TÍNH CHÍNH XÁC CỦA NGÔN NGỮ LUẬT PHÁP TIẾNG VIỆT * TS Nguyễn Thế Truyền Ngôn ngữ luật pháp (NNLP) là một dạng tiêu biểu của phong cách ngôn ngữ hành chính (administrative style). NNLP được thể hiện chủ yếu dưới hình thức ngôn ngữ viết thông qua các văn bản (VB) quy phạm pháp luật (VB pháp quy) và VB hành chính luật (VB áp dụng quy phạm pháp luật). Các VB quy phạm pháp luật được chia ra làm hai loại : VB luật (hiến pháp, luật, bộ luật), VB dưới luật (pháp lệnh, sắc lệnh, nghị định, quy chế, điều lệ, quy định,…). Các VB quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành, và có hiệu lực pháp lý khác nhau. Các VB hành chính luật là loại VB dùng trong giao dịch công vụ giữa các cơ quan pháp luật với các cá nhân, tổ chức trong xã hội, hoặc giữa các cơ quan pháp luật với nhau. VB hành chính luật chỉ thực hiện chức năng của mình với một đối tượng cụ thể, trong một trường hợp cụ thể. Các văn bản pháp luật (VBPL) biểu hiện hệ thống quy tắc ứng xử có tính chất bắt buộc của Nhà nước hoặc của tổ chức, đoàn thể. Chúng có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thực hiện kỷ cương, pháp chế của một đất nước, một xã hội. Do yêu cầu đặc thù của mình, ngôn ngữ trong VBPL có các đặc trưng sau : – tính trang trọng, nghiêm túc – tính bắt buộc phải thực hiện – tính chính xác, chặt chẽ, rõ ràng – tính khuôn mẫu – tính xác thực, khách quan Trong các đặc trưng đó thì tính chính xác ở mức độ cao là một đặc trưng mang tính định nghĩa của VBPL.Trong khoảng 10 năm trở lại đây (1990 – 2000), VBPL của chúng ta đã có một bước hoàn thiện lớn về kỹ thuật lập pháp cũng như ngôn ngữ diễn đạt, đưa tiếng Việt vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao của một hình thái ngôn ngữ đòi hỏi tính nghi thức và tính chính xác triệt để nhất. Tìm hiểu các nhân tố tạo nên tính chính xác và tăng cường tính chính xác cho VBPL là công việc lý thú và có nhiều ý nghĩa. Phần còn lại sau đây của bài viết, chúng tôi xin giới thiệu một số nhân tố tạo nên tính chính xác của NNLP tiếng Việt qua khảo sát các VB quy phạm pháp luật được ban hành trong khoảng 10 năm cuối của thế kỷ XX, từ hai phương diện dùng từ và đặt câu. I – DÙNG TỪ Từ ngữ dùng trong VBPL biểu thị các đối tượng, các quan hệ của hiện thực nhìn từ góc độ pháp lý. Để đạt tính chính xác ở mức độ cao nhất, người soạn thảo VBPL luôn cân nhắc thận trọng các cách dùng từ. Sau đây là 3 cách thức quan trọng : 1) Xác định nghiêm ngặt nội dung các khái niệm mà từ biểu thị Khái niệm có hai mặt là nội hàm và ngoại diên. Khi dùng từ, để chính xác, người soạn thảo VBPL luôn cân nhắc tính chính xác của hai mặt đó của khái niệm mà từ (ngữ) biểu thị. Nội hàm của khái niệm liên quan đến tính chất, đặc điểm của điều khoản pháp lý được đưa ra trong VBPL. Ngoại diên của khái niệm liên quan đến tầm hiệu lực của các điều khoản đó. Dùng từ chính xác về nội hàm và ngoại diên cũng tức là quán triệt hai nguyên tắc cơ bản của việc dùng từ trong VBPL : nguyên tắc định tính và nguyên tắc định lượng. a) Nguyên tắc định tính Nguyên tắc này đòi hỏi từ dùng trong VBPL phải chính xác về nội hàm (các đặc trưng mà từ biểu thị). Trong trường hợp nội hàm khái niệm quá rộng, quá hẹp, hoặc có nhiều cách hiểu, phải lập tức hạn định khái niệm, mở rộng khái niệm, hoặc định nghĩa khái niệm. Trường hợp cuối, trong NNLP có cụm từ “các quy phạm quy định khái niệm pháp lý”. Đọc các VBPL, chúng ta thấy điều nổi bật là từ ngữ được dùng hết sức thận trọng. Các từ ngữ gần nghĩa chỉ các quy định pháp lý được phân biệt kỹ càng. Ví dụ : “đình chỉ” và “bãi bỏ”, “cách chức” và “bãi nhiệm”, “xử lý” và “nghiêm trị”, “trong khuôn khổ” và “theo quy định”,… Các từ ngữ có nội hàm rộng, có thể gây hiểu sai luôn được hạn định lại bằng các định ngữ thích hợp, có khi phát triển rất dài. Ví dụ : Nhà xuất bản không được xuất bản, tái bản tác phẩm nếu không được sự đồng ý của tác giả hoặc người được thưa kế hợp pháp theo quy định của pháp luật về quyền tác giả. (Luật xuất bản (1993), điều 8) Các từ ngữ có thể có cách hiểu quá hẹp hoặc nhiều cách hiểu luôn được xác định lại bằng sự giải thích, chú thích, hoặc định nghĩa. Trong các luật và bộ luật, chúng ta đều thấy ở phần đầu luôn có phần định nghĩa khái niệm pháp lý của luật, bộ luật đó. Ví dụ, “Bộ luật hình sự” (1999), dành từ điều 8 đến điều 40 để giải thích 32 thuật ngữ pháp lý cơ bản như : tội phạm, tuổi chịu trách nhiệm hình sự, phòng vệ chính đáng, đồng phạm, quản chế,… Phần định nghĩa các khái niệm pháp lý đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng và sự thống nhất cho toàn luật, bộ luật, đảm bào tính đúng đắn của các phân xử, chế tài ở phần sau. b) Nguyên tắc định lượng Nguyên tắc này, trước hết, đòi hỏi từ dùng trong VBPL phải xác định về đối tượng mà từ biểu thị (bao gồm loại đối tượng và số lượng đối tượng). Tức là phải xác định về ngoại diên như trong lôgích học quan niệm. Để xác định chính xác loại đối tượng mà từ biểu thị, VBPL thường dùng cách liệt kê đầy đủ các loại đối tượng đó (không bao giờ VBPL dùng cách liệt kê với dấu ba chấm “…” hoặc kí hiệu “v.v…”). Cách thức liệt kê đầy đủ này cũng gián tiếp làm rõ nội hàm của khái niệm. Ví dụ “Luật báo chí” (1999) sử dụng một cách thức liệt kê đầy đủ bằng giải thích hoặc chú thích để làm rõ ngoại diên của khái niệm “báo chí Việt Báo chí nói trong Luật này là báo chí Việt Nam, bao gồm : báo in (báo, tạp chí, bản tin thời sự, bản tin thông tấn), báo nói (chương trình phát thanh), báo hình (chương trình truyền hình, chương trình nghe – nhìn thời sự được thực hiện bằng các phương tiện kỹ thuật khác nhau), báo điện tử (được thực hiện trên mạng thông tin máy tính) bằng tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tiếng nước ngoài. (điều 3) Cách thức dùng từ chỉ lượng để xác định chính xác số lượng đối tượng mà từ biểu thị trong một trường hợp đề cập cụ thể luôn được VBPL chú trọng. Thông thường đó là các từ như : “mọi”, “tất cả”, “toàn bộ”, “các” để chỉ số nhiều xác định. Ví dụ : Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và luật. (Hiến pháp (1992), điều 4) Từ “những” là một trong rất ít những từ chỉ lượng không xác định được sử dụng trong VBPL. Song, từ “những” cũng chỉ được sử dụng trong những trường hợp bất khả kháng, khi sự vật, hiện tượng có những đối tượng, phương diện không thể liệt kê ra hết được. Khuynh hướng chung hiện nay của các VBPL là ưu tiên sử dụng từ “các” để biểu thị sự xác định. Tần số sử dụng của từ “các” nhiều gấp nhiều lần từ “những” (xem bảng thống kê tiếp dưới). TẦN SỐ SỬ DỤNG “CÁC” VÀ “NHỮNG” TRONG VBPL
Các cách thức định lượng khác (cho danh từ hoặc động từ, tính từ) cũng được VBPL quán triệt chặt chẽ. Nói chung, khi đưa ra một khái niệm mà khái niệm đó có bao hàm sự định lượng (thời gian, không gian, đối tượng tác động) thì ngay lập tức khái niệm đó phải được xác định về lượng một cách cụ thể. Bởi vì điều này liên quan đến tính chính xác của việc thi hành các điều khoản trong VBPL. Ví dụ : Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp và phải đăng báo địa phương và báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp về quyết định này. (Luật phá sản doanh nghiệp (1993), điều 35) 2) Cân nhắc trong việc lựa chọn sử dụng từ ghép và từ láy, từ Hán Việt và từ Việt Nguyên tắc dùng từ này đòi hỏi người soạn thảo VBPl phải giải quyết uyển chuyển, tinh tế mối quan hệ giữa tính chính xác mang sắc thái chuyên ngành và tính đặc trưng của từ vựng ngôn ngữ dân tộc, giữa tính chính xác chuyên ngành và tính phổ cập về đối tượng của NNLP. a) Mối quan hệ giữa từ ghép và từ láy trong VBPL Trong tương quan so sánh giữa từ ghép và từ láy thì từ ghép là loại từ chủ yếu xuất hiện trong VBPL vì tính chất chuẩn mực, nghiêm túc của nó. Từ láy được sử dụng rất hạn chế trong VBPL dĩ nhiên do hai tác dụng cơ bản của nó là tính hình ảnh và tính biểu cảm đều không cần thiết với ngôn ngữ luật. Từ láy chỉ được dùng khi cần diễn đạt ý nghĩa khái quát mà không có từ ghép tương đương. Ví dụ : Sự cố môi trường là các tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi bất thường của môi trường thiên nhiên, gây suy thoái môi trường nghiêm trọng. (Luật bảo vệ môi trường (1993), điều 2) Toàn bộ “Hiến pháp” (1992) chỉ sử dụng 4 từ láy (không kể 2 từ “giữ gìn” và “nghỉ ngơi” không phải từ láy thực sự). Tất cả chúng đều chỉ ý nghĩa khái quát : chặt chẽ (điều 8, điều 38, điều 97) / đất đai (điều 17, điều 18) / khó khăn (điều 36) / sẵn sàng (điều 45). Như vậy, từ láy chỉ xuất hiện 7 lượt/ khoảng 8.000 lượt từ của toàn bộ Hiến pháp, chiếm tỷ lệ ≈ 0,001 Toàn bộ “Luật bảo vệ môi trường” (1993) chỉ sử dụng 3 từ láy sau : rủi ro (điều 2) / máy móc (điều 25) / bừa bãi (điều 29). Tỷ lệ : 3 lượt/ khoảng 3.750 lượt từ, xấp xỉ ≈ 0,001. Tính chất “nôm na” của từ láy (một tiếng có nghĩa, một tiếng không có nghĩa) cũng làm cho từ láy khó dùng trong VBPL, vì ảnh hưởng đến tính chính xác, tính nghiêm túc của NNLP. Trong trường hợp không cần thiết, thay vì dùng từ láy, người soạn thảo VB chỉ dùng từ đơn (nếu không có từ ghép tương ứng). Có khi nhất quyết dùng từ đơn (tuy cách dùng từ có hơi khập khiễng, không giống truyền thống của người Việt dùng từ song tiết để chỉ nghĩa khái quát), chứ không dùng từ láy vì thiếu chính xác. Chẳng hạn tên một luật :”Luật tài nguyên nước” (1998). b) Mối quan hệ giữa từ Hán Việt và từ Việt Vì từ Hán Việt trang trọng, chính xác (hầu hết đơn nghĩa) nên được ưu tiên sử dụng hơn từ Việt. Tỷ lệ từ Hán Việt trong VBPL khoảng 85%. Tuy nhiên, từ Hán Việt trừu tượng, khó hiểu, ít thông dụng nên sẽ mâu thuẫn với một trong những yêu cầu của NNLP là hướng về đại chúng. “Luật ban hành VB quy phạm pháp luật” (1996) cũng yêu cầu : VB quy phạm pháp luật được thể hiện bằng tiếng Việt. Ngôn ngữ sử dụng trong VBPL phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải đơn giản, dễ hiểu. Đối với thuật ngữ chuyên ngành cần xác định rõ nội dung thì phải được định nghĩa trong VB. (điều 5) Nhìn chung, mối quan hệ giữa từ Hán Việt và từ Việt trong VBPL đã được giải quyết tốt. Đọc VBPL gần đây, chúng ta thấy ngôn từ vừa chính xác, vừa giản dị, ngay cả đối với các VB luật mang tính chuyên môn cao như “Bộ luật hình sự” (1999). Khuynh hướng chung của VBPL là Việt hoá trong chừng mức có thể được. Ví dụ : Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn, sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. (Bộ luật hình sự (1999), điều 38) (Dùng từ Việt hoặc Việt hoá để bổ sung cho từ Hán Việt) 3) Chú trọng việc dùng phép lặp từ Tác giả Đinh Trong Lạc, trong quyển “Phong cách học tiếng Việt” đã từng đề cập đến vấn đề này : Cũng nhằm mục đích tránh cách diễn đạt mơ hồ có thể bắt bẻ, xuyên tạc mà phong cách hành chính rất hay lặp lại, đặc biệt là danh từ, ngay trong một đoạn văn ngắn, không sợ câu văn nặng nề, đơn điệu. (Đinh Trọng Lạc, 1999, tr.46) Trước đó (1984), tác giả Trần Ngọc Thêm, trong “Hệ thống liên kết VB tiếng Việt” cũng đã chỉ ra đặc điểm này của phép lặp. Nói chung, phép lặp là phép liên kết quan trọng nhất của VB hành chính cũng như VBPL. Rất hiếm khi VBPL dùng phép thế hoặc phép tỉnh lược để liên kết. Ngay phép nối, một phép liên kết có độ chặt chẽ cao, VBPL cũng dùng rất hạn chế : VBPL chỉ dùng phép nối chỉ trình tự trình bày (chủ yếu là theo kiểu đánh số thứ tự chặt chẽ). II- ĐẶT CÂU Đặc trưng cơ bản của văn phong luật pháp là xác nhận và hiệu lệnh (yêu cầu phải thực hiện). Vì thế, hình thái chủ yếu của cấu trúc câu trong VBPL là các loại câu biểu thị sáng rõ, súc tích một phán đoán, một yêu cầu. Các loại câu thường dùng trong VBPL : – Câu đơn bình thường – Câu nhiều thành phần đồng chức (nhiều chủ ngữ, nhiều vị ngữ, nhiều bổ ngữ hoặc nhiều định ngữ) – Câu phức (câu phức thành phần) – Câu ghép chỉ điều kiện. Trong VBPL, câu ghép đẳng lập rất ít xuất hiện, bởi vì người soạn luật có xu hướng tách thành hai hoặc nhiều câu đơn để ý được sáng rõ. Loại câu ghép chỉ điều kiện cũng chỉ được dùng để biểu hiện các điều khoản pháp lí chỉ sự giả định(1) (giả định – quy định(2), hoặc giả định – chế tài(3)) theo mẫu ; Nếu A thì B. Ví dụ : – Nếu giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp không đủ thanh toán các khoản nợ của các chủ nợ, thì mỗi chủ nợ chỉ được thanh toán một phần khoản nợ theo tỷ lệ tương ứng. (Luật phá sản doanh nghiệp (1993), điều 39). – Người nào khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, thì bị phạt tù từ hai đến bảy năm. (Bộ luật hình sự (1999), điều 97) Các loại câu ghép chính phụ khác không xuất hiện trong VBPL vì VBPL không có chức năng chủ yếu là lập luận. Để thể hiện tính chính xác cao, câu văn trong VBPL có mấy đặc điểm nổi bật sau : 1) Cấu trúc câu chặt chẽ, rõ ràng Các kiểu câu được dùng trong VBPL đều là các kiểu câu điển hình của văn viết (câu tiêu chuẩn), có đầy đủ các thành phần nòng cốt và các thành phần phụ cần thiết, kết cấu chặt chẽ, xác định, đơn nghĩa. VBPL không dùng loại câu khuyết chủ ngữ, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt chỉ sự cấm đoán. Ví dụ : Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân. (Hiến pháp (1992), điều 71) Nhìn từ góc độ ngữ pháp chức năng, ngoại trừ câu đẳng thức và câu điều kiện xuất hiện do nhu cầu diễn đạt của VBPL, thì loại câu có quan hệ tham tố trực tiếp là loại câu chủ yếu của VBPL (vì tính chặt chẽ của nó). Chẳng hạn : – Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. (Hiến pháp (1992), điều 5) (Đề là hành thể) – Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. (Hiến pháp (1992), điều 7) (Đề là đối thể) 2) Phân định rành mạch các thành phần câu, các vế câu Để tránh tình trạng câu mơ hồ, VBPL rất chú trọng việc xác định ranh giới các thành phần, các vế trong cấu trúc câu. Các dấu hiệu hình thức đánh dấu ranh giới thành phần câu, vế câu được coi trọng (dấu phẩy, dấu chấm phẩy, quan hệ từ, quan hệ từ dùng kèm dấu phẩy). Dấu chấm phẩy là dấu được sử dụng rất nhiều trong VBPL (có lẽ với mức độ cao nhất trong các loại hình văn bản tiếng Việt). Chức năng chủ yếu của dấu chấm phẩy là chính xác hoá quan hệ giữa các vị ngữ, bổ ngữ, định ngữ, hoặc các vế câu. Ví dụ (phân biệt các vị ngữ) : Báo chí ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội ; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội ; là diễn đàn của nhân dân. (Luật báo chí (1999), điều 1) Toàn bộ “Hiến pháp” (1992) sử dụng 125 lần dấu chấm phẩy/ 308 câu, tỷ lệ xấp xỉ 0,41. Luật báo chí (1999) sử dụng 54 lần dấu chấm phẩy/ 85 câu, tỷ lệ xấp xỉ 0,63. Trong trường hợp đặc biệt, dấu chấm phẩy còn được sử dụng để phân biệt các chủ ngữ. Ví dụ : Tiêu chuẩn cụ thể của Thẩm phán, Hội thẩm quân nhân của Toà án quân sự mỗi cấp ; thủ tục tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán, cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm quân nhân ; tổ chức và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán ; quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán, Hội đồng quân nhân do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định. (Pháp lệnh tổ chức toà án quân sự (1993), điều 27) Cũng nhằm để chính xác hoá, VBPL thường dùng cách liệt kê các thành phần đồng chức theo lối đánh số thứ tự 1, 2, 3,… hoặc a, b, c,… Lối liệt kê này có tác dụng làm nổi rõ các mục, các khoản và phân biệt rõ ràng chúng với nhau. Ví dụ : Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây : 1- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc ; 2- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc ; 3- Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự. (Bộ luật dân sự (1993), điều 657) Lối liệt kê đánh dấu thứ tự thuận tiện cho việc quy chiếu từ điều này sang điều khác, từ VBPL tới việc thi hành. NNLP gọi đó là sự “viện dẫn”. Việc đánh số các điều trong luật cũng nhằm mục đích tương tự. 3) Xác định chặt chẽ nội dung sự kiện đề cập trong câu từ phương diện pháp lý Khi sự kiện được đề cập trong một câu thì luôn hàm chứa cùng với nó một tính chất, một phạm vi, một cách thức, một phương tiện, mục đích, ý nghĩa,… nào đó mà sự kiện luôn hướng tới. Vì thế, để chính xác, trong trường hợp cần thiết, VBPL dùng các cách thức khác nhau để hạn định (một cách tường minh) những nội dung này lại. Cách thức phổ biến nhất là dùng các thành phần phụ để hạn định nội dung sự kiện về mặt pháp lý. Thành phần phụ thường dùng là trạng ngữ. Ví dụ : – Người lao động có quyền đình công theo quy định của pháp luật. (Bộ luật lao động (1994), điều 7) – Toà án nhân dân vàViện kiểm sát nhân dân Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong phạm vi và chức năng của mình, có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa,…(Hiến pháp (1992), điều 126). Thành phần phụ chú cũng hay được dùng để bổ sung cách hiểu chính xác một điều khoản pháp lý nào đó (đề phòng trường hợp hiểu quá rọng hoặc quá hẹp – xem thêm ở mục I.1). Ví dụ : Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản, trừ trường hợp cần thiết do Thủ tướng Chính phủ quyết định. (Luật xuất bản (1993), điều 2) Cách diễn đạt theo lối điều kiện cần và đủ cũng hay vận dụng để làm nội dung đề cập được chính xác cao. Ví dụ : Khi bán đấu giá, người bán đấu giá công bố giá bán khởi điểm. Người trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm là người được mua tài sản bán đấu giá và được coi là đã chấp nhận hợp đồng. (Bộ luật dân sự (1995), điều 454) theo độ giảm dần về tính chính xác
Tính chính xác của ngôn ngữ có thể chia làm 2 loại mà chúng tôi tạm gọi là : chính xác về mặt biểu hiện và chính xác về mặt biểu thị. Ngôn ngữ văn chương là loại hình ngôn ngữ chính xác nhất về mặt biểu hiện. Tính chính xác của nó không cùng phạm trù với tính chính xác của các loại ngôn ngữ thường, bởi vì ngôn ngữ văn chương là thứ ngôn ngữ cách điệu hoá, nghệ thuật hoá. Ngôn ngữ hành chính là loại ngôn ngữ chính xác cao nhất về mặt biểu thị. Và NNLP lại là dạng ngôn ngữ chính xác nhất của ngôn ngữ hành chính. Tìm hiểu các đặc trưng của NNLP sẽ giúp chúng ta rút ra những bài học quý giá cho công cuộc giữ gìn và phát triển tiếng Việt theo xu hướng hiện đại hoá. Bài viết này có thể coi như một đóng góp nhỏ cho những nhiệm vụ chuẩn hoá phong cách ngôn ngữ tiếng Việt theo hướng vừa nói. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1.Cao Xuân Hạo,1991. Tiếng Việt, sơ thảo ngữ pháp chức năng, NXB KHXH. 2.Cù Đình Tú,1994. Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, NXB GD. 3.Đinh Trọng Lạc,1999. Phong cách học tiếng Việt, NXB GD. 4.NXB chính trị Quốc gia, 1998, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt 5.NXB chính trị Quốc gia, 1999, Các luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt 6.Phạm Hồng Thái, Đinh Xuân Mậu,1996. Đại cương Nhà nước và Pháp luật, NXB tp HCM. 7.Nguyễn Ngọc Điệp,1999. 1.200 thuật ngữ pháp lý Việt 8.Nguyễn Thái Bình, Trần Thái Dương,1996. 100 câu hỏi lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, NXB Công an nhân dân.
Chú thích : (1) : giả định : điều kiện, hoàn cảnh xuất hiện quyền, nghĩa vụ hoặc trách nhiệm pháp lý. |
Cập nhật ( 05/03/2012 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com