TRIẾT LÝ PHẬT GIÁO TRONG THƠ BÙI GIÁNG * An Nhiên Có thể nói rằng, từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta cho đến nay, triết lý của Phật giáo đã trở thành một nguồn cảm hứng mạnh mẽ đối với những thi hào, giới văn nghệ sĩ. Do vậy, trong nền văn học Việt Nam nói chung và văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng, sự ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo đối với các tác phẩm văn chương thể hiện cũng khác nhau, như: Văn học Phật giáo thời du nhập, mang màu sắc của những tín ngưỡng dân gian; thời trung đại mang đậm tư tưởng của thế giới nội tâm trong Phật giáo, khác hơn hẳn là văn học hiện đại triết lý Phật giáo vẫn thấm đượm những cái lãng mạn, cái phiêu bồng của xã hội phát triển đã ăn sâu vào trong tư tưởng thơ ca. Cho nên, văn học Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại là một nền văn học phản ánh một triết lý sâu sắc về nội dung lẫn hình thức của cả một xã hội đương thời. Thật vậy, một trong những nhà thơ thể hiện nỗi lòng thổn thức về con người cũng như xã hội, đó là Bùi Giáng, một tư tưởng mang màu sắc của cuộc đời, của thực tại mà con người ta ít khi quan tâm đến. Bởi lẽ, triết lý của ông là nhận biết của thực tại, vượt lên sự hiểu biết đời thường của nhân sinh. Chính điều này đã mang lại cho ông một nguồn sinh khí mạnh mẽ trong cuộc sống, vượt lên so với những nhà thơ cùng thời, như Phạm Thiên Thư hay Vũ Hoàng Chương… Bùi Giáng đã sống và đã để lại cho kiếp nhân sinh một giá trị của triết lý sống vượt thoát ra ngoài thế gian trong sự nghiệp sáng tác của mình. Triết lý vô thường Vô thường là một thực tại xưa nay luôn luôn hằng hữu trong cuộc sống, trong bốn thời gian, không gian, con người và vạn vật. Đối với Bùi Giáng, ông đã ý thức được thân phận của mình, được kiếp nhân sinh phù du, ảo ảnh, cuộc đời là đau khổ. Và có lẽ ông đã thấu hiểu điều này từ chính cuộc đời của mình, vì năm 18 tuổi ông lấy vợ, vợ ông là người khá xinh đẹp, chỉ vài năm sau, bà bị bệnh, sinh non và cả hai mẹ con cùng chết. Đó là lý do để trong thơ của ông sau này thường xuyên nhắc đến sự mất mác, sự chia ly, một hình bóng cũ: “Có hàng cây đứng ngóng thu Em đi mất hút như mù sa bay”. Hay những dòng thơ trên bia mộ của Bùi Giáng: “Đùa với gió, rỡn với vân Một mình nhớ mãi Gái trần gian xa Sương buổi sơm, nắng chiều tà Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu”. Hay ở một đoạn thơ khác: “ Xin chào nhau giữa con đường Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau”. Tuy nhiên, trong thơ Bùi Giáng, người đọc khó khám phá ra nỗi đau thực sự của ông là gì, những nỗi đau ấy bàn bạc trong vần thơ ông: “Niềm đau đớn xót xa như vĩnh quyết Niềm điêu linh như vĩnh biệt muôn đời Tôi về giữ mộng mù khơi Kết thành viễn tượng cho đời chiêm bao”. (Ngày nay ngày mai) Nỗi đau như là bản chất vĩnh viễn của cuộc sống, của vô minh nhưng được miêu tả trong thân phận con người và một hoàn cảnh lịch sử xã hội cụ thể. Cụ thể như những cảnh sinh, lão, bệnh, tử mà Thái tử Tất- đạt- đa chứng kiến trong những lần du hành của mình để làm khởi điểm cho một chứng nghiệm cứu đời vĩ đại. Với |Bùi Giáng đã thấu rõ được nỗi đau của kiếp nhân sinh, bản chất thân phận con người, hay một nỗi đau của một kiếp người, nói như Trần Thái Tông trong Khóa Hư Lục qua bài “Phổ thuyết tứ sơn”: “Con người kiếp sống tự phù âu Thọ yểu an bài nọ phải cầu Cảnh dục nương đâu trời ngã tối Thân như bồ liễu tạm qua thâu (thu) Chàng Phan ngày ấy còn xanh tóc Lã Vọng năm nay đã bạc đầu Cuộn cuộn sự đời trôi chẳng đoái Vần ô gác núi nước tuôn trào”. Đó là nỗi đau của sanh, lão, bệnh, tử, ngũ uẩn, vô thường, con người khó có thể vượt qua được, và luôn bị ràng buộc bởi thân phận chính mình: “Dấu bèo phong vận nín thinh Sóng phơi trường mộng bình minh vô thường Nắng hồng chiếu bong đài gương Lời nghi hoặc hỏi đoạn trường từ đâu…”. (“Vẫn là là”) Chính vì lẽ đó, Bùi Giáng khoogn sao đặt được bước chân vào cõi thanh tịnh và an lạc. Ông tự dày vò mình trong hình hài “đười ươi”, con vật, giống khỉ, ngửa mặt cười vu vơ: “Em về giũ áo đười ươi Trút quần phong nhụy cho người phụ nhau Đười ươi tại hạ ra đời Thời gian rạch xé tô bồi cho em”. Đối với Bùi Giáng vô thường vẫn cứ mãi vô thường vì không có vô thường làm gì có mùa xuân cho thi nhân ca tụng, ngâm vịnh và lấy cớ bộc bạch nỗi cô đơn mỗi độ xuân về: “Những nhành mai sớm sương bên lá Những nhành liễu chiều gió bên cây Cũng lay lắt bởi đời xuân em ạ Thế nên chi anh cũng biết dòng này”. Hay “Ra đi hẹn với xuân đầu Chờ nhau ngõ khác ngó màu nguyên xuân”. “Ra đi hẹn với xuân đầu”, xuân đầu là xuân sơ ngộ của màu hoa trên ngàn, xuân của thiền sư Chân Không khi được hỏi: “Bạch Hòa thượng, khi sắc xuân bại hoại thì thế nào?”. Ngài đáp lại: “Xuân đến, xuân đi, ngỡ xuân hết Hoa nở, hoa tàn, chỉ là xuân”. Còn thiền sư Mãn Giác thì: “Xuân đi trăm hoa rụng Xuân đến trăm hoa cười Trước mắt việc đi mãi Trên đầu già đến rồi Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết Đêm qua sân trước một cành mai”. Đó là hình ảnh sự vô thường của thời gian, không gian của sự vật, hiện tượng, của con người, hình tượng đến- đi, nở – tàn, ngoài sự ám chỉ về sự vô thường của một kiếp sống thì bài thơ còn nói lên vòng tuần hoàn mãi luân hồi không dứt. Như vậy, có thể nói rằng, từ trong cuộc sống khó khăn gian khổ, ông đã ngộ ra chân lý của cuộc đời là đau khổ, sự tồn tại của con người trên thế gian cũng có giới hạn, không phải vĩnh hằng như chúng ta mong muốn, trẻ đến một lúc nào đó cũng trải qua giai đoạn già yếu, rồi bệnh chết, sự đoàn tụ rồi cũng phải chia ly, đó là nói hết một giai đoạn của con người, chớ ít có người sống trọn vẹn. Hoa nở rồi tàn, sắc thân của con người ta cũng như hoa, có sinh ắt có diệt, làm sao tránh khỏi định luật vô thường. Thế thì xuân là gì, phải chăng là cái vĩnh viễn, an lành, tỉnh giác? Sau sự vô thường đi- đến, nở- tàn thì có một cái luôn luôn miên viễn, thường hằng bất biến mà ít có ai để ý đến. Ấy là sự chuyển dịch của thời gian, không gian, bản chất và hiện tượng. Thời gian qua thì mọi thứ cũng theo đi, con người cũng theo đi. Bùi Giáng buộc mình ý thức trong từng sát na, sự ra đi của xác thân, của tình yêu, của vạn vật trong cõi tạm: “Than xương máu đã đành là ủy mỵ Thì xin em cùng lên thác xuống ghềnh”. (Phụng hiến) “Em về mấy thế kỷ sau Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không”. (Mưa nguồn) Chính vì thế, đối với Bùi Giáng, sống là phải phụng hiến, vươn lên, nếu buông thả thì tất cả sẽ đi qua trong vô thức, và cuộc đời này sẽ lạc lẽo, ảm đạm. Thế mới biết Bùi Giáng là một con người luôn luôn mang lòng trắc ẩn của một kẻ sĩ lang thang, tìm cho mình một lối sống gọi là an nhàn tự tại mà người ta cho là “điên”. Điên của ông là một lối điên của con người tự tại, không muốn vướng bận với thế gian, thích rong chơi đây đó và đó cũng là một cái ngông của thi sĩ… (còn tiếp) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com