất nhiên ở đó phải đề hàng chữ: Khương Thái Công tại thư” (Khương Thái Công ở đây)để dọa Thiên Linh Cẩu. Chúng được gọi là bùa nêu. Từ sau cách mạng tháng Tám, tục trồng nêu không phổ biến nữa, bùa nêu được dán ở trước cửa nhà, thậm chí trước cổng chuồng trâu/ bò để bảo vệ cả gia súc. Quá trình lá bùa nêu tách khỏi cây nêu cũng là quá trình nó tích hợp thêm vào đó bùa Ông Cọp, vốn dùng để đốt khi cúng vào dịp lễ Ra Mắt Hành binh Hành khiển của năm mới vào mồng 3 Tết nhằm cầu sức khoẻ cho trẻ con. Cả hai cụm đồ hình Bát quái/ Thái Cực và Ông Cọp được gộp chung cho “tiện lợi”, đã đáp ứng thị hiếu của con người thời cận đại nên cứ vào dịp Tết nhà nào cũng mua về dán trước cửa và theo đó, tập tục trồng nêu ngày Tết được bảo lưu – dưới một dạng khác, đến nay.
III.
Quá trình tiến hoá từ cây nêu đến lá “bùa nêu Ông Cọp” đã làm cho một tập tục văn hoá cổ xưa chí còn lại là lá bùa trấn yểm. Điều này đã khiến cho việc tìm hiểu cội nguồn của cây nêu bị khuất lấp vào cõi mịt mù khó bề truy cứu.
1.- Nêu, thông thường hiểu là đưa ra, làm nổi bật lên cho mọi người thấy; cụ thể là cắm cây cao để lên làm dấu hiệu – nói nôm na là “bẹo cho người ta ngó thấy” (Đại Nam quốc âm tự vị, Tome II, tr 78). Như vạy, nguyên uỷ cây nêu là cây dùng để bẹo lên những gì cần cho người ta thấy cho rõ. Những gì được nêu/ bẹo lên ở đó trong môi trường nghi lễ đều biểu thị một ý nghĩa nhất định phản ảnh cách nhìn nhận nào đó về tồn tại khách quan – nói rộng hơn là thế giới. Bản thân cái cây dùng ở đây là cái cây thiêng, tự nó biểu trưng cho sự sống, sự tiến hóa; và những vật “nêu” trên đó hẳn là những gì thuộc về thế giới thiêng liêng. Tác giả sách Gia Định thành thông chí ghi lại rằng việc trồng cây nêu là “không rõ nguồn gốc từ đâu, mà có thuyết nói là chia ra ba giới thống trị, ấy là thuyết hoang đường không nên tin” (tập hạ, tr 7). Thực ra, quan sát cây nêu các dân tộc ít người, đặc biệt là các dân tộc Tây Nguyên (Ba Na, Gia Rai, Raglai, Mạ…) chúng ta thấy cái “ thuyết hoang đường” nói trên là quan niệm xác thực. Ở cây nêu của người Mạ chẳng hạn, chia ra 3 phần: 1) dưới gốc; 2) giữa cây (nơi làm một bàn thờ vong hồn tổ tiên và 3) trên cao (một bàn thờ khác thờ các thần linh). Cây nêu là một sự nối kết ba cõi thiên – địa – nhân – nói như quan niệm Tam Tài. Nói tắt là, cây nêu thoạt tiên là một thứ “bàn thờ ngoài trời” mà trong chừng mực nào đó có chức năng như cái bàn thiên thờ Trời – Đất hiện rất phổ biến ở Trung Nam. Có điều nó được thiết lập vào dịp lễ hội mùa gắn với chu kỳ sản xuất nông nghiệp cổ xưa chứ chưa được cố định kiên cố như sau này. Ở đây, “nêu” có nghĩa là bày biện bàn thờ với các đối tượng thờ tự của cuộc lễ: gồm trên ngọn cây là bó lúa (rơm rạ tượng trưng cho thần Hồn Lúa) kế đó là các nhiên thần (Mặt Trời, Trăng, Sao…) rồi các vong hồn tổ tiên và dưới đất là con người, muông thú với rượu cần, với các con vật hiến tế (trâu, dê, gà…). Một số địa phương ở Hà Tĩnh còn bảo lưu tục dùng cây lau làm cây nêu thuyền, dài độ một sãi tay. Đó là dấu vết của tục lệ ăn Tết vào mùa thu (mùa lau trổ bông) thời xa xưa của dân Việt, mà ta thấy trên hình khắc của trống đồng.
2.- Đến đây cũng cần lưu ý đến biểu trưng khác của cây nêu là tính tiêu chí, tức lấy đó làm trung tâm vì nhờ việc nó đã thiết lập những quan hệ giữa trời và đất. Chính vì vậy cây nêu được thiết lập tự nó có ý nghĩa biểu trưng cho trục củathế giới: chung quanh đó diễn ra những cuộc xoay vần của tạo hoá, liên kết các trạng thái có thứ bậc vào một trung tâm chung. Điều này đã giải thích việc các thành viên của cộng đồng cùng nhau đảm nhận chức năng thực hành nghi lễ: nhảy múa, gõ chiêng đánh trống, hát các bài ca nghi lễ khi… cùng nhau di chuyển thành vòng tròn quanh cây nêu, theo chiều quay biểu kiến của mặt trời, quanh cái trục của thế giới. Đối với Phật giáo, cái trục đó là núi Tu di/ Thái Sơn và được biện sự là chính điện (Đại hùng bưu điện) của chùa; theo đó, đường thẳng xuyên qua “vô kiến đỉnh tướng” của tượng Phật TrungTôn được giả định là trục vũ trụ. Đó là chùa theo kiến trúc điện đường. Còn nếu là tháp thì bản thân tháp/ stupa là trục vũ trụ, với đỉnh có nhiều lọng – biểu thị là các tầng trời. (thường thấy ở Phật giáo tiểu thừa). Các tăng sĩ hành lễ chạy kinh đàm quanh chính điện hay tín đồ hành lễ bằng cách đi quanh tháp/ chính điện 3 vòng cũng có ý nghĩa là chuyển động theo qui luật chuyển dịch của tạo hoá/ vũ trụ. Do đó, không phải tự nhiên vô cớ mà cây nêu được tích hợp vào câu truyện kể mang tính chất Phật thoại như đã nêu trên.
Câu chuyện suy nguyên của cây nêu là câu chuyện dài, còn câu chuyện cây nêu được tích hợp các tín lý của các tôn giáo – tín ngưỡng khác là câu chuyện dài hơn. Ở báo xuân này, chúng tôi nói về cây nêu bằng cái nhìn truy cứu về nguồn gốc của nó vốn là vật để bố trí một hệ thống thần linh của cộng đồng có chức năng như cái bàn thờ/ điện thờ được thiết lập ở sân lễ để các thành viên của cộng đồng thực hành nghi lễ cúng bái: trên cùng là vị thần chúa tể của cộng đồng (Mặt Trời hay thần Lúa); kế đó, là tập hợp thần tự nhiên và dưới cùng là vong hồn tổ tiên. Theo lịch sử, các đối tượng thờ tự khác nhau đã càng lúc càng phân biệt, tách ra thờ ở những nơi thờ tự khác trong nhà và cây nêu còn được bảo lưu đây đó với các dạng khác: cây hương ở các chùa, đình miền Bắc, là cái bàn thiên thờ Trời – Đất – Ngũ phương ở miền Trung, miền Nam. Và tư cách hiểu này, chúng ta có thể đưa ra nhận định rằng hình khắc trang trí trên trống đồng là bức “bình đồ” cảnh lễ hội mừng năm mới của cộng đồng người Việt. Mặt trời ở trung tâm là đối tượng chính. Đó là Ông Trời/ Yàng Trời mà ở cây nêu là nhúm lông ga: gà là biểu tượng cho mặt trời, gà gáy mặt trời mọc. Các vòng tròn đồng tâm khác là thiên nhiên (chim, hươu…) cùng với cảnh người sinh hoạt, đánh trống, thổi khèn và nhảy múa “quay tròn” quanh trục trung tâm.
Nói chung, cây là biểu tượng đa nghĩa, nhưng đều tập hợp chung quanh ý niệm vũ trụ sống: tiến hoá liên tục, vươn lên về phía trên và gợi ra hàm nghĩa biểu trưng về chiều thẳng đứng. Nó giao tiếp ba cấp bậc của vũ trụ: rễ (đất), mặt đất (muôn loài) và cành ngọn (trời). Nói cách khác đây là sự liên hệ Đất và Trời, đích xác là trung tâm trần gian và trung tâm thiên gian. Trục như vậy là con đường thẳng đứng của những sinh linh đi từ cõi vô hình sang cõi hữu hình, nhờ đó mà tổ tiên của họ, vào thời điểm linh hiển có thể leo lên mặt đất dưới ánh thái dương chiếu rọi của chúng ta. Ở đây cây nêu làm bằng cây tre (hay loại cây có đốt: lau, mía…) được hiểu là cái thang, mỗi đốt là một bậc thang. Còn nếu làm bằng loại cây không có đốt thì phải khắc vạch, vẽ màu, gắn vật trang trí để chia thành tầng bậc.