TRUYỀN THUYẾT DƯỚI NÚI "HÒN NGANG" * Trần Cảnh Yên Dãy núi vắt ngang chia vùng kinh tế mới Khánh Thành làm hai dải vì thế mà người dân nơi đây quen gọi núi này là Hòn Ngang. Rồi một ngày có một chàng trai từ thành phố có tên là Cường cõng một người con gái tật nguyền tên là Hiền về chân núi Hòn Ngang xây tổ ấm… từ đó Hòn Ngang còn có tên là Núi Ðôi và câu chuyện về tình yêu của đôi trai gái được lan truyền như một câu chuyện cổ tích! Nhà của Hiền nằm dưới chân núi Hòn Ngang thuộc xã Tây Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Bà Nguyễn Thị Hán, mẹ của Hiền kể rằng hồi mới được 6 tháng tuổi, Hiền bị một trận ốm viêm phế quản nặng và biến chứng dẫn đến căn bệnh bại liệt; bà ôm con đi khắp các bệnh viện chạy chữa, đến cả thầy mo, thầy cúng nhưng đôi chân của đứa con gái vẫn teo tóp không sao đứng lên được. Ngày ấy bà Hán phải nghỉ cả chức chủ tịch hội phụ nữ xã để chạy vạy kiếm tiền chữa bệnh nuôi con. Lên 16 tuổi, Hiền thêm chứng đau dạ dày, rồi mổ ruột thừa…thật là "hoạ vô đơn chí"! Năm 2001- Lúc đó Hiền đã 20 tuổi, cô được đưa vào Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng Nghệ An chữa trị. Một lần Hiền được cha gửi theo xe khách về Vinh, trong lúc Hiền đang bơ vơ ở bến để thuê xe ôm về bệnh viện thì may mắn được một chàng trai giúp đỡ. Sau này Hiền mới biết người đã cõng mình từ bến xe về bệnh viện là Nguyễn Hùng Cường, nhà ở thành phố Vinh. Từ lần đó, người ta thấy chàng trai tên Cường đều đặn đến bệnh viện lo cơm cháo cho Hiền, cõng Hiền đi chơi… và rồi không ai hay tình yêu của Cường với Hiền nẩy nở từ lúc nào. Cường là con cả của ông Nguyễn Bình Minh và bà Nguyễn Thị Liễu có gia thất đàng hoàng ở phường cửa Nam – TP Vinh, hiện Cường đang theo học một lớp Công nghệ thông tin tại thành phố. "Gia đình tôi không ai tin được, và cả cái bệnh viện ấy cũng không mấy người tin thằng Cường, một thanh niên đẹp trai, người thành phố lại có ý định gắn bó cuộc đời với một cô gái miền núi nghèo khó lại vĩnh viễn bị bại liệt" – Bà Hán gặp ai cũng mách chuyện của Cường và Hiền như vậy; trong lúc đó thì sự thật, chàng trai Nguyễn Hùng Cường chăm chỉ mỗi ngày ba bận đến chăm sóc, giặt giũ và cõng Hiền đi ăn cơm, đi dạo mát…trong bệnh viện. "Bố mẹ anh Cường biết chuyện động trời này đã ra sức ngăn cản anh ấy nhưng vô hiệu; Họ gặp cả cháu để động viên thông cảm với cháu nên xa anh ấy nhưng cháu cũng không có cách gì để "chạy trốn" được mối tình thánh thiện của Cường" – Hiền kể với chúng tôi rất chân thành. Khuyên nhủ Cường không được, ông Minh, bà Liễu buộc con thôi học và tìm cách gửi Cường vào làm việc tại công ty sông biển của ông bác ở tận Sài Gòn nhưng nghe tin Hiền ốm đi viện Cường lại trốn về. "Khi Hiền đã khoẻ, cháu định "mang trộm" cô ấy đi nhưng không thành vì bố mẹ Hiền không thể cho Hiền đi xa. Trở vào Sài Gòn được hai tháng nóng ruột và nhớ Hiền quá nên cháu lại quay ra" – Cường kể. Lần này thì Cường bỏ hẳn thành phố, tìm về núi Hòn Ngang để được chăm sóc Hiền. Bấy giờ Hiền đã học được nghề may mặc; Cường xin ông Sinh, bà Hán cõng Hiền lên tận Giang Sơn ( huyện Tân Kỳ) mở ốt làm ăn. Cường làm không thiếu việc gì: đi rẫy; về xuôi buôn ngô, buôn sắn, buôn chanh; cắt vải giúp Hiền may vá đồ gia công quần áo; và tới phiên chợ, đôi tình nhân lại cõng nhau đi bán hàng. Cường khoe: "Cuối năm 2004, khi đã có lưng vốn, chúng cháu bàn nhau sẽ làm lễ thành hôn. Biết sẽ không được cha mẹ đồng ý nên cháu trốn về thành phố nhờ mấy bác trên uỷ ban Phường viết giấy xác nhận hộ khẩu để lên trên này được đăng ký kết hôn với Hiền. Ngày 28 tết năm 2004 chúng cháu chính thức thành thân với nhau". Cha mẹ Hiền đông con, nghèo túng không có gì để làm của hồi môn cho con gái; Cường cũng không thể trông cậy vào bên nội vì biết mình mắc tội cưới vợ "chui". Vay thêm tiền bạn bè cộng với số tiền chắt bóp dành dụm bấy lâu, Cường cất tạm hai gian nhà nhỏ dưới chân núi Hòn Ngang và xin ông Minh, bà Hán cho vợ chồng ra ở riêng. Cuộc sống gia đình và hoàn cảnh éo le của người vợ đè nặng lên đôi vai chàng thanh niên thành phố! Cường làm đủ nghề: sửa xe đạp, tivi, lên rừng đốn củi đốt than, buôn ngô, buôn sắn …Bàn tay thư sinh của chàng thanh niên thành phố đã chai sần, nước da sạm nâu- Cường đã hoá thành "thổ dân" núi Hòn Ngang từ lúc nào không ai hay. Hiền thương chồng không cầm lòng được; nghĩ về thân phận mình, nghĩ đến hy sinh thiệt thòi của Cường, Hiền âm thầm khóc, nhiều lúc định liều quên sinh để giải thoát cho Cường. "Đừng nghĩ dại, anh đâu có tính toán thiệt hơn khi lấy em, rồi chúng mình sẽ vượt qua, đời đang ở ngày mai em ạ…"- Mỗi lần Hiền bi quan chán nản, Cường lại động viên vợ mình như vậy; Được chồng thấu hiểu an ủi động viên, Hiền quên hết mọi đau đớn về thể xác, quên hết thân phận nghèo hèn để vượt lên. Trừ những lúc ốm đau không thể gượng dậy được, còn thì không khi nào Hiền chịu rời khỏi chiếc bàn máy khâu. Đến lúc nào đôi chân bại liệt teo tóp không còn đỡ nổi tấm thân như dán chặt vào thành chiếc ghế may mới buộc được Hiền nghỉ tay. "Có lần mệt rũ cháu ôm bàn máy khâu ngủ thiếp đi, được anh ấy bế lên võng mà không biết; cháu mơ màng thấy chiếc võng đu đưa và nghe tiếng hát ru của Cường; anh ấy thường rất hay hát bài ca "Tự nguyện", không hiểu sao cứ nghe Cường hát bài ấy là cháu muốn khóc" – Hiền thổn thức kể. Những bộ quần áo con nít, quần áo người lớn trong làng Khánh thành đều do Hiền may rất đẹp. Đường may, múi chỉ của Hiền là để góp sức với chồng mưu sinh, nhưng điều lớn hơn là để Hiền chứng tỏ với đời là mình vẫn sống không vô nghĩa, để một phần nào đền đáp cho tình yêu của Cường. Rồi hạnh phúc cũng mỉm cười với họ, cuối năm ấy Hiền sinh con. Sức khoẻ của Hiền quá yếu không thể sinh nở bình thường nên phải phẫu thuật; Cả khoa sản bệnh viện Yên Thành đều dồn nổ lực để cứu mẹ con Hiền; người dân dưới núi Hòn Ngang đều cầu mong cho cơn "vượt cạn" của Hiền trót lọt. Bố mẹ đẻ của Cường từ TP Vinh cũng tất tưởi tìm đường về Hòn Ngang để chăm sóc cho đứa con dâu tội nghiệp. Rồi điều kỳ diệu ấy đã tới- Mẹ con Hiền cũng được "vuông tròn"! Cả cái làng nghèo Khánh Thành mang tiền, gạo đến thăm mẹ con Hiền. Sau sinh nở, Hiền kiệt sức, bệnh tật lại hành hạ; Cường cõng vợ đi hết nhà thương này đến thầy lang khác để chạy chữa. Về nhà, cường lo hết mọi việc: làm nương, giặt giũ, cơm cháo cho vợ, bế con đi khắp làng xin sữa cho con bú. "Trời như có mắt mấy chú ạ, sức khoẻ của con Hiền dần dà được hồi phục và đứa con của chúng nó – Con "Bẹp" Nguyễn Thị Hoài Thương lớn mau như trái mít ngoài vườn kia là nhờ bàn tay chăm bẵm và tình thương đến "kỳ cục" của cha nó; nhờ đến hơi ấm của cả cái làng núi Hòn Ngang này" – ông Sinh ngậm ngùi ! "Hôm nay là phiên chợ Láng, đến buổi chúng cháu đi bán hàng rồi…mà chuyện của chúng cháu cũng có bấy nhiêu thôi" – Cường chào chúng tôi rồi lanh lẹn cõng Hiền đặt lên xe máy đã dựng sẵn ngoài sân. Hiền nhỏ thó, đôi cánh tay dài và đôi chân "mảnh mai" của cô làm một động tác như đã thành một kỹ năng quàng chặt lấy cổ và hông của Cường. Chiếc xe máy rú ga lượn qua cái dốc nhỏ trước nhà đưa đôi "tình nhân" đi về hướng chân núi Hòn Ngang. Họ đã đi khuất nhưng chúng tôi vẫn chưa hết bàng hoàng – Có rất nhiều câu chuyện tình yêu đẹp như trong truyện cổ tích; nhưng câu chuyện tình yêu của đôi vợ chồng Cường, Hiền dưới chân núi Hòn Ngang mới đẹp làm sao; một câu chuyện có thực ngoài đời mà như một truyền thuyết! |
Cập nhật ( 07/06/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com