TÔNG THIÊN THAI GIÁO QUÁN – Chi phái Cao Minh Tự ở Việt Nam * Cư sĩ Tắc Hành Vào năm 575 (năm Ất Mùi, niên hiệu Đại Kiến đời Trần Tuyên Đế, thời Nam Bắc triều), Tổ Trí Khải (538 – 597) thành lập tông môn tại núi Thiên Thai (thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), sư tổ đã lấy tên núi đặt tên tông, gọi là tông Thiên Thai; tông Thiên Thai lấy Nhất tâm Tam quán làm chủ trương tu tập nên còn gọi Thiên Thai Giáo Quán; chư tổ đã trọng dụng kinh Pháp Hoa để phát huy giáo nghĩa, vì vậy cũng gọi tông Pháp Hoa. Đại sư Vô Tận Truyền Đăng thuộc đời thứ 30 của tông Thiên Thai, là người có công trùng hưng môn phái, ngài sáng tác nhiều tác phẩm giá trị như: Thiên Thai truyền Phật tâm ấn ký chú (2 quyển), Thiên Thai sơn phương ngoại chí (30 quyển) và hàng chục tác phẩm Phật học khác. Ngài xây dựng Đại Tông Đường để thờ chư tổ, họa hình chư tổ gọi là Thiên Thai tông nguyên lưu đồ để người đương thời và người đời sau chiêm bái. Ngài thành lập chi phái Cao Minh Tự và biên soạn hai bài kệ đặt pháp danh và pháp hiệu để tạo sự thuận lợi cho việc truyền đăng trong chi phái, kệ pháp pháp danh bắt đầu bằng chữ Chơn để nhớ ơn thầy của mình, đó là ngài Bá Tòng Chơn Giác, đời thứ 29 của tông Thiên Thai, đồng thời ngài cũng tôn thầy mình làm Sơ tổ của chi phái Cao Minh Tự. Như vậy pháp danh thuộc hàng chữ Chơn theo chi phái Cao Minh Tự là đời thứ nhất, nhưng đối với tông Thiên Thai Giáo Quán lại thuộc đời thứ 29, các hàng chữ tiếp theo y cứ vào thứ tự này để tính tới. Về pháp hiệu cũng giống như vậy, cũng bắt đầu từ chữ Đại trong câu Đại giáo diễn dịch.
Thường thì Phật tử chỉ có pháp danh không có pháp hiệu, tu sĩ thì có cả pháp danh (sau khi tịch gọi là pháp húy) lẫn pháp hiệu, nhưng phải tương xứng với nhau theo thứ tự của hai bài kệ, pháp danh hàng thứ nhất thì pháp hiệu cũng hàng thứ nhất, pháp danh hàng thứ chín pháp hiệu cũng hàng thứ chín. Thí dụ: Pháp danh là Chơn, pháp hiệu phải là Đại; pháp danh là Nhất, pháp hiệu là Lập… Ngài Mẫn Hy đời thứ 15 chi phái Cao Minh Tự, đời thứ 43 của tông Thiên Thai Giáo Quán, có pháp danh là Cổ Lãng và pháp hiệu là Mẫn Hy; Tổ Hiển Kỳ đời thứ 20 chi phái Cao Minh Tự, đời thứ 48 tông Thiên Thai Giáo Quán có pháp danh Nhiên Công, pháp hiệu Hiển Kỳ; Tổ Liễu Thiền, pháp danh của ngài là Tu Trì, pháp hiệu Liễu Thiền; Sư bà Đạt Đạo pháp danh Tánh Hóa, Hòa thượng Đạt Hảo pháp danh Tánh Tướng, Hòa thượng Tắc Phước pháp danh Lãng Điền…
Tông Thiên Thai ra đời rất sớm, nhưng truyền vào Việt Nam rất muộn, người Việt Nam đầu tiên có tên trong hàng cao tăng tông Thiên Thai ở Trung Quốc là Tổ Hiển Kỳ, thế danh của ngài là Trần Quốc Lượng, quê ở Rạch Quau, Cần Giuộc, Chợ Lớn (nay thuộc Long An), nhưng lại hành đạo ở Trung Quốc cho tới ngày viên tịch. Ngài có công vận động nhiều người Việt Nam vào tông Thiên Thai: Năm 1928, tại chùa Thanh Sơn ở Hồng Kông, Tổ Hiển Kỳ đã xuất gia cho ba vị: Liễu Đàn (húy: Tu Tất), Liễu Học (húy: Tu Thành), Liễu Tướng (húy: Tu Hảo); đến năm 1931 cũng tại đây, Tổ đã xuất gia cho bốn vị: Liễu Thiền (húy: Tu Trì), Liễu Lạc (húy: Tu Tịnh), Liễu Chứng (húy: Tu Quán), Liễu Tức (húy: Tu Nhiên). Các vị đều là người Miền Nam và đều có xuất thân tử Minh Sư đạo, sau khi thọ đại giới các vị đã về nước hoạt động, đó chính là bảy vị tổ đã có công truyền bá giáo nghĩa tông Thiên Thai và phát huy chi phái Cao Minh Tự đầu tiên ở Việt Nam.
A. KỆ PHÁP DANH
B. KỆ PHÁP HIỆU
|
Cập nhật ( 21/01/2012 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com