TRẦN PHƯỚC THUẬN – “CON NỢ TRẦN AI” * Tiến sĩ Trần Thuận – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM Ai đã từng gặp anh, có dịp tâm tình hay hợp tác với anh, ắt sẽ nhận ra đây là một con người khá đặc biệt. Ở anh, trỗi lên nhiều tố chất quý báu, mà đôi khi chỉ cần một vài cũng đủ làm người khác ngưỡng mộ. Trần Phước Thuận là người đàn ông hoạt bát, lịch thiệp và dễ gần; một nghệ sĩ tài hoa và đóng góp nhiều công sức cho nền cổ nhạc Nam bộ; một lương y tâm huyết; một nhà khoa học nhiệt thành; một thầy giáo mẫu mực; một nhà viết nhạc say sưa; một nhà quản lý thực thụ,…
Bấy nhiêu là quá đủ để tôi cảm thấy ghen tỵ với anh. Ngược lại, chính những điều đó làm cho tôi cảm thấy tự hào vì được gần gũi, sẻ chia với một người bạn tài hoa. Thực tế, không ít người đã nhầm tưởng tôi với anh bởi, hai cái tên chỉ khác nhau ở chữ lót. Chúng tôi quen nhau, hợp tác và chia sẻ với nhau cả phần tư thế kỷ nay. Tôi có cảm giác như anh không già, mặc dù đã ngoài sáu mươi. Trông anh như ngày càng trẻ ra, sung mãn hơn, say sưa hơn, thăng hoa hơn với những đóng góp cho đời mà như anh thường tâm sự với chúng tôi “Hình như mình sinh ra để trả nợ cho đời thì phải”.
Đúng vậy. Anh đang “chạy đua” với thời gian để mong có thể hoàn thành “món nợ trần gian” mà anh vẫn luôn đau đáu. Nhân dịp đầu xuân, nhấp chén trà thơm, bỗng nhớ người bạn tri âm khá lâu rồi chưa gặp, cầm bút viết mấy dòng này như để nhớ, để thương, để chúc nhau những gì tốt đẹp nhất và cũng mong anh luôn vui khỏe để trả dần món nợ mà Anh cũng như chúng tôi, và hết thảy mọi người đã trót “vay từ thuở làm người”.
● Một nghệ sĩ tài hoa
Có lẽ đờn ca tài tử – vọng cổ – cải lương đã thắm sâu trong máu thịt của anh rồi, nên anh không chỉ hát và hát ở mọi nơi, mọi lúc mà còn để tâm nghiên cứu sâu về cổ nhạc Nam bộ. Những công trình nghiên cứu của anh đã góp phần làm sáng tỏ nhiều điều về loại hình nghệ thuật độc đáo ở vùng đất phương Nam ra đời từ thời mở cõi. Bước đầu tìm hiểu tác giả và tác phẩm cổ nhạc Bạc Liêu là đề tài nghiên cứu cổ nhạc đã đoạt giải Ba A của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vào năm 2000. Đánh giá công trình này, GS.TS. Nguyễn Thuyết Phong, một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc tầm cỡ quốc tế có lời nhận xét “Âm nhạc ở vùng đất này vang danh đến cả nước. Tên gọi Bạc Liêu thường gắn liền với bài Dạ cổ hoài lang. Đất Bạc Liêu là đất của Đờn ca tài tử, một truyền thống cả “đờn” lẫn “ca” đều có cơ hội phát triển. Từ nhạc lễ đến ca Vọng cổ, từ những lễ hội đình chùa, tang ma, đàn chẩn tế đến những buổi ca “sáu Bắc, ba Nam, bốn Oán, bảy Bài,” tại tư gia hay diễn cải lương trên sân khấu, sinh hoạt nơi đây nhập vào dòng chảy của nền âm nhạc dân tộc ở Nam Bộ cũng như cả nước một cách vô cùng nhộn nhịp.
Tôi cảm nhận được lý do xuất bản quyển sách nầy bắt nguồn từ thực tế đó. Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận giúp chúng ta quay nhìn lại khúc phim cách đây gần 100 năm, khi mà những nông dân nghèo sống “tha phương cầu thực” trở thành nhạc sĩ tên tuổi, khi mà những thầy thông thầy ký bắt đầu viết nhạc, và khi những nhà sư nhịp chuông mõ cùng với tiết tấu của tiếng đàn, tiếng ca dân tộc”[1].
Tác phẩm Bước đầu tìm hiểu tác giả và tác phẩm cổ nhạc Bạc Liêu của Trần Phước Thuận được chọn vào danh sách những công trình của dự án Nhà nước: Công bố và phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam. Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Nhà xuất bản Thanh Niên phối hợp xuất bản vào năm 2012.
Trong một tác phẩm khác Tác giả cổ nhạc Bạc Liêu, cuộc đời và sự nghiệp, Trần Phước Thuận đã cất công sưu tầm tài liệu và giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của 30 nhân vật được xem là những cây cổ thụ của nghệ thuật truyền thống dân gian ở Bạc Liêu cũng như những đóng góp to lớn của 30 soạn giả, nhạc sĩ, nghệ sĩ trong công cuộc sáng tác, phát huy bộ môn cổ nhạc Bạc Liêu từ trước năm 1975 đến nay. Tiến sĩ nghệ thuật học Bạch Tuyết đánh giá rất cao công trình này với lời giới thiệu trân trọng: “Sáng tạo nghệ thuật bắt nguồn từ sự đam mê, ba mươi chân dung trong Tác giả cổ nhạc Bạc Liêu đã trở thành những tài năng từ sự đam mê không cưỡng lại dành cho dòng nhạc tài tử – cải lương. Họ, bất kể là nhạc sĩ hay soạn giả thì cũng đều hội ngộ ở tình yêu với năm cung bậc Hò, Xự, Xang, Xê, Cống. Tác giả Trần Phước Thuận cũng không ngoại trừ, ông yêu và trân trọng nguồn cổ nhạc, đầy trách nhiệm khi làm người “góp nhặt cát đá”, đem đến cho chúng ta một góc “bảo tàng sống” về những chứng nhân tạo nên kỳ tích văn hóa trên mảnh đất Bạc Liêu nói riêng và Nam Bộ – Việt Nam nói chung”. “Nửa thế kỷ gắn đời mình với sân khấu cải lương, tôi luôn tự hỏi: Cải lương đã cho chúng tôi nhiều quá, trong khi, nghệ sĩ chúng tôi làm được điều gì để trả ơn cho nghiệp tổ? Tìm tòi, khám phá, truyền trao vẻ đẹp của dòng âm nhạc tài tử – cải lương cũng là một trong muôn nghìn cách để chúng tôi và các bạn – những khán giả yêu cải lương đáp ơn những bậc tiền nhân, những nghệ sĩ, nghệ nhân tiền bối đã cống hiến tâm huyết một đời vì cải lương, vì tiền đồ của văn hóa dân tộc. Tôi nghĩ, tập sách này đã được tác giả Trần Phước Thuận thực hiện không ngoài ý nghĩa cao đẹp và thiêng liêng ấy”[2].
Tôi vô cùng xúc động khi được mời tham gia Hội đồng thẩm định công trình này của anh, được nghe anh thuyết trình một cách say sưa đầy tâm huyết và cả niềm phấn khích của một người vừa hoàn thành tâm nguyện, như vừa trả xong món nợ đối với tiền nhân. Tôi như lây niềm vui chung với anh, bởi qua anh tôi biết đôi điều về cổ nhạc Nam bộ và có hứng thú để tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này.
● Một nhà khoa học nhiệt thành
Giới sử học và những người nghiên cứu văn hóa ở nước ta đã có dịp làm quen với Trần Phước Thuận qua những bài viết của anh trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Anh không chỉ nghiên cứu về Bạc Liêu, quê hương mình với những kiến giải về có sức thuyết phục về địa danh hay công cuộc khai hoang lập ấp của cha ông trên vùng đất Bạc Liêu nói riêng, Nam bộ nói chung,… mà còn nghiên cứu về Phật giáo và các tín ngưỡng dân gian, khảo cứu để tập chú truyện Kiều, nghiên cứu về Giáo dục Việt Nam,… Ngoài hai đề tài khoa học cấp tỉnh do anh làm chủ nhiệm: Tác giả và Tác phẩm Cổ nhạc Bạc Liêu (nghiệm thu năm 1999), Sưu tầm và nghiên cứu tổng quát về Cổ nhạc Bạc Liêu (nghiệm thu năm 2007),… Anh còn tham gia nhiều đề tài khoa học với các đồng nghiệp như Lịch sử khẩn hoang vùng đất Bạc Liêu (Nhà văn Phan Trung Nghĩa làm chủ nhiệm), Tín ngưỡng dân gian Bạc Liêu (Tiến sĩ Trần Thuận làm chủ nhiệm đề tài), Từ điển Bách khoa Địa chí Bạc Liêu (UBND tỉnh Bạc Liêu), Điều tra đánh giá và giải pháp khôi phục, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể ở Bạc Liêu (Phan Hùng làm chủ nhiệm)… Tính đến nay, Trần Phước Thuận đã có khá nhiều đầu sách được xuất bản để giới thiệu với công chúng. Có thể kể một số ấn phẩm tiêu biểu: – Truyện Kiều tập chú (viết chung với Trần Văn Chánh và Phạm Văn Hòa) NXB Đà Nẵng, 1999. – Những bài thuốc kinh nghiệm đơn giản của Hải Thượng Lãn Ông (Tập I&II), NXB Đà Nẵng – 2000. – Tác giả Cổ nhạc Bạc Liêu, NXB Văn hóa Thông tin – 2007. – Từ điển Bách khoa Địa chí Bạc Liêu (nhiều tác giả), NXB Chính trị Quốc gia, 2010. – Bước đầu tìm hiểu về Tác giả và tác phẩm cổ nhạc Bạc Liêu, NXB Thanh Niên, 2012. – Nét đẹp quê hương (52 ca khúc), NXB Âm Nhạc – 2013. – Tìm hiểu cổ nhạc Bạc Liêu, NXB Âm Nhạc – 2014… Vừa viết chung, vừa viết riêng, tổng cộng trên 20 tác phẩm. Anh là một trong những người tích cực tham gia tổ chức thành công ba hội thảo khoa học: Cuộc nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi năm 1927 chống thực dân Pháp và bọn tay sai tổ chức năm 2001; Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam bộ tổ chức năm 2007. Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và 15 năm hình thành phát triển Phật giáo Bạc Liêu tổ chức năm 2012. Tính đến nay, anh đã có trên 50 bài viết đăng trên các báo, tạp chí khoa học, các hội thảo và tập san khoa học trong cả nước. Mỗi bài viết là cả một sự nung nấu, nhiệt thành khoa học mà anh tâm đắc và có đóng góp đáng kể về mặt tư liệu cũng như cách tiếp cận và luận điểm khoa học mới mẻ.
● Một thầy giáo mẫu mực
Dù là nghề “tay trái”, anh vẫn luôn tỏ ra là người thầy giáo mẫu mực, nhiệt thành và tận tụy với các thế hệ học trò. Những ai đã có dịp học với anh đều cảm nhận ở thầy sự uyên thâm và tinh thần cống hiến, sự nghiêm túc và tinh thần cởi mở của một người thầy đầy tâm huyết, luôn mong muốn được truyền lửa cho các thế hệ học sinh. Anh luôn trăn trở về vấn đề phương pháp dạy học và khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp để không ngừng nâng cao chất lượng dạy học của mình.
● Một nhà viết nhạc say sưa
Nhà xuất bản Âm nhạc trong lời giới thiệu Tuyển tập ca khúc Nét đẹp quê hương đã nói: Ca khúc của Trần Phước Thuận nổi bật tính chất trữ tình nhẹ nhàng khai thác đậm chất dân gian Nam bộ. Điều đó là cơ sở để chúng tôi có thể tự tin khi nhận định rằng những ca khúc ấy sẽ dễ hòa nhịp với người dân Bạc Liêu, với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước. Nhạc sĩ Thanh Tâm cũng nói: Ca khúc Trần Phước Thuận với tiết tấu và giai điệu chân phương, nhưng sâu lắng, bay bổng; tính cách trầm tư suy tưởng hiểu đời, thương người. Âm nhạc của anh nhiều cung bậc, đa phong cách và hành điệu cũng phong phú, hấp dẫn như: boléro, rumba, rock, bossanora cho tới tango, valse… Về lời ca cũng mang chất thơ, vì anh cũng là người làm thơ, có nhiều bài thơ hay. Nội dung ca khúc cũng đầy nhạc cảm, có khả năng làm lay động lòng người, giàu sức biểu hiện, giàu tình thương như: tình yêu về mẹ, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu yêu đôi lứa, tình bạn bè…”. ● Một nhà quản lý thực thụ Cuối cùng, phải thấy rằng, anh là một nhà quản lý có năng lực. Có lẽ không ngoa khi kết luận điều này, bởi thực tế đã chứng minh hùng hồn những điều anh làm được. Trong sự đi lên của Trường Trung cấp Phật học Bạc Liêu, hẳn có dấu ấn khá đậm nét của Trần Phước Thuận – Phó Hiệu trưởng nhà trường. Anh còn tham gia nhiều tổ chức xã hội – nghề nghiệp, là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở Bạc Liêu bước đầu hình thành đều mang đậm dấu ấn của anh, bởi chính anh là người đã trực tiếp vận động nhân sự tiến tới thành lập Hội Khoa học Lịch sử, Hội Tâm lý Giáo dục, Hội Châm cứu, Hội dân tộc học,… tỉnh Bạc Liêu. Dù ở cương vị nào, Trần Phước Thuận vẫn luôn là người xông xáo, năng nỗ, nhiệt thành và có nhiều đóng góp. Sự đóng góp công sức của anh đã được ghi nhận bởi các cấp chính quyền, các ban ngành trung ương và trong tỉnh. Anh đã đón nhận hơn 30 bằng khen cấp bộ ngành trung ương và UBND tỉnh Bạc Liêu, nhiều huy chương, kỷ niệm chương, bằng tuyên dương, giấy chứng nhận… Đặc biệt trong Festival Đàn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất tổ chức tại Bạc Liêu năm 2014, anh được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng Bằng khen “Đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013”. Đồng thời cũng trong lễ hội này anh được UBND tỉnh Bạc Liêu trao tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cao Văn Lầu, một giải thưởng cao quý của tỉnh. Tôi thực sự kinh ngạc với sức làm việc, sức cống hiến của anh. Chỉ riêng việc sắp xếp thời gian để hoàn thành chức trách của mình từ trong nhà ra xã hội là đã là điều khó khăn, đòi hỏi phải hết sức khoa học. Các con anh giờ đã trưởng thành, là điều kiện cơ bản để anh tham gia tốt hơn các hoạt động xã hội, để trả nốt “món nợ trần gian”. Tôi chỉ biết cầu mong cho anh luôn sức khỏe, bền bỉ, dẻo dai để cống hiến được nhiều hơn cho đời, cho sự nghiệp khoa học – văn học – nghệ thuật. Xin chúc anh – “con nợ trần ai” sớm hoàn thành tâm nguyện. |
Cập nhật ( 13/06/2014 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com