TRAO ĐỔI VỀ MỘT SỐ TỪ HÁN VIỆT DÙNG SAI
* Nguyễn Cảnh Phức
Báo Nghệ An cuối tuần số 7702 ra ngày 2 tháng 3 năm 2008 đã đăng bài “Về bài báo trở lại một số từ Hán Việt dùng sai” của ông Hoàng Kỳ. Đọc xong bài báo đó, tôi xin trao đổi lại với ông Kỳ và các quý độc giả như sau: Ông Kỳ trao đổi về nghĩa của một số từ Hán Việt – những từ mà tiếng Việt vay mượn từ tiếng Hán, thì đáng lẽ ra thì ông phải tra cứu các từ điển của Trung Quốc để hiểu cho tường tận, chính xác nghĩa của từng chữ rồi mới tham gia trao đổi, nhưng ông lại không làm như vậy, mà chỉ dựa vào vốn kiên thức vô cùng ít ỏi của mình về từ ngữ Hán Việt rồi vội vàng khẳng định: “mừng nhà mới” dùng từ “mừng tân gia” là sai, lẽ ra phải nói là “mừng tân ốc” mới phải, vì chữ Hán “ốc” là cái nhà, nên khi để chỉ nhà cao tầng người ta gọi là cao ốc chứ có ai gọi là cao gia đâu”.
Tôi xin nói để ông Kỳ biết: theo các từ điển của Trung Quốc như Từ hải, từ nguyên, Từ điển tiếng Hán hiện đại thì có ít nhất 10 từ đơn đều có nghĩa là ngôi nhà như: gia, ốc, đường, xã, viện, cung, tạ, san, đài, đình. Tôi xin giải thích một số từ để chứng minh. Gia đình … đình: cái sân. Gia đình là nơi có những người thân thích, ruột thịt chung sống thường xuyên, lâu dài trong cùng ngôi nhà mà phía trước thường có sân hoặc trong cùng một căn hộ. Ngày nay, nhiều gia đình ở tầng hai trở lên trong các nhà cao tầng thì không có “đình” nhưng “gia” thì không thể thiếu được. Gia súc…… súc: súc vật, vật nuôi ở trong nhà, thường chỉ loài có bốn chân như trâu, bò, lợn, chó, mèo, dê… Trong tiếng Việt, nhà để nuôi loài vật thì còn gọi là chuồng, trại, như chuồng bò, chuồng trâu… Chó và mèo thường được nuôi và sống chung cùng nhà với người. Gia cầm…….. cầm: loài chim. Gia cầm là những con vật cùng họ với chim như: gà, vịt, ngang, ngỗng… Ngày xưa, trên một số chiếc cầu, người ta làm nhà để cho khách qua đường có thể tạm dừng chân nghĩ mát hoặc trú mưa. Người ta gọi những chiếc cầu đó là thượng gia hạ kiều…….. nghĩa là phía trên là nhà, phía dưới là cầu (kiều : cái cầu). Ca dao vùng Thừa Thiên Huế có câu:
Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em đi với một đoàn cho vui.
Cầu Thanh Toàn thời xưa trên cầu có nhà lợp ngói, nên người ta gọi tắt là cầu ngói Thanh Toàn – Thượng ốc….. Thượng: trên – Thượng ốc là bộ phận trên hết, cao nhất, dọc theo nóc nhà từ đầu này đến đầu kia. Công ty địa ốc…. là công ty chuyên kinh doanh đất đai (địa) và nhà ở (ốc). Cao ốc……. là ngôi nhà cao, nhiều tầng. Học đường…. học: học tập. Học đường là ngôi nhà dành riêng cho học sinh học tập, tức là trường học. Giảng đường .. giảng: giảng dạy. Giảng đường là ngôi nhà kiên cố, có nhiều phòng học rộng rãi, đẹp đẽ dành để giảng dạy và học tập ở trong các trường cao đẳng và đại học. Từ đường…….. Từ: thờ cúng. Từ đường là ngôi nhà dành để thờ cúng tổ tiên của một dòng họ, nhà thờ họ. Ký túc xá. Ký: gửi, túc: ngủ. Ký túc: ngủ gửi, ngủ nhờ. Ký túc xá là ngôi nhà do nhà trường làm ra cho học sinh, sinh viên ngủ nhờ và sinh hoạt thường xuyên. Cư xá………..cư: ở. Cư xá là ngôi nhà ở thường xuyên của học sinh, sinh viên, do nhà trường làm ra. Cư xá đồng nghĩa với ký túc xá. Bệnh xá……… bệnh: bệnh tật. Bệnh xá là ngôi nhà dùng để chữa bệnh có quy mô nhỏ hơn bệnh viện. Thư viện… thư: sách. Thư viện là ngôi nhà chứa sách báo và cho vay mượn sách báo. Bệnh viện… là ngôi nhà dùng để chữa bệnh, có quy mô to hơn, hiện đại hơn bệnh xá. Cung thể dục thể thao. Cung văn hóa…. Là ngôi nhà kiên cố, rộng lớn, để mọi người có thể đến sinh hoạt văn hóa. Thủy tạ.. ….thủy: nước. Thủy tạ là ngôi nhà làm trên mặt nước, thường dùng để nghỉ ngơi, ngắm cảnh, giải khát, ăn uống… Ở Hà Nộingày xưa có một số nhà thủy tạ ven hồ Tây. Ngôi nhà trên mặt hồ Cửa Nam ở thành phố Vinh cũng có thể gọi là nhà thủy tạ. Khách sạn.. khách: vị khách. Khách sạn là ngôi nhà cao lớn, rộng rãi, đẹp đẽ, dành cho khách đến ở trọ, ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí… Khán đài………… khán: xem. Khán đài là ngôi nhà có nền cao dành cho khán giả đến xem biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao… Đình…….là ngôi nhà vừa để cúng thần thánh vừa để hội họp của một làng thời xưa. Ca dao ta có hai câu:
Qua đình ngã nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.
Qua phần giải thích một số từ ngữ Hán Việt ở trên, chúng ta thấy rằng trong kho từ ngữ Hán Việt của ta có ít nhất 10 từ đơn đều có nghĩa là ngôi nhà. Thế mà ông Kỳ mới chỉ biết một từ đơn “ốc” là ngôi nhà mà thôi. Điều này chứng tỏ vốn hiểu biết về từ ngữ Hán Việt của một giáo viên cấp III như ông Kỳ là quá ít ỏi. Những sinh viên Khoa Văn của Trường Đại học Sư phạm Vinh nghe tôi giảng dạy Hán Nôm trong bốn tiết cũng đã tiếp thu được một số từ ngữ Hán Việt trên cơ sở hiểu rõ từng chữ như tôi đã giải nghĩa ở trên kia. Ông Kỳ cũng nên nhớ rằng ngôn ngữ nào cũng có vô số điều quy ước. Ví dụ: Từ xưa đến nay, nhân dân ta ngầm quy ước rằng chồng của con gái mình thì gọi là rể; vợ của con trai mình thì gọi là dâu; chỉ dùng từ “gia đình” chứ không dùng đường đình, xá đình, viện đình, ốc đình, sạn đình…; ngôi nhà cao, nhiều tầng thì gọi là cao ốc, không gọi là cao gia, cao đường, cao viện, cao xá, cao tạ… Nếu như ông Kỳ biết được những kiến thức vô cùng đơn giản và phổ thông mà tôi đã trình bày ở trên thì sẽ không bắt bẻ rằng “khi để nhà chỉ nhà cao tầng người ta gọi là “cao ốc” chứ không ai gọi là “cao gia” đâu”. Tôi xin khẳng định lại một lần nữa rằng “Mừng nhà mới”, mà dùng “mừng tân gia” chẳng những không sai như ông Kỳ đã nói mà còn vừa đúng, vừa hay hơn dùng “mừng nhà mới”, bởi vì “tân gia” là từ Hán Việt, trang trọng hơn “nhà mới” – một từ thuần Việt. Điều này cũng tương tự như dùng “Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam” trang trọng hơn dùng “Hội Liên hiệp đàn bà Việt Nam” Phụ nữ là từ Hán Việt, đàn bà là từ thuần Việt). Ông Kỳ còn viết: “Từ nhà trong tiếng Việt có ba nghĩa, và tùy theo từng văn cảnh hay ngữ cảnh mà có nghĩa khác nhau. Ví dụ:
a. Trong câu: “Nhà tôi có sáu người” thì hiểu là gia đình có sáu người, chữ “nhà” đó có nghĩa như từ “gia đình” tiếng Pháp là “Famille”; trường hợp này dùng Hán là “gia”.
b. Trong câu: Nhà tôi lợp ngói: thì chữ nhà đó là cái nhà, tiếng Pháp là “maison”, trường hợp này chữ Hán là “ốc”.
c. Khi trả lời câu hỏi: “Chị ấy đi đâu?”, ông chồng trả lời: “Nhà tôi đi chợ” thì chữ “nhà” ở đây trở thành đại từ nhân xưng, thay cho từ “vợ” và tiếng Pháp lúc đó sẽ dùng từ elle và chữ Hán sẽ dùng từ “nội nhân”. Như vậy, từ “gia” mà ông Phức nhắc trong khi học chữ Hán:( gia: nhà, quốc: nước) thì chính chữ nhà đó dùng chỉ “gia đình” để đối với nước là đất nước”. Từ “nhà” có ba nghĩa mà ông Kỳ nói như trên là một từ thuần Việt Nam ai cũng hiểu, đâu cần phải giải thích dài dòng… Các quý độc giả nên nhớ rằng bài báo của ông Kỳ có nội dung chính là trao đổi về nghĩa của một số từ Hán Việt dùng sai, thế mà ông Kỳ lại sa vào, nặng về giải nghĩa những từ thuần Việt mà ai cũng hiểu cả. Như vậy, bài báo của ông Kỳ lại có phần lạc đề. Ông Kỳ có ý nói vòng vo, dài dòng về những từ thuần Việt mà ai cũng biết, còn từ khó nhất đối với ông là từ đơn “gia” trong từ ghép “gia đình” thì ông luôn né tránh lkhoong dám giả thích. Vậy tôi đề nghị ông Kỳ phải giải thích từ đơn “gia” trong từ ghép “gia đình” và từ “gia đình” nghĩa là gì sao cho chặt chẽ, ngắn gọn, chính xác, dể hiểu, dễ nhớ bằng tôi hoặc hơn tôi nhưng phải khác tôi đã giải nghĩa ở trên kia.
Về cụm từ “dân tộc thiểu số”, trong bài trước, tôi đã viết: “Dùng cụm từ “dân tộc thiểu số” tuy đúng nhưng không hay, bởi vì dễ dẫn đến hiểu nhầm kỳ thị dân tộc, dễ làm mất lòng hoặc gây khó chịu đối với một số người không phải là dân tộc Kinh, từ đó không có lợi cho chính sách đại đoàn kết các dân tộc của Đảng và Chính phủ”. Lần trước tôi lấy ví dụ chưa tiêu biểu lắm. Lần này tôi xin lấy ví dụ sau đây:
Ví dụ 1: Bài thơ: “Sự dở dang” của Hồ Xuân Hương như sau:
Cả nể cho nên sự dở dang
Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng
Duyên thiên chưa thấy đầu dọc
Phận liễu sao đà nảy nét ngang
Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chứ?
Mảnh tình một khối thiếp xin mang
Quản bao miệng thế lời chênh lệch
Không có nhưng mà có mới ngoan.
Chúng ta đều biết rằng, từ xưa tới nay, ai không chồng mà có thai thì đều bị nhiều người chê cười, nhất là dưới chế độ phong kiến mà Hồ Xuân Hương sống thì bị coi là phạm tội tày trời, bị nguyền rủa ghê gớm. Thông cảm sâu sắc với người phụ nữ bất hạnh như vậy, cho nên Hồ Xuân Hương đã không nói thẳng ra như hai câu ca dao sau đây:
Không chồng mà chửa mới ngoan
Có chồng mà chửa, thế gian chuyện thường.
Hai câu ca dao trên tuy độ lượng, bao dung, thông cảm nhưng diễn đạt rất sổ sàng khiến cho người đọc, người nghe cũng cảm thấy ngượng lây. Trong câu thơ cuối cùng, mặc dầu Hồ Xuân Hương không nói rõ ra rằng ai không có chồng mà vẫn có thai thì người đó mới ngoan, mà người đọc, người nghe vẫn hiểu được ý của bà muốn nói như vậy. Thế là ta thấy rằng câu thơ “không có nhưng mà có mới ngoan” vừa kín đáo, vừa tế nhị, vừa rộng lượng, thông cảm, hay hơn hẳn hai câu ca dao nói toạc móng heo như trên. Tôi phân tích như vậy nhưng có lẽ theo ông kỳ thì câu thơ cuối cùng của Hồ Xuân Hương nên đổi lại lại “Không chồng có chửa mới là ngoan” thì mới rõ ràng và hay hơn.
Ví dụ 2: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tất cả những người phụ nữ làm nghề mại dâm dưới thời Mỹ – Ngụy đều phải tập trung ở một số trại để cải tạo. Có người đề nghị là đặc tên “Trại cải tạo đĩ” nhưng liền bị nhiều người phản đối và sửa lại là “Trại cải tạo hoàng lương”. Qua đây, ta thấy rằng dùng cụm từ “Trại cải tạo hoàn lương” vừa thể hiện được sự thông cảm sâu sắc của nhân dân ta đối với những người phụ nữ bất hạnh lại vừa tế nhị, kín đáo. Dùng cụm từ “Trại cải tạo đĩ” tuy rõ ràng dễ hiểu, rất đúng nhưng không hay, vì người nghe cảm thấy như chì chiết, mạt sát, phỉ nhổ những người phụ nữ lầm lỡ.
Ví dụ 3: Ở thành phố Vinh có một ngôi trường, trước cổng đề là “Trường phổ thông trung học dân tộc nội trú Nghệ An”. Nhân dân tỉnh Nghệ An ai cũng hiểu rất rõ rằng ngôi trường đó chỉ dành cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số vào học, mặc dầu không đề rõ ra rằng “Trường phổ thông trung học dân tộc thiểu số nội trú Nghệ An”. Dùng từ “dân tộc” để chỉ “dân tộc thiểu số” chẳng những không sai như ông Kỳ và ông Giản nói mà vừa đúng, vừa hay, vừa kín đáo, tế nhị, thể hiện cách ứng xử khôn khéo, tinh tế của nhân dân ta từ xưa tới nay được đúc kết thành kinh nghiệm “chọn bạn mà chơi, lựa lời mà nói”. Thế là ông Kỳ, ông Giản lại cho là sai thì thật là rất lạ.
|
Cập nhật ( 17/04/2010 ) |