TRỌNG NGUYỄN: Một nghệ sĩ có nhiều tâm huyết và nghiệt tình
* Trần Phước Thuận
Ông tham gia rất nhiều lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, một nghệ sĩ vừa làm thơ, viết báo, sáng tác bài ca vọng cổ, cũng vừa biên soạn kịch bản cải lương, về phương diện này ông là một soạn giả nổi bật với những kịch bản độc đáo đã gắn liền tên tuổi ông với nghệ thuật của quê hương .
Tên thật của ông là Nguyễn Phú Xuân, nghệ danh Trọng Nguyễn, nhưng khi làm thơ hoặc viết báo ông lại dùng nhiều bút danh khác, như : Đinh Công Sắc, Thu Lê, Dương Nghĩa Trần, Khắc Tâm. Ông sinh ngày mùng 8 tháng 11 năm Mậu Dần (29/12/1938) tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) từ một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng, cha là Nguyễn Cao Minh (1904 – 1983) và mẹ là Lê Thị Để (1904 – 1944) đều là những cán bộ nòng cốt ở địa phương. Vợ của ông – nghệ sĩ Huỳnh Diễm Hồng (1947 – 1997) một diễn viên có tầm cỡ của đoàn văn công tỉnh Cà Mau cũ. Hai vợ chồng ông có tất cả năm người con gồm ba trai hai gái (Vệ Cương, Ngọc Duệ, Kỷ Cương, Huỳnh Duệ, Tân Cương). Tất cả đều ở Bạc Liêu.
Trọng Nguyễn được sinh ra từ một gia đình cách mạng, cha ông nguyên là một Đảng viên Cộng Sản nên ngay từ nhỏ ông đã được sự giáo dục cẩn thận vì vậy đã sớm có ý thức cách mạng, năm 1954 vừa tròn 16 tuổi đầu, ông đã thoát ly gia đình đi theo tiếng gọi của quê hương. Ông được tổ chức phân công đầu tiên làm giáo viên ở các trường xã, tiếp theo là Tô trưởng tổ giao liên, Phân đoàn trưởng thanh niên lao động, đến năm 1958 ông làm Tổ trưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau, sang năm 1961 được chuyển vào làm Bí thư đoàn văn công tỉnh Cà Mau, hoạt động ở đây đến ngày 25 tháng 11 năm 1963 được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đến năm 1972, Trọng Nguyễn lại được phân công làm Bí thư Chi bộ (chính trị viên) đoàn văn công khu Tây Nam bộ ; từ đó về sau ông liên tiếp phụ trách nhiều chức vụ khác ở Sở Văn Hóa, Hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Minh Hải, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đồng bằng Sông Cửu Long . Sau ngày tỉnh Bạc Liêu được tái lập (1/1/1997) ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, trong Đại hội Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhiệm kỳ 2000 – 2005 ông được bầu vào Ban chấp hành TW và tiếp theo đắc cử Liên chi hội trưởng Chi hội Sân khấu Việt Nam đồng bằng sông Cữu Long. Đến tháng 4 năm 2002, ông mới chính thức đựơc nghỉ hưu.
Trong suốt cuộc đời Cách mạng, Trọng Nguyễn đã kinh qua rất nhiều công tác, nhiều nhiệm vụ với nhiều vị trí khác nhau ; nhưng dù ở vị trí nào hay nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành tốt đẹp, nổi bật nhất là vấn đề viết kịch bản cho các đoàn Văn công, đoàn Cải lương Nam bộ. Cuộc đời văn nghệ sĩ của Trọng Nguyễn bắt đầu từ những ngày làm thầy giáo ở xã Quách Phẩm, trong thời gian này ông đã sáng tác rất nhiều bài thơ. Nhưng có lẽ cái duyên của ông với nàng thơ không được dài lâu nên làm thầy giáo chỉ được hơn một năm thì cơ sở bị lộ, ông được tuyển vào lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau phục vụ ở tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng, kể từ đó chinh chiến triền miên Trọng Nguyễn không còn thì giờ làm thơ nữa và tưởng đâu cuộc sống binh nghiệp sẽ gắn liền với cuộc đời của ông, ngờ đâu năm 1960 ông lại được điều về làm Bí thư chi đoàn Văn công tỉnh Cà Mau, đây là cơ hội thuận tiện để ông bước chân vào sân khấu .
Khi còn học ở trường trung học Thái Văn Lung, Trọng Nguyễn đã từng thọ giáo cả tân lẫn cổ nhạc với hai nhạc sĩ Trương Bỉnh Tòng và Hoàng Mãnh, mãi đến lúc này mới có đất dụng võ, ông vừa làm công tác chính trị cũng vừa sáng tác, ông đã sáng tác rất nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có cả các bài ca tân nhạc, cổ nhạc, múa và kịch bản cải lương, ông còn tham gia làm diễn viên sân khấu; nhưng có lẽ do thân hình gầy ốm và khuôn mặt không mấy “bảnh trai” không thích nghi với vai trò của một kép trẻ, vả lại công việc quá bề bộn nên ông đã tự động ngưng diễn, chỉ chuyên về biên soạn kịch bản Cải lương và bài ca Vọng cổ mà thôi.
Theo lời kể của Trọng Nguyễn, từ năm 1961 đến nay ông đã biên soạn được tất cả 19 kịch bản Cải lương, đó là các vở : Đôi bông cẩm thạch, Xếp bút nghiên, Ai nên đi, Tang thương, Anh Tư nhà mới, Phút giây trong lòng địch, Giọt máu oan cừu, Rừng thần, Tình sử Thiên y-a-na, Hãy tha lỗi cho em, Lời thề trước miếu, Tấm Cám, Cánh buồm định mệnh, Bình rượu tình, Sơn Tinh Thủy Tinh, Bóng biển, Nước mắt một thời chưa xa, Phải chi ngày ấy, Bông mận . Các vở này không chỉ được các đoàn cải lương ở Bạc Liêu trình diễn mà còn được một số đoàn hát lớn ở Việt Nam sử dụng khắp nơi, trong đó có những vở rất nổi tiếng có ý nghĩa sâu xa như : Giọt máu oan cừu, Bóng biển, Rừng thần, Tình sử Thiên y-a-na …
Điểm đặc biệt trong sáng tác của Trọng Nguyễn là đã mạnh dạn đưa lên sân khấu những hình ảnh thực sự của đời thường, không dùng nghệ thuật để tô màu lên những hạn chế của con người và xã hội, ông xây dựng nhân vật rất thực – rất phù hợp với những gì đã xảy ra . Một lần ông kể lại : “Có người hỏi tôi, tại sao ông xây dựng nhân vật Đình trong vở Bóng biển lại quá dốt như vậy ? Tôi đã trả lời : Dốt thì phải nói dốt chứ không thể nói khác hơn được vì đó là những cái dốt rất đáng thương, các anh nghĩ xem ở cái xứ khỉ ho cò gáy – xa xôi như Rạch Gốc trong những năm 1930 trở về trước thì làm sao người dân được học hành, nhưng những người dốt nát này sau khi giác ngộ Cách mạng họ đã yêu nước một cách chân thành, họ yêu quê hương bằng con tim, bằng tất cả tấm lòng của họ, họ dám chết vì đất nước như thế thì những con người đó không đáng được trân trọng hay sao ?”. Một thí dụ khác là nhân vật Hoàng Anh, vai chính trong vở Giọt máu oan cừu lại là một đại úy cảnh sát của chế độ cũ, chính điều này đã làm trở ngại không ít cho vở tuồng ; lúc đầu cơ hồ như không được sử dụng, nhưng dần dần người ta hiểu ra ý của Trọng Nguyễn muốn nói những người đã mang dòng máu Cách mạng dù đang sống ở đâu, ở vị trí nào hay hoàn cảnh nào, cũng đều là những con người chân chính bởi lẽ đó đại úy Hoàng Anh cũng không ngoại lệ. Ngoài ra ông muốn nói công tác binh vận, địch vận của Cách mạng trong thời kỳ đó quả thật đã có tác dụng rất tích cực – đã thực hiện được những công tác thật khó khăn .
Điểm đặc biệt thứ hai của Trọng Nguyễn là không cầu kỳ, không khiên cưỡng ; trong lúc xây dựng kịch bản ông chỉ dùng những bài bản thông thường, những giai điệu phổ thông chính điều này đã làm cho diễn viên dễ ca dễ diễn, vì vậy kịch bản của ông cũng dễ thành công ở các đoàn Cải lương.
Đặc điểm thứ ba cũng là đặc điểm trọng tâm – hầu hết các kịch bản của ông đều mang ý nghĩa đấu tranh giai cấp, phục vụ Cách mạng, đòi quyền tự do của con người .
Riêng về phần bài ca Vọng cổ, đến nay Trọng Nguyễn đã sáng tác được trên 200 bài, mỗi bài ca đều mang một kỷ niệm trong đời của ông. Ông nói : “Có những kỷ niệm không thể nào quên được, nhất là hình ảnh của người mẹ hiền – mẹ tôi mất sớm nhưng đã lâu ngày không về thăm mộ mẹ – sau ngày độc lập 30 tháng 4 năm 1975 tôi về thăm quê hương đứng lặng trước mộ mẹ hiền, thầm cảm ơn Đảng đã đem lại độc lập cho dân tộc hạnh phúc cho mọi người và tôi mới được về thăm mộ mẹ, trong phút giây thiêng liêng đó tôi đã sáng tác một bài ca Vọng cổ mang tên Ơn Đảng”. Ông rất trân trọng cội nguồn, rất yêu mến quê hương – ông về thăm vườn nhãn, vườn chim …, thăm cụ Cao Văn Lầu, tưởng nhớ bản Dạ cổ hoài lang và ông đã sáng tác bài ca Bạc Liêu ngày ấy . Cứ mỗi một kỷ niệm thì Trọng Nguyễn lại cho ra đời một bài ca, số lượng tuy nhiều nhưng tất cả đều có ý nghĩa tốt đẹp, có sự đóng góp làm lành mạnh cho xã hội – nhân sinh. Năm 1999, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu đã chọn 50 bài ca Vọng cổ tiêu biểu của ông để in thành một tập nhan đề là Quê anh quê em; đến cuối năm 2004 lại tiếp tục xuất bản Tuyển tập Giọt sữa cuối cùng, gồm 110 bài ca vọng cổ được nhiều người yêu thích.
Trọng Nguyễn thực sự đã có những cống hiến rất tích cực cho văn học nghệ thuật tỉnh nhà và cho Cải lương Nam bộ. Ông đã hoàn thành xuất sắc công tác văn hóa văn nghệ trong suốt thời gian tham gia kháng chiến và từ ngày đất nước được thống nhất đến nay, ông được Nhà nước phong tặng nhiều huân chương, huy chương và nhiều bằng khen để tưởng thưởng công lao. Hiện nay tuy tuổi đã ngoại lục tuần ông vẫn hăng hái sáng tác và tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ ở tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Trong Nguyễn thật xứng đáng là một nghệ sĩ tiêu biểu, một con người nghệ thuật có nhiều tâm huyết và nhiệt tình.
|
Cập nhật ( 27/09/2014 ) |