TƯ TƯỞNG AN DÂN CỦA TÂN MINH HẦU NGUYỄN CƯ TRINH * TS. Trần Thuận Trường ĐHKHXH&NV Tp. Hồ Chí Minh Sách Đại Chẳng có gì lạ khi nghe các sử gia triều Nguyễn tán tụng công đức của Nguyễn Cư Trinh, bởi đối với triều Nguyễn, ông là một khai quốc công thần[2]. Tuy nhiên, không phải chỉ có sử gia triều Nguyễn mới có những lời ngợi ca ấy. Công bằng mà xét, những cống hiến của Nguyễn Cư Trinh trên nhiều lĩnh vực, đáng để cho hậu thế ghi công và tôn vinh đến muôn đời. Những giá trị được tạo ra từ tư tưởng và hành trạng của ông trong suốt cuộc đời trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự,… đã góp phần tạo nên sức mạnh và sự phát triển thăng hoa của xứ Đàng Trong và cả nước nói chung. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ xin đề cập đến một khía cạnh trong sự nghiệp to lớn của Tân Minh hầu Nguyễn Cư Trinh: tư tưởng an dân và những giá trị đích thực của nó. Nguyễn Cư Trinh xuất thân từ một gia đình trâm anh thế phiệt, có truyền thống học hành khoa cử. Ông sinh ngày 12 tháng Giêng năm Bính Tuất (1716), mất năm Đinh Hợi (1767), người An Hòa, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, tên chữ là Nghi, hiệu Đạm Am. Viễn tổ của ông người huyện Thiên Lộc (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) tên là Trịnh Cam, làm quan nhà Lê đến chức Binh bộ Thượng thư. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê (1527), Trịnh Cam lánh vào Thuận Hóa, định chiêu tập những người trung nghĩa giúp vua Lê khôi phục ngôi báu, nhưng chưa thành công thì ông đã mất. Con cháu của Trịnh Cam chuyển vào định cư ở An Hoà, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Trải qua nhiều đời nối nhau, đời nào cũng có người thi đỗ, đến thời Đăng Đệ là bảy đời. Trịnh Đăng Đệ nổi tiếng văn chương, thi đỗ sinh đồ, làm chức huấn đạo, sau thăng lên tri huyện Minh Linh (nay phần lớn thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Ông có biệt tài về chính sự, được thăng vào việc văn chức. Chúa Hiển tông Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) mến tài ông, cho đổi thành họ Nguyễn (quốc tính). Nguyễn Cư Trinh là con út của Nguyễn Đăng Đệ, ngay từ nhỏ ông và người anh họ Nguyễn Đăng Trình đã nổi tiếng hay chữ[3]. Ông sớm bộc lộ thiên tài, mười một tuổi đã biết làm văn làm thơ, nổi tiếng văn chương. Thời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và Định vương Nguyễn Phúc Thuần, ông vừa là một danh sĩ vừa là một danh tướng lập được nhiều chiến công[4]. Ông được đánh giá là một con người tài cao đức trọng. Ngoài tài văn võ, ông còn giỏi việc chính trị, giỏi doanh điền và ngoại giao, ông nổi tiếng là người thanh liêm chính trực, có phong độ của một bậc đại sĩ phu, không ngại việc can gián chúa Nguyễn. Nguyễn Cư Trinh giỏi Hán học và thấm nhuần giáo lý Khổng Mạnh, lấy thuyết “tri hành hợp nhất” của Vương Dương Minh làm căn bản cho việc trị quốc. Ông có tấm lòng yêu nước thương dân. Với ông, lợi ích quốc gia và sự an nguy của dân chúng được đặt lên hàng đầu. Ngay cả trước những việc làm có lợi cho nước, cũng phải cân nhắc để được an dân. Không như các vị vua chúa quan tướng khác, Nguyễn Cư Trinh luôn nhìn sự việc bắt đầu từ chính sách an dân của “kẻ chăn dân”. Từ đó mà ông dễ dàng nhận ra rằng, các cuộc nổi loạn, khởi nghĩa của dân chúng đều xuất phát từ cuộc sống khổ nhục của người dân; từ sự thờ ơ hay chính sách bóc lột vơ vét của nhà cầm quyền. Sử cũ còn ghi rõ sự kiện Võ vương bổ nhiệm ông làm Tuần phủ Quảng Ngãi để lo việc trị an và phủ dụ người dân Hré vào năm Canh Ngọ (1750). Việc trước tiên, ông nghiên cứu tình cảnh và cá tính của người Hré (sử cũ gọi là “Mọi Đá Vách”)[5]. Khi biết được người dân Hré vì nạn mưa lụt đói rét mà sinh ra làm liều cướp phá, ông đã không vội đàn áp mà đem khả năng và tài trí của mình ra thuyết phục họ. Việc thuyết phục không thành ông mới động binh, bởi “nếu không đánh để sau sanh tệ”. Quan quân đến nơi, quân phiến loạn đã bỏ sào huyệt chạy trốn. Ông không vội rút binh, bởi cái đích cuối cùng, theo ông phải làm sao cho người Hré không còn nổi loạn. Muốn vậy, cần phải tạo cho họ cuộc sống yên bình. Ông cho lập “Quảng Ngãi đồn dinh” với sáu đạo, tổ chức việc canh phòng, rồi cho lập đồn điền, tạo điều kiện cho người dân địa phương có kế sinh nhai và làm kế dài lâu. “Mọi Đá Vách” thấy thế kéo nhau ra đầu thú và từ đó cuộc sống được bình yên. Nguyễn Cư Trinh chủ trương dùng “tâm công” để bình thiên hạ, bất đắc dĩ mới phải dùng đến vũ lực. Sự thành công của ông xuất phát tự lòng nhân. Xưa Nguyễn Trãi quan niệm, “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo” (Đại cáo Bình Ngô). Vị khai quốc công thần triều Lê cho rằng, người yêu nước phải lo cứu nước, cứu dân, nhưng cứu nước, yên dân phải tỉnh táo, phải biết nhìn xa trông rộng, phải có chiến lược đúng đắn và phải biết dụng lòng nhân mà đối đãi với dân. Hẳn là Cư Trinh không quên những điều căn bản trong binh pháp “Thứ nhất tâm công, thứ nhì công lương, thứ ba công đồn” (Tôn Tử). Điều mà Lục Thao cũng đã chỉ rõ: “Muốn làm vua thiên hạ thì phải khiến cho người trong thiên hạ quy phục, muốn khiến cho người trong thiên hạ quy phục, không thể đơn thuần dựa vào vũ lực chinh phạt, mà điều đầu tiên là phải thu phục nhân tâm, muốn thu phục nhân tâm khiến cho người trong thiên hạ quy phục phải lấy nhân nghĩa đạo đức khiến cho nhân dân vui vẻ thực lòng quy phục”[6]. Khổng Tử từng nói: “Làm chính trị (trị dân) mà dùng đức (để cảm hóa dân) thì như sao bắc đẩu ở một nơi mà các ngôi sao khác hướng về cả (tức: thiên hạ theo về)[7] và hết sức chí lý khi ông cho rằng: “Có thể (dùng sức mạnh) bắt được một vị nguyên soái, chứ chí hướng của một thường dân thì không (dùng sức mạnh mà) đoạt nổi”[8]. Vì “Tài trí đủ để trị dân (có người hiểu là đủ để biết mọi lẽ) mà không biết dùng đức nhân để giữ dân, thì tất sẽ mất dân. Tài trí đủ để trị dân, biết dùng nhân đức giữ dân, mà đối đãi với dân không trang nghiêm thì dân không kính. Tài trí đủ để trị dân, biết dùng nhân đức giữ dân, lại biết trang nghiêm đối đãi với dân, mà không biết dùng lễ cổ vũ dân theo thì chưa hoàn toàn tốt”[9]. Nguyễn Cư Trinh có lẽ đã thông hiểu những ý chỉ của Thánh hiền và thực hành những điều mà tiền nhân chỉ dạy. Với kiến thức Nho học sâu sắc, ông tâm đắc với tư tưởng chính trị mà trong đó nét cơ bản là việc xây dựng một chính quyền dựa trên 5 quy tắc chủ yếu: – Làm lợi cho dân, không phí phạm tài nguyên xứ sở. – Khuyến khích dân chúng nỗ lực làm việc, không gây nên sự ca thán. – Làm cho dân chúng hưởng thụ thanh nhàn của cuộc sống hàng ngày nhưng không sinh lòng tham lam. – Khuyến khích giáo dục dân chúng giữ gìn phong độ, giá trị con người nhưng không hời hợt, kiêu ngạo. – Hun đúc tinh thần kính trọng nhưng không làm cho dân chúng sợ hãi[10]. Khổng Tử thường nói về nhân, Mạnh Tử bổ sung và nêu thành vấn đề nhân nghĩa. Theo Mạnh Tử, “nhân là lòng người, nghĩa là đường đi của người”, và “đạo nghĩa là lẽ phải vậy”[11]. Tư tưởng nhân nghĩa của Khổng – Mạnh được các vua đầu thời Lý, thời Trần, Lê Lợi và Nguyễn Trãi,… vận dụng một cách khéo léo để làm vũ khí đánh giặc giữ nước và trị nước an dân. Vì đạo nghĩa là lẽ phải nên theo Nguyễn Trãi, phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công ta phải lấy nhân nghĩa làm đầu. Nhưng việc nhân nghĩa theo ông phải cốt ở an dân, tức làm cho dân có cuộc sống bình yên, no đủ chứ không phải làm cho dân sợ. Nguyễn Trãi mong muốn tạo ra được một xã hội trong đó trên có vua hiền, dưới có tôi giỏi, mọi người sống hạnh phúc, ấm no, thanh bình bằng sức lao động của mình; một xã hội mà trong thôn cùng xóm vắng không có tiếng hờn giận oán sầu. Ông nói: “phàm những người có chức vụ coi quốc, trị dân, đều phải theo phép công bằng, làm việc cần mẫn, thờ vua thì hết trung, đối với dân thì hết hòa, đổi thói tham ô, sửa trừ lệ lười biếng. Bè đảng riêng tây phải dứt; thái độ cố phạm phải chừa. Coi công việc của quốc gia là công việc của mình; lấy điều lo cho sinh dân làm điều lo thiết kỷ”[12]. Nghĩa là người chăn dân phải biết tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc. Trần Quốc Tuấn khi xây dựng binh pháp, biên soạn binh thư, ông đã xuất phát từ tư tưởng nhân nghĩa. “Nhân nghĩa là mục đích của đời người và cũng là mục đích của đạo làm tướng. Người tướng đấu tranh cho chính nghĩa cũng là đấu tranh vì lợi ích của nhân dân”[13]. Thời bình Ngô, Nguyễn Trãi chủ trương, “Ta mưu đánh vào lòng, không chiến mà cũng thắng”[14]. Đó là chiến lược tâm công, như Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Mưu lược đánh vào lòng người quả thật là một mưu lược sâu sắc, thành công”. Nguyễn Cư Trinh mong muốn tạo ra một xã hội như Nguyễn Trãi đã từng mơ ước. Chính vì vậy nên ông căm ghét bọn sâu dân mọt nước, quyết không để cho bọn quan tham hành tội dân đen. “Mùa đông, tháng 10 năm Tân Mùi (1751), Nguyễn Cư Trinh (lúc ấy đang giữ chức Tuần vũ Quảng Ngãi) dâng lên chúa Võ Vương một bức thư nói về tình trạng khốn đốn của người dân mà nguyên nhân là từ nền hành chính không lương hảo gây nên, ông viết: “Dân là gốc của nước, gốc không bền vững thì nước không yên. Ngày thường chẳng dùng ơn huệ mà cố kết lòng dân, đến khi có việc thì nương tựa vào đâu? Trộm nghĩ thói tệ chất chứa ở dân gian đã nhiều, nếu cứ thủ thường theo cũ, không tùy thời thêm bớt, lập ra kỷ cương, thì một ấp cũng chẳng làm được, huống là một nước. Nay có ba việc sinh tệ cho dân là nuôi lính, nuôi voi và nộp tiền án. Ngoài ra còn nhiều sự nhũng phí khác kể không xiết được”…[15] Các nhà sáng lập đạo Nho bàn nhiều về nhân, đức, về phép trị nước sao cho được an dân. Hơn nữa, theo Mạnh Tử thì “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Với tinh thần đó, từ thế kỷ XIII, nhà sử học Lê Văn Hưu đã viết, “Trời sinh ra dân mà đặt vua chăn dắt, không phải cung phụng riêng cho vua” (Lời bình số 28), có nghĩa là có dân mới có vua, vua nhất thời, các triều đại được dựng lên rồi lại đổ, liên tục thay thế nhau, còn dân thì vạn đại. Vua là cha mẹ dân nên phải có đức, có nhân, phải biết cần kiệm, không tiêu phí của cải sức lực của dân của nước. Tư tưởng an dân của Nho giáo xem ra gần gũi, phù hợp với truyền thống yêu nước, thương dân; phù hợp với đạo lý làm người của người Việt Bức xúc trước tình thế nước non, ông chỉ ra bốn thói tệ hại khác của quan lại đương thời và tỏ rõ quan điểm của mình với chúa Nguyễn: 1. Phủ huyện là chức trị dân mà gần đây không giao trách nhiệm làm việc, chỉ cho khám hỏi kiện tụng. Xin từ nay trở đi, các thứ thuế ruộng và thuế sai dự, hết thảy đều giao cho tri huyện biên thu rồi chuyển nộp cho quan Quảng Nam, để bớt phiền nhiễu cho dân. 2. Từ trước đến nay, phủ huyện chỉ trông vào sự bắt bớ tra hỏi mà kiếm lộc, khiến của dân càng hao, tục dân càng bạc. Nay xin định cấp cho thưởng bổng và lấy liêm tham siêng lười mà thăng hay truất. 3. Dân lậu có hai hạng, có hạng trốn thuế mà đi lang thang, có hạng vì cơ hàn thiết thân mà xiêu dạt nơi khác. Nay không chia đẳng hạng, hết thảy bắt vào sổ để thu thuế thì chúng tất sợ hãi xiêu tán, lẩn lút nơi rừng rú, xã dân lại phải bồi thường thì họ chịu sao nổi. Xin xét những dân lậu còn có cách sinh nhai thì thu thuế như lệ thường, còn người nào đói rét khốn cùng thì cho miễn và tùy phương vỗ nuôi, để cứu sống dân nghèo. 4. Dân nên để cho tĩnh, không nên làm cho động, vì động thì dễ loạn, tĩnh thì dễ trị. Nay sai người đi săn bắn ở núi rừng, tìm gà đòi ngựa, bọn ấy không theo được ý tốt của bề trên mà quấy rối dân địa phương, rồi bọn giả mạo đi đến đâu làm náo nhiệt ở đấy, mọi người đều than oán. Xin từ nay người được sai phải có giấy tờ trình quan địa phương xét thực, kẻ nào nhiễu dân thì xét trị, ngõ hầu lòng dân được yên tĩnh, khỏi hoang mang[16]. Không chỉ là lời tâu bàn của một quan lại mà có thể xem đây là tiếng kêu thống thiết của người dân đang sống trong tình trạng bần cùng, quẩn bách. Thế nhưng tiếng kêu đau thương của dân lành không thấu đến cao xanh. Thư của Cư Trinh dâng lên đã không được chúa Nguyễn trả lời, ông bèn từ chức. Nguyễn Phúc Khoát là vị chúa thứ tám, thừa hưởng được những thành quả cha ông để lại, ông tiến thêm một bước để hoàn thành hai mục tiêu cơ bản: thành công trong sự đối đầu với họ Trịnh ở phía Bắc và hoàn thành công cuộc Nam tiến. Sự hãnh tiến của ông trước hết ở chỗ tự xưng vương (Võ Vương, 1744), định triều nghi, lập cung điện ở đất Phú Xuân và với vị thế đó, vị vương này có thể coi thường lời tâu bàn của những người dưới trướng. Nguyễn Cư Trinh đã thành công trong việc chinh phục “Mọi Đá Vách” năm 1750, công ấy không nhỏ vì nó góp phần đẩy nhanh công cuộc Nam tiến. Võ Vương không quên điều đó. Nhưng những lời tâu của Cư Trinh phải chăng đã chạm vào tự ái của vương (?!). Thế rồi, với thái độ cương quyết của Cư Trinh ít nhiều đã làm cho Võ Vương thức tĩnh. Vương cho mời Cư Trinh trở lại và bổ ông làm Ký lục dinh Bố Chính, sau đó thăng lên Lại bộ kiêm Tào vận sứ,… Chính trong thời kỳ này ông đã có nhiều đóng góp trong việc ổn định tình hình chính trị ở phía Nam cũng như góp phần đẩy nhanh công cuộc khai phá vùng đất mới, tổ chức cơ cấu hành chính phù hợp với tình hình mới, bài trừ tệ nạn trộm cướp, giúp đỡ và khuyến khích nhân dân mở đất, tích cực sản xuất, ổn định đời sống, giữ vững kỷ cương xã hội trên vùng đất Nam bộ vừa mới tích hợp về với Đại Việt. Có thể nói rằng, bằng tài năng và trí tụê, bằng cả tấm lòng yêu nước thương dân và qua chiêm nghiệm thực tế, ông đã tập hợp được quần chúng nhân dân để làm nên đại sự. Khi được cử đi đánh Nặc Nguyên để giải phóng cho người Côn Man[17], Ông đã chiêu phục được người Côn Man, bảo vệ họ trước sự truy đuổi của cả vạn quân Chân Lạp, đưa họ về đóng ở chân núi Bà Đen. Trong khi Thống suất Thiện Chính đã bỏ rơi họ. Ông tập hợp người Côn Man và tổ chức cho họ đánh lại Nặc Nguyên. Nặc Nguyên thua chạy về Hà Tiên và nhờ Mạc Thiên Tứ xin chúa Nguyễn tha mạng, y dâng nộp hai phủ Tầm Bôn (Tân An), Lôi Lạp (Gò Công) và nộp bù lễ cống ba năm trước còn thiếu để chuộc tội. Chúa Võ Vương không chấp nhận lời xin của Nặc Nguyên vì cho rằng ông này nói dối, không thật lòng quy phục. Trước tình hình đó, Nguyễn Cư Trinh tỏ ra bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn, ông nhìn thấu nỗi khổ của quân dân và cái lợi lâu dài mà tâu với chúa Nguyễn rằng: “Trước kia, việc dụng binh chẳng qua là để giết bọn cừ khôi và mở mang thêm đất đai. Nay Nặc Nguyên đã biết ăn năn, nạp đất, xin hàng, nếu truy cho đến cùng lời nói dối ấy thì ắt nó chạy trốn. Nhưng từ đồn binh Gia Định đến La Bích, đường sá xa xôi, nghìn rừng muôn thác, không tiện đuổi đến cùng. Muốn mở mang đất đai cũng nên lấy hai phủ này trước để củng cố mặt sau của hai dinh [Trấn Biên và Phiên Trấn]. Nếu bỏ gần, mưu xa, e rằng hình thế cách trở, binh dân không liên tiếp, lấy được tuy dễ mà giữ thì thật là khó. Trước kia, mở mang phủ Gia Định, tất phải mở trước đất Hưng Phước, rồi đến đất Đồng Nai, khiến quân dân đông đủ, rồi sau mới mở đến Sài Côn. Đó là cái kế “tằm ăn lá dâu”. Nay đất cũ từ Hưng Phước đến Sài Côn chỉ hai ngày đường, dân cư chưa yên ổn, quân giữ cũng chưa đủ huống chi từ Sài Côn đến Tầm Bôn, xa sáu ngày đường, địa thế rộng rãi, dân số đến vạn người, quân chánh quy đóng giữ thật e không đủ. Thần xem người Côn Man giỏi bộ chiến, người Chân Lạp cũng đã e sợ. Nếu cho họ ở đất ấy, khiến họ chế ngự (người Chân Lạp), lấy người Man đánh người Man, cũng là đắc sách. Vậy xin cho Chân Lạp chuộc tội, thu lấy đất hai phủ ấy, ủy thần xem xét hình thế, đặt lũy, đóng binh, cấp điền sản cho quân, dân, vạch rõ địa giới, cho lệ thuộc châu Định Viễn để thu lấy toàn thể vùng ấy”[18]. Lời lẽ thấu lý đạt tình đó đã thuyết phục được chúa Nguyễn. Nặc Nguyên mới được chúa tha cho. Cái quan trọng hơn là bằng chính sách “tàm thực”, dần dần cả vùng đất Nam bộ ngày nay từng bước thuộc về Đại Việt, cuộc sống người dân yên ổn nên ra sức khai phá vùng đất mới để lập làng, định cư sinh sống, biến vùng đất sình lầy nơi đây thành một vùng môi sinh trù phú. Tác giả sách Hợp tuyển thơ văn Việt Năm Ất Dậu (1765), chúa Võ Vương băng hà, Nguyễn Phúc Thuần nối ngôi chúa lúc mới 12 tuổi (tức Túc Tông), quyền thần Trương Phúc Loan ỷ thế lộng quyền[20]. Phúc Loan thấy ông là người có tiếng tăm bấy giờ nên triệu về thăng làm Lại bộ kiêm Tào vận sứ hầu lôi kéo, mua chuộc ông và qua ông để tập hợp vây cánh. Vốn căm ghét bọn nịnh thần và lũ quan tham, thương người dân cơ cực, bị áp bức bóc lột nặng nề, khi thấy Trương Phúc Loan thường triệu tập các quan đến nhà riêng của mình để bàn việc công, Nguyễn Cư Trinh đã lên tiếng chỉ trích một cách gay gắt. Ông nói, “Nghị sự việc công của triều đình đã có định chế, Phúc Loan sao dám vô lễ như thế, muốn chuyên quyền sao? Làm loạn thiên hạ ắt là người này”[21]. Các quan nghe vậy, không ai còn dám đến hầu ở nhà Phúc Loan nữa. Phúc Loan giận lắm nhưng e sợ, không dám làm gì Cư Trinh. Ta thấy khẩu khí của Nguyễn Cư Trinh xuất phát từ trạng thái bức xúc của một con người nặng lòng vì nước vì dân. Ngay cả đến Võ Vương là người có nhiều công trạng với dân với nước, ông cũng không nhún nhường, tỏ thái độ bất bình khi vị vương này để cho hệ thống hành chính quan liêu không đem lại sự an dân, thì làm sao có thể chấp nhận sự tự tung tự tác của quyền thần Trương Phúc Loan (!). Tiếc là ông qua đời quá sớm vào năm Đinh Hợi (1767), hưởng dương 51 tuổi. Định Vương ghi nhận công lao của ông, truy tặng Tá Lý công thần, Vinh lộc đại phu, thụy Văn Định. Đến đời Minh Mạng, ông được truy tặng là Khai quốc công thần, Hiệp biện đại học sĩ, đổi tên thụy thành Văn Cách, truy phong tước Tân Minh hầu, cho tòng tự ở Thái miếu. Ông qua đời là một sự tổn thất lớn lao đối với dân với nước. Người dân đen nghèo khổ mất đi một chỗ dựa quan trọng, chí ít là về mặt tinh thần. Ngược lại, đám quan tham, bọn nịnh thần được tập hợp ngày càng đông dưới trướng quyền thần Trương Phúc Loan ra sức đục khoét, làm dân tình càng thêm khốn khổ, để rồi “tức nước vỡ bờ”, những người dân “khố rách áo ôm” phải đứng lên dưới ngọn cờ Tây Sơn, đánh đổ sự thống trị hà khắc của chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong, họ Trịnh ở Đàng Ngoài, nhằm giải phóng nhân dân, tiến tới thống nhất nước nhà. Tư tưởng an dân, tinh thần thân dân của Nguyễn Cư Trinh còn thể hiện trong những sáng tác của ông, mà Sãi Vãi là tác phẩm điển hình. Vốn là một nhà nho có tài văn chương, nhưng khi viết Sãi Vãi, ông đã bằng giọng văn Nôm biến cách, văn vẻ bình dân để tiện cho người đọc. Rõ ràng với thể vè, Sãi Vãi đã đến được với người đọc một cách tốt nhất, có tác dụng rộng rãi nhất, và điều đó cho thấy Cư Trinh tỏ ra rất gần gũi với quần chúng nhân dân. Trong hoàn cảnh chế độ phong kiến ở Đàng Trong đã suy vi, mục nát, cuộc khủng hoảng tôn giáo ngày càng trầm trọng, nhất là trong Phật giáo ngày càng có nhiều người đi tu chỉ vì trốn tránh nghĩa vụ, “trốn việc quan đi ở chùa”. Thông qua nội dung đối thoại giữa ông Sãi và bà Vãi, tác giả muốn chấn chỉnh nhận thức của người dân, giúp cho xã hội tránh khỏi những biểu hiện suy đồi. Với cái nhìn của một nhà nho, ông cho rằng, con đường tu hành chính đáng phải là tu nhân, tu đức, tu vũ, tu văn, tu kỷ, tu nhân, tu cái đạo thượng trí của người quân tử, của bậc trượng phu đứng vào giữa đoàn thể để gánh lấy bổn phận. Ông khuyên mọi người cần sống tích cực hơn, có trách nhiệm hơn với chính mình và với toàn xã hội. Các tác phẩm văn chương của Nguyễn Cư Trinh phản ánh cả cuộc đời ông, là lời tâm huyết, là tiếng lòng thổn thức của một con người luôn đứng về phía nhân dân, trong đó nổi bật lên sự cảm thông lo lắng cho thân phận của người dân. Để kết thúc bài viết, xin được dẫn trong Từ điển văn học lời nhận xét rất xác đáng về con người nặng lòng vì nước vì dân Nguyễn Cư Trinh: “Toàn bộ sự nghiệp văn học của ông gắn với tâm sự và chí khí kinh bang tế thế, gắn với cuộc đời hoạt động của ông. Một số bài thơ có khí vị lối thơ biên tái, vừa phấn phát sôi nổi, hùng tráng; vừa lắng đọng, trầm tĩnh, bi hoài. Một số bài khác thì lại phản ánh tâm sự cô đơn, phiền muộn của một người đầy lòng ưu ái, thấy rõ tình hình thối nát của tập đoàn phong kiến Đàng Trong, thấu hiểu cảnh sống cơ cực, đau khổ của người dân, muốn “bàn nói mưu ngay, lẽ phải, nhưng đều không được theo”(Lê Quí Đôn)[22]. [1] Trung tâm KHXH & NV quốc gia, Viện Sử học, Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Tập một, Nxb. Giáo dục,, tr.171-172. 1. Vua Minh Mạng đã truy tặng ông là Khai quốc công thần, Hiệp biện Đại học sỹ, truy phong tước Tân Minh hầu, cho tòng tự ở Thái Miếu trong Hoàng thành Huế. Tại Thái miếu, phía bên trái gọi là Tả tòng tự, nơi thờ các vị công thần thuộc dòng dõi tôn thất. Bên phía phải gọi là Hữu tòng tự, nơi thờ các vị công thần xuất thân từ hàng dân dã. Ở Hữu tòng tự có bảy bài vị, bài vị của Nguyễn Cư Trinh là cái thứ sáu, sắp liền kề bài vị tướng Nguyễn Hữu Dật. Như vậy, thời Võ vương chỉ có một mình Nguyễn Cư Trinh là được thờ ở Thái Miếu. [3] Sau này, khi Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi chúa, những luật lệ đều do Nguyễn Đăng Thịnh đặt ra mà văn từ thì do Nguyễn Cư Trinh soạn thảo. [4] Năm 18 tuổi, ông thi Hương trúng cách, được bổ Huấn đạo. Năm Canh Thân (1740), ông thi đỗ Hương cống, được bổ làm Tri phủ Triệu Phong (Quảng Trị), năm 1741 được đề bạt vào Viện Văn chức, làm việc bên cạnh chúa, rồi trải qua các chức Tuần vũ Quảng Ngãi, Ký lục dinh Bố Chính (Quảng Bình), sau đến Lại bộ kiêm Tào vận sứ, tước Nghi Biểu hầu. Năm Quý Dậu (1753), Nguyễn Cư Trinh sang Chân Lạp đánh Nặc Nguyên (Chey Chettha V). [5] Đây là cuộc nổi dậy của bộ lạc người Hré ở Đá Vách thuộc địa phận Quảng Ngãi. Địa bàn cư trú của bộ lạc này bao gồm từ thung lũng sông Trà Khúc đến tả ngạn sông An Lão, nơi có nhiều núi đá dựng như tấm vách. [6] Lục Thao là binh pháp cổ của Trung Hoa. Quyển này được viết lại theo tư tưởng quân sự của Khương Tử Nha. Trích từ Chu Dịch và Binh Pháp, tr.22. Dẫn lại theo Hiệp Võ (2010), Đại Việt thắng Nguyên Mông, Nxb. Từ điển Bách khoa, tr.192. [7] Nguyễn Hiến Lê (1995), Luận ngữ (chú dịch và giới thiệu), Nxb. Văn học, tr.37. [8] Nguyễn Hiến Lê (1995), Luận ngữ, Sđd, tr.164. [9] Nguyễn Hiến Lê (1995), Luận ngư, Sđd, tr.266. [10] Thang Văn Phúc (1994), “Giới thiệu một số tư tưởng chính trị của triết học Khổng giáo về chính quyền nhà nước”, Thông tin lý luận, 3(192), tr.40-41. [11] Trần Văn Giàu (1993), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, tr.301. [12] Viện Sử học (dịch, (1976), Nguyễn Trãi, Toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, in lần thứ 2, Hà Nội, tr.195. [13] Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2000), Trần Hưng Đạo – Nhà quân sự thiên tài, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 291. [14] Trần Văn Giàu (1973, 1976), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, Tập I, II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.120. [15] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Sđd, tr.156. [16] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Sđd, tr.156 – 157. [17] Những người Chăm ở Thuận Thành chạy sang Chân Lạp thời Bà Tranh, họ được vua Chân Lạp là Nặc Thu cho đến ở gần Lovek (La Bích) và gọi là người Côn Man. Đến đời Nặc Nguyên, những người Côn Man bị hà hiếp, thậm chí bị giết. Chúa Nguyễn cho rằng mình có bổn phận phải bảo vệ người “dân mình” nên năm 1753 sai Cai đội Thiện Chính làm Thống suất, Ký lục Nguyễn Cư Trinh làm Tham mưu đem quân sang đánh Nặc Nguyên. [18] Phan Khoang (2001), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Văn học, tr.344. [19] Huỳnh Lý (CB, 1978), Hợp tuyển thơ văn Việt [20] Chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng Võ Vương và phong cho người con thứ 9 là Nguyễn Phúc Hiệu làm thế từ, nhưng khi Võ Vương mất (1765), Phúc Hiệu đã mất trước đó rồi, con Hiệu là Nguyễn Phúc Dương còn nhỏ, con trai trưởng của Vương cũng đã mất nên di chiếu để lại định lập người con thứ hai của Vương nối nghiệp, nhưng quyền thần Trương Phúc Loan thay đổi di chiếu đưa người con thứ 16 của Vương là Phúc Thuần lên nối ngôi tức Định Vương. Sách Đại Nam thực lục cho biết, Phúc Thuần “thăng Trương Phúc Loan làm quốc phó, giữ việc Hộ bộ, quản cơ Trung tượng, kiêm Tàu vụ, cho thu thuế sản vật nguồn vàng Thu Bồn và các nguồn Đông Hương, Trà Sơn, Trà Vân làm ngụ lộc. Loan sai người riêng trưng thu. Hàng năm được số vàng vô số mà nộp thuế cho nhà nước chỉ 1 – 2 phần 10. Các thứ thuế nguồn về ngà voi, sáp ong, mật ong, mỗi năm thu bạc đến hơn 200 lạng. Của báu chất như núi”, Sđd, tr.170. [21] Phan Khoang (2000), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Văn học, tr.497. [22] Đỗ Đức Hiếu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (CB, 2004), Từ điển văn học (bộ mới), Nxb. Thế giới, tr. 1118-1119. |
Cập nhật ( 18/05/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com