PHÁT TRIỂN ĐẠO PHÁP THEO TIÊU CHÍ ĐOÀN KẾT -TUÂN THỦ HIẾN CHƯƠNG GHPGVN VÀ PHÁP LUẬT NHÀ NƯỚC
* Thượng tọa Danh Thiệp
Đoàn Đại biểu Phật giáo Nam tông Khmer tỉnh An Giang
Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển vùng đất An Giang, Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer đã cùng các Hệ phái Phật giáo Việt Nam và nhân dân trong tỉnh chung sức chung lòng chăm lo sự nghiệp dân giàu nước mạnh. Đặc biệt là trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Dân tộc, nhiều chùa, Sư sãi và đồng bào Khmer đã có rất nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc giải phóng quê hương, thống nhất tổ quốc.
Đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh An Giang có khoảng trên 90.000 người, tập trung ở 5 huyện: Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú, Thoại Sơn, Châu Thành. Bà con dân tộc Khmer chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp, chăn nuôi, một số ít sinh sống bằng nghề tiểu thủ công nghiệp và mua bán nhỏ. Hầu hết đồng bào Khmer đều khẳng định Phật giáo Nam tông Khmer là đạo truyền thống Nam truyền của dân tộc Khmer, là một trong những Hệ phái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hiện nay tại An Giang có 65 chùa của hai Hệ phái: Mahahi Kay và Thom Mặc Dut (Hệ phái Mahahi Kay có 46 chùa, Hệ phái Thom Mặc Dut có 19 chùa); chư Tăng Nam tông Khmer có 580 vị, trong đó có 05 Hòa thượng, 08 Thượng tọa, 30 Đại đức. Do đó, chùa và Sư sãi luôn là điểm tựa tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer. Có thể nói, trong lịch sử tồn tại và phát triển Phật giáo Nam tông Khmer tại An Giang, mọi hoạt động Phật sự, chư Tôn đức Nam tông Khmer, đồng bào dân tộc Khmer đều noi gương chư vị tiền bối là phát triển Phật giáo Nam tông Khmer luôn đồng hành với tổ quốc và dân tộc Việt Nam, luôn làm “tốt đạo – đẹp đời”, tuân thủ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Pháp luật Nhà nước. <?xml:namespace prefix = o ns = “urn:schemas-microsoft-com:office:office”>
Sau khi hòa bình lập lại – 1975, nhất là khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức được thành lập – 1981, các chùa, Sư sãi, đồng bào Khmer tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, thương dân, giữ gìn và phát huy đặc thù văn hóa Khmer trong đại gia đình các dân tộc tại quê hương An Giang. Từ đó đã góp phần làm cho An Giang luôn ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội không ngừng phát triển và các thành viên trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn là những nhân tố tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đã thực hiện hữu hiệu phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội” và tiêu chí “Nước hưng – Đạo thịnh” trên địa bàn tỉnh An Giang.
Từ ngày đất nước được thống nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer tỉnh An Giang luôn được Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang, Đảng và Nhà nước các cấp quan tâm hỗ trợ về mọi. Nhất là từ sau Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ nhất tại Sóc Trăng và lần thứ 2 tại Cần Thơ đến nay, với sự quan tâm của các cấp Giáo hội, của Đảng và Nhà nước, mọi hoạt động Phật sự của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer đều thành tựu viên mãn.
Các hoạt động đã thành tựu trên cơ sở triển khai thực hiên Nghị quyết của Trung ương Giáo hội tại Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ I tại Sóc Trăng và lần thứ 2 tại Cần Thơ.
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Giáo hội và kết luận 14 điểm của Hội nghị Sơ kết thực hiện Nghị quyết của Trung ương Giáo hội về công tác hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer được tổ chức tại huyện Thoại Sơn vào năm 2005, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang đã tích cực thực hiện công tác hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer đạt kết quả như sau:
1. Khắc con dấu chùa: Ban Trị sự và Nhà nước tỉnh An Giang đã hỗ trợ tích cực trong việc khắc con dấu cho chùa Khmer và đã hoàn tất việc khắc con dấu 64/65 chùa Khmer, còn lại một chùa chưa khắc do chưa có Trụ trì. Việc khắc con dấu tròn cho các chùa đã tạo điều kiện tốt nhất cho các chùa Khmer thực hiện các hoạt động Phật sự theo quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt <?xml:namespace prefix = st1 ns = “urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags”> Nam và Pháp luật Nhà nước.
2. Bổ nhiệm trụ trì và công nhận Ban Quản trị chùa:
– Bổ nhiệm Trụ trì: Thực hiện nghị quyết của Trung ương Giáo hội về hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer, Ban Trị sự đã tiến hành bổ nhiệm trụ trì cho 64/65 chùa, một chùa chưa bổ nhiệm do chưa có Sãi cả.
– Công nhận Ban Quản trị: Trên cơ sở thống nhất của chư Tôn đức Trụ trì, Ban Trị đã tiến hành công nhận 60/65 Ban Quản trị chùa. Các chùa chưa có Ban Quản trị do chưa thống nhất về nhân sự của Ban Quản trị, Ban Trị sự đang tiếp tục thực hiện việc công nhận Ban Quản trị.
Nhìn chung công tác bổ nhiệm Trụ trì và công nhận Ban Quản trị đã giúp cho quý Sãi cả Trụ trì thực hiện chức năng, nhiệm vụ của trụ trì đạt hiệu quả cao nhất cũng như Ban Quản trị làm tốt chức năng giúp việc cho Sãi cả trụ trì thực hiện các Phật sự theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Pháp luật nhà nước.
3. Cấp giấy chứng nhận Tu sĩ: Ban Trị sự đã đề nghị Trung ương Giáo hội cấp được 150 giấy chứng nhận Tu sĩ cho sư sãi trong tỉnh và đang tiếp tục đề nghị Trung ương Giáo hội cấp tiếp tục.
4. Thành lập Trường lớp: Để đào tạo Tăng tài cho Giáo hội, Ban Trị sự đã thành lập Trường Trung cấp Phật học áp dụng chung cho Phật giáo Nam tông khmer và Phật giáo Bắc tông. Phật giáo Nam tông khmer có 3 điểm trường: chùa Thom Mắc Ní Mít – xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên; chùa Sà Lôn – xã Lương Phi, huyện Tri Tôn; chùa Kal Bô Prức – thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn và được giảng dạy theo chương trình đúng với truyền thống Phật giáo Nam tông Khmer. 03 điểm trường hiện có 89 chư Tăng theo học. Ngoài ra, Ban Trị sự và Hệ phái đã giới thiệu 62 chư Tăng theo học bổ túc văn hóa và Pali tại tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Trà Vinh và Học viện Phật giáo Nam tông khmer tại thành phố Cần Thơ.
5. Tấn phong Giáo phẩm: Việc tấn phong Giáo phẩm của Hệ phái Phật giáo Nam tông khmer tại An Giang luôn được Ban Trị sự quan tâm và đề nghị Trung ương Giáo tấn phong chư Tôn đức lên hàng Giáo phẩm theo đề nghị của Hệ phái.
6. Trùng tu, tôn tạo: Công tác này luôn được Ban Trị sự và Nhà nước đặc biệt quan tâm hỗ trợ.
7. Xây lò hỏa táng: Công tác này cũng đang được Ban Trị sự và Nhà nước quan tâm và đang được xúc tiến.
8. Tuyên dương công đức: Vấn đề này đã được Ban Trị sự đặc biệt quan tâm, nên nhiều chư Tôn đức nhận được Bằng Tuyên dương công đức, Bằng công đức của Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự đã đề nghị tặng nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước.
9. Công nhận chùa có công với cách mạng: Vấn đề này đang được Cơ quan Nhà nước quan tâm thực hiện.
10. Cấp quyền sử dụng đất: Cơ quan chức năng Nhà nước đã quan tâm và tích cực giải quyết, cơ bản đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Sư sãi.
11. Giới thiệu nhân sự tham gia các cấp Giáo hội: Thực hiện nghị quyết của Trung ương Giáo hội về việc hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer, trên cơ sở giới thiệu của Ban Trị sự, có 02 Hòa thượng được suy tôn vào Hội đồng Chứng minh, 03 Thượng tọa được suy cử vào Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 01 Hòa thượng tham gia Phó Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, 01 Thượng tọa làm Phó Ban Nghi lễ Trung ương, 01 Thượng tọa làm Phó ban Từ thiện Xã hội Trung ương Giáo hội. Riêng tại An Giang có 04 chư Tôn đức đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng Ban Trị sự, các Ban Đại diện Phật giáo cấp huyện và các Ban Ngành Tỉnh hội đều có chư Tôn đức Phật giáo Nam tông Khmer tham gia với vai trò là Chánh hoặc Phó Đại diện, Phó ban các Ban ngành Tỉnh hội.
12. Nhập Đại Tạng kinh và kinh sách: Được sự quan tâm của Trung ương Giáo hội, Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban Trị sự, rất nhiều chùa được phép nhập Đại Tạng Kinh bằng tiếng Khmer từ Vương quốc Campuchia đã kịp thời đáp ứng nhu cầu của các chùa và Sư sãi. Nhất là kinh sách để đọc tụng, nghiên cứu, học tập của Sư sãi và đồng bào, năm 2005 nhận được 3 đầu sách với số lượng 360 quyển, năm 2006 nhận 4 đầu sách với số lượng 7.040 quyển. Qua việc nhập Đại Tạng Kinh và nhận kinh sách đã đáp ứng phần lớn về nhu cầu đọc tụng, nghiên cứu, học tập của Sư sãi, đồng bào Phật tử, tạo nên sự phấn khởi và tin tưởng tuyệt đối vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chính sách Tôn giáo của Đảng và Nhà nước của toàn thể Sư sãi, đồng bào dân tộc Khmer.
13. Tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện nghị quyết của Trung ương Giáo hội tại sóc Trăng: Ban Trị sự đã tổ chức Hội nghị Sơ kết để đúc công tác hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer. Tại Hội nghị, nhiều đề suất của chư Tôn đức, quý Sư sãi đã và đang được Ban Trị sự, Đảng và Nhà nước các cấp tại An Giang từng bước giải quyết, nhiều vấn đề đang được xúc tiến giải quyết.
14. Thắt chặt đoàn kết các Hệ phái: Vào các ngày lễ truyền thống của Hệ phái và dân tộc Khmer như Cholnăm Thmây, Oóc Om boóc, Dol Ta v.v…, Ban Trị sự đều đến thăm viếng và tặng hoa, quà chúc mừng. Nhất là Đảng và Nhà nước cũng đến thăm viếng, chúc mừng.
Nhìn chung, với sự quan tâm của các cấp Giáo hội, của Đảng và Nhà nước các cấp, mọi hoạt động Phật sự của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer tại An Giang đều thành tựu tốt đẹp. Để đáp lại sự quan tâm của Giáo hội, của Đảng và Nhà nước, chư Tôn đức, Sư sãi, đồng bào Khmer đã thể hiện quyết tâm khi thực hiện các Phật sự đều dựa trên nền tảng “Phát triển Đạo pháp theo tiêu chí đoàn kết, tuân thủ Hiến chương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam và Pháp luật Nhà nước”. Nói cách khác, trong thời gian qua, chư Tôn đức, Sư sãi, đồng bào Khmer khi thực hiện các Phật sự đều phát huy truyền thống đoàn kết Hệ phái trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết đạo đời để chăm lo và phát triển đạo pháp trong lòng dân tộc, đồng thời tuân thủ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Pháp luật Nhà nước đã tạo thành nét đẹp văn hóa trong việc tuân thủ nguyên tắc của tổ chức, gương mẫu chấp hành Pháp luật của công dân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ trong tu học, sinh hoạt tôn giáo theo quy định.
Nhân Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ 3, Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer tại An Giang kính trình lên Trung ương Giáo hội, Đảng và Nhà nước đôi điều kiến nghị:
1. Việc cấp quyền sử dụng đất cho các chùa Khmer đã được Nhà nước thực hiện, nhưng tiến độ thực hiện còn tương đối chậm. Kính đề nghị Nhà nước sớm hoàn thành việc cấp quyền sử dụng đất cho các chùa Khmer.
2. Theo truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer, việc xây lò hỏa táng tại chùa nhằm phục vụ nhu cầu của đồng bào Khmer, nhưng kinh phí của chùa không thể xây dựng được. Kính đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng lò hỏa táng cho các chùa nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống.
3. Dàn nhạc Ngũ âm là loại hình văn hóa phi vật thể của dân tộc Khmer, do điều kiện về thời gian và kinh phí, nên nhiều dàn nhạc Ngũ âm bị hư chưa thể mua sắm lại được và nhiều chùa cũng không có kinh phí sắm dàn nhạc Ngũ âm để phục vụ vào các dịp lễ, tết của dân tộc Khmer. Kính đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các chùa có dàn nhạc Ngũ âm nhưng bị hư được mua sắm lại dàn nhạc Ngũ âm và chùa chưa có thì hỗ trợ kinh phí để được mua sắm dàn nhạc Ngũ âm.
4. Đối với các chùa chưa có Đại Tạng Kinh, kính đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các chùa để nhập Đại Tạng kinh bằng tiếng khmer từ Vương quốc Campuchia.
5. Việc đào tạo nguồn nhân lực kế thừa là rất cần thiết, kính đề nghị hỗ trợ kinh phí về ăn ở cho Sư sãi đang theo học các Trường lớp trong nước cũng như hỗ trợ kinh phí cho Sư sãi được gởi đi đào tạo ở nước ngoài.
6. Việc cấp giấy Chứng nhận Tu sĩ và chứng điệp thọ giới đã được Giáo hội quan tâm, nhưng việc thực hiện chưa đồng bộ và còn tương đối chậm. Kính đề nghị Trung ương Giáo hội có chỉ đạo cho các Ban Trị sự Tỉnh, Thành Phật giáo xúc tiến khẩn trương các thủ tục để việc cấp giấy được tổ chức đồng bộ và được thực hiện trong thời gian sớm nhất. Nhất là việc thu lệ phí, kính đề nghị Trung ương cấp miễn phí cho Sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer.
Phật giáo Nam tông Khmer với những đặc thù văn hóa luôn được các cấp Giáo hội, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm để các Hệ phái trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều được phát triển, các dân tộc đều được hưởng những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Những ý kiến trình bày trong tham luận đã nói lên sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp Giáo hội, của Đảng và Nhà nước các cấp đối với Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer. Những phần trình bày và đề nghị trong tham luận là ý kiến chủ quan, không sao tránh khỏi những điều chưa thực sự phù hợp, kính mong chư Tôn đức và quý Đại biểu hoan hỷ và lượng thứ.
Thay mặt Hệ phái Nam tông Khmer tỉnh An Giang, chúng xin chân thành tri ân Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban ngành các cấp đã giúp đỡ tận tình cho các hoạt động Phật sự của Phật giáo Nam tông Khmer được thành tựu mỹ mãn và phát triển theo sự phát triển toàn diện của Giáo hội và đất nước.
Ngưỡng nguyện hồng ân Đức Phật gia hộ cho tất cả các thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam đầy đủ thắng duyên, đầy đủ sự gia trì để làm cho Đạo pháp được xương minh, Tổ quốc phồn vinh thịnh vượng.
Trước khi dứt lời, một lần nữa thay mặt Ban Trị sự, Chư tôn Giáo phẩm, Sư sãi, đồng bào Khmer tỉnh An Giang kính chúc Chư tôn giáo phẩm, chư Tôn đức, quý Đại biểu hưởng trọn vẹn 5 pháp của Đức Phật: sống lâu, sức khỏe, sắc đẹp, trí huệ và an vui; kính chúc Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ 3 thành công tốt đẹp.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cập nhật ( 15/10/2008 )