Phật Giáo Bạc Liêu
Thứ Năm, Tháng Ba 23, 2023
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Ban Chứng Minh
    • Ban trị sự
    • Các ban trực thuộc
  • Tin tức – Phật sự
  • Từ thiện xã hội
  • Lịch sử – văn hóa
    • Văn hoá phật giáo
    • Lịch sử văn hoá
  • Nhân vật – Sự kiện
    • Nhân vật
    • Sự kiện
  • Phật học
    • Tự viện
  • Trung cấp phật học
No Result
View All Result
Phật Giáo Bạc Liêu
No Result
View All Result

TRẦN NHÂN TÔNG VỚI VIỆC THÀNH LẬP GIÁO HỘI (Ts Trần Thuận)

Phạm Hảo Đăng bởi Phạm Hảo
5 năm trước
in Lịch sử - văn hóa
A A
0

TRẦN NHÂN TÔNG VỚI VIỆC THÀNH LẬP GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

* Tiến sĩ Trần Thuận

Thời Trần, một thời kỳ văn trị võ công, thời kỳ mà nhân dân ta ba lần đánh bại quân Mông Nguyên xâm lược. Thời này, những người lãnh đạo đất nước là những ông Vua – Phật, đặc biệt là Trần Nhân Tông, bên cạnh công lao mở nước và giữ nước, ông còn là người sáng lập ra dòng Thiền thuần túy Việt Nam Trúc Lâm Yên Tử; thành lập Giáo hội Phật giáo đầu tiên ở nước ta.

 1. Vài nét về Trần Nhân Tông trước khi xuất gia

Trần Nhân Tông vị vua thứ ba đời Trần và là Sơ Tổ phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Con trai đầu của vua Trần Thánh Tông với Hoàng thái hậu Nguyên Thánh; là thân phụ của Trần Anh Tông vua thứ tư đời Trần. Ông sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (07.12.1258), có nhiều tên khác nhau: Trần Khâm, Nhật Tôn, Kim Tiên Đồng Tử,… Tương truyền khi mới sinh ra có tướng lạ, da màu vàng ròng và có nốt ruồi bên trái, nên Thánh Tông đặt tên là Kim Phật (Phật Vàng). Lớn lên được nhà vua giáo dục chu đáo để chuẩn bị cho sự kế nghiệp sau này. Nhưng ngay từ nhỏ, Nhân Tông đã sùng mộ đạo Phật và được Tuệ Trung Thượng Sĩ truyền cho giáo chỉ.

Năm 16 tuổi (Giáp Tuất, 1274), được chọn làm Thái tử, Nhân Tông đã từ chối nhiều lần và xin nhường cho em nhưng không được vua cha chấp thuận, lại phải cưới vợ theo yêu cầu của cha, nên một hôm, Nhân Tông vượt thành định vào núi Yên Tử để tu Phật. Giữa đường gặp quần thần theo lệnh vua đi tìm kiếm, đành quay trở về. Năm 1278 lên ngôi vua, vẫn sống thanh tịnh. Sau một giấc mơ gặp Phật, Nhân Tông quyết định ăn chay trường, làm dung nhan gầy mòn, khiến vua cha hết sức lo lắng. 

Trần Nhân Tông là con người thông minh, điềm đạm, đa tài, hiếu học, đọc hết các sách, thông kinh điển về đạo và đời. Ngô Sĩ Liên mặc dù đã từng lên tiếng chỉ trích vua về việc gả Huyền Trân công chúa cho Chế Mân, nhưng cũng phải thừa nhận “Vua nhân từ hoà nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần. Song để tâm nơi kinh Phật, tuy nói là để giải thoát, nhưng đó không phải là đạo trung dung của thánh nhân” (1). Hơn thế nữa, nhà viết sử thời Lê bằng tấm lòng ngưỡng mộ đã viết “Nhân Tông trên nhờ từ cung tỏ rõ đạo hiếu, dưới dùng người hiền lập nên võ công, không phải bậc nhân minh, anh minh thì làm sao được như thế?” (2).

Nhân Tông không chỉ là một nhà chính trị lỗi lạc biết nhìn xa trông rộng, một nhà quân sự tài ba; không chỉ là nhà ngoại giao, nhà tư tưởng lớn mà ông còn có cả một tâm hồn nghệ sĩ và tiết tháo trong việc trị nước an dân. Ông lên ngôi lúc đất nước lâm nguy, hai lần quân Mông Nguyên sang xâm lấn nước ta, Trần Nhân Tông đã tỏ rõ khí phách hào hùng, nỗ lực cầm quân, lãnh đạo nhân dân kháng chiến giành thắng lợi. Dưới triều đã diễn ra hai hội nghị có ý nghĩa lịch sử trọng đại: hội nghị tướng lĩnh Bình Than và hội nghị bô lão Diên Hồng. Nhà vua đã thực hiện được chính sách đoàn kết toàn dân, chủ trương nới rộng sức dân và tư tưởng thân dân trong nội trị, nên đạt nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng và giữ gìn đất nước. Sau khi đánh bại quân Nguyên, lúc vào yết Chiêu lăng, vua ngâm lên những vần thơ đầy cảm xúc:

            “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

            Sơn hà thiên cổ điện kim âu”

Đất nước bình yên, vua Nhân Tông một mặt chuẩn bị mặt trận ngoại giao để đối phó với những ý đồ xâm lược mới của nhà Nguyên, một mặt ra sức củng cố bộ máy nhà nước, ban hành những biện pháp để ổn định tình hình, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế và giúp nhân dân giảm bớt khó khăn. Năm 1289, nhà vua họp bàn định công tưởng thưởng cho những người có công lao trong cuộc kháng chiến. Cùng với thưởng công là việc trị tội những kẻ đã đầu hàng giặc. Đầu năm 1290, Nhân Tông thân chinh đi đánh Ai Lao. Năm đó Thượng hoàng Thánh Tông qua đời, cuối năm và năm sau nữa, dân tình bị đói to, vua xuống chiếu phát chẩn dân nghèo và miễn thuế đinh.

Năm 1293, sau 14 năm làm vua, Trần Nhân Tông truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông, làm Thái thượng hoàng. Thời gian này, Trần Nhân Tông đã có ý định xuất gia nhưng tình hình đất nước chưa yên nên đành nán lại. Mặc dù  ba lần tấn công xâm lược đã bị nhân dân Đại Việt đánh bại; mặc dù vua Trần Anh Tông trong giai đoạn này đã sử dụng biện pháp ngoại giao tôn giáo, sai sứ sang xin kinh Phật để tỏ lòng hoà hiếu, mong muốn thiết lập quan hệ văn hoá giữa hai nước, nhưng xem ra dã tâm xâm lược nước ta của nhà Nguyên vẫn chưa từ bỏ. Tình hình đó khiến Nhân Tông không an tâm xuất gia. Hơn nữa vua Anh Tông bấy giờ vẫn chưa đủ kinh nghiệm để đảm đương việc nước, nhất là phải đối phó với những thử thách trong và ngoài nước.

Khi đất nước tạm yên, công việc triều chính không còn đè nặng lên vai Thượng hoàng nữa, tháng 3 năm 1299, Trần Nhân Tông quyết chí xuất gia và trở thành Thủy Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một phái Thiền để lại dấu ấn trong Lịch sử tư tưởng Việt Nam. Ông xưng hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà, còn gọi Trúc Lâm Đầu Đà. Người đời tôn xưng là Giác Hoàng Điều Ngự.

 

1.    Trần Nhân Tông xuất gia và thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam

● Mục đích của việc thành lập Giáo hội

Dưới thời Lý, cả ba dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, và Thảo Đường cùng tồn tại và có quan hệ mật thiết với nhau, tác động ảnh hưởng lẫn nhau. Chốn tổ của dòng Thiền này cũng là nơi tu hành của dòng Thiền khác, Thiền sư của các phái đều tôn trọng và học hỏi lẫn nhau. Phải chăng đó là cơ sở cho sự tiến tới hòa nhập ba dòng Thiền làm một để hình thành nên một Thiền phái thống nhất Trúc Lâm Yên Tử. Sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất được thực hiện trên cơ sở sự thống nhất các dòng Thiền ở nước ta để thành lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Lý giải nguồn gốc ra đời của giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực tế trên đây chỉ là một trong những yếu tố quan trọng. Các nhà nghiên cứu còn nêu lên ít nhất là ba nguyên nhân cơ bản sau đây tạo thành động lực thúc đẩy sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trước hết, vua Trần Nhân Tông đã ý thức sâu sắc rằng, công cuộc tiến hóa của dân tộc và sự trường tồn của đất nước không chỉ đơn thuần là việc xây dựng và phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất cho nhân dân, mà còn phải quan tâm đến việc mở mang một nền văn hóa tư tưởng mang đậm màu sắc Đại Việt. Nền văn hóa tư tưởng đó phải được xây dựng trên nền tảng khối đại đoàn kết toàn dân, giúp người dân có được một chỗ dựa tinh thần vừa có tính thiêng liêng, vừa lành mạnh và bền vững.

Với nhận thức đó, việc làm đầu tiên của nhà vua là “gầy dựng một quá khứ thần thánh cho dân tộc bằng việc phong thần cho những người có công với nước, như Phù Đổng Thiên Vương, Sĩ Nhiếp, Triệu Quang Phục, Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Lý Thường Kiệt,…” như Lý Tế Xuyên đã chép trong sách Việt điện u linh, mà cụ thể là phong thần cho 27 vị anh hùng liệt nữ và những thần núi, thần sông, thần đất. Việc làm này cho thấy vua Trần Nhân Tông muốn dùng những gương sáng của tiền nhân, những vị thần thánh mang tinh thần dân tộc để giáo dục nhân dân sống sao cho xứng đáng với tổ tiên, đất nước mình.

Với tinh thần trên, tháng 3 năm Tân Sửu (1301), sau khi xuất gia được vài năm, Trần Nhân Tông đã xuống núi, đi thăm các nơi trong nước để tìm hiểu mặt bằng tín ngưỡng trong dân gian, mà trong ý thức của ông là để chuẩn bị cho công cuộc giáo hóa.

Lúc bấy giờ, ở nước ta tín ngưỡng và tôn giáo nhìn bề ngoài thì có vẻ thuần nhất và phát triển, nhất là đối với Phật giáo, nhưng bên trong chứa đựng nhiều điều lệch lạc. Rải rác trong các xóm làng vẫn còn có những dâm từ (những miếu thờ bậy bạ, đầy tính chất mê tín dị đoan). Ngay cả Phật giáo, bên cạnh 3 dòng Thiền truyền thống l Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường đã xuất hiện những khuynh hướng khác lạ, xa rời chánh pháp như những hoạt động bùa phép nhằm giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Thực tế đó đòi hỏi phải có một cuộc giáo hóa sâu rộng trong nhân dân; phải làm cho dân chúng hết thảy thực hành theo lời dạy của đức Phật, phải định hướng cho các tông phái Phật giáo nhanh chóng quay về với chánh pháp.

Thuở ấy, trào lưu Tịnh Độ ở nước ta đã thịnh hành. Bên cạnh mặt tích cực là giáo dục con người hướng về một thế giới Tây phương cực lạc ở kiếp sau mà siêng năng làm lành, lánh dữ trong kiếp sống này, khuynh hướng Tịnh Độ còn có mặt tiêu cực là tạo nên tính ỷ lại vào sự cứu độ từ bên ngoài tức là dựa vào tha lực, từng bước mất đi sự nỗ lực tự thân, nhất là đối với tầng lớp bình dân hạ trí. Điều này đã trở thành mối lo thực sự đối với các nhà lãnh đạo quốc gia trong tình thế đất nước ta thường xuyên bị thế lực bên ngoài đe dọa tấn công, nhất là đế quốc Mông Nguyên cứ rập  rình từ phương Bắc.

Phật giáo lúc này phát triển một cách tự do, không theo một thể thức chung, cũng không có một tổ chức thống nhất để quản lý và dẫn dắt; đạo đức Phật giáo ngày càng suy giảm nên không còn khả năng định hướng cho toàn xã hội; khắp nơi trong nước, nhất là những vùng xa xôi hẻo lánh, tình trạng mê tín dị đoan ngày càng lan tràn và đã trở thành một tệ nạn. Thực tế này đòi hỏi phải có người thực sự có uy tín đứng ra khuyên bảo, dìu dắt.

Thứ hai, xét về mặt địa lý, nước ta nằm sát cạnh đế quốc Mông  Nguyên, một đế quốc khổng lồ đã từng làm cho thế giới khiếp sợ, muôn dân điêu đứng. Nhân dân Đại Việt đã ba lần anh dũng đẩy lùi các cuộc tấn công xâm lược của chúng, nhưng thực tế cho thấy, vua Nguyên vẫn chưa chịu ngừng tay, vẫn còn tỏ ra quyền thế, bắt nạt lân bang. Mối đe dọa từ phương Bắc xem ra chưa phải là đã hết. Tình hình đó khiến cho vị hoàng đế anh minh của quốc gia Đại Việt với tầm nhìn chiến lược không khỏi bận lòng trăn trở. Phải làm sao cho Đại Việt thực sự hùng mạnh về quân sự, chính trị và kinh tế, nhưng lại phải mở mang về tư tưởng văn hóa trong đó có tôn giáo. Muốn vậy, phải tạo ra một đời sống tinh thần phong phú và lành mạnh, không lệ thuộc bên ngoài. Phải tạo nên một sức mạnh tổng hợp từ nhiều nguồn để đủ sức đương đầu với mối họa xâm lăng cả về quân sự lẫn âm mưu nô dịch về văn hóa tư tưởng.

Thứ ba, trên cơ sở đúc kết cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên, tìm trong sâu xa của nó, ta thấy toát lên một tinh thần vô ngã thật đáng quý. Có thể nói, tính chất chấp ngã đang trở nên phổ biến trong đời sống xã hội Việt Nam thời Trần. Thực tế ấy, cộng với sự đúc kết tinh hoa của ba dòng Thiền truyền thống đang tồn tại ở nước ta, đã giúp Trần Nhân Tông suy ngẫm để rồi vạch ra đường lối phát triển đời sống tinh thần của Đại Việt đầy sức sáng tạo và quyết tâm xây dựng một Giáo hội với chủ trương tự giải thoát, không cần dựa dẫm vào tha lực. Tư tưởng chủ đạo của giáo hội Phật giáo Việt Nam theo Nhân Tông là nhập thế – vô ngã, tư tưởng đó nhằm tạo nên một lực lượng tôn giáo tích cực và hùng hậu, góp phần đắc lực cho công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước. Đây chính là điểm nổi bật của giáo hội Phật giáo Việt Nam và dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử mà Nhân Tông hướng tới, một dòng Thiền thuần túy Việt Nam, một Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.

 

● Trần Nhân Tông xuất gia tu Phật

Trần Nhân Tông đã có ý định xuất gia tu Phật khi còn nhỏ, không thiết đến chuyện làm vua. Vì vậy, khi không từ chối được ý định của vua cha Trần Thánh Tông chọn ông làm Thái tử và bị ép cưới vợ, Nhân Tông đã trốn lên Yên Tử tìm đường đi tu nhưng không được đành phải trở về.

Ngày 22 tháng Mười năm Mậu Dần (1278), Trần Khâm lên ngôi vua. Thời gian ở ngôi, Nhân Tông cũng đã dồn hết sức mình cho công cuộc trị nước. Đặc biệt, ông đã cùng vua cha lãnh đạo nhân dân tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên vào năm 1285 và 1287-1288 giành thắng lợi vẻ vang. Sau khi xuất gia không thành, trở về hoàng cung, ông thường ngủ trưa ở chùa Tư Phúc trong đại nội, nằm mơ thấy Phật vàng, từ đó ông thường ăn chay, nên long nhan gầy yếu. Thánh Tông biết chuyện khóc nói: “Ta nay già rồi, trông cậy một mình con, nếu con như vậy thì thịnh nghiệp của Tổ tông biết làm thế nào?”. Điều Ngự cũng rơi nước mắt (3). Tuy nhiên trong giai đoạn từ 1278 đến 1293 chất Vua trong Nhân Tông còn nổi trội, tính Bụt từng bước hình thành, mặc dù hiểu biết về giáo lý Phật giáo trong ông đã khá sâu sắc.

Nhưng từ sau khi đi đánh Ai Lao về (1294), tính Bụt có lúc đã trổi lên lấn át cả chất Vua. Cụ thể là “Mùa hạ, tháng 6 (Ất Mùi, 1295), Thượng hoàng trở về kinh sư. Vì [trước] đã xuất gia ở hành cung Vũ Lâm rồi lại trở về” (4). Nhưng rồi tính Bụt tạm thời phải lắng xuống. Thượng hoàng lại phải thực thi trọng trách của mình. Các nhà nghiên cứu cho rằng, giai đoạn này Nhân Tông làm Thái  thượng hoàng dưới dạng đặc thù: Thái thượng hoàng – Bụt (5).

Tháng 8 năm Kỷ Hợi (1299), khi đất nước tạm yên, Thượng hoàng Nhân Tông đã quyết định xuất gia. Như vậy, sau 14 năm làm vua, 8 năm làm Thái thượng hoàng, đến đây, Trần Nhân Tông mới có điều kiện để toàn tâm toàn ý thực hiện ý nguyện của riêng mình, xuất gia đầu Phật.

Chuyện xuất gia của Nhân Tông trở thành một vấn đề mà đời sau thường bàn luận. Về mặt tư tưởng, Nhân Tông chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Tuệ Trung, bác ruột đồng thời là bậc thầy của mình, vua cha Thánh Tông và ông nội Thái Tông. Tuệ Trung tu Phật nhưng không xuất gia và với một phong cách phóng khoáng, tự do tự tại, một tinh thần phá chấp triệt để. Còn Thái Tông với quan điểm biện tâm, “hoát nhiên đại ngộ”, vì “trong núi không có Phật” nên chẳng cần xuất gia. Vậy mà Nhân Tông lại xuất gia vào trong thâm sơn cùng cốc để tu theo hạnh Đầu Đà! Trong Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Nhân Tông nói rõ ông chủ trương vào núi là để

“Kiếm chốn dưỡng thân,

            Vắng vẻ ngàn kia,

            Thân long hỷ xả,

            Thanh nhàn vô sự,

            Quét tước đài hoa,

            Thờ phụng Bụt Trời” (6).

Có thể xem giai đoạn từ năm 1299 đến 1301 là một bước chuyển trong cuộc đời Nhân Tông, giai đoạn tính Bụt đã nổi trội, và ông với tư cách là Bụt – Thái Thượng hoàng. Nhưng vì ở Nhân Tông, Đạo và Đời luôn quyện chặt vào nhau không tách rời, do vậy, việc ông xuất gia và chọn Yên Tử chứ không phải là một nơi nào khác. Ta có thể hiểu rằng, tuy đã xuất gia nhưng không hẳn là Nhân Tông đã phủi hết bụi trần, cởi bỏ long bào, khoác áo cà sa một cách nhẹ nhàng, mà gánh nặng trần thế cứ đè mãi lên vai.

Thời gian ở Yên Tử, Nhân Tông thường xuyên lui tới những ngôi chùa nằm mạn Đông Bắc, nơi mà các đạo quân xâm lược phương Bắc thường kéo vào nước ta. Chùa Báo Ân ở Siêu Loại, chùa Sùng Nghiêm ở Chí Linh, chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang,… tạo thành một vành cung gần biên giới Việt Trung men ra biển, tạo nên một yếu lộ liên quan đến vận mệnh dân tộc. Từ trên đỉnh núi Yên Tử, phóng tầm nhìn có thể bao quát cả một vùng rộng lớn khu vực Đông Bắc nước ta, vì vậy nó được xem là một “đài ra đa” để thị sát tình hình hết sức quan trọng.

Nhân Tông đã ngộ đạo từ khi được Tuệ Trung Thượng Sĩ ấn tâm trong dịp cư tang mẹ. Ý nguyện xuất gia đã có từ lâu và đã ba lần thực hiện. Lần thứ nhất vào năm 16 tuổi (Giáp Tuất, 1274), lần này định lên Yên Tử nhưng sự việc không thành, lúc này nhận thức chính trị của Thái tử chưa sâu sắc như thời Thái thượng hoàng. Lần xuất gia thứ hai vào năm Ất Mùi (1295) ở cung Vũ Lâm (7) rồi lại quay về vì tình hình chính trị quốc gia chưa cho phép. Lần thứ ba vào năm Kỷ Hợi (1299). Đây là lần xuất gia chính thức, Nhân Tông lên núi Yên Tử tu theo hạnh Thập nhị đầu đà. Việc xuất gia lần này của ông đã tạo nên một sự chấn động, bàng hoàng trong dân chúng, bởi đây là hiện tượng có một không hai trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Một vị Thái thượng hoàng đầy quyền uy và thế lực, đang sống trong cung vàng điện ngọc, lại từ bỏ tất cả để sống một cuộc đời khổ hạnh nơi thâm sơn cùng cốc, thiếu thốn đủ điều, cô đơn lạnh lẽo, quả không phải ai cũng làm được. Tất nhiên ngoài phần Đạo, như đã nói trên, Nhân Tông còn mang theo cả phần Đời lên Yên Tử.

Trong 4 năm (1299 – 1301), Nhân Tông tập trung cho việc tổ chức Giáo hội và thành lập Thiền phái Trúc Lâm.

Tháng 3 năm 1301, làm một du tăng, Thượng hoàng Nhân Tông “vân du các nơi, sang Chiêm Thành” (8). Chính cuộc “hành phương Nam” này đã giúp cho Điều Ngự hiểu sâu hơn đạo pháp, có điều kiện để xiểng dương đạo Thiền Trúc Lâm và đặc biệt là đặt một dấu ấn sâu sắc trong lịch sử mở nước của dân tộc ta. Có thể nói, chuyến “vân du” của Thượng hoàng Nhân Tông sang Chiêm Thành đã thực hiện cùng lúc hai chức năng, chức năng của người đứng đầu Nhà nước (Thượng hoàng) và chức năng của người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chuyến đi thành công hơn cả dự định. Chính trong thời gian này, Nhân Tông đã hứa gả Huyền Trân công chúa cho Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý.

 

● Trần Nhân Tông với giáo hội Phật giáo Việt Nam

          Như đã nói trên, thời Lý, ba Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường đã phát triển mạnh nhưng ngày càng có ảnh hưởng hỗ tương và có xu hướng hòa trộn lẫn nhau, dẫn đến một số sự kiện đặc biệt: Chùa Lục Tổ là một tổ đình rất xưa thuộc phái Tỳ Na Đa Lưu Chi đã mời Thiền sư Thường Chiếu thuộc phái Thiền Vô Ngôn Thông về làm trụ trì. Đây là cơ hội thuận lợi cho sự thống nhất giữa hai Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Dần dần, qua Thường Chiếu và ảnh hưởng của Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, cả ba dòng Thiền trên đã sát nhập làm một. Đến thời Trần Nhân Tông, Phật giáo Việt Nam đã trở thành “nhất tông”,  đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Phật giáo Việt Nam thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tăng chúng trong cả nước đều được cấp tăng tịch. Pháp Loa (Nhị Tổ Trúc Lâm Yên Tử, người kế vị Giáo chủ) là người được vua Trần Anh Tông cấp tăng tịch đầu tiên, ông đứng ra tổ chức giáo hội và thiết lập sổ bộ tăng ni cả nước. Theo sử cũ, số tăng ni có tên trong sổ bộ chính thức đã lên tới 15.000 người. Trúc Lâm Yên Tử đã trở thành trung tâm Phật giáo Việt Nam, một nơi lý tưởng, thu hút đông đảo tăng ni trong cả nước về đây tu học và tìm đường giải thoát.

Ngay từ những ngày đầu lên Yên Tử, ông đã tích cực chuẩn bị cho sự hình thành và phát triển của giáo hội. Đầu tiên “Điều Ngự lập ra Chi đề Tinh xá, giảng pháp độ tăng. Người học về đây quy tụ khá đông. Sau đó, Điều Ngự mời các danh tăng về chùa Phổ MInh, phủ Thiên Trường lập ra trường giảng…”(9) nhằm tạo ra những lớp người kế cận, đáp ứng yêu cầu phát triển của giáo hội. Tiếp đến, Điều Ngự cho phát hành hàng loạt sách vở như Phật giáo pháp sự, Đạo tràng tân văn, Công văn cách thức,… nhằm định hướng cho sự thống nhất về thể thức hoạt động tôn giáo đối với các tông phái cũng như các khuynh hướng Phật giáo khác nhau. Với uy tín của người đứng đầu giáo hội, những tài liệu nói trên được đông đảo tín đồ chấp nhận và từng bước có sự điều chỉnh trong hoạt động của mình.

Điều Ngự thực hiện chủ trương mở rộng công cuộc giáo hóa. Sau khi cơ bản giải quyết xong mối bang giao với Chiêm Thành, năm 1304, với tư cách một đạo sư, Điều Ngự đi khắp xóm làng, dạy dân chúng xóa bỏ các dâm từ và thực hành Thập thiện, một “giáo lý nhập thế căn bản của Đạo Phật đặt trên nền tảng của ba nghiệp: Thân – Khẩu – Ý của con người. Từ ba nghiệp tạo nên một mẫu người đạo đức lý tưởng và hài hoà, những con người ấy sẽ tạo thành một xã hội tốt đẹp, xoá bỏ được những tệ nạn tràn lan. Việc làm của Ông phản ánh nguyện vọng của dòng Thiền Trúc Lâm muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng luân lý Phật giáo. Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Nhà Vua và hoàng tộc đều là Phật tử tại gia và xuất gia. Và các dòng phái Phật giáo bấy giờ hội tụ thống nhất trong dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Sự kiện này là đỉnh cao của Phật giáo đời Trần” (10). Về việc này, Lê Mạnh Thát đã có lời nhận xét hết sức sâu sắc: “Việc Thượng hoàng Trần Nhân Tông đem 10 điều thiện để dạy dân chúng rõ ràng phản ảnh quan điểm chính trị của Phật giáo Việt Nam mà trước đó hơn ngàn năm đã được ghi vào trong kinh Lục Độ tập. Bản kinh này có thể nói là một trong những bản kinh xưa nhất của Phật giáo nước ta hiện biết, đã tổng hợp nhuần nhuyễn và thành công tư tưởng Phật giáo và truyền thống dân tộc. Nó liên tục kêu gọi những người lãnh đạo chính trị phải dùng 10 điều thiện làm “pháp luật quốc gia” (quốc pháp), làm “chính sách quốc gia” (quốc chính). Và đây là lần đầu tiên ta thấy Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã thực hiện lời kêu gọi này”(11). Đây thực sự là giai đoạn Nhân Tông đi thuyết pháp.

Trúc Lâm đi đến đâu cũng được sự đón nhận nhiệt thành của nhân dân. Ai ai cũng muốn trở thành đệ tử và mong được đích thân ông chứng đạo cho. Danh tiếng của Điều Ngự ngày càng lan rộng khắp cả nước. Không chỉ giới bình dân mộ đạo mà ngay cả những bậc thức giả đương thời cũng ngưỡng mộ và gia nhập tăng đoàn. Cũng trong năm ấy, vua Trần Anh Tông dâng biểu mời Điều Ngự vào đại nội để thọ giới tại gia Bồ Tát cho vua và quan lại trong triều. “Ngày vào thành, vương công, bá quan sắm lễ nghi đầy đủ đón rước xa giá của Điều Ngự, rồi cùng thọ giới pháp. Sau đó, Điều Ngự trác tích tại chùa Sùng Nghiêm núi Chí Linh, xiển dương Thiền chỉ” (12). Thế là cả triều đình nhà Trần bấy giờ là một triều đình Phật giáo. Từ vua đến quan và cả dân chúng nữa sống và làm việc theo tinh thần Phật giáo. Đến đây ta thấy tư tưởng Cư trần lạc đạo của Thượng hoàng đã thấm sâu vào đời sống thực tiễn.

Tuy là một vị giáo chủ với nhiều hoạt động Phật sự, nhưng Trúc Lâm vẫn không quyên bổn phận của một người xuất gia. Ông thường tham gia các khóa an cư kết hạ do tăng đoàn tổ chức, và tại đó ông thường tham gia giảng dạy cũng như tuyển cử những người có khả năng tham gia vào ban huấn đạo để giúp đỡ tăng chúng trong hạ trường. Chẳng hạn, mùa an cư năm Mậu Thân (1308) “Điều Ngự đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang, giảng Truyền đăng lục, bảo Quốc sư Đạo Nhất giảng kinh Pháp hoa” (13).

Cả Tuệ Trung Thượng Sĩ và ba vị vua Trần (Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông) đều nhận thức rất rõ rằng, trước đức Phật mọi chúng sinh đều bình đẳng, các vị đã đắc ngộ và rất muốn tất cả chúng sinh đều ngộ đạo và được giải thoát. Song, trong phương thức giáo hóa, Trần Nhân Tông đã đạt đến một mức hoàn hảo. Ông đã tạo ra được một khả năng giáo hóa cho hết thảy mọi người, từ bậc thức giả đến người dân nghèo khổ nơi thôn cùng ngõ hẻm. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi Trần Nhân Tông kế thừa một cách thành công từ những gì mà các vị tiền bối đã làm được và phát triển một cách sáng tạo.

Những năm cuối đời, Điều Ngự dồn hết tâm sức cho việc hóa đạo, chuẩn bị nhân sự kế thừa để lo công việc giáo hội. Chính trong thời gian này, Điều Ngự đã chọn Pháp Loa để trao truyền y bát và tâm kệ, đồng thời chọn Huyền Quang làm thị giả cho mình. Pháp Loa trở thành người nối pháp Trúc Lâm, là Đệ Nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và là người kế vị Giáo chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Sau lễ truyền đăng cho Pháp Loa, sức khỏe của Điều Ngự suy giảm nhanh chóng. Nửa đêm ngày mồng một tháng 11, sau khi trả lời những câu hỏi của Bảo Sát xong, Điều Ngự nằm theo thế sư tử, an nhiên viên tịch, hưởng thọ 51 tuổi. Bảo Sát phụng di chúc hỏa thiêu Điều Ngự tại Ngọa Vân am. Vua Anh Tông dâng tông hiệu là Đại Thánh Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tỉnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật, cho đúc hai tượng vàng để thờ ở chùa Báo Ân tại Siêu Loại và chùa Vân Yên trên núi Yên Tử.

 

2. Ý nghĩa của việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Trước hết, sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và cùng với nó là sự hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một Tăng đoàn trên dưới 15.000 Phật tử, đã có tác dụng tập hợp một lực lượng đông đảo tín đồ Phật giáo trong cả nước, định hướng và giáo dục họ đi theo con đường chánh pháp, góp phần xiển dương đạo Phật. Nó có tác dụng cố kết các tông phái Phật giáo đương thời ở nước ta, tạo điều kiện cho Phật giáo thời Trần trở thành Phật giáo nhất tông. Đây là nét độc đáo, đóng góp to lớn của nhà Trần nói chung, của Phật giáo thời Trần nói riêng đối với lịch sử dân tộc và đối với Phật giáo Việt Nam.

Đến nay vẫn chưa tìm thấy một tài liệu nào ghi rõ sự thừa nhận Phật giáo ở thời Trần là quốc giáo. Song, qua việc phân tích hai bài văn bia của Lê Quát ở chùa Thiên Phúc và của Trương Hán Siêu ở chùa Khai Nguyên; nghiên cứu tư tưởng của các ông vua đầu triều Trần, cũng như những người lãnh đạo giáo hội; tìm hiểu vai trò, tác dụng của Phật giáo nói chung, Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, ta thấy rõ Phật giáo thời này đã chi phối mạnh mẽ đời sống xã hội.

Bằng những hoạt động của mình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thiền phái Trúc Lâm đã có tác động to lớn đối với lịch sử dân tộc và Phật giáo Việt Nam. Đây là một dòng Thiền cua người Việt, do người Việt lập nên với những điểm đặc biệt, nó đáp ứng được những yêu cầu phát triển của lịch sử dân tộc. Thực tế cho thấy, một khi xã hội rơi vào tình trạng bệ rạc, đạo đức xã hội suy đồi, tệ nạn gia tăng, thì việc hướng thiện, trau giồi nhân phẩm cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là việc làm cần thiết và cấp bách. Việc Trúc Lâm Đầu Đà đem giáo lý Thập thiện giáo hóa nhân dân, để cho người dân có nếp sống đạo đức, làm cho đời sống xã hội lành mạnh, đã góp phần giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, đánh bại âm mưu đồng hóa của ngoại bang, tức góp phần giữ gìn được nền độc lập dân tộc vậy.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Phật giáo Việt Nam thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tăng chúng trong cả nước đều được cấp tăng tịch. Trúc Lâm Yên Tử đã trở thành trung tâm Phật giáo của cả nước, có sức thu hút mạnh mẽ mọi tầng lớp về đây tu học và tìm đường giải thoát.

Một xã hội mà ông vua vừa là một vị nguyên thủ quốc gia vừa là một nhà lãnh đạo tinh thần; vừa là những nhà chính trị xuất chúng, vừa là những nhà đạo đức gương mẫu, những ông vua nhưng lại là những nhà hiền triết, như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông,… Họ là những con người vừa có kiến thức thế học vững chắc, vừa có trình độ Phật học uyên thâm, dùng đạo Phật phục vụ cho mục đích chính trị và vì sự giải thoát của con người. Sự dung hợp giữa nền chính trị quốc gia với tinh thần Phật giáo đã tạo ra một sự tương tác chi phối lẫn nhau, thúc đẩy nhau phát triển; điều đó đã chứng tỏ Phật giáo bấy giờ đóng vai trò như một lực lượng lãnh đạo toàn dân về mặt tinh thần.

Trần Nhân Tông, ông vua xuất gia, ngoài việc thành lập Thiền phái Trúc Lâm, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất trong cả nước, ông còn “Tự mình sống đạo đức, lại hô hào tuyên truyền dân chúng khắp nơi sống theo nếp sống “Thập thiện” của Phật giáo. Trần Nhân Tông thật sự muốn xây dựng một xã hội Việt Nam lấy đạo đức Phật giáo làm nền tảng”.

Tất cả những điều trên đây cho thấy, Phật giáo thời Trần, nhất là buổi đầu Trần đã phát triển rất mạnh, thậm chí được coi là đỉnh cao của sự phát triển trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Với tinh thần vô ngã, tự tín,… Trúc Lâm Yên Tử đã tạo nên một tinh thần nhập thế tích cực, và với quan niệm bình đẳng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đã tạo nên tinh thần dân chủ bình đẳng trong xã hội, góp phần cố kết toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên, để non sông nghìn thuở vững âu vàng.

———————————————–

Chú Thích :

(1) Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), tập II, tr.44.

(2) Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), tập II, tr.92.

(3) Tam Tổ thực lục, Sđd, tr.18,19.

(4) ĐVSKTT, Sđd, tr. 73.  

(5) Trần Nhân Tông vị vua Phật Việt Nam, Sđd, tr. 64.

(6) Trần Nhân Tông vị vua Phật Việt Nam, Sđd, tr.65.  

(7) Vũ Lâm là một trong những thung lũng đẹp thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình ngày nay. Dẫn theo Toàn tập Trần Nhân Tông, Sđd, tr.190.

(8) ĐVSKTT, Sđd, tr. 88,90.

(9) Tam Tổ thực lục, Thích Phước Sơn dịch và chú thích, Viện NC Phật học Việt Nam, 1995, tr.19,20.

(10) Trần Nhân Tông vị vua Phật Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Tp. HCM, 2004, tr. 49-50.

(11) Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Nhân Tông, Sđd, 2000, tr. 208.

(12) Tam Tổ thực lục, Sđd, tr.20,

(13) Tam Tổ thực lục, Sđd, tr.30.

(14) Thiền học đời Trần, Sđd, tr. 109.

Cập nhật ( 02/12/2008 )

Related Posts

Hành trình đưa Khóa tụng thống nhất đến với Phật tử

2 tuần trước
0

Pháp phục Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ

2 tuần trước
0

ĐẨY MẠNH ĐỀ ÁN PHÁP PHỤC, NGÔN NGỮ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

2 tuần trước
0

Bạc Liêu: Lễ ký kết hợp tác giữa Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh

2 tuần trước
0

Tham luận 40 năm thành lập GHPGVN: Đặc trưng Văn hóa Phật giáo Việt nam (HT. Thích Thọ Lạc)

1 tháng trước
0
Thiện nam tín nữ, Phật tử gần xa thành tâm lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm tại Quán Âm Phật Đài

Bạc Liêu: Tết Nguyên tiêu nơi mái chùa dân tộc

2 tháng trước
0
Next Post

'CHẤT PHẬT' VÀ 'CHẤT VUA' TRONG NGƯỜI CỦA PHậT HOÀNG (Pháp Đăng)

DỰNG TƯỢNG TRẦN NHÂN TÔNG NHÂN LỄ TƯỞNG NIỆM (Vân Nhi)

Bài viết xem nhiều

  • Đạo tràng chụp ảnh lưu  niệm

    Bạc Liêu: Đạo tràng chùa Bửu Thanh trở về “Quy kính Tam bảo” trong khoá tu Một ngày an lạc

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Khóa tu Bát quan trai tại chùa Long Phước huyện Đông Hải

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Phật giáo Bạc Liêu khởi công xây dựng cầu An Sinh Số 4 – Thị xã Giá Rai, do gia đình ông Phạm Thanh Hùng tại California tài trợ

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Trang nghiêm Lễ An vị tôn tượng Đức Phật Dược Sư tại chùa Giác Hoa

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Chùa Giác Hoa trao tặng 200 phần quà cho người khuyết tật

    0 shares
    Share 0 Tweet 0

Thông báo

Lưu trữ

Bạc Liêu: THÔNG BẠCH ĐẠI TRÙNG TU KHU QUÁN ÂM PHẬT ĐÀI (MẸ NAM HẢI BẠC LIÊU)

6 ngày trước
0
Lưu trữ

Bạc Liêu: Thư mời Quý Phật tử tham dự Lễ đặt đá xây dựng khu Quán Âm Phật Đài

2 tuần trước
0
Lưu trữ

Bạc Liêu: Thường Trực Ban Trị sự thông báo hành trì Đại bi chú-đảnh lễ Ngũ bách danh cầu nguyện xây dựng – đại trùng tu khu Quán Âm Phật Đài

2 tuần trước
0
Lưu trữ

Bạc Liêu: Thường Trực Ban Trị sự thông báo hành trì Đại bi chú-đảnh lễ Ngũ bách danh cầu nguyện xây dựng – đại trùng tu khu Quán Âm Phật Đài.

3 tuần trước
0
Lưu trữ

Thông bạch: Tổ chức an cư kết hạ – Phật lịch 2567

3 tuần trước
0
Lưu trữ

Thông bạch của Hội đồng Trị sự GHPGVN về việc trao tặng quà Xuân 2023 cho người có hoàn cảnh khó khăn

3 tháng trước
0

Ban trị sự

Tự viện

Từ thiện

Lịch vạn niên

03/2023
CNT2T3T4T5T6T7
 
 
 
 
 
 
1
10/2
2
11
3
12
4
13
5
14
6
15
7
16
8
17
9
18
10
19
11
20
12
21
13
22
14
23
15
24
16
25
17
26
18
27
19
28
20
29
21
30
22
1/2
23
2
24
3
25
4
26
5
27
6
28
7
29
8
30
9
31
10
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Liên kết website

  • Phật Giáo Việt Nam
  • Phật Giáo Org
  • Thư Viện Hoa Sen
  • Báo Bạc Liêu

Thống kê truy cập

  • 8
  • 2.229
  • 3.318
  • 187.548

GHPGVN TỈNH BẠC LIÊU

  • Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
  • Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
  • Điện thoại: 0949 111 848
  • Email: giacnghithich@gmail.com

VĂN PHÒNG & LIÊN LẠC

  • Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
  • Trụ sở: Chùa Long Phước 2/234 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Tp.Bạc Liêu
  • Điện Thoại: 0291.3696968
  • Email: phatgiaobl@gmail.com

THÔNG TIN TÀI KHOẢN:

  • Tên tài khoản: Quán Âm Phật Đài
    - Ngân hàng ACB: 949111888
    - Ngân hàng BIDV: 78510000999899
    - Chi nhánh Bạc Liêu.
  • Tên tài khoản: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
    - Ngân hàng BIDV: 78510000556869
    - Chi nhánh Bạc Liêu

© 2022 Phật Giáo Bạc Liêu - Trang Tin Điện Tử Phật Giáo Bạc Liêu

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Ban Chứng Minh
    • Ban trị sự
    • Các ban trực thuộc
  • Tin tức – Phật sự
  • Từ thiện xã hội
  • Lịch sử – văn hóa
    • Văn hoá phật giáo
    • Lịch sử văn hoá
  • Nhân vật – Sự kiện
    • Nhân vật
    • Sự kiện
  • Phật học
    • Tự viện
  • Trung cấp phật học