TƯ TƯỞNG LIỆT TỬ XUNG HƯ CHÍ ĐỨC CHÂN KINH QUA CHỮ "ĐẠO" * Dương Tuấn Anh 1. Sách Liệt tử Xung hư chí đức chân kinh (gọi tắt là Liệt tử) là một trong tam đại kinh Đạo học (gồm Lão tử Đạo đức kinh, Trang tử Nam hoa kinh và Liệt tử Xung hư chí đức chân kinh) được hậu nhân xưng tụng, nhất là các đệ tử của Đạo gia. Sách gồm 8 thiên, trên ba vạn chữ, phần lớn được viết dưới hình thức ngụ ngôn (tương tự như Trang tử). Về tác giả: nhân vật Liệt Ngự Khấu (được cho là tác giả của sách này, nên tên sách mới có hai chữ Liệt tử) là ai vẫn còn là một bí ẩn của lịch sử. Có ý kiến phỏng đoán Liệt Ngự Khấu sống ước trong khoảng trước sau đời vua Chu Noãn Vương (thế kỉ IV TCN), người nước Trịnh. Có ý kiến lại cho rằng ông ta không hề là người có thật, chỉ là nhân vật ngụ ngôn trong sách của Trang tử; tác phẩm này là một nguỵ tác của Vương Bật, viết trong khoảng đời Nguỵ, Tấn. Về tác phẩm: mãi tới năm Thiên Bảo nguyên niên (742), Đường Huyền Tông mới có sắc phong Liệt tử là Xung hư chân nhân và tôn sách của ông là Xung hư chân kinh. Năm Cảnh Đức thứ tư (1007), Tống Chân Tông lại phong thêm hai chữ chí đức thành Xung hư chí đức chân kinh, đặt nó ngang hàng với nhiều tác phẩm kinh điển hàng đầu khác của Đạo giáo. Cho dù còn nhiều khúc mắc về tác giả cũng như sự ra đời của tác phẩm nhưng Liệt tử vẫn là cuốn sách được đánh giá rất cao cả về giá trị nghệ thuật lẫn nội dung tư tưởng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chủ yếu quan tâm tới những biểu hiện tư tưởng được thể hiện trong tác phẩm qua một chữ, cũng là một thuật ngữ đóng vai trò then chốt trong tư tưởng Đạo học – chữ “đạo”. 2. Quan tâm tới tư tưởng của Đạo học không thể không nắm cho chính xác cách hiểu thế nào là “đạo”. Thế nên khi tiếp cận những tác phẩm thể hiện tư tưởng Đạo học, người ta thường quan tâm xem chữ “đạo” có nghĩa gì trong những văn cảnh cụ thể. Điều này đã từng được tiến hành với các tác phẩm Lão tử đạo đức kinh và Trang tử Tựu chung lại, có thể nhận xét: Chữ “đạo” trong Lão tử Đạo đức kinh và Trang tử Nam hoa kinh mang ý nghĩa triết học, xã hội học, chính trị học chứ tuyệt nhiên không mang màu sắc tôn giáo, mê tín, vu thuật. Ngay cả khi dùng chữ “đạo” với tư cách như một khái niệm gắn với vấn đề đạo đức thì nó vẫn có một sự phân biệt với cách dùng “đạo” trong học thuyết của Khổng môn. 3. Sách Liệt tử là một trong tam đại kinh Đạo học nhưng từ lâu đã được các học giả xác nhận tính chất hỗn tạp về nội dung tư tưởng. Trong phạm vi bài viết này, tính chất hỗn tạp ấy sẽ được làm sáng tỏ hơn nữa trên cơ sở xem xét, thống kê, tìm hiểu cách sử dụng chữ “đạo” trong sách Liệt tử. 3.1. Có thể thấy rõ ngay điều này khi bên cạnh những ngữ nghĩa quen thuộc của chữ “đạo” vẫn thường gặp trong sách của Lão – Trang, chẳng hạn: “Vô sở do nhi thường sinh giả đạo dã” (Không chỗ dựa vào mà vĩnh viễn sinh tồn là Đạo – Trọng Ni thiên; “đạo” ở đây chỉ bản thể vũ trụ); “Cố viết: yểu nhiên vô tế, thiên đạo tự vận” (Cho nên nói rằng: (quy luật tự nhiên) sâu xa vô cùng, quy luật ấy tự nó vận hành – Lực Mệnh thiên, “đạo” ở đây chỉ quy luật vận động khách quan)… thì người ta vẫn gặp rất nhiều trường hợp chữ “đạo” được dùng với nghĩa mang màu sắc tôn giáo hoặc chữ “đạo” được sử dụng mang màu sắc của chữ “đạo” trong Khổng môn. Có thể quan sát một số ví dụ cụ thể: “Thương Khâu Khai vãng vô nan sắc, nhập hỏa vãng hoàn, ai bất mạn, thân bất tiêu, Phạm thị chi đảng dĩ vi hữu đạo, nãi cộng tạ chi viết: Ngô bất tri tử tri hữu đạo nhi đản tử, ngô bất tri tử chi thần nhân nhi nhục tử” (Thương Khâu Khai mặt không đổi sắc, đi vào trong lửa rồi lại trở ra, tro bụi không hề dính trên người, da thịt không hề bị bỏng cháy, bọn môn khách họ Phạm cho rằng lão có đạo thuật, bèn cùng nhau xin lỗi lão: Chúng tôi không biết ông có đạo thuật nên đùa giỡn ông, không biết ông là thần nhân nên khinh thị ông. – Hoàng Đế thiên, chữ “đạo” ở đây chỉ đạo thuật, mang tính chất vu thuật). “Tích nhân hữu ngôn tri bất tử chi đạo giả” (Xưa, có người tự xưng biết được thuật trường sinh bất tử – Thuyết phù thiên, chữ “đạo” ở đây chỉ phương thuật, không mang tính chất triết học, chính trị học hay xã hội học)… Chữ “đạo” trong những trường hợp trên rõ ràng rất gần nghĩa với “thuật”, mang dấu ấn tôn giáo chứ không phải như một khái niệm mang tính chất học thuật. Còn ví dụ sau lại là chữ “đạo” chỉ cái đạo tu tề trị bình thuần tuý màu sắc Nho gia: “Kiểu văn trị thân dĩ cập gia, trị gia dĩ cập quốc. Thử ngôn tự ư cận chí vu viễn dã. Kiểu vi quốc tắc trị hĩ, nhi gia tắc loạn hĩ. Kì đạo nghịch da?” (Tôi nghe nói tu dưỡng bản thân rồi mới tề được gia, tề được gia rồi mới trị được nước. Như vậy là có ý nói từ gần tới xa. Tôi đã trị được nước, nhưng nhà tôi lại loạn như vậy, phải chăng là cái đạo ấy trái ngược rồi ? – Dương 3.2. Ngay cả với những trường hợp dùng chữ “đạo” với ý nghĩa chỉ quy luật vận động khách quan thì cũng có những biểu hiện khác với Lão và Trang. Cả Lão tử và Trang tử đều coi quy luật vận động khách quan ấy là tự nhiên. Sách Lão tử viết: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên” (Người noi theo đất, đất noi theo trời, trời noi theo đạo, đạo noi theo tự nhiên – Tượng nguyên đệ nhị thập ngũ). Đạo, do đó, là cái hợp quy luật vận động khách quan. Hoặc: “Thiên chi đạo, kì do trương cung dư ? Cao giả ức chi, hạ giả cử chi, hữu dư giả tổn chi, bất túc giả bổ chi. Thiên chi đạo tổn hữu dư nhi bổ bất túc. Nhân chi đạo tắc bất nhiên, tổn bất túc nhi phụng hữu dư” (Đạo trời như giương cung vậy chăng? Cao thì hạ xuống, thấp thì nâng lên; thừa thì rút bớt, thiếu thì thêm vào. Đạo trời rút bớt chỗ thừa thêm cho chỗ thiếu. Đạo của xã hội con người thì không như vậy, (lại) rút bớt chỗ thiếu để cung phụng chỗ thừa – Thiên đạo đệ thất thập thất). Lão tử đã phân biệt “thiên chi đạo” với “nhân chi đạo” để phê phán xã hội thời đó đã làm nhiều việc trái với lẽ thường. Sách Trang tử cũng viết: “Hà vị đạo? Hữu thiên đạo, hữu nhân đạo. Vô vi nhi tôn giả, thiên đạo dã; hữu vi nhi lụy giả, nhân đạo dã” (Đạo là gì ? Có thiên đạo (đạo trời), có nhân đạo (đạo người). Vô vi mà tôn quý, đó là thiên đạo. Hữu vi mà hệ luỵ, đó là nhân đạo). Trang tử phân biệt “đạo” thành “thiên đạo” và “nhân đạo”, cũng với ý tưởng tương tự như Lão tử. Còn Liệt tử cũng đề cập tới quy luật vận động khách quan trong chữ “đạo”, nhưng nhiều khi lại nghiêng về chiều hướng của chữ “mệnh”. Chẳng hạn, trong Lực Mệnh thiên, sau khi bàn qua về các nhân vật tiêu biểu cho những loại người khác nhau, tác giả kết luận: “Thứ chúng thái dã, kì mạo bất nhất, nhi hàm ư đạo, mệnh sở quy dã” (Những thái độ tính cách nhiều vẻ ấy, tuy biểu hiện không giống nhau, nhưng cùng hợp với đạo, đều là kết quả do số mệnh dẫn đến)… 4. Với 87 lần xuất hiện, tần suất sử dụng chữ “đạo” trong sách Liệt tử là khá thấp. Sách Lão tử chỉ hơn năm ngàn chữ (bằng khoảng 1/6 độ dài sách Liệt tử) nhưng đã xuất hiện tới 75 lượt chữ “đạo”. Sách Trang tử có tới 352 chữ “đạo”. Cụ thể các lần xuất hiện chữ “đạo” trong từng thiên sách Liệt tử lần lượt như sau: Thiên thụy thiên 9 lượt, Hoàng Đế thiên 26 lượt, Chu Mục Vương thiên 1 lượt, Trọng Ni thiên 14 lượt, Thang vấn thiên 3 lượt, Lực Mệnh thiên 4 lượt, Dương Chu thiên 10 lượt, Thuyết phù thiên 20 lượt. Chữ “đạo” được dùng trong 87 lượt kể trên mang nhiều nghĩa khác nhau, về cơ bản có thể quy vào mấy nhóm nội dung chính sau: a. Con đường, đường. b. Bản thể của vũ trụ. c. Quy luật vận động khách quan, thuận theo quy luật. d. Quan hệ xã hội, quan hệ cá nhân, phương pháp tu dưỡng bản thân. phương pháp trị quốc. e. Đạo thuật, phương thuật, cách. Cụ thể chữ “đạo” được sử dụng theo mỗi nghĩa ở từng chương như sau (số la mã là thứ tự các thiên, số tự nhiên là số lượt xuất hiện):
|