TƯ THẾ TƯỢNG TRONG CÁC NGÔI CHÙA TIÊU BIỂU Ở VIÊNG CHĂN
* Phim Má Chắc Búa Ngân
Cũng như các quốc gia theo đạo Phật ở Nam Á, đất nước Lào cũng là một quốc gia chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Phật. Đạo Phật truyền bá vào Lào từ buổi đầu sơ khai khi quốc gia Lào thống nhất chưa hình thành. Ở Lào, hệ thống chùa thờ Phật tồn tại khá nhiều, đặc biệt ở thủ đô Viêng Chăn có một số ngôi chùa tiêu biểu như: Hỏ Phạ Kẹo, Si Sa Kệt, chùa này đang lưu giữ hệ thống tượng Phật khá đa dạng và phong phú, còn được bảo lưu với số lượng rất nhiều: Chùa Si Sa Kệt có 2328 pho, chùa Hỏ Phạ Kẹo có 123 pho, chùa Ing Peng có 32 pho, … Các tác phẩm điêu khắc tượng Phật được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như đồng, đá, gỗ, xi măng,… Đăc biệt là có pho tượng Pang Ma Rạ Vi Xay ở chùa Hỏ Phạ Kẹo được làm bằng ngọc bích, hiện nay đang ở Thái Lan.
Tượng Phật ở các ngôi chùa và được coi là những di sản văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng quý giá của dân tộc Lào. Những di sản đó cần được khai thác ở nhiều góc độ giá trị khác nhau. Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu và bước đầu giải mã ý nghĩa biểu tượng của các tư thế tượng ở một vài ngôi chùa tiêu biểu tại thủ đô Viêng Chăn.
Nhìn chung, theo khảo sát ban đầu của chúng tôi, điêu khắc tượng Phật về cơ bản có 3 tư thế chính: tượng trong tư thế ngồi, tượng trong tư thế đứng, tượng ở tư thế nằm. Thực tế cho thấy, ở mỗi tư thế lại có thể nhận ra nhiều kiểu dáng khác nhau, mỗi kiểu dáng là một cách thể hiện đặc sắc của các nghệ nhân xưa, đồng thời là một biểu tượng thể hiện nguyện vọng muôn đời của cộng đồng cư dân các bộ tộc Lào.
Tượng Phật trong tư thế ngồi
Qua quá trình khảo sát một số ngôi chùa nổi tiếng, chúng tôi thấy rằng tượng Phật trong tư thế ngồi có nhiều kiểu dáng khác nhau.
Kiểu dáng tượng Phật trong tư thế ngồi kiết già toàn phần. Tượng Phật này có nhiều ở các ngôi chùa, nhưng tiêu biểu là pho Pang Ma Rạ Vi Xay là Phạ Pạ Than tại chùa Hỏ Phạ Kẹo. Theo người dân và các nhà nghiên cứu, đây là pho tượng Phật chủ của chùa. Phật đang ngồi trong tư thế hai chân xếp bằng, khi bàn chân để lộ, chân phải đặt lên chân trái, ngực nở, bụng thon, khuôn mặt đầy đặn nhân hậu gần gũi với đời thường, thân hình mãnh dẻ hơn so với các tượng cùng thời, tai dài, môi dày, hai mắt mở lim dim hơi nhìn xuống xoi dọi nội tâm của các Phật tử, tóc Phật hình xoắn ốc, trên đỉnh đầu có một chóp nhọn như hình của cái tháp, trên mình có khoát chiếc áo cà sa màu vàng vắt bên vai trái. Tượng được làm bằng đồng đen. Tượng được đặt ở vị trí cao nhất, ngồi trong một chiếc bệ hình vuông làm bằng xi măng, xung quanh bệ có trang rí hoa sen ở ba mặt. Kiểu trang trí như thế rất giống với loại bệ tượng hoa sen hình hộp trong các chùa Việt thời Trần và đầu thời Lê. Tượng cao 4m, trong đó: từ đỉnh chóp đến eo là 3m, riêng bệ tượng có chiều cao là 1,5m. Đối với nhân dân Lào thì tượng Phật chủ được coi như là một biểu tượng của sự chiến thắng quân xâm lược, biểu tượng của nước Lào thịnh vượng.
Kiểu dáng tượng Phật Thích Ca trong tư thế ngồi thiền hay còn gọi là Phật chiến thắng. Đó là tượng Phật Phạ Pang Xạ Nạ Man, đặt tại chùa Si Sa Kệt. Tượng Phật này đang ngồi trong tư thế hàng ma, chân phải đặt lên chân trái, tay trái để ngữa trước bụng, tay phải đặt úp trên đùi, ngực nở bụng thon, khuôn mặt đầy đặn nhân hậu, tai dài, môi dày, hai mắt mở to như nhìn xuống chúng sinh Phật tử. Nhục kháo soắn ốc, toàn bộ trên đỉnh đều có một chóp nhọn. Tượng được tạo theo phong cách Đơ Va Ra Na Va Ti (trường phái môn), nhưng ở đây các nghệ sĩ Lào vô danh đã không hoàn toàn bắt chước các tượng Môn mà đã làm cho gương mặt nhân hậu và gần gũi với đời thường hơn, thân hình Phật mãnh dẻ hơn. Tượng Phật này được đắp bằng gạch, vôi, dầu tràm, nhựa cây, nước mía… Pho tượng Phật có kích thước lớn này là một trong những di vật quý báu nhất của chùa Si Sa Kệt. Đó là tượng Thích Ca trên bàn thờ điện. Tượng thể hiện Phật Thích Ca Mâu Ni tọa thiền trên một chiếc bệ hoa sen hình hộp. Dưới thời vua Chậu Xây Nha Sệt Thả Thị Rát, tượng này được làm bằng đồng thau. Đến triều vua Chậu A Nụ Vông, ông mới cho xây lại tượng Phật cũ, nhưng có kích thước lớn hơn. Tượng cao 5,55m (tính cả bệ tượng)… Qua điền dã thực tế cùng với những tư liệu của các nhà nghiên cứu và ý kiến của cộng đồng địa phương cho rằng: Tượng Phật Pạ Pang Xa Nạ Man hoặc Ma Ra Vi Xay là một biểu tượng của sự chiến thắng sự độc ác của đất nước Lào thời thịnh vượng.
Kiểu dáng tượng Phật trong tư thế ngồi buông thõng chân xuống dưới, điển hình là tượng Pang Lê Lay ở chùa Hỏ Phạ Kẹo. Tượng Phật Pang Lê Lay trong tư thế ngồi hai chân buông Thõng, ngồi trên bộ hình lục giác. Bệ gồm có hai phần, phần trên là nơi tượng ngồi, phần dưới dày hơn và rộng hơn phần trên. Chân tượng Phật để xuống dưới và có bệ nhỏ đỡ lấy chân, xung quanh bệ bị vỡ mất một nửa phía dưới. Tượng được làm bằng đồng, có màu đen, niên đại thuộc thế kỷ XVII, chiều cao 78 cm, chiều rộng 43 cm, được tìm thấy ở thủ đô Viêng Chăn. Cũng theo quan điểm của các nhà nghiên cứu và người dân địa phương, tượng Phật Pang Lê Lay đang ngồi trong tư thế dạy bảo các học trò những đạo lý làm người, dạy cách sống và lòng vị tha, nhân ái giữa con người với nhau…
Kiểu dáng tượng Phật đang ngồi dưới biểu tượng rắn Naga bảy đầu. Điển hình là tượng pang Nạc Pộc tại chùa Si Sa Kệt. Tượng ở tư thế ngồi tỉnh tâm trên ngai của thần Naga Mu Chi Lin Đa. Về Nạc Pộc, truyền thuyết kể rằng: có một thời Phật ngồi tĩnh tâm ở gần ven đại dương Chạ Lin. Lúc đó tự nhiên mưa, gió, bão táp kéo đến suốt bảy ngày bảy đêm không ngừng tạnh. Thần rắn Naga thấy Phật ngồi tỉnh tâm với cảnh mưa gió như vậy, trong lòng rất thương, nên đã nổi lên cuốn mình thành ngai cho Phật ngồi và xòe bảy cái đầu ra che chở mưa gió cho Phật. Naga 7 đầu có nghĩa là muốn cho đạo Phật được tồn tại mãi mãi trên trái đất này và nó phải có bảy yếu tố như sau: Nhà nước, tôn giáo, nhà vua, hiến pháp – luật pháp, các nhà sư, ông bà – cha mẹ, nhân dân. Ngai hoặc bệ tạo thành hình rắn Naga được cuốn thành ba bậc có ý nghĩa: bậc một thể hiện sự thật, bậc hai thể hiện được đức tính thật thà, bậc ba thể hiện sự có lý. Ba bậc còn có nghĩa khác: trong rắng, sạch sẽ, bình yên, hoặc ba yếu tố của Phật: đức Phật, đạo lý và nhà sư. Nếu ngai được quấn thành 5 bậc là thể hiện: không sát sinh, không nói dối, không ăn cướp, không làm sai trái với phong tục tập quán và không nghiện thuốc, uống rượu. Nạc pộc theo truyền thuyết thì người Lào xuất thân từ dân tộc Na Khạ. Na Khạ Nạ Hút. Na Khạ nghĩa là Nạc, một thứ kim loại quý giá. Pho tượng Pang Nạc pộc chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật văn hóa Khmer và được tạc vào khoảng thế kỷ XIII. Tượng này được đặt giữa hai pho tượng Phật Pang Xa Nạ Man, được tạc bằng đá, có chiều cao là 1,1m (tính từ chóp đỉnh đến chân bệ tượng).
Tượng Phật trong tư thế đứng
Những nghiên cứu bước đầu cho thấy có một số kiểu tượng khác nhau, thể hiện các ý nghĩa khác nhau.
Kiểu dáng tượng Phật đứng hai tay giơ phía trước. Điển hình là tượng Phật Phạ Bang được tạo tác theo phong cách Khmer đặt trong chùa Si Sa Kệt. Tượng đứng trong tư thế hai tay giơ ra ngang bụng, lòng bàn tay giơ ra phía trước. Tượng này đúc bằng đồng thau, thếp vàng lộng lẫy, đứng trên chiếc bệ hình trống đồng. Chiều cao từ chóp đỉnh cho đến mặt bệ tượng là 2,16m, chiều ngang trung bình của tượng là 0,35m. Tượng Phật này đúc trong những năm xây chùa Si Sa kệt dưới triều đại vua Chậu A Nu Vông và là biểu tượng của Chậu A Nu Vông. Truyền thuyết dân gian Lào và những nghiên cứu đi trước cho rằng: tư thế của tượng đứng hai tay giơ ra phía trước có ý nghĩa là ngăn cản điều ác, chống chọi hiềm khích trên thế gian…
Kiểu dáng tượng Phật đứng hai tay duỗi thẳng ốp sát người. Điển hình là tượng Phật Pang tạc Phốn ở chùa Hỏ Phạ Kẹo. Tượng Phật này được tìm thấy năm 1968 tại bản Thà Lát cách Viêng Chăn khoảng 100km. Tượng làm theo phong cách nghệ thuật Môn, Vương quốc Chắc Chên Lạ, phát triển thịnh vượng vào khoảng thế kỷ VI – VIII. Dưới góc độ tạo hình, có thể thấy, tượng trong tư thế đứng, phía trong mặc áo dài chùm đến trong bó sát người, bên ngoài mặc áo khoác choàng. Hai bàn tay tượng duỗi thẳng xuống, chân để trần và đứng trên một khối đá hình tròn. Cổ tượng ngắn, mặt đã bị sứt, đầu có tóc hình soắn ốc nhưng phần đỉnh đã bị mất. Tượng được làm bằng đồng, có màu vàng, niên đại thế kỷ XVII, cao 1,9m, rộng ngực 0,6m. Kiểu tượng này cho biết: Tượng Phật trong tư thế đứng với ý nghĩa để cầu mưa giúp cho người dân có được cuộc sống an bình. Đây là một pho tượng có hình dáng rất đẹp, chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ thời Khúp Tạ.
Kiểu dáng tượng Phật đứng hai tay để vắt chéo trước bụng. Điển hình là tượng Phật Pang Lăm Phưng của chùa Hỏ Phạ Kẹo. Tượng trưng trong tư thế đứng, phía trong mặc áo dài chùm đến ngang chân bó sát người, bên ngoài mặc áo khoác choàng, ống tay áo loe rất rộng. Hai bàn tay tượng để vắt chéo nhau, tay phải đặt lên tay trái, hai mặt tay đặt úp vào ngang bụng, chân để trần và đứng trên một khối đa hình tròn. Cổ tượng ngắn, tai to, mặt tượng bầu tròn, mắt mở to đang hướng nhìn ra phía trước, Đầu tượng có tóc tạo hình soắn ốc, được làm bằng đồng, có màu vàng, niên đại thế kỷ XV, cao 35,5cm, rộng ngực 0,1cm. Tượng Phật trong tư thế hai tay vắt chéo hàm chứa ý ngĩa là Phật đang suy nghĩ và rất muốn nói với học trò của mình về những hành động chưa tốt đối với nhân dân vùng mường Vê Xa Li – Ấn Độ. Đồng thời, Phật cũng muốn giúp cho con người vùng này có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là một pho tượng có hình dáng rất đẹp, chịu ảnh hưởng của phong cách Phật giáo Ấn Độ.
Kiểu dáng tượng Phật trong tư thế đang bước đi. Điển hình là pho tượng Phật Pang Li La ở chùa Si Sa Kệt. Tượng Phật trong tư thế nguyện ấn, đang bước đi trên bệ trống hình vuông, tay phải giơ ra phía trước. Toàn bộ hình dáng Phật ở trong tư thế rất hiên ngang, đẹp đẽ, hiền hậu và mặc bộ áo Phật lộng lẫy. Đây là một pho tượng Phật mang đậm bản sắc nghệ thuật của Lào, được tạc trong thế kỷ VII. Tượng được làm bằng gỗ quý, thếp vàng có chiều cao 1,5m (tính từ điểm đầu tượng đến chân bệ tượng), chiều ngang trung bình 0,20m. Tượng Phật trong tư thế này có ý nghĩa như muốn nói đến việc Đức Phật đi thuyết Pháp, giảng đạo cho các đệ tử, các sư sãi và nhân dân trong vùng về những điều nhân sinh quan của cuộc sống…
Tượng Phật trong tư thế nhập niết bàn
Trong quá trình khảo sát tại thực địa, điển hình của kiểu dáng này là pho tượng Phật Pang Ni Phan nằm ở nhà Trung (Trung đường) của chùa Chom pết. Tượng Phật nằm trên bệ bằng đá được chạm khắc hình hoa sen rất đẹp, nhắm mắt, lấy tay phải gối đầu trên một bậc giống như cái gối làm bằng đồn, còn tay trái dọc theo thân thể. Có tóc hình xoắn ốc thành ngọc lửa, cổ tròn có ba ngấn. Tác phẩm điêu khắc tượng Phật này được làm vào năm 1990, sử dụng chất liệu đá, xi măng cốt thép và gạch, có chiều dài khoảng 30m (tính từ đỉnh đầu của tượng), chiều cao khoảng 5m (tính cả phần kế tượng). Tượng Phật nhập niết bàn này có kiểu dáng giống nhau những pho tượng Phật nhập niết bàn trong các ngôi cùa ở Việt Nam. Bên cạnh đó, ở một số ngôi chùa của thủ đô Viêng Chăn có tượng Phật trong tư thế nằm ngủ, tay trái dùng để gối đầu, tay phải duỗi thẳng, nhưng những pho tượng có tư thế này tồn tại rất ít ở đây. Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu, Phật nhập niết bàn là trở về với thế giới cực lạc, đồng thời cũng là một biểu tượng về quá trình sinh – lão – bệnh – tử của đời người mà không ai có thể thoát ra khỏi vòng luân hồi chuyển kiếp đó. Phật nhập niết bàn là về với thế giới đạo tiên, nơi mà mọi khổ ải của cuộc đời đều tan biến hết… Phật sinh ra, lớn lên, học đạo thành Phật, đi thuyết pháp cứu khổ cứu nạn, cuối cùng siêu thoát nhập cõi niết bàn. Có thể nói, đây là một tượng Phật có kiểu dáng rất đẹp và có quy mô rất lớn trong số các chùa ở thủ đô Viêng Chăn hiện nay.
Trên đây là những nghiên cứu bước đầu về tư thế của các tác phẩm điêu khắc tượng ở một số ngôi chùa ở Viêng Chăn. Tuy nhiên cũng phải nhận thấy rằng: hiện tượng này nằm trong quỹ đạo chung của nghệ thuật Phật giáo tiểu thừa ở khu vực Đông Nam Á lục địa, cùng với sự ảnh hưởng ít nhiều từ khmer rồi của các nước Xụ Khổ Thai và Nhứt Tha Nhạ. Do có sự tiếp thu các yếu tố bên ngoài, cho nên ngày nay chúng ta biết quá ít về nghệ thuật Lào ở buổi đầu lập quốc, Nhưng chúng ta cũng phải công nhận thấy rằng, các pho tượng trong các ngôi chùa ở Lào là những tác phẩm điêu khắc tuyệt đỉnh, sản phẩm của những nghệ nhân Lào đã tiếp thu có chọn lọc những yếu tố bên ngoài, nhưng vẫn sáng tạo và thể hiện tinh thần truyền thống dân tôc, tạo nên bản sắc riêng của nghệ thuật Phật giáo Lào… Cũng có thể trong tương lai, việc nghiên cứu của tôi còn có thể phát hiện ra các pho tượng được thể hiện qua các kiểu dáng khác với những mẫu hinh được giới thiệu ở trên./.
|
Cập nhật ( 02/09/2009 ) |