TRONG NHÀ CÓ NGƯỜI XUẤT GIA * Huỳnh Ngọc Thành Kinh văn của Đức Phật dạy có ý như vậy: Gia đình có người xuất gia là phước báu nhiều đời nhiều kiếp của dòng họ. Vậy mà gia đình hai bên nội ngoại của tôi đều có người xuất gia, đó là bà nội và cháu gọi bằng cậu.
Thành thật mà nói, cuộc sống riêng mỗi gia đình nội ngoại xa gần lúc thịnh lúc suy, có người cơ thất mà cũng có người làm ăn hưng thạnh như cờ gặp gió. Dù cho thất bại bầm dập lui về ở ẩn chờ thời hay tài lộc sung túc, tất cả đều không làm điều gì sai trái với luân thường đạo lý, mặc cho bần cùng nhưng không hề nảy sinh đạo tặc hay ở chốn thiên hạ xỏ xiên buôn gian bán lận để ám chỉ những kẻ làm giàu bất chính. Hầu hết những người bà con nội ngoại đều nhớ đến Kinh Tiểu Bộ 1 qua lời dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu vừa dễ hiểu vừa đủ chiêm nghiệm trong đời riêng: “Hiếu dưỡng mẹ và cha. Nuôi dưỡng vợ và con. Làm nghề không rắc rối. Là điểm lành tối thượng”. Bà nội tôi ăn chay trường từ năm bà khoảng bốn mươi tuổi, sau khi ông nội qua đời vài năm. Sống với con cháu và mỗi năm ba tháng hạ thì phát nguyện vào chùa Sư Nữ Bảo Thắng cùng tu học với đại chúng. Cuối tuần con cháu vào thăm tiếp tế thực phẩm cho bà và cúng dường trường hạ. Kết thúc mùa an cư, quý Sư cô đưa bà nội từ Hội An ra Đà Nẵng để về nhà, mang theo nào là bắp trái, đậu phộng thu hoạch quanh vườn chùa. Sau giải phóng thì sức khỏe yếu, không đi đường xa thì tụng kinh mỗi ngày hai thời sáng tối trên gác thờ riêng biệt và cũng là cơ ngơi thu nhỏ để bà sinh hoạt độc lập. Rồi cuộc sống khó khăn, đành chọn giải pháp bán nhà chia tài sản cho con cháu làm vốn luyến ra rêng. Bà về ở với con gái cho đến ngoài tuổi chín mươi thì qua đời. Di ảnh của bà được trí linh tại chùa Sư Nữ Bảo Quang hơn hai mươi năm qua và hàng năm nhà chùa tổ chức hiệp kỵ vào đầu tháng Bảy âm lịch. Con cháu nội ngoại đều an lành, không ai nói ra nhưng mỗi người tự hiểu rằng đều thừa hưởng những phước báu hiếm hoi mà bà nội tôi đã gieo những hạt mầm từ bi bác ái trên trần thế nửa thế kỷ tu thập thiện tại gia thuần thành của một gia đình tin Phật nhiều đời. Người thứ hai trong dòng họ xuất gia hơn ba mươi năm qua, gọi tôi bằng cậu. Động cơ xuất gia nghe thấy nhẹ tênh, nhưng suy nghĩ thấu đáo thì đó là duyên tiền định. Cha mất, mẹ cung thỉnh chư Tăng về nhà cầu siêu rồi muốn xuất gia theo quý Thầy, năm đó vừa tròn một con giáp. Sau ngày giải phóng quê hương vài tháng, hai bên nội ngoại đều có công với cách mạng, thấy cuộc sống ngoài đời còn khó khăn vì trong chùa lại còn thiếu thốn bội phần. Vóc dáng thư sinh nhỏ nhắn, dân thành phố chánh gốc làm sao mà sản xuất nông nghiệp trồng lúa trồng rau, nên họ hàng gần xa khuyên nhủ thầy nên hoàn tục, Kể cả những cán bộ được gia đình nuôi giấu trong nhà cũng ngõ lời bảo ban. Thời điểm đó, thầy khoảng chừng mười bảy tuổi, cái tuổi bẻ gãy sừng trâu mà trông bộ dạng thầy quá thê thảm, như suy dinh dưỡng đến nơi. Vậy mà thầy kiên trì tâm đạo, làm mọi việc nặng nhọc như đại chúng trong chùa, đi làm thủy lợi, sản xuất lương thực tự túc, không khác chi dân đi vùng kinh tế mới thứ thiệt. Và đáng nể hơn là phấn đấu một mình vào Sài Gòn đèn sách cùng huynh đệ pháp lữ để có được hai tấm bằng đại học cùng lúc, một của Học viện Phật giáo Việt Nam (khóa I) và một của Đại học Tổng Hợp (khoa Ngữ văn). Rồi thầy hồi hương về quê nhà tham gia công tác hoằng pháp, giáo dục Tăng ni, từ thiện xã hội và thỉnh thoảng đến nhà nội ngoại cầu an cầu siêu cho người thân trong gia tộc, nếu có lời thỉnh mời. Chuyện đời chẳng ai học được chữ ngờ. Hai mươi năm sau ngày giải phóng, tôi chuyển ngành cho đến lúc bàn tay tạo háo đưa đẩy, tôi trụ lại với nghề báo mà là tờ báo duy nhất của Phật giáo Việt Nam. Cháu gọi tôi bằng cậu bây giờ được tấn phong Đại Đức phụ trách một ban chuyên môn của Giáo hội địa phương, là người cháu mà tôi đã từng động viên hoàn tục khi thấy xã hội mới không còn chiến tranh và khổ đau vì chia ly chết chóc trong đạn bom. Bây giờ tôi gặp thầy nhiều hơn lúc trước và ngược lại thầy khuyên nhủ tôi rằng đau khổ vẫn còn triền miên ở một góc độ khác, đó là sân hận hơn thua được mất giữa dòng đời sinh diệt. Và thầy căn dặn tôi cần giữ tâm thức thanh thịnh, đừng giận hờn tỵ hiềm với bất cứ một ai. Tôi hơn thầy năm tuổi. Nếu tính tuổi tôi chênh lệch với tuổi thầy là tam hạp nên những ngày mới vào nghề, chưa quen biết nhiều đơn vị Phật giáo cơ sở nên gặp trở ngại mỗi khi hoạt động nghiệp vụ. Vì vậy, mỗi khi thầy đi dự lễ hoặc thuyết pháp ở bất cứ nơi đâu, xa hay gần đều chở tôi đi theo. Lúc rảnh rỗi chỉ còn lại cậu cháu, thầy chân thành khuyên tôi còn trẻ khỏe nên chịu khó tu học như kinh Lăng Nghiêm đã dạy: “Hãy niệm Phật khi tai còn nghe rõ, và nhìn Phật khi mắt chưa mờ”. Tôi nói thật mà thầy tưởng như đùa, là đang còn nặng gánh gia đình nên chưa đủ thiện duyên. Thầy bảo thời gian nhàn rỗi la cà quán xá là đều nên hạn chế, cần tập trung chánh niệm thiền định để tinh tấn. Tôi ỷ mình lớn tuổi hơn thầy, vai vế hàng trên nên mạnh miệng thưa lại rằng nghiệp chướng trần ai chưa tan, phiền não chưa tiêu trừ, bia bọt đầy đường, thú vui khắp chốn gọi mời… thì làm sao thoát khỏi vòng kim cô mê cung khiêu khích này. Thầy lắc đầu chịu thua và nở nụ cười độ lượng, buông nhẹ một câu nghe đến nhói lòng: “Tu là chuyển nghiệp chính mình. Lý sự như cậu thì đời đời kiếp kiếp chập chồng oan trái”. Nói là nói giỡn cho vui với thầy vậy thôi, chứ thâm tâm tôi thầm nhủ kiên trì giữ được giới cấm chừng nào thì an lạc thân tâm chừng đó để không lâm vào thảm kịch ma đưa lối quỷ dẫn đường như nhãn tiền đâu đó được thông tin trên những trang nhật trình, bắt nguồn từ những mê lầm để không tỉnh thức chế ngự thuần hóa tâm hồn giữa chốn hồng trần còn lắm lụy phiền chưa kịp đặt tên… |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com