TƯNG BỪNG LỄ HỘI QUÁN ÂM NAM HẢI TẠI QUÁN ÂM PHẬT ĐÀI BẠC LIÊU
*Tĩnh Toàn
Vào các ngày 22, 23, 24 tháng 3 âm lịch (5, 6, 7/5) Lễ hội Quán Âm Nam Hải đã được tổ chức hoành tráng tại Quán Âm Phật Đài Bạc Liêu. Tối ngày 5/5, cộ hoa rước lễ của các đơn vị thị xã Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi, huyện Hòa Bình xuất phát từ chùa Long Phước trụ sở Ban Trị sự Tỉnh hội nhiễu hành trên các trục lộ chính của thị xã về Quán Âm Phật Đài với sức thu hút lớn bởi các cộ hoa được trang trí rất đẹp với hình Ngài Quán thế Âm, đặt biệt có hóa trang Bồ Tát với hai thị giả đứng hầu rất uy nghi thanh thoát đã làm cho thị xã Bạc Liêu sôi trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết, người hâm mộ mỗi lúc một đông cùng đoàn đi qua có băng rol biểu ngữ và cờ Phật giáo trang nghiêm – Đúng là Bạc Liêu đang trong mùa hội lớn. Tại Quán Âm Phật Đài đêm nay, Thượng tọa Tiến sĩ Thích Nhựt Từ với bài thuyết pháp về hạnh nguyện lợi tha của Ngài Quán Thế Âm đã thu hút trên ba ngàn lượt người tham dự. Lời thuyết trầm hùng đi từ những sự việc thực tế trong đời thường đã dẫn dắt tất cả đến với Ngài Quán Thế Âm bằng sự kính tin và ngưỡng mộ, học và làm theo hạnh nguyện độ tha của Ngài từ những cái rất thường trong đời sống thường nhật, ứng xử đối đãi để sống và làm việc theo lời dạy của Ngài Quán Thế Âm, thương mình, thương người thương tất cả; lo đền đáp Tam bảo, đất nước, đồng bào, ông bà cha mẹ đã giúp cho mọi người trở về trạng thái tỉnh thức để thực hành chánh niệm…
Đêm nay, lại có chương trình văn nghệ đặc biệt với những bài ca Phật giáo mà chủ đề hướng về Bồ Tát do các nghệ sĩ Phật giáo trình bày, những vũ khúc của mẫu giáo Tâm Tâm, những vũ khúc của đờn ca tài tử kéo dài đến nữa đêm và người đến xem mỗi lúc một đông hơn – phiên chợ xưa được tái hiện qua hình ảnh các cô gái mặc áo tứ thân bán nước vối, các cô gái với trang phục truyền thống miền quê Nam bộ với gánh hàng rong bán xôi gấc, bánh tầm… có một hàng chè xanh, một khu văn hóa ẩm thực chay được nhiều người đến thưởng thức, một tụ điểm chụp ảnh xưa trắng đen với hệ thống máy chụp từ hơn 60 năm trước. Lại có bàn viết thư pháp và liễn chữ Hán – Đặ biệt khu trưng bày triển lãm hơn 80 bức ảnh hoạt động Phật sự của Phật giáo Bạc Liêu được nhiều lượt người đến xem.
Sáng ngày 6/5 Lễ hội Quán Âm Nam Hải Bạc Liêu được chính thức khai mạc, dự lễ có Hòa thượng Lý SaMuoth, Đại Đức Thích Minh Lành Phó trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự, Trưởng Ban Quản trị Quán Âm Phật Đài Kiêm Trưởng Ban Tổ chức lễ hội, Chư tôn đức trong Ban Thường trực Ban Trị sự, Chính quyền có ông Quản Trọng Ninh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu; ông Nguyễn Chí Thiện, Phó giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Tạ Hoàng Nhiệm, Phó giám đốc Sở Nội vụ; bà Lê Hồng Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thị xã Bạc Liêu và nhiều lãnh đạo các Sở Ban ngành cấp tỉnh, thị xã phân công chính quyền địa phương sở tại. Đại đức Thích Minh Lành đã đọc diễn văn khai mạc lễ hội, trong đó có lời cảm ơn đến chư tôn đức tăng ni, các vị mạnh thường quân và đồng bào Phật tử đóng góp cho công tác xây dựng công trình Quán Âm Phật Đài; đặc biệt lãnh đạo Đảng, Chính quyền đã có sự hỗ trợ tích cực tạo mọi điều kiện giúp đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Đại đức cũng cho biết đã bổ sung vào sơ đồ quy hoạch tổng thể khu vực Quán Âm Phật Đài với hơn 20 trang mục công trình trên mặt bằng 10 hecta đang chờ UBND tỉnh phê duyệt. Nếu được chấp thuận của UBND tỉnh và sau thời gian thi công hoàn thành thì Quán Âm Phật Đài Bạc Liêu sẽ trở thành khu du lịch tâm linh tầm cở của Đồng bằng sông Cửu Long. Tại buổi lễ khai mạc, bà Lê Hồng Thu đã có bài phát biểu rất hay, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo chính quyền và phát triển khu du lịch tâm linh Quán Âm Phật Đài là biểu tượng sức sống văn hóa của đồng bào khu vực và cũng là bộ mặt Văn hóa của tỉnh nhà. Nơi truyền tải đạo đức Phật giáo đi muôn phương và có sức thu hút, mãnh liệt cho đồng bào du khách từ mọi nơi đến với Bạc Liêu, họ sẽ hiểu được Bạc Liêu qua biểu tượng văn hóa Phật giáo tồn tại và phát triển trong lòng dân tộc. Bà cũng hứa hẹn sẽ tiếp tục hỗ trợ cho công trình Quán Âm Phật Đài sớm hoàn thành.
Buổi lễ có lân sư rồng trước diễn với hàng vạn đồng bào Phật tử tham dự và hóa trang Bồ tát Quán Thế Âm lại xuất hiện như đem an lạc hạnh phúc cho những ai có tâm nghĩ tưởng đến Ngài…
Lễ hội Quán Âm Nam Hải lần nầy có sự tham gia của các hệ phái – Phật giáo người Hoa thực hiện các thời khóa tụng niệm, Phật giáo Nam tông Khmer có tổ chức một điểm sinh hoạt tín ngưỡng lễ bái cúng dường trang nghiêm. Các đạo tràng tại tự viện trong tỉnh luân phiên tụng niệm sau phần khai đàn lễ hội vào 8 giờ sáng ngày 5/5 do Đại đức Thích Huệ Thuận, Trưởng Ban Nghi lễ chủ trì. Đêm 6/5 lại có chương trình thuyết pháp do Đại đức Tiến sĩ Thích Phước Chí phụ trách, Đại đức nói về công hạnh Đức Quán Thế Âm Bồ tát, hình tượng Bồ tát trong tâm tưởng của người dân Việt Nam, dân dã chơn chất và hiện hữu khắp nơi nơi trong cộng đồng, công hạnh của Ngài đã thể hiện ra sao và được mỗi người chúng ta tiếp nhận như thế nào để từ đó hình ảnh tuyệt vời của Ngài mãi hiện diện trong tâm thức mình khi cảm nhận rằng Bồ tát đang ngự trị trong ta. Lễ hội kéo dài trong 3 ngày và được kết thúc với khóa lễ cầu siêu do Đại đức Thích Huệ Thuận thực hiện vào đêm 7/5 – càng về khuya, khách thập phương vẫn còn đông, họ tiếp tục chiêm ngưỡng lễ lạy Bồ tát Quán Thế Âm và chắc hẳn sẽ trở lại với tin tưởng vô biên nơi thiền lực độ tha của Ngài.
Cũng trong dịp lễ hội, chúng tôi được tiếp xúc với Đại đức Thích Minh Lành, Đại đức cho biết sơ đồ qui hoạch tổng thể đã hoàn chỉnh, các bảng vẽ thiết kế được sáng tạo rất phong phú với những nét mới đặc trưng cho Bạc Liêu, gần một năm nhậm chức Trưởng Ban Quản trị ở đây, Đại đức đã san lấp mặt bằng, thực hiện đường tráng nhựa, lát gạch sân lễ, xây cất khu vực cho các ban ngành Giáo hội kinh doanh phục vụ, tiếp tục thực hiện một số hạng mục còn dang dở hiện đang tập kết cây xanh. Chờ thời tiết thuận lợi sẽ gieo trồng. Đại đức trãi lòng cho chúng tôi biết thầy vừa thực hiện các hạng mục công trình mới vừa trả nợ cũ hơn 4 tỉ đồng công trình 32 tượng hóa thân Bồ tát trước đây dự trù kinh phí là 25 triệu cho mỗi tượng. Phật tử cúng dường đã lâu nhưng hôm nay mới có mặt bằng để thực hiện thì kinh phí phải trên 50 triệu do trượt giá. Đại đức cho biết công trình hiện còn nợ nhà nước 2,5 tỉ đồng, thầy đang có kế hoạch trả dần để còn đề nghị xin tạm ứng với ngân sách thêm và xin kêu gọi đồng bào Phật tử khắp nơi tiếp tục ủng hộ cho công trình sớm hoàn thành.
Cập nhật ( 10/05/2010 )