TRẦN NHÂN TÔNG VÀ TRIẾT LÝ NHÂN BẢN, XÃ HỘI CỦA 10 ĐIỀU THIỆN * Hòa thượng Thích Thiện Nhơn Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN Vua Trần Nhân Tông sinh năm 1258, lên ngôi năm 1278, là vị vua thứ ba sau Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông nhà Trần, đã lãnh đạo chiến thắng hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, chiến thắng quân Nguyên – Mông (1285, 1288), giành độc lập tự chủ cho đất nước và dân tộc, tạo được sự đoàn kết hòa hợp dân tộc, điển hình là hai cuộc Hội nghị trưng cầu dân ý – Hội nghị Bình Than (1282) và Hội nghị Diên Hồng (1285). Sau khi xuất gia tu hành tại núi Yên Tử năm 1299, trở thành vị Vua Phật – Điều Ngự Giác Hoàng, thành lập phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, phái Thiền Việt Nam và thống nhất Phật giáo đời Trần. Ngoài công việc trọng đại trên, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông bằng Tâm Từ bi vô lượng đã đi chu du khắp cả nước, giáo hóa nhân dân sống đạo đức, lương thiện, tạo thành một xã hội thanh bình, thuần lương, nhân hậu, đạo đức xã hội, xây dựng một cực lạc tại nhân gian, một thiên đường trên quả đất này. Triết lý mà Trần Nhân Tông sử dụng là giáo lý 10 điều thiện, là giáo lý căn bản của Phật giáo Nam Bắc truyền. Triết lý này được Trần Nhân Tông khai thác trên cơ sở con Người và Tâm là Phật là chủ yếu. Tâm là Phật, Phật là Tâm chính là cơ bản cho mọi lý luận, hành động và thực chứng. I. NỘI DUNG TRIẾT LÝ NHÂN BẢN XÃ HỘI. Đạo Phật thiết lập thế giới và hành động trên cơ sở con người và con người thì có 3 nghiệp: Thân hành động, miệng nói năng, ý suy nghĩ, tạo thành 10 hành động là việc làm, lời nói và ý nghĩ. Mười điều thiện là: Không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói ly gián, không nói lời độc ác, không tham lam, không sân hận, không tà kiến si mê. Trên cơ sở Tâm Từ bi, thực hành hạnh không sát sinh, từ bỏ sát sinh, nhằm tôn trọng sự sống và bình đẳng, phát triển Tâm Từ bi, đoạn trừ nhân quả trả vay, gieo nhân trường thọ đời này và đời sau, tương ứng với Pháp thân thường trụ, Vô lượng thọ Phật. Thế nên, Khế kinh nói: “Ai cũng sợ gươm đao. Ai cũng thích sống còn. Hãy lấy mình, suy lòng người. Chớ giết, chớ bảo giết” (PC.129). Từ đó, phát triển tình người, yêu thương đồng loại, xây dựng và củng cố hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc và nhân loại. Như Cổ đức nói: “Tất cả chúng sinh không nghiệp sát, lo gì thế giới dấy binh đao. Mọi nhà, mọi chốn đều tu thiện, lo gì thiên hạ chẳng thái bình” (Kinh Hoa Nghiêm Tùy Sớ – P. Thập Địa). Đồng quan điểm, Thiền sư Trần Thái Tông nhấn mạnh: “Cánh, lông, mai, vảy thảy sinh linh. Chết sợ, sống tham hà khác tính. Từ cổ Thánh hiền lòng bất nhẫn, sao đành thấy chết, lại tham sinh” (Khóa Hư Lục). Qua Tâm xả, thực hành không trộm cướp, phát triển Tâm Bố thí, thực hành hạnh Bố thí, tôn trọng tài sản mọi người, không chiếm hữu tài sản công cũng như tư, không làm thất thoát tài sản, tài chính của công, không biển thủ công quỹ, không lường cân tráo đấu v.v… tạo sự giàu có cho gia đình, xã hội và hạnh phúc cho nhân dân, đạo đức cho xã hội. Đoạn trừ nhân quả trả vay đời nay và đời sau, gieo trồng chánh nhân phương tiện cụ túc ở quả vị Phật trong tương lai; còn đời sau, trên cơ sở thân người được giàu sang, phú quý, danh vọng, mong cầu đều được toại ý. Như Trần Thái Tông Thiền sư nói: “Khoét vách đào tường chí nghĩ đâu. Ngàn mưu, trăm kế luống mong cầu. Của người dầu có đời nầy được. Muôn kiếp đời sau làm ngựa trâu” (Khóa Hư Lục). Từ Tâm Thanh tịnh, tu hạnh ly dục, ly khai tà hạnh, xây dựng hạnh phúc cá nhân, gia đình và nhân quần xã hội trên cơ sở một vợ, một chồng không lang chạ, không phá hoại hạnh phúc gia đình của kẻ khác. Tôn trọng nhân phẩm, danh dự cá nhân và xã hội, tạo cho xã hội có một cuộc sống đầm ấm hạnh phúc, chung hưởng hòa khí thanh bình, tịnh lạc. Như Trần Thái Tông nói: “Tóc thủy hương mai, má nhụy đào. Mắt đưa liếc thắng, dạ nao nao. Thịt da một bọc hôi quanh quẩn. Ngầm cắt lòng người chẳng mượn dao” (Khóa Hư Lục), và từ đấy tiến lên, giác ngộ giải thoát sinh tử luân hồi, chứng nhập Pháp thân thanh tịnh, thành tựu giải thoát thân. Như Cổ đức nói: “Đường sinh tử từ nay đã đoạn. Gốc ái ân vi tế không còn. Đường giải thoát lâng lâng nhẹ gót. Vượt trần gian siêu thoát luân hồi”. Từ Chân như thật tánh, thực hành không nói dối, nhằm tôn trọng sự thật, xây dựng niềm tin cho nhau trong các mối quan hệ, giao tế, hợp hội, hiệp ước v.v… tạo được niềm tin tuyệt đối cho nhau trong công việc và hành động, đưa đến kết quả hữu hiệu, tránh được tình trạng phản bội, lừa đảo nhau v.v… Như Kinh Pháp cú Thí dụ nói: “Ai không nói dối điêu ngoa. Nói lời chân thật hiền hòa thuần lương. Lời ra đều được tán dương, tin dùng. Bà con quyến thuộc quây quần bên nhau. Mai sau chứng được quả cao. Chứng Chân thật ngữ, giảng rao Pháp mầu”, thành tựu Quyến thuộc cụ túc. Đồng quan điểm trên, Trần Thái Tông nói: “So vai cười nịnh, lưỡi khua môi. Mãi việc nói càn, sống ở đời. Lựa ý cầu vui mong được lợi. Mặc dầu nghiệp rốt buộc thân thôi” (Khóa Hư Lục). Bằng cơ sở tự tâm hòa hợp, thực hành hạnh không nói ly gián, nói lời đoàn kết, hòa hợp, xây dựng mối hòa hảo, trong gia đình, xã hội, thế giới, tạo thành một sức mạnh tổng hợp, một thực thể bất khả phân ly, không có gì lay chuyển, một xã hội trên nói dưới nghe, dưới nói trên ghi nhận, chính là sự đoàn kết hòa hợp một lòng do chính cá nhân tạo dựng nên và trở thành một thực thể bất động và tồn tại mãi mãi. Do đó, Cổ đức nói: “Chim xa cành còn thương cây nhớ cội. Người xa người tội lắm người ơi. Cùng nhau chung sống trọn đời. Môi hở răng lạnh một đời bên nhau”, thành tựu Quyến thuộc cụ túc. Bằng Tự tánh bình đẳng, thực hành hạnh nói không thêm bớt, nhằm tôn trọng chính xác sự vật khách quan và thực thể, thực chất của vấn đề, tạo chính xác cho công tác thông tin đại chúng, báo đài, Thông tấn xã … Do đó, mọi người sẽ tin cậy lẫn nhau và xây dựng niềm tin cho nhau trên tinh thần bình đẳng, không thêm không bớt, trước sau như một. Như Ca dao Việt Từ tự tâm vô sân, nhẫn nhục, thực hành hạnh không nói lời ác độc, gây đau khổ cho nhau. Trái lại, phải nói lời hòa nhã, từ tốn, khiêm cung, nhã nhặn, yêu thương, sẵn sàng dung thứ cho nhau trong những lỗi lầm nếu có. Từ đó, tạo dựng nếp sống bình an tâm hồn cho mình và tha nhân trong thế giới, như người xưa nói: “Miệng ta là đóa hoa sen. Một phen hé nở, mười phương thơm lừng. Miệng ta là gió mùa xuân, một khi khởi động muôn phương mát lòng”. Thành tựu Tướng hảo cụ túc (Kinh Hoa Nghiêm). Bằng Tâm vô tham, đoạn trừ tham dục trải dài trên quan điểm 6 đối tượng: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Do đó, Trần Thái Tông Thiền sư đã nói: “Mũi đắm mùi thơm, tai đăm tiếng, mắt mê sắc đẹp, lưỡi đắm mùi. Mãi mê làm khách phong trần mãi, mới biết xa quê mấy dặm đường”. Vì vậy, do vô tham, tâm hoàn toàn thanh tịnh, vắng lặng như mặt nước hồ thu. Chính là do giới thành tựu định, phát sanh trí tuệ, nên Khế kinh nói: “Không mong cầu quốc đọ, của cải và vợ con, bằng việc làm phi pháp. Người ấy thật trì giới, với trí tuệ thanh tịnh” (PC. 84), chứng Đoạn đức, thành tựu Pháp thân thanh tịnh. Với Tâm vô sân, đoạn trừ tâm sân, phát triển Tâm Từ bi, nhẫn nhục, đoạn trừ sự làm tổn hại tự tâm, tự thân tha nhân, xã hội và thế giới, mang lại hạnh phúc hòa bình, an lạc cho quốc gia, lãnh thổ và thế giới không có chiến tranh thù hận, cùng nhau chung sống hòa bình và phát triển phồn vinh. Như Cổ đức nói: “Lửa lòng đã tắt từ lâu. Tự tâm thanh tịnh một bầu thanh lương. Mưa từ, nước pháp cành dương. Chúng sinh lợi lạc, muôn phương thái bình”, chứng Giải thoát đức, thành tựu Giải thoát thân. Bằng Tâm Trí tuệ, đoạn trừ tà kiến si mê, phát huy tâm sáng suốt, nhận định khách quan, chính xác và khoa học, không cuồng tín và manh động, thấy rõ lý nhân quả tội phúc. Do đó, con người tránh điều ác, làm điều lành, thực hành Chánh pháp, đem lại chính tín cho mình, cho người, cho xã hội nhân sinh thế giới. Như Khế kinh nói: “Phi chân hiểu là phi chân. Chân thật hiểu là chân thật. Người hiểu đúng như vậy. Mau đạt được lý chân” (PC. 13). Nói rộng hơn, Kinh Niết Bàn xác định, thành tựu 5 loại trí tuệ: Chánh kiến, thấy đúng như thật, sự vật khách quan; Biến kiến: thấy vấn đề một cách phổ quát, không cục bộ hay thiên kiến v.v…; Thứ đệ kiến: Thấy đúng sự vật, sự kiện xảy ra theo trình tự nhất định từ nhân đến quả, từ thấp đến cao, từ gần đến xa…; Biệt kiến: thấy được cái dị biệt trong cái đồng nhất; Tổng kiến: thấy được cái đồng nhất trong cái dị biệt…, chứng Bát nhã đức thành tựu Báo thân v.v… II. TÍNH CÁCH THỰC TIỄN. Từ quan điểm, lập trường của vua Trần Nhân Tông nói riêng, Phật giáo đời Trần nói chung, là thuần nhất, đồng nhất tư tưởng lấy con Người làm cơ sở, lấy Tâm làm chủ thể – Tâm là Phật, Phật là Tâm, ngộ Tâm là ngộ Phật, ngộ Phật là ngộ Tâm. Do đó, Triết lý nhân quả qua 10 điều thiện của Phật giáo Nam truyền, Bắc truyền cũng như toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo là nhất quán, điều đó được minh chứng: “Con người là hơn hết, vì có hai khả năng: Một chính là chứng quả vị Phật, hai là có khả năng chuyển hóa tâm linh và thay đổi xã hội con người và xã hội thế giới” (kinh Anh Lạc). Nói rõ hơn, như Kinh Hoa Nghiêm xác định: “Nếu ai muốn biết rõ cảnh giới của 10 phương ba đời chư Phật. Hãy quán tánh Pháp giới (Tâm). Tất cả đều do Tâm tạo”. Thế nên, Trần Nhân Tông không sử dụng giáo lý cao siêu, huyền diệu mà sử dụng giáo lý thực tiễn và khế lý, khế cơ, đó là lý 10 điều thiện. Bởi lẽ chính con người tạo 10 điều thiện để xây một một Phật giáo đời Trần thanh bình, thạnh trị, ấm no, hạnh phúc, đạo đức nhân bản nhất và giác ngộ giải thoát giữa trần gian, tại thế gian này mà chủ đích Kinh 10 điều thiện đã xác định: “Xây dựng một Thiên đường, Tịnh độ, Cực lạc trần gian đều do thực hành 10 điều thiện”. Quả thực, Cổ đức nói: “Việc làm giả thật tự mình hay. Họa phúc do mình chớ hỏi ai. Quả báo cuối cùng rồi phải đến. Chẳng qua đến sớm hay đến chầy” (Minh Tâm Bửu Giám). Ở đây, Trần Nhân Tông nói: “Do con người tạo ra Thiên đường, Tịnh độ, Cực lạc bằng chính con người tại thế gian này”. Như Thiền sư Đại Qua đó, trên cơ sở này, để thiết thực tưởng nhớ công đức Vua Trần Nhân Tông – Điều Ngự Giác Hoàng nhân kỷ niệm 700 năm ngài nhập Niết bàn (1308 – 2008), Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên tiếp tục phát huy tinh thần Trần Nhân Tông qua giáo lý 10 điều thiện, sẽ thuyết giảng rộng rãi đến nhân dân, đồng bào Phật tử khắp mọi miền đất nước một cách khế lý và khế cơ trong chiều hướng hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh. Để từ đó “Tần Gia vổ cánh tung bay. Vang lời Pháp thoại xưa nay nhiệm mầu. Lời vàng truyền bá đến đâu. Tốt Đời đẹp Đạo, trồng sâu căn lành” (Ngàn năm Diệu pháp). III. KẾT LUẬN. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông – Điều Ngự Giác Hoàng sáng lập, là Thiền giáo song hành, nên không những đã thể hiện trọn vẹn tinh thần Phật giáo Việt Nam, mà còn phù hợp ý chỉ chư Phật và lòng người. Qua đó, đã tạo nên sự đoàn kết, nhất trí toàn dân, thống nhất Phật giáo. Bởi lẽ, con người là chủ nhân ông của vũ trụ, của mọi hành động thiện ác. Dó đó, nếu tất cả mọi người hành thiện, tu tâm dưỡng tánh, trực nhận bản lai diện mục của chính mình, thì mọi công đức trở thành vô lậu và cứu cánh. Về xã hội, xây dựng cho con người một xã hội thuần lương, nhân hậu, hoàn mỹ đạo đức, xã hội được nâng cao và tiến tới hình thành một thế giới hoàng kim, một Thiên đường, Cực lạc, Tịnh độ tại nhân gian, cuối cùng giác ngộ giải thoát thành Phật như Điều Ngự Giác Hoàng – Trần Nhân Tông đã xác định và bản thân, tự tâm Ngài cũng đã thể hiện trong cuộc sống tu hành, giác ngộ tại thế gian nầy, không tìm đâu xa. Ngài dạy: “Tất cả Pháp không sinh. Tất cả Pháp không diệt. Ai hiểu được nghĩa này. Thì chư Phật hiện tiền. Làm gì có đến đi”. Như một nhà thơ thời cận đại đã nói: “Phật ở đâu xa, Phật ở lòng. Cõi lòng thanh tịnh tợ hư không. Tòa sen phảng phất hương thơm ngát. Át cả bùn nhơ, át bụi hồng” (cụ Xuân Thủy). |
Cập nhật ( 04/12/2008 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com